Khemārāma - Tịnh An Lan Nhã
Đức Chánh Biến Tri Gotama đã nhập đại Niết Bàn (Mahāparinibbāna) gần hai mươi sáu thế kỉ qua tại xứ Kusināra lịch sử. Kể từ khi bậc Chánh Đẳng Giác thành tựu quả vị vô thượng bồ đề cho đến ngày hôm nay, chúng sanh đã lưu chuyển, luân hồi qua vô số kiếp sống. Những chúng sanh còn phiền não đã trôi lăn qua hằng hà sa số thế giới. chúng sanh hết phiền não thì sau khi rong ruổi trong vô minh, cuối cùng đã đoạn tận khổ ưu, thành tựu chánh trí, chấm dứt cuộc chơi dài vô tận trong tam giới. Có những chúng sanh các lậu hoặc chưa diệt tận hoàn toàn hay đã đoạn giảm hoặc trừ đoạn trừ một số kiết sử nhất định[1] thì vẫn còn tái sanh trong đời này. Hơn nữa, trong kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật đã dạy cho vị đệ tử cuối cùng Subhadda rằng: “Này Subhadda, chính trong pháp luật này có Bát Thánh Ðạo … nếu những vị Tỷ-kheo này sống chơn chánh, thời đời này không vắng những vị A-la-hán”. Cho nên, “thánh phàm đồng cư” là hiểu như vậy đó.
Trong con mắt đầy bụi của kẻ phàm phu, những lạc thú của người thế tục như ca hát, nhảy múa, cười đùa hay những cuộc chuyện trò phù phiếm vô nghĩa là vui, là hạnh phúc. Vì cớ sao? Vì họ chẳng thể tìm ra niềm vui nào khác ngoài những cuộc tiêu khiển giả tạm, bị thúc đẩy bởi vô minh ấy. Họ không liễu tri như thật vị ngọt, nguyên nhân sanh khởi và sự xuất ly khỏi các dục ấy. Chung quy lại, tất cả những niềm vui thuộc tục lụy ấy đều là giải pháp cho những nỗi buồn nào đó, chỉ là pháp đối trị được sai xử bởi vô minh và là nhân mới sinh ra một chuỗi dài khổ não. Trái ngược với thế giới đó, Kinh Nikāya đã ghi lại rất nhiều lời dạy của bậc Đạo Sư về thế giới quan của các bậc Lậu Tận, những chúng sanh đã hoàn toàn “ra khỏi cuộc chơi”, đã chặt đứt tận cùng gốc rễ phiền não. Đối với các ngài, các bất thiện pháp nhỏ nhất cũng được xem là to lớn, những thiện pháp nhỏ nhất đều được thành tựu một cách lớn lao nhất. Xin mạn phép trích dẫn một số đoạn kim ngôn của đức Như Lai sau đây:
"Ðây là sự chết, này các Tỷ-kheo, trong giới luật của bậc Thánh, tức là sự từ bỏ học giới và hoàn tục. Ðây là đau khổ gần như chết, này các Tỷ-kheo, tức là sự vi phạm một uế tội, một tội phạm còn có thể tuyên bố xuất gỡ được".
Maraṇañhetaṃ, bhikkhave, ariyassa vinaye yo sikkhaṃ paccakkhāya hīnāyāvattati. Maraṇamattañhetaṃ, bhikkhave, dukkhaṃ yadidaṃ aññataraṃ saṅkiliṭṭhaṃ āpattiṃ āpajjati.
Kinh Con Mèo (Biḷāla Sutta), Tăng Chi Bộ.
*
"Này các Tỷ-kheo, đây được xem là khóc than trong giới luật bậc Thánh, tức là ca vịnh. Này các Tỷ-kheo, đây được xem là điên loạn trong giới luật bậc Thánh, tức là múa nhảy. Này các Tỷ-kheo, đây được xem là trẻ con trong giới luật bậc Thánh, tức là cười quá đáng để lộ cả răng. Do luật này, này các Tỷ-kheo, hãy phá cây cầu đi đến hát. Hãy phá cây cầu đi đến múa nhảy. Thật là vừa đủ nếu các Thầy được hoan hỷ đúng pháp, mỉm cười để tỏ là các Thầy được hoan hỷ".
Ruṇṇamidaṃ, bhikkhave, ariyassa vinaye yadidaṃ gītaṃ. Ummattakamidaṃ, bhikkhave, ariyassa vinaye yadidaṃ naccaṃ. Komārakamidaṃ, bhikkhave, ariyassa vinaye yadidaṃ ativelaṃ dantavidaṃsakahasitaṃ. Tasmātiha, bhikkhave, setughāto gīte, setughāto nacce, alaṃ vo dhammappamoditānaṃ sataṃ sitaṃ sitamattāyā”ti.
