Hỏi Đáp Thiền Với HT. Viên Minh

 

 

Lá Thư Thầy Viên Minh trong mùa đại dich Corona Virus 2020 - Tin Tức - THƯ  VIỆN HOA SEN

 

Câu hỏi:

Dạ thưa Thầy,
Dạo gần đây con ít ngồi thiền hơn rồi thỉnh thoảng con lại trách mình không tinh tấn. Nhưng nhìn lại con nghĩ việc tự trách mình như vậy cũng chỉ là bản ngã của con. Nếu trong con khởi lên mâu thuẫn, giằng co, đối kháng con chỉ cần nhận biết nó cũng là thiền rồi phải không ạ? Thật vô lý khi con muốn ngồi thiền để tìm an lạc hay để nhìn thấy thứ gì vi tế. Nếu tâm con thô thiển thì chính sự thô thiển đó là đối tượng của thiền trong cuộc sống chứ đâu cần thấy thứ gì đó vi tế. Theo con hiểu nếu con đủ tinh tấn mà quay về với thực tại trong đời sống thì cũng là tốt rồi phải không ạ? Con xin Thầy chỉ dạy cho con.
Con xin chuyển khoản cúng dường Thầy và chư Tăng trong chùa ạ.
Con cảm ơn Thầy.

Trả lời:

 Sādhu lành thay! Con thấy đúng. Mọi thứ diễn ra trong đời sống đều là đối tượng của thiền, không cứ gì phải chọn một để mất tất cả.

Câu hỏi:

Thưa Thầy, con muốn hỏi về kinh nghiệm thiền. Có phải khi thiền định, mà ngồi không thì dễ rơi vào lan man, hôn trầm, hay có khi có ma nhập vào không ạ? Có phải liên hướng sang thiền giải công án để không gặp tình trạng đó?
Con cảm ơn Thầy ạ!

Trả lời:

Thiền gì không quan trọng, quan trọng là tâm thiền có đủ thanh tịnh trong sáng để thấy rõ thực tại hay không mà thôi.

 

Câu hỏi:

Con chào Thầy. Thầy cho con hỏi, hôm qua con ngồi thiền 1 lúc con thấy như không có thân thể, toàn bộ xung quanh đều rỗng không, bên trong bên ngoài không có ngăn cách, có gió mát con vẫn biết. Con không biết như vậy là gì, mong thầy chỉ điểm cho con. Con xin tri ân công đức Thầy.

Trả lời:

Vậy là tốt. Vì thực ra khi tâm rỗng lặng trong sáng thì chỉ còn tánh biết tự chiếu, không còn khái niệm có-không, trong-ngoài gì cả.

 

Câu hỏi:

Kính thưa Thầy,
Cuộc sống áp lực làm con mệt mỏi, khó ngủ. Rồi con đọc được bài báo nói về tác dụng của Thiền. Vậy là con tìm học Thiền với mục đích là dành chút thời gian cho bản thân nhẹ nhàng, thư giãn chứ không để bị cuốn vào guồng xoáy của cuộc sống.
Và con gặp được lớp Thiền Trường Sinh Học hay gọi là Thiền Chữa Bệnh (Phương pháp: ngồi nằm gì cũng được, nhắm mắt và để ý đến Luân Xa 7 trên đỉnh đầu).
Trước khi đến học con không hề biết gì về Thiền cả. Vào học họ nói phải học từng lớp và được mở luân xa rồi có thể chữa bệnh cho mình và người khác. Nhưng con không biết và cũng không quan tâm hay để ý đến việc mở luân xa hay trị bệnh vì con chỉ tập trung vào mục đích của bản thân tại sao lại học thiền thôi. (con cũng không biết luân xa là gì, mở luân xa là sao).
Rồi con học rất nghiêm túc và ngồi thiền hàng ngày không ngắt quãng (tối thiểu 30ph/ngày). Học được gần 2 năm là con học hết lớp 5, đã được mở hết 6 luân xa (cả âm và dương) và đã được tẩy trường.
Từ khi có duyên biết và nghe rất nhiều bài giảng pháp của thầy con đã tự ngưng không ngồi Thiền Trường Sinh Học nữa. Nhưng hàng ngày có nhiều lúc con thấy rõ luân xa 7 nó vẫn cứ nhận năng lượng rần rần và Tất cả những lúc mà con tập trung làm việc gì thì luân xa 7 nhận năng lượng rất mạnh và rất rõ Giống y như lúc con ngồi thiền.
Thầy cho con hỏi giờ con đã ngưng không thiền mà luân xa 7 vẫn hoạt động nhận năng lượng vậy có sao không Thầy?
Hôm nay con nghe bài giảng Thầy trả lời 1 người hỏi về Thiền Chữa Bệnh. Thầy nói luân xa là không nên mở hãy để tự nhiên. Nhưng trước khi được nghe lời thầy giảng con không hề biết và đã để họ khai mở hết 6 luân xa cho con rồi. Vậy có sao không Thầy? Giờ con phải làm gì xin thầy chỉ cho con?
Con Thành Kính Tri Ân Thầy.

