Nguồn: Mingun Sayadaw, Đại Phật Sử (Mahā Buddhavaṃsa), TK. Minh Huệ dịch Việt
(1) Quán xét về những đau khổ trong các khổ cảnh (Apaya bhaya paccavekkhanata):
Sự tinh tấn sẽ phát khởi trong người có sự suy xét như vầy: “Nếu ta suy giảm tinh tấn thì ta có thể bị đọa vào các khổ cảnh. Trong bốn khổ cảnh, nếu ta bị rơi vào địa ngục, ta sẽ lãnh thọ nhiều đau đớn của nhiều cực hình khủng khiếp. Hoặc nếu ta bị đọa vào cõi súc sanh, ta phải chịu hình thức ngược đãi của con người. Hoặc nếu ta bị sanh làm ngạ quỷ (peta-loka) thì ta sẽ bị đói khát lâu dài suốt thời kỳ giữa hai vị Phật. Hoặc nếu ta bị sanh vào hội chúng A-tu-la (asura loka), với thân hình khổng lồ, cao sáu mươi đến tám mươi hắc tay nhưng chỉ có da và xương mà thôi, ta phải thọ lãnh cái khổ nóng, lạnh và gió. Nếu bị rơi vào một trong bốn đọa xứ này, ta sẽ không còn cơ hội để tu tập Tứ Chánh cần. Kiếp sống này là cơ hội để tu tập Tứ Chánh cần. Kiếp sống này là cơ hội duy nhất để ta phát triển tinh tấn.”
(2) Nhận biết những lợi ích phát sanh từ sự tinh tấn (Ānisamsadassāvitā):
Sự tinh tấn sẽ phát sanh trong người, nhờ xét lại và thấy những lợi ích của tinh tấn, đã thấy như vầy: “Người lười biếng không bao giờ có thể thoát ra khỏi vòng luân hồi (saṃsāra) và chứng đắc các tầng Đạo Quả, chỉ những người siêng năng mới có thể chứng đắc những pháp ấy. Kết quả lợi ích của sự tinh tấn là chứng đắc các tầng Đạo Quả mà rất khó giác ngộ được.”
(3) Suy xét lại con đường mà có người đã đi qua (Gamanavīthi paccavekkhanatā):
Tinh tấn sẽ phát khởi và Tăng trưởng trong người có sự suy xét như vầy: “Tất cả chư Phật, chư Độc giác và chư Thinh văn đệ tử Phật đều giác ngộ mục tiêu tối thượng nhờ đi theo con đường tinh tấn. Sự tinh cần là con đường ngay thẳng được các bậc Thánh đi qua. Kẻ lười biếng không thể đi theo con đường này, chỉ có những người siêng năng mới đi vào con đường này.”
(4) Tôn trọng vật thực cúng dường của thiện tín (Piṇḍapātāpacāyanatā):
Yếu tố này là mối quan tâm đặc biệt của các vị tỳ khưu. Sự tinh tấn sẽ phát triển trong người biết xem trọng vật thực do thiện tín dâng cúng bằng cách suy xét như vầy: “Những thiện tín này không phải là quyến thuộc của ta. Họ cúng dường vật thực đến ta không phải vì họ muốn kiếm sống nhờ vào ta. Họ làm như vậy chỉ vì phước sẽ phát sanh do sự cúng dường đến Tăng. Đức Phật không cho phép chúng ta ăn vật thực bố thí một cách khinh suất, vô trách nhiệm hoặc để sống cuộc sống nhàn nhã. Ngài cho phép các vị tỳ khưu dùng nó chỉ vì mục đích thực hành pháp để thoát khỏi luân hồi. Vật thực bố thí không phải dành cho kẻ lười biếng. Chỉ những người siêng năng mới xứng đáng thọ lãnh nó”.
(5) Quán về tánh chất cao quý của sự thừa tự (Dāyajjamahatta paccavekkhanatā):
Tinh tấn sẽ phát triển trong người có sự quán xét như vầy: “Di sản của Đức Phật được gọi là ‘tài sản của những bậc giới đức’ mà đệ tử của Đức Phật tiếp nhận, gồm có bảy loại - đức tin (saddhā), giới (sīla), sự học hỏi (suta), sự dứt bỏ (cāga), trí tuệ (paññā), hỗ thẹn tội lỗi (hiri) và, ghê sợ tội lỗi (ottappa) Những kẻ lười biếng không thể thừa hưởng di sản của Đức Phật. Cũng như những đứa con hư đốn bị cha mẹ từ bỏ thì không được thừa hưởng gia tài. Cũng vậy những kẻ lười biếng không thể thọ nhận tài sản của những bậc giới đức là di sản từ Đức Phật. Chỉ những người siêng năng mới xứng đáng thọ hưởng của thừa tự này.