Kinh Khóc than (Ruṇṇa Sutta) Tăng Chi Bộ.
*
"Rồi này các Tỷ-kheo, người mẹ trong chín hay mười tháng mang bào thai ấy, với sự lo âu lớn đối với gánh nặng ấy. Rồi này các Tỷ-kheo, sau chín hay mười tháng, người mẹ sinh đẻ với sự lo âu lớn đối với gánh nặng ấy. Khi đã sinh, người mẹ nuôi hài nhi ấy với máu của mình. Này các Tỷ-kheo, trong luật của bậc Thánh, sữa của bà mẹ được xem là máu".
Tamenaṃ, bhikkhave, mātā nava vā dasa vā māse gabbhaṃ kucchinā pariharati mahatā saṃsayena garubhāraṃ. Tamenaṃ, bhikkhave, mātā navannaṃ vā dasannaṃ vā māsānaṃ accayena vijāyati mahatā saṃsayena garubhāraṃ. Tamenaṃ jātaṃ samānaṃ sakena lohitena poseti. Lohitañhetaṃ, bhikkhave, ariyassa vinaye yadidaṃ mātuthaññaṃ.
Đại kinh đoạn tận ái (Mahātaṇhāsaṅkhaya Sutta), Trung Bộ.
*
Đức Thế Tôn đã bằng nhiều phương tiện nhấn mạnh giới luật là nền tảng của giáo pháp rằng với người ác giới, với người phá giới thì chánh định của họ cũng bị phá hoại.[2] Cho nên, đối với kẻ phàm phu hoàn tục có nghĩa là “hết duyên” còn đối với bậc Thánh đó là “sự chết”; đối với kẻ còn phiền não phá giới có nghĩa đơn giản là “tùy duyên” còn đối với Thánh nhân đó là “sự đau khổ gần như chết chóc”. Đối với kẻ còn phiền não, hát ca, múa nhảy là “giải trí, là món ăn tinh thần”, còn đối với những bậc kiết sử đã tận, đó chính là “sự khóc than”. Một bậc thánh nhìn kẻ khờ đang nhảy nhót chẳng khác gì nhìn một kẻ điên khùng đang làm những hành động vô tri.
Cái mà kẻ phàm phu gọi là “vui”, cái ấy bậc Thánh chỉ nhìn nó đúng như bản chất đang là. Cho nên, nụ cười của chư Phật chỉ cười mỉm chi, biểu hiện một sự nhẹ nhàng trên khuông mặt chứ không có những trạng thái cười đùa toe toét, để lộ cả răng hay bật cười lớn tiếng, ngả nghiêng ngả ngửa làm chuyển động cả thân mình, từ đầu đến chân.[3] Trong đôi mắt của các ngài, chỉ có trẻ con mới cười lộ cả răng như vậy. Hơn nữa, về vấn đề hiếu đạo, nếu nói về danh xưng “đại hiếu” thì tất cả các bậc Thánh đều là đại hiếu bởi vì nơi các ngài không còn những phiền não bị thúc đẩy bởi tham dục, sân hận và sợ hãi. Vì thế, đối với chư Thánh nhân, cha mẹ là bậc đại đức hữu ân trong cuộc đời, người đã nuôi mình lớn lên bằng máu thịt, chứ không đơn thuần là sữa mẹ như kẻ phàm phu vẫn nhìn và nghĩ. Niết Bàn có sẵn, con đường đi đến Niết Bàn có sẵn và đức Như Lai đã chỉ đường rồi.[4] Nếu đi đúng đạo lộ nhất hướng – xả ly – ly tham – đoạn diệt, hành giả sẽ nếm được hương vị giáo pháp mà những bậc thánh hiền đã đi qua.
[1] Là ba dòng thành hữu học: Nhập Lưu (Sotāpanna), Nhất Lai (Sakadāgāmī) và Bất Lai (Anāgāmī).
[2] Kinh Ác giới (Dussīla Sutta), Tăng Chi Bộ.
[3] Sách Compendium of Philosophy viết rằng kinh điển Phật Giáo có ghi nhận sáu phân hạng cười:
- Sita, một nụ cười mĩm, biểu hiện nhẹ nhàng trên vẻ mặt.
- Hasita, một nụ cười chỉ nhích môi vừa đủ hé cho người ta thấy chót răng.
- Vihasita, nụ cười khẽ phát ra một tiếng động nhỏ.
- Upahasita, một nụ cười làm chuyển động đầu vai và tay.
- Apahasita, một nụ cười làm chảy nước mắt.
- Atihasita, bật cười lớn tiếng, ngả nghiêng ngả ngửa làm chuyển động cả thân mình, từ đầu đến chân.
[4] Kinh Gaṇakamoggallāna, Trung Bộ Kinh.