Trả lời:

Thiền chủ yếu là rõ biết chính mình và cuộc sống trong hiện tại để không bị cuốn trôi theo vô minh ái dục chứ không phải để thủ đắc bất cứ điều gì, vì ham muốn đạt được điều gì như ý mà quên đi thực tại chính là vô minh ái dục. 

Khi một người sống đúng tốt đến một mức độ nào đó thì luân xa tương ứng tự mở. Giống như đến tuổi nào thì tự mọc răng chứ không ai muốn có răng sớm đem trẻ đi trồng răng cả.

Bây giờ con chỉ cần thường chánh niệm tỉnh giác, rõ biết điều gì xảy ra trong hiện tại nơi thân-thọ-tâm-pháp là được, bởi vì đã mở cửa nhà mình hết mà không cảnh giác thì ăn trộm sẽ vào. Thường nghe pháp thoại cũng là cách hoá giải những nguy hiểm rình rập.

 

Câu hỏi:

Con thành kính đảnh lễ Thầy,
Thưa Thầy, con thường xuyên nghe Pháp thoại và thực hành theo hướng dẫn của Thầy đó là Tinh Tấn, Chánh Niệm, Tỉnh Giác ứng ra tùy mức độ. Gần đây con đã gặp trạng thái khác lạ này 3 lần, lần này con xin trình với Thầy như sau ạ: trước khi đi ngủ con nằm buông xả, thư giãn khoảng 20 phút thì đi vào giấc ngủ. Nhưng hôm trước con cũng buông xả như thế thì bỗng nhiên con thấy toàn cơ thể như bị co các lỗ chân lông lại, rõ ràng là con thấy gió ở đâu cứ thổi vù vù quanh người con theo từng đợt khoảng vài phút, con hoàn toàn tỉnh thức và rõ biết, con chỉ lặng lẽ quan sát sự sinh diệt như vậy cho đến khi con trở mình thì hiện tượng đó không còn.
Con mong Thầy khai thị cho con ạ.
Con thành kính tri ân Thầy.
Con.

Trả lời:

Đó là trường hợp tự vận động của khí khi con thư giãn buông xả hoàn toàn. Trong khí công gọi là đắc khí. Trong thiền định đó là một hiện tượng hỷ lạc. Con chỉ quan sát và rõ biết thì không sao, đừng sợ hãi hay thích thú là được.

Câu hỏi:

Kính thưa thầy
Đối tượng thiền là sự tĩnh lặng trong sáng thì có đúng không?

Trả lời:

Đúng. Đó là 1 trong 10 đối tượng thiền quán niệm gọi là niệm tịch tịnh.

Câu hỏi:

Kính thầy. Con cảm thấy thiền tập mang đến nhiều cảm giác mong đợi hơn là cứ sống mà thấy được thì thấy. Thì con có nên thiền ko ạ. Con xin đảnh lễ thầy. Trong câu hỏi đợt trước con đã hiểu được 1 chút sự tương giao mà thầy nhắc nhở. Con hằng ngày vẫn nghe những pháp thoại thầy giảng. Được nghe được biết được hồi âm thắc mắc của mình là phước lành mà con có được. Con từ xa xin đảnh lễ thầy.

Trả lời:

Thiền thực ra là soi sáng chính mình trong cuộc sống. Sống tự nhiên trong thấy biết sự thật như nó đang là. Nếu thiền là phải nỗ lực với nhiều "cảm giác mong đợi" thì còn tệ hơn cả sống buông thả kiểu "hiện sinh" hay hippy.

Câu hỏi:

Dạ bạch Sư cho con được hỏi
Con ngồi thả lỏng, chú tâm vào cảm giác ở bụng, một lúc thì có cảm giác một dao động bắt đầu nãy sinh (cảm giác như người ta đạp xe máy cho nó nổ vậy), sau đó phần trên cơ thể con bắt đầu dao động, lắc, con để ý quan sát thì nó vẫn lắc rất đều, càng buông lỏng thì biên độ lắc càng lớn, khởi ý dừng lại thì cảm thấy thân đứng yên, nhưng theo dõi hơi thở 1 chút thì vẫn lắc lại như cũ.
Mong Sư hướng dẫn giúp con.

Trả lời:

 Đó là phản ứng của khí trong con động lên khi con cố giữ yên hay an trú nó lại. Khi đó khí đang muốn tự an bằng cách tự giải toả áp lực để an theo cách của nó. Thực ra nó do tưởng sinh nên khi khởi ý dừng lại thì nó liền đứng yên.

