TT. ThS. Thích Giác Trí
HVPGVN TP/HCM
Tóm Tắt: Giáo Phật giáo Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam là một trong 09 tổ chức Phật giáo tháng 11 năm 1981 đã họp tại thủ đô Hà Nội đồng thuận thành lập tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam góp phần tạo nên diện mạo Phật giáo Việt nam suốt 2000 năm đồng hành cùng dân tộc Việt Nam thể hiện vai trò hộ Quốc an Dân.
Từ khóa: Phật giáo Nam Tông Kinh, Phật giáo Nguyên Thủy
1. BỐI CẢNH XÃ HỘI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN PHÁP THUỘC
Lịch sử Việt Nam thời Pháp-Thuộc khởi đầu từ năm 1867 Pháp chiếm Nam Kỳ Lục tỉnh đến 1945 lúc Pháp mất quyền cai trị ở Đông Dương [1] Giai đoạn này Liên bang Đông dương được thành lập gồm: Nam Kỳ (Cochinchine), Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam) Cao Miên; Lào và Quảng Châu Loan gia nhập sau này. Thủ phủ Liên bang Đông Dương buổi đầu đặt tại Sài Gòn, sau chuyển ra Hà Nội năm 1902. Liên Bang Đông Dương là một chế độ nửa thuộc địa, nửa phong kiến. [2]
Xứ Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp [3], có 21 tỉnh, dân số khoảng 22.600.000 vào năm 1943. Chính quyền thuộc địa Pháp đã khai thác kinh tế xứ Nam Kỳ dựa trên vùng đất có nhiều sông nước, nước từ sông Mê-kông mang phù sa bồi lắng đất, tạo màu mỡ cho đất, sông rạch kết nối giao thông tự nhiên các vùng miền.
- Về Nông nghiệp: Pháp đã quy hoạch đào trên 4.100 km kênh đào, làm thay đổi diện mạo nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, đất canh tác lúa mở rộng, sản lượng lúa tăng cao, tạo một vựa lúa khổng lồ tại xứ Nam kỳ, thị trường xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp mở rộng. Giao thông vận tải đường thủy phát triển kết nối mua bán với thành phố Sài gòn, Campuchia, Huế.
Nông dân chiếm 95% dân số Việt Nam nhưng làm chủ không quá 30% diện tích ruộng đất… nhiều điền chủ, nông nô xuất hiện, cư dân Việt ven biên giới Campuchia chuyển từ nghề nông sang trao đổi mua bán hàng hóa tiêu xài.
Hệ thống Giáo dục thời Pháp thuộc tập trung ở đô thị lớn Sài Gòn, Huế, Hà Nội, ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thuộc Nam kỳ chùa là trung tâm giáo dục hướng nghiệp.
Người Người Pháp thay đổi hệ thống giáo dục chỉ dạy chữ Quốc ngữ (Việt) chữ Pháp. Tại Nam kỳ trường học áp dụng theo mẫu trường công ở Pháp, dân quê không đủ tài chính, ít học chỉ lo làm ruộng mua bán nhỏ tạo kinh tế gia đình kết quả là tới năm 1945 trên 95% dân số Việt Nam bị mù chữ.
Nhiều thầy đồ di cư ra Trung kỳ thuộc triều đình Huế để tiếp tục dạy học, học trò bỏ học làm ruộng học nghề hay tham gia nghĩa quân.
* Từ thầy đồ di cư ra Trung kỳ thuộc triều đình Huế để tiếp tục dạy học, học trò bỏ học làm ruộng học nghề hay tham gia nghĩa quân.
