Ý Nghĩa “Sám Hối” Trong Phật Giáo Nam Truyền

Source: Phatgiaonguyenthuy.com

 

Sám hối chỉ là bày tỏ sự nhận thấy lỗi lầm, ăn năn và sửa chữa để không phải tái phạm nữa. Như vậy, việc sám hối không thể nào hết tội, không thể nào giải hết các tội lỗi được, rõ ràng là như thế. Vì sao vậy? Sám hối hay sự bày tỏ lỗi lầm của mình chỉ là cách để mình thấy lỗi và cố gắng sửa chữa, không phạm tiếp sai lầm, ngăn ngừa tái phạm về sau, đó là sự chuyển hóa thân tâm hay tam nghiệp cho được thanh tịnh mà thôi.

Sám hối nghĩa là sự xưng tội, thú nhận tội. Khi chúng ta làm việc gì đó sai trái, rồi cảm thấy hổ thẹn, ăn năn với lỗi lầm đó, chúng ta hứa sẽ không tái phạm nữa, như thế là sám hối, phát lộ. Đối với các tôn giáo trên thế giới đều có cách để cho các tín đồ của mình xưng tội, phát lồ tội đã phạm chứ không phải chỉ có Phật giáo mới có việc sám hối. Còn nói theo dân gian, sám hối chính là xin lỗi vì lỗi lầm mình đã phạm. Riêng đối với Phật giáo Nam truyền, việc phát lồ là phận sự của vị Tỳ-khưu khi thấy lỗi mình đã phạm, phải đối thú, trình bạch tội mình đã phạm với vị đồng phạm hạnh khác, không được che giấu, nói ra lỗi của mình trước vị khác để cố gắng không tái phạm lỗi lầm nữa. Mục đích của sám hối hay phát lồ là như vậy. Phật giáo tại Việt Nam chúng ta thường vào ngày 15 hoặc 30 âm lịch hàng tháng, chư Phật tử thường tụ về chùa để tụng kinh sám hối, đây là một hoạt động rất phổ biến. Ban đầu, việc sám hối hay phát lồ này chỉ dành riêng cho các vị xuất gia mà thôi. Theo tinh thần giới luật Vinaya dành cho chư Tỳ-khưu thì mỗi tháng có hai ngày lễ hành Tăng sự Uposatha (Bố-tát), vị Tỳ-khưu phải nên hành lễ hằng tháng. Thể theo phong tục Ấn Ðộ thời xưa, mỗi tháng chia làm hai pakkha (nửa tháng): - Sukhapakkha: nửa tháng đầu trăng lên, bắt đầu từ ngày mồng 1 cho đến ngày rằm. - Kāḷapakkha: nửa tháng sau trăng xuống, bắt đầu từ ngày 16 cho đến ngày 29 cuối tháng thiếu, hoặc ngày 30 cuối tháng đủ. Các nước Phật giáo như Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia theo phong tục trên, nhưng ở nửa tháng sau thì được tính lại từ mồng 1 chứ không tính theo Việt Nam là ngày 16. Theo phong tục Việt Nam, trong một tháng không phân chia theo nửa tháng đầu và nửa tháng sau, mà chỉ kể theo tuần tự từ ngày 01 cho đến ngày 29 tháng thiếu hoặc 30 tháng đủ. Như vậy, hằng tháng tất cả Tỳ-khưu đều phải hành Tăng sự Uposatha hai ngày, vào ngày rằm và ngày 29 cuối tháng thiếu; hoặc ngày 30 cuối tháng đủ. Nếu Tỳ-khưu nào không hành Tăng sự Uposatha, vị ấy phạm āpatti dukkaṭa. Vào ngày này, Phật tử các nước quốc giáo cũng đến chùa làm phước, thọ trì bát quan trai giới, thính Pháp cả ngày, đôi khi ngủ đêm tại chùa cho trọn vẹn một ngày một đêm. Và rồi, từ từ ngày Bố-tát của chư Tăng cũng là cơ hội cho Phật tử đến chùa tụng kinh, thọ giới và thính Pháp mỗi tháng. Tuy nhiên, mình đến chùa tụng kinh sám hối không phải để mình hết tội, không phải mong cầu Phật tha tội hay chư Tăng rửa tội cho được trong sạch, thanh tịnh. Bởi lẽ việc sám hối chỉ là bày tỏ sự nhận thấy lỗi lầm, ăn năn và sửa chữa để không phải tái phạm nữa. Như vậy, việc sám hối không thể nào hết tội, không thể nào giải hết các tội lỗi được, rõ ràng là như thế. Vì sao vậy? Sám hối hay sự bày tỏ lỗi lầm của mình chỉ là cách để mình thấy lỗi và cố gắng sửa chữa, không phạm tiếp sai lầm, ngăn ngừa tái phạm về sau, đó là sự chuyển hóa thân tâm hay tam nghiệp cho được thanh tịnh mà thôi. Để làm rõ vấn đề này, chúng ta hãy sơ lược qua một vài trường hợp được ghi lại trong kinh điển Pāli. Trường hợp của Tỳ-khưu Bhaddāli trong kinh Bhaddāli. Đức Phật gọi các Tỳ-khưu và dạy nên ăn chỉ ngồi một lần – nhất tọa thực (ekāsanabhojana) thì sẽ được sức khỏe, ít bệnh, nhẹ nhàng, an vui. Khi nghe vậy, Tỳ-khưu Bhaddāli phản đối, bạch với đức Phật rằng mình không thể làm như vậy, vì vị ấy sẽ lo lắng, ân hận, sợ rằng mình không thể sống trọn đời sống phạm hạnh. Nghe vậy, Thế Tôn đề nghị nếu thế thì khi khất thực được, ông hãy ăn một phần, dành lại một phần để ăn sau. Bhaddāli cũng không chịu làm cách ấy, bảo rằng làm vậy ông cũng vẫn lo lắng, vì phải ăn xong những vật thực ấy trước ngọ. Như vậy, khi đức Phật công bố học giới này, Tỳ-khưu Bhaddāli cũng công bố giữa chúng Tăng rằng mình không thi hành giới ấy. Do cãi lời Phật nên ông tránh gặp Phật suốt ba tháng mùa mưa. Sau ba tháng an cư mùa mưa, Thế Tôn sắp du hành, các Tỳ-khưu khuyên Bhaddāli nên đến xin sám hối với đức Phật. Yết kiến Thế Tôn, Tỳ-khưu Bhaddāli đã trình bạch rằng: - Bạch Thế Tôn, một lỗi lầm đã chiếm đoạt con, thật là ngu ngốc, thật là si mê, thật là bất thiện. Trong khi chúng Tỳ-khưu chấp hành học giới đã được Thế Tôn chế định, con đã tuyên bố sự bất lực của con. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận cho con lỗi lầm này là một lỗi lầm, để có thể phòng hộ trong tương lai.[1] Sau khi quở trách, đức Thế Tôn đã chỉ dạy Tỳ-khưu Bhaddāli rằng: một người không thực hành trọn vẹn học giới thì dù sống hạnh viễn ly cũng không đắc được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng của bậc Thánh; với người thực hành trọn vẹn học giới thì đời sống viễn ly sẽ dẫn đến chứng đắc các định và đắc Tam minh. Một tu sĩ biết sai mà không dừng lại là tâm không có tàm. Hành động sai bị Tăng chúng biết, có góp ý hay không góp ý xây dựng, mà tự thân không dừng lại là tâm vô quý. Với cái tâm không còn tàm quý, nghĩa là còn nhiều cấu uế, thì nhất định sẽ không vào được định. Không vào sâu định thì không thể chứng đắc pháp thượng nhân và tri kiến thù thắng. Đây là lý do mà Thế Tôn dạy những người giữ gìn học pháp còn thiếu sót thì dù sống hạnh viễn ly cũng không thể chứng đắc pháp thượng nhân và tri kiến thù thắng. Ở trường hợp này, Tỳ-khưu Bhaddāli đã phạm lỗi lầm và sau đó đã đối diện Thế Tôn mà trình bạch lỗi của mình để “phòng hộ trong tương lai”. Nội dung bài kinh này không cho ta thấy việc sám hối có thể diệt trừ được tội đã phạm hay không, hay nói cách khác khác là lỗi của một người có được miễn trừ sau khi sám hối hay không nhưng rõ ràng là việc chấp nhận sự sám hối của người phạm lỗi, cho người phạm lỗi tiếp tục sống trong cộng đồng của mình, và lỗi mà vị ấy đã phạm sẽ không được nhắc trở lại. Nhưng bản thân người phạm lỗi cũng sẽ không phạm phải lỗi này nữa trong tương lai. Thế Tôn còn đưa ra hình ảnh ví dụ về một người chỉ còn lại một mắt, những người thân của vị ấy bảo vệ con mắt còn lại đó và nghĩ rằng không để cho con mắt còn lại này bị hủy diệt. Nếu con mắt còn lại bị hủy diệt đi, hẳn nhiên, người này sẽ trở thành một người mù lòa, không còn nhìn thấy thứ gì cả. Nếu để những thiện căn còn lại nơi một người phạm lỗi diệt mất, người này sẽ trở nên tăm tối, mất đi niềm tin vào việc có thể trở lại sự trong sạch và có thể thăng tiến trong lộ trình phát triển tâm linh. Trường hợp đức vua Ajātasattu Đức vua Ajātasattu giao du với Devadatta nên đã phạm trọng tội giết cha của mình, về sau cảm thấy ray rứt, hối tiếc: - Bạch Thế Tôn, con đã phạm một trọng tội. Vì ngu si, vì vô minh, vì bất thiện, con đã hại mạng phụ vương con, một vị vua chơn chánh, để đạt vương quyền. Mong Thế Tôn nhận cho con tội ấy là một tội để con ngăn chận về tương lai. Và đức Phật chấp nhận tội ấy cho vua: - Ðại vương, thật là một trọng tội. Vì ngu si, vì vô minh, vì bất thiện, Ðại vương đã hại mạng phụ vương, một vị vua chơn chánh, để đoạt vương quyền. Vì Ðại vương đã thấy tội ấy là một tội, đã thú tội đúng với Chánh pháp, Ta nhận tội ấy cho Ðại vương. Ðó là một sự tiến bộ, này Ðại vương, trong luật pháp của bậc Thánh, những ai thấy tội là tội, thú tội đúng với Chánh pháp, và ngăn chận ở tương lai. Đức Phật có những lời khuyên đại loại là như vậy để an ủi để khích lệ cho người đó và người này trở nên hoan hỷ khi được đức Phật xác nhận lỗi lầm và Ngài đã an ủi bằng câu nói: “Đó là sự tiến bộ, nếu có sự phát lộ thì đây là sự tiến bộ của bậc thánh”. Nghe như vậy người ấy hết sức hân hoan và cảm thấy nhẹ nhàng như trút bỏ đuợc gánh nặng bởi vì sau khi làm những lỗi lầm thì tâm ray rứt bực bội khó chịu lắm. Khi đã trút bỏ rồi thì tâm hướng về điều thiện. Ở đoạn kinh này, đức Phật “nhận tội” của vị vua này, không có nghĩa rằng Ngài đã “xá” tội cho ông. Mà ở đây chỉ có nghĩa rằng, Ngài chấp nhận sự sám hối đó và việc nhận lỗi và sám hối như vậy là phù hợp với Chánh pháp, và sự nhận lỗi như vậy cũng sẽ góp phần giải tỏa tâm lý của người phạm lỗi. Về mặt nhân quả, nhân của tội ấy không được diệt trừ hoàn toàn sau khi sám hối và người gieo nhân phải gặt quả. Nhân quả ở đây được diễn tả qua việc, bởi do vì đã gây nên tội giết cha, cho dù đã ăn năn sám hối, nghiệp nhân đó đã có những tác động tiêu cực đến việc phát triển trong đường đạo của ông. Khi vua Ajātasattu từ biệt và ra đi, đức Phật đưa ra nhận xét như sau: "Này các Tỳ-khưu, tâm vua ấy rất ăn năn, này các Tỳ-khưu, tâm vua ấy rất hối lỗi. Nếu vua ấy không hại mạng vua cha, một vị vua rất chân chánh, thì tại ngay chỗ ngồi này, vua ấy đã chứng được pháp nhãn, không trần cấu, không ô uế".[2] Trường hợp Tôn giả Pukkusati Vị Tôn giả này vì ngưỡng mộ đức Phật và Giáo pháp của Ngài nên đã từ bỏ gia đình, sống đời du sĩ và thực hành theo pháp Phật. Tuy vậy ông chưa hề một lần gặp Phật và không thể hình dung Ngài là người như thế nào. Tình cờ một lần nọ, trong một đêm ở tại trú xứ của vị thợ gốm tên là Bhaggava, Pukkusati đã gặp được đức Phật, nhưng vì không nhận ra Ngài nên vị này gọi đức Phật là Hiền giả. Đức Phật sau đó đã thuyết giảng cho Pukkusati. Khi nghe xong những gì được giảng dạy, Tôn giả nhận ra rằng người đối diện với mình không ai khác mà chính là đức Thế Tôn, người mà ông đã “xuất gia và y cứ” và nhận làm Bậc Đạo sư. Khi ấy Tôn giả Pukkusati nói rằng, do vì “si mê và không khéo léo” ông đã xưng hô với Thế Tôn là Hiền giả, điều ông nghĩ là một lỗi lầm, và vì thế ông mong Thế Tôn nhận lỗi lầm ấy như một lỗi lầm. Khi ấy đức Phật nói rằng “...nếu ông thấy một lỗi lầm là một lỗi lầm, và như pháp phát lộ, thời Ta chấp nhận lỗi lầm ấy cho ông. Vì rằng, này Tỳ-khưu, đây là sự tăng ích trong giới luật của bậc Thánh, khi nào một ai thấy lỗi lầm là một lỗi lầm, như pháp phát lộ, để ngăn ngừa trong tương lai”.[3] Đoạn văn này là giống với đoạn văn ở trong kinh Bhaddāli, tuy rằng trường hợp phạm lỗi của Pukkusati khác với Bhaddāli. Trong khi một người phạm lỗi vì không thể thực hiện theo học giới đã được Tăng chúng chấp nhận thực hiện, còn một người phạm lỗi chỉ vì vô ý không nhận ra người đối diện với mình là ai. Trong trường hợp của Pukkusati, ông phạm lỗi - nếu phải nói như thế - chỉ vì sự nhầm lẫn; và việc nhận lỗi của ông có thể xem như một sự “xin lỗi” hơn là một sự “sám hối”. Tuy nhiên, dù mức độ lỗi lầm như thế nào, việc nhận ra nó và sám hối, đều có sự “tăng ích” trong cuộc sống cũng như trong tu tập. Và thêm nữa, ở trong bản kinh này, Pukkusati phạm “lỗi lầm” với chính Đức Phật, và việc “nhận lỗi lầm cho ông” có thể được xem như việc Ngài bỏ qua sự nhầm lẫn này. Việc sám hối hay phát lồ bày tỏ lỗi lầm mình đã phạm là một nét nhân văn để mỗi cá nhân trong một tập thể có cơ hội tự nhìn thấy lỗi của mình và tự sửa chữa bản thân, qua đó mỗi cá nhân là một bài học đạo đức cho mỗi người. Có nhiều cách để bày tỏ việc hối lỗi nhưng với tinh thần Phật giáo Nam truyền, chúng ta có thể căn cứ vào bài kinh Giáo giới Rāhula ở Ambalaṭṭhika như là một cách sám hối tích cực nhất. Trong kinh này, đức Phật khuyên dạy Raāhula khi vấp phải sự sai lầm nên ăn năn sám hối như sau: Nếu trong khi phản tỉnh, này Rāhula, ông biết như sau: "Thân nghiệp này ta đã làm. Thân nghiệp này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là bất thiện đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ". Một thân nghiệp như vậy, này Rāhula, ông cần phải thưa lên, cần phải tỏ lộ, cần phải trình bày trước các vị Ðạo sư, hay trước các vị đồng Phạm hạnh có trí. Sau khi đã thưa lên, tỏ lộ, trình bày, cần phải phòng hộ trong tương lai. [4] Còn nếu như ý nghiệp đã sai lầm thì phải: Nếu trong khi phản tỉnh, này Rāhula, ông biết như sau: "Ý nghiệp này ta đã làm. Ý nghiệp này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đưa đến quả báo đau khổ". Một ý nghiệp như vậy, này Rāhula, ông cần phải lo âu, cần phải tàm quý, cần phải nhàm chán. Sau khi lo âu, tàm quý, nhàm chán, cần phải phòng hộ trong tương lai. Căn cứ vào hai đoạn kinh văn trên, việc phản tỉnh tam nghiệp là một việc làm hết sức quan trọng, để chúng ta tự kiểm điểm lại thân, khẩu, ý của mình xem đã được tốt đẹp chưa? Nếu bất cứ việc làm hay lời nói hoặc mới chỉ là ý nghĩ thôi mà đã không được thì phải bỏ đi, đừng làm việc đó, đừng nói lời ấy và đừng suy nghĩ tiếp những ác ý kia, vì chúng đưa đến đau khổ cho mình, cho người, đem đến quả báu không được an lạc. Còn nếu như đã lỡ làm một thân nghiệp hay khẩu nghiệp gì bất thiện, chúng ta cần phải đem sự kiện này thưa lên với bậc Đạo sư hay vị đồng phạm hạnh có trí, để cho vị ấy nắm rõ sự kiện và có lời khuyên dạy thích đáng, nhằm chấm dứt việc làm bất thiện của thân và miệng trong tương lai. Như vậy, việc sám hối hay tự nhắc nhở bản thân về lỗi lầm của mình, theo đoạn kinh văn trên thì cần thực hiện qua ba bước:

 

  1. Phản tỉnh tự thân.
  2. Trình bày với Đạo sư hoặc bạn đồng phạm hạnh có trí.
  3. Phòng hộ trong tương lai.

Tóm lại, việc sám hối chính là quán sát lại tam nghiệp, bày tỏ lỗi mình đã phạm và ngăn không cho tái phạm lại nữa. Đó chính là cách quán sát tam nghiệp. Vì sao? Trước khi làm phải quán sát, đang khi làm phải quán sát, sau khi làm phải quan sát, để xem tam nghiệp của mình như thế nào? Có tốt đẹp hay không tốt đẹp? Vì lẽ đó, mỗi hành động, lời nói, hay suy nghĩ chúng ta cần phải cân nhắc cho đúng, như ông bà ta hay nói là “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” là như vậy. Trước làm điều tốt đẹp thì sau không cần gì ăn năn hay sám hối. “Cẩn tắc vô ưu” là như thế. Bhik. Samādhipuñño Định Phúc ______________________________________ [1] Kinh trung bộ, kinh Bhaddāli (M.i.437ff). [2] Trường bộ kinh, kinh Sa-môn quả (D.ii.102). [3] Trung bộ kinh, kinh Giới phân biệt (M.iii.247). [4] Trung bộ kinh, kinh Giáo giới Rāhula ở Ambalaṭṭhika (M.i.419).

 Bình luận
Sunday January 16, 2022
Các bài viết khác :