Câu hỏi:

Mô Phật thưa sư. Xin sư cho con hỏi khi con ngồi thiền thì con bị ngáp liên tục, mặc dù con không buồn ngủ, con không bị tưởng tượng đâu ạ. Nó ngáp tự nhiên con không cố ý để ngáp ạ. Con xin cảm ơn sư ạ.

Trả lời:

Nguyên do là chưa nắm vững nguyên lý thiền nên khi ngồi bị áp lực, thiếu sinh khí và sự thoải mái tự nhiên mà cứ nỗ lực mới sinh ra căng thẳng.

Câu hỏi:

Thầy ơi, thấy cho con hỏi làm sao để ứng dụng thiền vào việc học ngôn ngữ khác vậy thầy. Con đang học tiếng Nhật ạ.

Trả lời:

Sáng suốt biết mình đang học tiếng Nhật là thiền rồi còn gì nữa. 

Câu hỏi:

Thưa Thầy,
Con hay hành thiền và mỗi lần ngồi từ 1 đến 2 tiếng. Ban đầu con cảm thấy an lạc, kế đến là trạng thái khó chịu, sau đó quán sát nó một lúc con lại thấy an lạc, và cuối cùng cảm giác khó chịu lại đến cho đến lúc con ngồi không được nữa con mới mở mắt ra. Đến 10 phút sau con mới ngồi lại được như lúc đầu.
Con xin hỏi Thầy, trạng thái khó chịu đó là do đâu (vì lúc ngồi con ít khi vọng tưởng) và làm sao để vượt qua nó?

Trả lời:

Ngồi thiền mục đích để thấy ra mọi trạng thái và động thái nơi thân tâm chứ không phải để an lạc, vì vậy khi an lạc con chỉ thấy an lạc ra sao, khi khó chịu con thấy khó chịu như thế nào thế thôi, không có gì để vượt qua cả. Nếu có vượt qua thì chỉ vượt qua ý muốn vượt qua đó mà thôi. 

Câu hỏi:

Con chào Thầy
Cho con gửi lời chúc sức khoẻ đến Thầy. Thầy cho con hỏi khi ngồi Thiền con thấy chỉ cần khởi lên một ý nghĩ muốn xem một đề mục nó như thế nào thì con cảm thấy tâm nặng nề hơi thở nhanh và mạnh hơn, nhưng khi cứ để kệ tự nhiên thì lại nhìn thấy được mọi thứ rõ ràng, nhưng cảm giác để tự nhiên và cảm giac muốn thấy nó hay bị đan xen lẫn nhau liên tục làm con rất khó ngồi thiền được lâu. Thầy cho con một lời khuyên ạ. Con cám ơn Thầy.

Trả lời:

Thiền chủ yếu là thấy pháp tánh tự nhiên, do đó thấy pháp đến đi tự nhiên tốt hơn cố ý thấy. Tuy nhiên cố ý thấy (chủ quan) khác với hướng tâm thấy đúng (khách quan). Thấy đối tượng tự nhiên và hướng tâm thấy khách quan đều được.

Câu hỏi:

Thưa thầy, khi con ngồi thiền người thường bị nóng lên, lúc xả thiền thì hết nóng, như vậy có sao không thầy, làm sao để không bị nóng? Kính thầy.

Trả lời:

 "Tịnh dĩ chế nhiệt" nhưng con nóng lên là vì chưa tịnh. Con cố gắng quá khả năng của mình nên mới nóng lên, giống như người cố chạy nhanh dễ nóng lên so với người đi thong thả tự nhiên.

Câu hỏi:

Thưa thầy, Con thấy nhiều chỗ cho thực hành thiền bằng cách "dẫn thiền", tức là người hướng dẫn đọc lời dẫn để người thực hành thực hành theo. Con không biết cách này có những rủi ro gì không ạ? Con mong thầy giảng thêm giúp con. Con kính xin cảm ơn thầy.

Trả lời:

Hướng dẫn trước khi thiền hay trong khi thiền không phải là vấn đề, mà hướng dẫn đúng hay sai mới là vấn đề. Hướng dẫn đúng nguyên lý tự nhiên thì rất tốt, hướng dẫn theo phương pháp chế định chủ quan của Thiền sư mới nhiều rủi ro tai hại.

Câu hỏi:

Bạch Thầy, trong thiền có hai từ "Vi tế". Xin Thầy giải thích cho con Vi tế nghĩa là gì? Cảm ơn Thầy.

Trả lời:

Vi tế nghĩa đen là nhỏ li ti nhưng sắc sảo, tinh tế, phản nghĩa với thô thiển. Trong Thiền ám chỉ chân tánh sâu sắc, tinh vi chứ không thô thiển như hiện tướng hay khái niệm bề ngoài, nên cần phải tinh tế mới nhận ra.

 

 

Thursday December 2, 2021
Các bài viết khác :