2. TRUNG TÂM PHẬT GIÁO NGUYÊN THUỶ THERAVĀDA TẠI NAM KỲ LỤC TỈNH
Phật giáo Nguyên thủy Theravāda đã theo chân các thuyền buôn doanh nghiệp có mặt tại thương cảng Phù Nam (Phnom) từ thế kỷ thứ I [4]. Nhiều doanh nhân doanh nghiệp đã định cư mua bán sinh sống nơi đây, mang theo Tín ngưỡng; Bà-la-môn giáo, Phật giáo Theravāda từ Tích Lan, Ấn Độ, Miến Điện sang Chân Lạp tạo nên dòng văn hóa Óc Eo nổi tiếng trong dòng văn hóa Việt Nam. Đa số cư dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tin theo Phật giáo Nguyên thủy Theravāda theo tập tục ai lớn lên cũng cạo đầu đi tu trả hiếu cho cha mẹ, có người tu 03 tháng có ngươi tu 03 năm có người tu trọn đời, có người hồi tục sinh sống bình thường, trên 70% dân số cùng chung niềm tin nghi lễ cách cư xử trong lối sống hàng ngày, đã trở thành văn hóa Phật giáo Nguyên thủy của dân chúng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều chùa có niên đại thế kỷ X, XI, XI, mật độ chùa Nam tông Khmer ở tỉnh Trà Vinh là cao nhất, nhiều nhất có khoảng 143 ngôi chùa. Trà Vinh được chứng tỏ là một trong những trung tâm Phật giáo Nguyên thủy Nam tông vùng đồng bằng sông Cửu Long, định hình các tín ngưỡng tôn giáo Phật, các nghi lễ linh thiêng cho nhiều người Việt Nam mộ đạo Phật và sự quan tâm về Phật giáo của các quan chức hành chánh pháp.
3. ẢNH HƯỞNG CỦA PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO
Đầu thế kỷ XX, Việt Nam từ nền văn minh nông nghiệp, tiếp thu khoa học phát triển của Tây phương, thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp từ thô sơ sang máy móc thiết bị hỗ trợ. Tiếp nhận nền giáo dục hiện đại, đời sống văn minh đô thị phát triển, báo chí, đài phát thanh phổ biến thông tin tới mọi tầng lớp xã hội, nhận thức của con người được nâng cao, cuộc sống có chất lượng hơn, xu hướng tìm về các giá trị của Phật giáo tăng dần, mọi người nhìn nhận những đóng góp to lớn của Phật giáo vào nền văn minh nhân loại, các phong trào chấn hưng Phật học nhanh chóng lan rộng tại Trung Quốc, phong trào nghiên cứu Phật học bằng chữ Hán, Anh văn và Pāli. Tại Myanma, Sri Lanka, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, phong trào đổi mới Phật sự cũng lan rộng.[5] Phật giáo Campuchia cử Hòa thượng Chuon Nath trưởng đoàn phái bộ Tăng già Campuchia xuống hỏi thăm các ngôi chùa của người Khmer Krom ở 06 tỉnh miền Tây Nam bộ - Việt Nam.
* Chữ Quốc ngữ phổ biến trong hệ thống báo chí, đài phát thanh, giao thông phát triển đã kết nối thông tin liên lạc giữa các vùng miền nảy sinh nhu cầu so sánh tìm đến các giá trị văn hóa Phật giáo càng mạnh mẽ hơn.
Dưới chính sách bảo hộ của chính phủ Pháp (France), các tổ chức Phật giáo Việt Nam không được coi là tổ chức Giáo hội, chỉ được công nhận là các Hội đoàn, nhiều Hội đoàn nghiên cứu Phật học ra đời ở trong nước và nước ngoài như:
- Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học thành lập năm 1930, tại Sài Gòn, chùa Linh Sơn, Hội trưởng Thiền sư Từ Phong, xuất bản tạp chí Từ Bi Âm do thiền sư Khánh Hòa chủ nhiệm.
- Hội An Nam Phật học thành lập năm 1932, tại Huế do cư sĩ Lê Đình Thám làm Hội trưởng, xuất bản tạp chí Viên Âm.
- Hội Phật giáo Bắc Kỳ được thành lập năm 1934, tại Hà Nội do cư sĩ Nguyễn Năng Quốc làm hội trưởng, Thiền sư Thích Thanh Hanh (Tổ Vĩnh Nghiêm) làm Thiền gia Pháp chủ. Hội xuất bản tạp chí Đuốc Tuệ .
* Các Hội đoàn Phật giáo điều do các cư sĩ Phật tử làm Hội trưởng thể hiện vai trò hộ trì bảo vệ Phật pháp của người Phật tử trong xã hội Pháp thuộc, thể hiện trách nhiệm thiêng liêng đối với Đạo pháp, Dân tộc Việt Nam, các tu sĩ phía sau dùng trí tuệ Phật pháp soi rọi dẫn hướng trên tinh thần Từ bi - Trí tuệ.
4. THÀNH LẬP HỘI PHẬT HỌC AN NAM TẠI CAMPUCHIA
Hội Phật học An Nam được thành lập vào ngày 5/7/1935 do bác sĩ Lê Văn Giảng và nhóm việt kiều ông Ngô Bảo Hộ; ông Trần Văn Long, ông Francois Nguyễn, ông Charles Clairet (Pháp) thành lập với mục đích nghiên cứu giáo lý Phật giáo Nguyên thủy, thực hành lời dạy của Đức Phật Thích ca Gotama.
Trụ sở: Chùa Sùng Phước xóm Trường Đua, quận 4, thành phố Pnompenh, trụ trì chùa: Sư cả Thạnh.
Mỗi tuần Thứ bảy, Chủ nhật hội viên và Phật tử về chùa tụng kinh hành thiền theo giáo lý Phật giáo Nguyên thủy Theravāda, mở lớp Việt ngữ cho trẻ em sinh ra ở Campuchia theo học để biết, nhớ tiếng Việt.
Ông Lê Văn Giảng và Hội đã xin phép xuất bản tạp chí "Ánh Sáng Phật Pháp" đã phát hành 20 số bằng tiếng Việt phổ biến các giáo lý cơ bản của Phật giáo Nguyên thủy.
- Nhiều Việt kiều xa xứ sinh cơ lập nghiệp tại Campuchia nghe nói chùa Sùng Phước cũng về đây gặp gỡ người Việt để được nói tiếng mẹ đẻ, tụng kinh nghe giảng về pháp của Phật bằng tiếng Việt, trong số này cũng có gia đình bà dầu Cù-là Macsu, ông Phán Long và nhiều người Việt khác.
- Để thuận lợi trong các khóa lễ, các buổi tụng kinh, nhiều kinh văn trong nghi lễ Phật giáo bằng tiếng Campuchia đã được dịch sang tiếng Việt.
Kinh sám hối tiếng Việt tụng trong khóa lễ sám hối ngày 14 và 30 âm lịch hàng tháng, được ông Phán Long chấp bút, viết theo lối văn vần dễ nhớ, dễ tụng, đã lưu hành rộng rãi trong các chùa Nguyên thủy đến ngày nay, nhiều chùa theo truyền thống Phật giáo Khất sĩ cũng đã sử dụng kinh này đọc tung trong khóa lễ sám hối.
Cúi đầu lạy trước Bửu đài
Con xin sám hối từ rày ăn năn;
Xưa nay lỡ phạm điều răn
Do thân, khẩu, ý bị màn vô minh;
Gây ra nghiệp dữ cho mình,
Sát sanh hại vật chẳng tình xót thương
Giết ăn hoặc bán không lường.
Vì long tham lợi quên đường thiện nhân.
Oan oan tương báo cõi trần,
Trầm luân biển tối chịu phần khổ lao;…
- Nhiều thiện nam sinh hoạt trong Hội Phật học An Nam xuất gia tu hành như ông Ngô Bảo Hộ là Hòa thượng Thiện Luật, xuất gia Sa di năm 1934 và xuất gia Tỳ kheo năm 1937, ông Hồ Văn Viên là Hòa thượng Huệ Nghiêm, xuất gia năm 1938.
5. TRUYỀN BÁ PHẬT GIÁO NGUYÊN THUỶ NAM TÔNG VỀ VIỆT NAM.
Hội Phật học An Nam tại Phnôm Pênh do bác sĩ Lê Văn Giảng chủ trương phổ biến sâu rộng giáo lý Phật giáo Nguyên thủy trong cộng đồng Việt kiều tại Phnôm Pênh Campuchia đã lan dần về Sài Gòn, bác sĩ Lê Văn Giảng. Ông Văn Công Hương, ông Nguyễn Văn Hiểu đã trao đổi thư tín, họp mặt tại Sài Gòn tâm nguyện truyền bá Phật giáo Nguyên thủy về Việt Nam mỗi người chia nhau nhiệm vụ:
- Ông Nguyễn Văn Hiểu kỹ sư xây dựng tìm đất xây chùa tạo tháp tại Sài Gòn để có địa điểm chư Tăng về hoằng dương chánh pháp.
- Cụ Văn Công Hương nhận trách nhiệm in ấn những tài liệu kinh điển cần thiết để truyền bá chánh pháp.
- Bác sĩ Lê văn Giảng đang làm việc ở Campuchia nhận trách nhiệm khảo cứu kinh điển Phật giáo tiếng Campuchia, tiếng Pháp dịch sang tiếng Việt in ấn truyền bá về Sài gòn Việt Nam.
Sau đó ông Nguyên văn Hiểu tìm đất ở Gò Dưa, Thủ Đức vào năm 1938 đã xây dựng chùa Bửu Quang làm nơi chư Tăng về hội họp, ở, thuyết pháp dạy đạo cho Phật tử. Sau đó là chùa Kỳ Viên, Bàn Cờ Sài Gòn.
Năm 1939, Đệ nhị thế chiến bùng nổ giữa các lực lượng, Khối Đồng Minh và Phe Trục theo chủ nghĩa phát xít. Hầu hết mọi lục địa trên thế giới đều bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến rộng lớn này gây nhiều tàn phá nhất trong lịch sử nhân loại [6]. Nhiều gia đình Việt kiều Campuchia là Phật tử lo sợ chiến tranh dọn về Sài Gòn sinh sống, thường đi chùa Bửu Quang, dân số Sài Gòn, Chợ Lớn lúc này đã trên 500.000 người [7], nên nhu cầu về tín ngưỡng Phật giáo khá cao, nhiều chùa được xây dựng trong khu dân cư để tiện việc đi chùa lễ lạy.
Năm 1940 , Hòa thượng Bửu Chơn, thế danh Phạm Văn Tông. Hòa thượng Hộ Tông, thế danh Lê Văn Giảng xuất gia, theo lời mời thỉnh của ông Nguyễn văn Hiểu và nhóm Phật tử sư Hộ Tông cùng Tăng đoàn người việt ĐĐ. Thiện Luật, ĐĐ. Bửu Chơn về Việt Nam, thời gian này mời chư Tăng từ Campuchia về làm lễ Kết giới Sīma, trồng cây Bồ đề và khánh thành chùa Bửu Quang.
Đoàn chư tăng Phật giáo Nguyên thủy Nam tông Hoằng pháp
Sau lễ khánh thành chùa Bửu Quang đoàn chư Tăng do Sư Hộ Tông dẫn đầu với ĐĐ. Thiện Luật, Thiền sư Huệ Nghiêm, ĐĐ. Bửu Chơn thuyết pháp dạy thiền Định thiền Vipassana ở chùa Bửu Quang Gò dưa [8], chùa Kỳ Viên, Bàn Cờ [9], vai trò hộ pháp của nhóm Phật tử của ông Nguyễn văn Hiểu đã tích cực hộ trì chư tăng phát triển Phật giáo Nguyên thủy Nam tông tại Việt Nam, đến 1941 cô Lê Thị Tư xin xuất gia tu nữ pháp danh Diệu Đáng là tu nữ đầu tiên của Phật giáo Nam tông.
Tăng đoàn đã có đủ giới phẩm Tăng, tu nữ hoằng pháp ở các tỉnh thành từ miền Nam ra miền Trung và các tỉnh Cao Nguyên Nam trung phần, nhiều chùa theo truyền thừa Phật giáo Nguyên thủy Nam tông đã xây dựng. Ông Dương Văn Thêm xuất gia, pháp danh Giác Quang xây dựng chùa Giác Quang năm 1945 [10] ở Bình Đông Chợ Lớn.
Năm 1952, tu nữ Diệu Đáng du học tại Miến Điện. Thầy Hộ Nhẫn sang Miến Điện và thọ giới tại Miến.