(6) Quán về tánh cao quý của Đức Phật, bậc Đạo sư (Satthumahatta paccavekkhanatā):
Sự tinh tấn sẽ phát triển trong người có sự quán xét như vầy: “Bậc Đạo sư của ta là Đức Phật, rất cao quý đến nổi mười ngàn thế giới đã rung chuyển vào lúc Ngài nhập thai (khi còn là Bồ-tát trong kiếp cuối của Ngài), khi Ngài từ bỏ thế gian, khi Ngài thành đạo, khi Ngài Chuyển pháp luân, khi Ngài thị hiện Song thông tại Sāvatthi để nhiếp phục ngoại đạo, khi Ngài đi xuống từ cung trời Đao lợi, khi Ngài từ bỏ thọ hành (Āyusaṅkhāra) và khi Ngài viên tịch. Là đứa con của một vị Phật như vậy, ta có nên dể duôi, lười biếng mà không tự mình cố gắng thực hành giáo pháp của Ngài không?”
(7) Quán tánh cao quý của dòng phái của mình (Jāti mahatta paccavekkhanatā):
Tinh tấn sẽ phát triển trong người có sự quán xét như vầy: “Dòng dõi của ta không phải là thấp hèn. Ta có tổ tiên là vị vua đầu tiên Mahāsammata thuộc giai cấp thượng đẳng và thuần chủng. Ta là anh em của Rāhula, cháu nội của vua Suddhodana và Hoàng hậu Mahā Māyā ở hoàng cung của vua Okkāta, là một trong những người con cháu của vua Mahāsammata, Rāhula là con trai của Đức Phật. Từ khi ta trở thành con của Đức Phật thuộc dòng Sakya, chúng ta là anh em, đã trở thành người của dòng tộc cao quý như vậy, ta không nên sống cuộc sống lười biếng mà phải tinh tấn thực hành giáo pháp cao thượng.”
(8) Quán tánh cao quý của những bậc phạm hạnh trong Tăng chúng (Sabrahmacārīmahatta paccavekkhanatā):
Sự tinh tấn sẽ phát triển trong người có sự suy xét như vầy: “Những bậc phạm hạnh trong chúng Tăng của ta, tôn giả Sāriputta và Mahā Moggallāna cũng như tám mươi vị Đại đệ tử, là những bậc đã thực hành giáo pháp cao thượng, đã chứng ngộ các thánh Đạo và thánh Quả. Ta nên thực hành theo con đường của các bậc phạm hạnh ấy.”
(9) Tránh xa những kẻ lười biếng (Kusīta puggala parivajjanata):
Tinh tấn sẽ phát triển trong người tránh xa những kẻ lười biếng - những người không chịu làm các thiện nghiệp về thân, ngữ và ý, chỉ nằm lăn ra ngủ như con trăn đã ăn no bụng.
(10) Thân cận với những người siêng năng, tinh tấn (Aradha vīriya puggala sevanatā):
Tinh tấn sẽ phát triển trong người thường thân cận với những bậc siêng năng và tinh tấn, nhiệt tâm tinh cần trong sự thực hành pháp. Những người có quyết tâm (pahitatta) một khi đã quyết định làm điều gì thì làm tới cùng (nếu chưa thành công vẫn kiên trì cho đến chết). Những người thiếu quyết tâm thì ngay khi mới bắt đầu công việc cũng do dự với ý nghĩ rằng: “Không biết làm việc này có thành công hay không?” Trong khi thực hiện một công việc, nếu mục đích khó thành đạt, người ấy thường thối chí với ý nghĩ rằng: “Dù ta có tiếp tục công việc, ta cũng không thể thành công.” Và như vậy họ từ bỏ tinh tấn.
(11) Có khuynh hướng phát triển tinh tấn trong cả bốn oai nghi (Tadadhimuttatā):
Tinh tấn sẽ phát triển trong người luôn luôn tự nhắc mình phải để tâm trong cả bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi.