Không Phải Vì An Lạc – Mà Tu Tập Miệt Mài – Khemārāma

Khemārāma  - Tịnh An Lan Nhã

 

Không phải vì an lạc
Mà tu tập miệt mài
Khi giáp mặt cuộc sống
Thấy khổ, không mới tài.
HT. Viên Minh.[1]

Đức Thế Tôn là bậc đã hoàn toàn giác ngộ chân lý, giáo pháp được thuyết giảng bởi ngài là liều thuốc trị bệnh phiền não của chúng sanh và chư Thánh – Hiền tăng là những con người đã và đang thực hành giáo pháp ấy. Đạo Phật ra đời để chỉ cho chúng sanh còn phiền não thấy ra sự thật (Sacca), chứ không phải hướng con người từ mê muội đến chứng đắc bất kỳ điều gì. Cho nên, trong kinh Ví dụ con rắn (Alagaddūpama Sutta – Trung Bộ Kinh), đức Chánh Biến Tri đã dạy như sau:

“Chư Tỷ-kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ”.
Pubbe cāhaṃ, bhikkhave, etarahi ca dukkhañceva paññāpemi, dukkhassa ca nirodhaṃ.

          Giáo pháp được chỉ dạy bởi đức Thế Tôn có một mục đích duy nhất là hướng đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn.[2] Điều đó có nghĩa là sự xả ly chính là kim chỉ nam của con đường này và đạo Phật có nghĩa là sự gột rửa, sự bào mòn, sự tẩy xóa,  sự buông bỏ đi những cấu uế của tâm. “Đoạn tận Lậu hoặc” là từ ngữ luôn được nhìn thấy trong các bản kinh Nikāya. Một khi các phiền não từ thô đến tế được đoạn tận, lúc này “Minh (Vijjā)” sẽ tự động sáng soi. Ví như một người bật đèn công tắc đèn trong phòng tối, ánh sáng sẽ tự xuất hiện. Ánh sáng không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi, ánh sáng do duyên sanh, duyên ở đây là có sự mở công tắc. Tương tự như vậy, “giác ngộ sự thật” không tự sinh ra và mất đi, nó là kết quả của sự gột rửa hoàn toàn các phiền não. Cho nên, thiền sư Ajahn Chah có dạy: “Từ bỏ ít, bình an ít; từ bỏ nhiều, bình an nhiều; từ bỏ hoàn toàn, bình an hoàn toàn”.

          Ngày nay, nhiều người vẫn lầm tưởng tu là để chứng cái gì, để đắc cái gì, để sanh lên cõi này cõi kia. Tất cả chỉ là vô minh ái dục, là ảo tưởng vọng cầu. Bởi vì bản chất của tâm chúng sanh là chói sáng,  việc cần làm của hành giả tu tập là quay trở lại với bản tâm chói sáng đó, như đức Phật đã đề cập trong kinh Tâm Đặt Sai Hướng (Sūka Sutta)[3] như sau:

“Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói, nhưng bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào”.
Pabhassaramidaṃ, bhikkhave, cittaṃ. Tañca kho āgantukehi upakkilesehi upakkiliṭṭhan”ti.

          Cho nên, tu tập không phải vì để đạt được sự an lạc. Ngoài Niết Bàn là lạc tối thượng (paramaṃ  sukkhaṃ) ra, tất cả các sự an lạc khác thuộc thế gian đều có bản chất vô thường, khổ não và vô ngã. Khi an lạc đã có được không trở lại, ta sẽ cảm giác đau khổ. Khi an lạc có được và tâm hành giả vẫn còn phiền não, sự khen mình chê người sẽ dễ khởi sanh: “ta đây có an lạc, các bạn đồng tu khác không có an lạc”. Làm từ thiện, bố thí cúng dường để “xả ly tham, trang nghiêm tâm” – đó chính là chánh tư duy. Bởi thế, khi ngài Sāriputta hỏi có những người bố thí được quả lớn, lợi ích lớn và những người khác thì không, đức Thế Tôn đã dạy một người bố thí với chánh trí tuệ rằng ta bố thí chỉ để trang nghiêm tâm, để trang bị tâm mà không có bất cứ một sự mong cầu nào, một sự mong muốn được hưởng thụ nào trong tương lai thì vị ấy có thể chứng được quả vị Bất Lai, không bao giờ trở lui lại đời này nữa.[4]

          Bản chất giới luật sinh ra là để ngăn ngừa những thân hành sai lạc chưa phát sanh, bởi vậy giới chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng được gọi là giới uẩn[5]. Thời gian đầu, đức Phật không quy định cho giới luật cho các vị Tỳ-khưu. Khi các thân hành bất thiện được loại bỏ, vị hành giả đạt được giới thanh tịnh. Thiền tứ niệm xứ được đức Phật nhằm mục đích thanh lọc chúng sanh (maggo sattānaṃ visuddhiyā)[6], khi chúng sanh được thanh tịnh các khổ ưu, chánh trí sẽ tự thành tựu. Bởi thế cho nên, căn bản của giáo pháp này là để loại bỏ những phần thừa – vô minh, ái dục, cái tinh hoa còn lại chính là sự giác ngộ. Auguste Rodin là nhà điêu khắc người Pháp rất nổi tiếng. Có người hỏi ông bí quyết điêu khắc, ông nói rằng: "Đem về một tảng đá, bỏ đi cái thừa, phần còn lại là tác phẩm." Phật là gì? Là gọt bỏ đi cái thừa, cái còn sót lại được gọi là Phật.[7]

          Nói tóm lại, đạo Phật không phải hướng con người đến sự an lạc mà là thấy ra sự thật. Chư Phật từ bi sẽ không bao giờ bắt tội. Đạo Phật lấy giác ngộ làm đầu chứ không phải phước hay tội. Nếu một người phạm trọng tội nhưng người đó thấy ra sự thật một cách triệt để từ lí thuyết đến thực tế và khiếp sợ lỗi lầm thì có phải vẫn tốt hơn không thấy ra sự thật và sống trong hoàn toàn lý thuyết. Lỗi lầm đã tạo thì phải trả giá đó là điều không thể tránh khỏi. Sám hối chỉ là sự phát lồ lỗi lầm đã tạo ra và ngăn ngừa sự tái phạm trong tương lai. Chấp nhận nghiệp cũ như nó đang là một cách bình thản nhất và không khởi tạo nghiệp mới. Nước mắt đầy rồi lại với mới chính là những lời khai thị thực sự trong cuộc luân hồi này.

[1] Trích từ Trung Tâm Hộ Tông (trungtamhotong.org).

[2] Tiểu Kinh Māluṅkya (Cūḷamāluṅkya Sutta), Trung Bộ Kinh.

[3] Tăng Chi Bộ Kinh, Chương 1 pháp.

[4] Kinh Bố Thí (Dānamahapphala Sutta), Tăng Chi Bộ.

[5] Tiểu Kinh Phương Quảng (Cūḷavedalla Sutta), Trung Bộ.

[6] Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta), Trường Bộ.

[7] Nguyên Liệu Canh Chua, Sư Toại Khanh, toaikhanh.com.

Saturday March 18, 2023
Tags : new
Các bài viết khác :