Năm 1954, HT. Bửu Chơn, TT. Hộ Nhẫn (Huế), TT. Hộ Giác, HT. Giới Nghiêm tham dự Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ sáu ở thủ đô . Rangoon, Miến Điện.
HT. Tịnh Sự dịch Chú giải dạy học A Tỳ Đàm cho Tăng Ni, Phật tử tại Vĩnh Long.
6. THÀNH LẬP HỘI PHẬT GIÁO NGUYÊN THUỶ
Sau năm 1954, trong bối cảnh xã hội Việt Nam phân chia hai miền Bắc - Nam một số Phật tử trung kiên của Phật giáo là ông Hà Thúc Diếu; ; ông Vĩnh Cơ xin thành lập "Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam Trung phần" được cho phép hoạt động năm 1955 trụ sở tại chùa Tam Bảo, Đà Nẵng, đây là tổ đình Phật giáo Nguyên thủy Trung phần HT. Hộ Tông, HT. Thiện Luật, HT. Bửu Chơn, HT. Giới Nghiêm thường xuyên giảng pháp nơi đây, nhiều thế hệ cao Tăng miền Trung ra đời tại đây như ngài Thiện Ngộ, ngài Giới Hỷ, Tâm Hỷ, ngài Hộ Nhẫn, ngài Pháp Nhẫn (Tăng thống Phật giáo Nguyên thủy hải ngoại) sau 02 năm Hội hoạt động ổn định Ông Nguyễn Văn Hiểu, ông Trương Văn Huấn (đốc học Petrus Ký) đã tham khảo ý kiến từ những Cư sĩ Phật tử Đà Nẵng làm đơn xin thành lập “Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam (Theravada)” tại Sài Gòn được cho phép hoạt động vào ngày 14/5/1957.
* Hai tổ chức Hội Phật giáo Nguyên thủy cư sĩ Phật tử này làm nền tảng phát triển cho tổ chức Tăng đoàn Phật giáo Nguyên thủy.
- Tại chùa Kỳ Viên vào ngày rằm tháng giêng năm 1957 ông Nguyễn văn Hiểu đã cung thỉnh chư Tăng Campuchia Lào làm lễ cầu Quốc thái Dân an 07 ngày, kết thúc buổi lễ đã suy cử Ban Chưởng quản Lâm thời Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam do 22 Tỳ khưu bỏ thăm kín, kết quả có 07 thành viên Tỳ khưu:
1) Tăng thống: HT. Bửu Chơn
2) Phó Tăng thống: HT. Thiện Luật
3) HT. Hộ Tông
4) Tổng Thư ký: Tỳ khưu Kim Quang
5) Phó Thư ký: Tỳ khưu Giới Nghiêm
6) Cố vấn: HT. Tối Thắng
7) HT. Giác Quang.
- Điều lệ và Nội quy có 8 chương 29 điều
- Sau khi chuẩn bị hồ sơ đã nộp đơn ngày 20/02/1957 đến ngày 18/12/1957 được Bộ Nội vụ duyệt chấp thuận theo Đạo dụ số 10 của Cựu hoàng Bảo Đại là “Ban Chưởng quản Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Viêt Nam” và các tổ chức Phật giáo khác hoạt động theo tư cách Hội đoàn (sau năm 1963 Đạo dụ số 10 này không áp dụng cho Phật giáo nữa).
- Ban Chưởng quản Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam đã họp phiên thứ nhất suy cử HT. Hộ Tông là Tăng thống hoạt động theo Điều lệ Nội quy của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam.
Tôn chỉ của “Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam” là:
"Hành đạo đúng theo chánh pháp đức Phật Thích Ca có Tam y
quả bát giữ đúng Giới luật".
Trụ sở đặt tại chùa Kỳ Viên, 610 Phan Đình Phùng, Sài Gòn.
Ban Chưởng quản Giáo hội Tăng già phải là người có quốc tịch
Việt Nam, thông thuộc tiếng Việt.
Kinh văn đọc tụng phải là tiếng Việt, tiếng Pāli.
7. HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHƯỞNG QUẢN GIÁO HỘI TĂNG GIÀ NGUYÊN THỦY VIỆT NAM
Ban Chưởng quản Giáo hội đã thành lập một số ban và các tỉnh Hội như: Ban Giám luật; Giáo dục; Nghi lễ; Thiền định; Hoằng pháp; Phiên dịch, ấn tống Kinh sách.
Về Nghi lễ: Phật giáo Nguyên thủy Nam tông Việt Nam có chung nghi lễ như các tổ chức Phật giáo Nam tông khác trên thế giới như:
1. Rằm tháng giêng
2. Rằm tháng 4 Tam hợp
3. Rằm tháng 7 Sám hối
4. Rằm tháng 6 Vào hạ
5. Rằm tháng 9 Ra hạ
6. Từ Rằm tháng 9- 10 Dâng y Kathina
7. Lễ Quy y
8. Lễ Bố tát
9. Lễ Cầu an cầu siêu
10. Lễ trai tăng.
Về Biên dịch: có nhiều tác phẩm như:
- Chọn Đường Tu Phật của Trùng Quang cư sĩ (Nguyễn văn Hiểu)
- Kinh Lễ Bái Tam Bảo, cư sĩ Vấn Đáp (Hòa thượng Hộ Tông).
- Tứ Thanh Tịnh Giới, Chánh Giác Tông, Pháp Xa (Hòa thượng Bửu Chơn).
Là học giả biết 11 ngoại ngữ như: Lào, Thái , Khmer, Miến, Tích Lan, Trung Hoa, Pháp, Anh, Ý, Đức Cổ ngữ Pāli);
- Tạng A Tỳ Đàm, Bảng nêu Chi pháp, Giáo trình A Tỳ Đàm, Chú giải A Tỳ Đàm (HT. Tịnh Sự).
- Pháp môn Phật tổ Gotaga, Tìm Hiểu Phật Giáo, 38 Pháp Hạnh Phúc (HT. Thông Kham).
- Pháp Hành Tú Niệm Xứ, Giải Về Kiếp, Kinh Mi Tiên Vấn Đáp
(HT. Giới Nghiêm).
- Tạng Luật, Pháp Cú, Tiểu Tụng , Vô Ngại Giải Đạo, Phật sử, Hạnh Tạng, Mi Tiên Vấn Đáp, Trưởng Lão Tăng Kệ, Trưởng Lão Ni Kệ, Thiên Cung Sự, Ngạ Quỷ Sự (TT. Chánh Thân).
- Văn Phạm Pāli (HT. Hộ Giác, TT. Giác Giới).
Phật học viện
1. Phật Bảo
2. Pháp Quang
3. Giác Quang
4. Giảng đường Siêu Lý
5. Trung tâm văn hóa Phật giáo Nam tông.
Tạp chí
Ánh Sáng Phật Pháp, 1935.
Nhật Báo Bát Chánh Đạo, 1963.
Chuyển Pháp Luân 1980.
Pháp Luân, 1981.
Trung tâm Hoằng pháp Xưa Nay
1. Chùa Kỳ Viên
2. Chùa Phổ Minh
3. Chùa Pháp Quang
4. Chùa Bửu Quang
5. Chùa Tam Bảo - Đà Nẵng
6. Thánh tích Thích Ca Phật Đài - Vũng Tàu
7. Phúc Tuệ Tịnh Môn - Tổng Hội Cư sĩ Nguyên thủy (đóng cửa)
8. Chùa Phật Bảo, Phú Thọ Hòa - Sài Gòn
9. Chùa Bửu Long.
Số lượng chùa, chư Tăng, Tu nữ
Số lượng chùa: khoảng 145 ngôi trong đó có 04 chùa Tu nữ, 07 Thiền viện.
Số lượng Tăng, Tu nữ: trên 900 vị (Tỳ khưu 450 vị, Sa di 90 vị, 450 Tu nữ).
