Tịnh Tâm An Trú Đạo Mầu
Lan Nhã Tĩnh Mặc Lối Vào Chân Như
Khemārāma ( hay Tịnh Lan Nhã) là tên gọi của một trú xứ đang được xây dựng để tạo điều kiện cho những người nữ muốn tu học theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy tại Việt Nam.“Khema” có nghĩa là thanh tịnh, bình an, tĩnh lặng. Trạng thái an tịnh nhất chính là Niết Bàn, mà hầu như mỗi người con Phật đều hướng đến. Trong bộ tự điển Abhidhanapadipiha có 40 từ đồng nghĩa với Niết Bàn, trong đó có từ “Khema”.
Khemā còn là tên của vị Thánh Ni thời Đức Phật. Bà đứng đầu trong Ni giới về phương diện trí tuệ. Trước khi xuất gia, bà là một bậc thiên hương quốc sắc và là Hoàng hậu khả ái của Vua Bimbisāra.Nhà vua là một trong những đệ tử tại gia đầu tiên của Đức Phật và cũng là người dâng cúng tịnh xá đầu tiên đến Ngài và chư tăng. Nhưng Hoàng hậu thường tránh né việc đến diện kiến Đức Phật vì bà thường nghe rằng Ngài hay giảng về sư phù phiếm của sắc đẹp. Ngài còn luôn khuyên các đệ tử quán tưởng về sự bất tịnh của thân. Nhà vua vốn là một Phật tử thuần thành, thấm nhuần giáo lý Đức Phật nên muốn những người thân yêu của mình cũng được diện kiến Ngài và học hỏi lối sống thật sự hạnh phúc nơi Ngài.
Biết Hoàng hậu Khemā cố tình tránh né không gặp Đức Phật vì sợ Ngài chỉ trích nhan sắc của mình, nhà vua cho vời các thi sĩ, nhạc sĩ sáng tác những thi phẩm, nhạc phẩm ca ngợi cảnh yên bình, tĩnh lặng của Tịnh Xá, hạnh Từ Bi và Trí Tuệ của Đức Phật cùng với nếp sống thanh tịnh, hài hòa của chư tăng. Vì lòng hiếu kỳ muốn thấy những những điều kì diệu nghe được trong bài hát, bà đã cùng nhà vua đến Tịnh xá Trúc Lâm. Chính trong chuyến viếng thăm đầu tiên đó, khi nghe và thấy bài pháp sống động về sự vô thường của tấm thân ngũ uẩn mà Đức Phật đã dùng thần thông để giáo hóa cho bà, Hoàng hậu Khemā đã chứng đắc đạo quả A-la-hán ngay tại chỗ ngồi. Bà không trở về hoàng cung mà ở lại Tịnh xá làm một vị Tỳ-kheo ni sống đời Phạm hạnh. Bà đã trở thành tấm gương sáng ngời cho các thế hệ mai sau.
Chính vì muốn nhắc nhở các bậc nữ lưu về khả năng tư học và chứng đắc của vị Thành ni tiền bối tên Khemā, cũng như mong rằng những người đến đây sẽ an trú trong bình an, thanh tịnh, mà trú xứ này có tên gọi “Khema”, dịch sang tiếng Việt là TỊNH AN.
Ārāma, trong tiếng Pāli, có nghĩa là một khu rừng hay một khu vườn yên tĩnh, mát mẻ, có cốc liêu cho chư Tăng, Ni cư ngụ và hành Thiền. Khu vườn rộng một mẫu ở huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, có những cây ăn trái như xoài, nhãn, mít,…Bên trong có ngôi chánh điện tuy nhỏ bé nhưng trang nghiêm; những cốc liêu tuy đơn sơ nhưng yên tĩnh. Đây có thể sẽ trở thành một trú xứ thích hợp cho những ai muốn trở về quán chiếu thân tâm.
Khemārāma ( Tịnh An Lan Nhã) đang được hình thành với tâm nguyện như vậy. Rất mong được sự góp tay chung sức của chư Tôn Đức và quý Phật Tử xa gần. Nơi này sẽ là một trú xứ an tịnh cho Phật tử nghiên cứu Pháp học và thực tập Pháp hành, nối tiếp huệ mạng của chư Phật, chư Tổ và góp phần trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh.
* Bài kệ mà Đức Phật đã dạy cho Khemā được trích dẫn trong bộ Ký sự Trưởng Lão Ni thuộc Tiểu Bộ kinh như sau:
Khemā, hãy nhìn thân cấu tạo,
Chịu bệnh tật, bất tịnh, già nua,
Chảy ra nhiều thứ uế phàm,
Người ngu thích thú nghĩ rằng đẹp xinh.