Hoạt động các phong trào xã hội
Giai đoạn phong trào chống kỳ thị và đàn áp Tôn giáo 1963
Hòa thượng Hộ Giác, Hòa thượng Pháp Tri, Hòa thượng Giới Nghiêm, Hòa thượng Bửu Chơn, Hòa thượng Bửu Phương đã tham gia các phong trào Phật giáo miền Nam 1963 phản đối chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, đòi tự do và bình đẳng với tôn giáo khác đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam phủ định chính sách đàn áp và kỳ thị Phật giáo một cách có hệ thống của chính quyền Diệm. Trong những lần tuyệt thực biểu tình HT. Trí Quang và nhiều tu sĩ Bắc tông, Nam tông bị bắt giam chung, HT. Hộ Giác đã đổi cà sa cho HT. Trí Quang mặc, nên được thả tự do ra ngoài, nhờ vậy HT. Trí Quang tiếp tục lãnh đạo phong trào đạt được tự do bình đẳng tôn giáo.
Giai đoạn thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
Sau năm 1963 khoảng 11 tổ chức Phật giáo họp để thống nhất tổ chức Phật giáo thành “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” phái đoàn tham dự hội nghị.
HT. Giới Nghiêm trưởng đoàn cùng với HT. Ẩn Lâm, HT. Tối Thắng, HT. Tịnh Sự, TT. Pháp Tri, ĐĐ.TS. Dũng Chí, ĐĐ. Tốc Trí, TT. Hộ Giác, ĐĐ. Giới Hỷ, ĐĐ. Pháp Tinh, ĐĐ. Pháp Lạc, ĐĐ. Pháp Chơn, ĐĐ. Pháp quang, TT. Giác Quang, ĐĐ. Pháp Siêu, ĐĐ. Tinh Tuệ, ĐĐ. Kim Minh.
Đại diện cho hệ phái Nguyên thủy TT. Pháp Tri trình bày tham luận.
Kết thúc đại hội Thống nhất Phật giáo HT. Thiện Luật được suy tôn Phó Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, TT. Pháp Tri, Phó Viện Trưởng Viện Hóa đạo, TT. Hộ Giác, Tổng vụ Trưởng, Tổng vụ Hoằng pháp.
Về chính quyền sau Đại hội thống nhất Phật giáo đã công nhận “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” là tổ chức Giáo hội Trung ương, hoạt động toàn lãnh thổ Việt Nam, không bị ràng buộc bởi Đạo dụ số 10.[11]
Năm 1969 có nhiều bất đồng trong cách điều hành quản lý về mặt hành chính và mặt giới luật theo Phật giáo Nguyên thủy Nam tông, HT. Giới Nghiêm là Tăng thống Phật giáo Nguyên thủy đã xin rút ra khỏi tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, HT. Giới Nghiêm tiếp tục điều hành hệ phái Phật giáo Nguyên thủy sinh hoạt tu hành theo truyền thống Hệ phái.
Sau 1975 Ban liên lạc Phật giáo yêu nước
Sau 1975 hòa bình lập lại các tôn giáo giai đoạn này hoạt động trong phạm vi chùa, nhiều Hòa thượng là nhà chí sĩ Cách mạng yêu nước đã tham gia xây dựng chính quyền Cách mạng Hòa thượng Giới Nghiêm, Hòa thượng Bửu Chơn, Hòa thượng Siêu Việt, Hòa thượng Thiện Tâm đã tham gia hoạt động trong “Ban liên lạc Phật giáo yêu nước” vận động 09 hệ phái Phật giáo, đoàn kết thống nhất thành lập tổ chức “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” ngày 7/11/1981 tại Hà Nội.
Hệ thống Tuệ Tĩnh đường, Từ thiện xã hội
A. Phòng thuốc nam Chùa Liên Hoa Huế
B. Hội Từ thiện Hương Minh Hiểu
* Đặc điểm của Phật giáo Nguyên thủy Nam tông Việt Nam được truyền thừa bởi 04 dòng Phật giáo Nguyên thủy từ các Quốc gia.
1. Phật giáo Nguyên thủy Campuchia - Hòa thượng Hộ Tông.
2. Phật giáo Nguyên thủy Thái Lan - Hòa thượng Tịnh Sự.
3. Phật giáo Nguyên thủy Miến Điện - Hòa thượng Hộ Nhẫn
4. Phật giáo Nguyên thủy Tích Lan - Hòa thượng, Thiền sư Hộ Pháp (Đệ tử Hòa thượng Narada).
KẾT LUẬN
Một số thành tựu Hệ phái Phật giáo Nguyên thủy Nam tông Kinh sau 1975.
- Tham gia Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
- Tham gia Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh, Thành, Quận, Huyện.
- Phát triển 900% số lượng tu sĩ (100 trước 1975, tăng 900 năm 2020).
Phát triển tăng số lượng 300% chùa từ 30 ngôi năm 1975, tăng 145 ngôi chùa năm 2020.
Số lượng tín đồ Phật tử hiện nay trên 50.000 Phật tử. Hệ phái Phật giáo Nam tông Nguyên thủy Việt Nam qua Ban Phật giáo Quốc tế thuộc GHPGVN đã kết nối với 06 quốc gia Phật giáo Nam tông Đông Nam Á.
________________________________________________________________________________
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%A1p_thu%E1%BB%99c
[2] h t t ps://v i .w i k ipe d i a . or g/w i k i/L i%C3%A A n_b a n g_%C4%90%C3%B - 4ng_D%C6%B0%C6%A1ng
[3] https://vi.wikipedia.org/wiki/Nam_K%E1%BB%B3
[4] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%B9_Nam
[5] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BA%A5n_h%C6%B0ng_Ph%E1%BA%ADt_gi%C3%A1o
[6] https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_th%E1%BA%BF_gi%E1%BB%9Bi_th%E1%BB%A9_hai
[7] https://vi.wikipedia.org/wiki/Nam_K%E1%BB%B3
[8] http://phatgiaonguyenthuy.com/article/tac-gia/chua-buu-quang.html
[9] http://www.trungtamhotong.org/index.php?module=sulieu&function=detail&id=14
[10] http://phatgiaonguyenthuy.com/article/tac-gia/chua-giac-quang-tp-hcm.html
[11] http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/lich-su/13175-dao-du-so-10.html
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Thích Đồng Bổn biên soạn (2017), Tiểu sử Danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, NXB Tôn giáo.
Trương Văn Chung, Nguyễn Công Lý, Thích Nhật Từ (2013), Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, NXB Phương Đông.
Lê Hương (1969), Người Việt gốc Miên, NXB N/A.
Phạm Kim Khánh (1972), Thánh tích Thích Ca Phật đài, không rõ nhà xuất bản.
Thiện Minh (Nguyễn Văn Sáu), Giáo trình Lược sử Phật giáo Nam tông Việt Nam, NXB Hồng Đức.
Thiện Minh (2006), Thiền sư Hộ Pháp - Một thời để nhớ, NXB Tổng hợp TP.HCM.
Tuyển tập của 99 tác giả (2013), 1963 - 2013 Năm mươi năm nhìn lại, NXB Thiện Tri Thức Publications.
Bình Anson (2020), Tiểu sử Hòa thượng Narada Maha Thera (1898- 1983), nguồn: https://thuvienhoasen.org/a29951/tieu-su- hoa-thuong-narada-maha-thera, truy cập: 31/12/2020.
Tu nữ Quang Kiến (2017), Danh sách các chùa thuộc hệ phái Theravada, nguồn: http://phatgiaonguyenthuy.com/article/ tac-gia/danh-sach-cac-chua-thuoc-he-phai-theravada.html, truy cập: 31/12/2020.
Sở Văn hóa Thể thao và du lịch Trà Vinh, Chùa Angorrājapurī (Chùa Âng), nguồn: https://dulichtravinh.com.vn/index.php/du- lich/du-la-ch/ca-c-ia-m-tham-quan/chua-angorrajapuri-chua- ang, truy cập ngày: 31/12/2020.
Tài liệu lưu trữ của Hệ phái Phật giáo Nguyên thủy.
Hiến chương Giáo hội Phật giáo Tăng già Nguyên thủy Việt Nam.
Văn bản của Giáo hội Phật giáo Tăng già Nguyên thủy Việt Nam.