Con Người Trong Cõi Nam Thiện Bộ Châu (Trái Đất)

Tác giả: HT. Hộ Pháp

 

Trong tam-giới gồm có 31 cõi-giới:

– Dục-giới có 11 cõi-giới.
– Sắc-giới có 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên.
– Vô-sắc-giới có 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.

Cõi người (manussabhūmi) là 1 trong 31 cõi-giới, cõi người là nơi sinh sống của loài người (manussa).

Loài người ở trong 4 châu lớn, mà mỗi châu nằm mỗi hướng Đông, hướng Tây, hướng Nam, hướng Bắc xung quanh chân núi Sineru như sau:

1- Pubbavidesadīpa: Đông-thắng-thần-châu.
2- Aparagoyānadīpa: Tây-ngưu-hoá-châu.
3- Jambūdīpa: Nam-thiện-bộ-châu.
4- Uttarakurudīpa: Bắc-cưu-lưu-châu.

Con người ở trong cõi Nam-thiện-bộ-châu có tính chất đặc biệt hơn loài người trong 3 châu khác nói riêng, và cũng có tính chất đặc biệt hơn tất cả chúng-sinh trong các cõi-giới khác nói chung.

Con người ở trong cõi Nam-thiện-bộ-châu có tính chất đặc biệt như thế nào?

* Con người (manussa) sinh sống trong cõi Nam- thiện-bộ-châu (trái đất của chúng ta) này có tâm dũng mãnh trong thiện-nghiệp thì đạt đến cực-thiện, trong ác-nghiệp thì đến cực-ác như sau:

– Trong thiện-nghiệp thì đạt đến cực-thiện nghĩa là tâm của con người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu có đức tính đặc biệt như sau:

• Có khả năng đặc biệt thuận lợi tạo 30 pháp-hạnh ba-la-mật: 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị trong toàn cõi-giới chúng-sinh muôn loài.

• Có khả năng đặc biệt thuận lợi tạo 20 pháp-hạnh ba-la-mật: 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức-Phật Độc-Giác cao thượng, có nhiều Đức-Phật Độc-Giác trong cùng thời.

• Có khả năng thuận lợi tạo 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, đầy đủ trọn vẹn, để trở thành 2 bậc Thánh A-ra-hán Tối-thượng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh- Đẳng-Giác, chư bậc Thánh A-ra-hán Đại-thanh-văn đệ-tử, chư bậc Thánh A-ra-hán thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác,…

– Trong ác-pháp thì đến cực-ác nghĩa là tâm con người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu có thể tạo 5 ác-nghiệp vô-gián trọng-tội đó là ác-nghiệp giết cha, ác-nghiệp giết mẹ, ác-nghiệp giết bậc Thánh A-ra-hán, ác-nghiệp làm bầm máu ngón chân cái của Đức-Phật, tỳ-khưu có thể tạo ác-nghiệp chia rẽ tỳ-khưu-Tăng.

* Con người ở trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này, mỗi người có khả năng thuận lợi tạo mọi đại-thiện-nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý, tạo đầy đủ 10 phước-thiện puññakriyāvatthu, và cũng có cơ hội tạo mọi ác-nghiệp; tất cả mọi đại-thiện-nghiệp, mọi ác-nghiệp dù nặng, dù nhẹ đều được lưu trữ đầy đủ trọn vẹn ở trong tâm sinh rồi diệt của mỗi người nói riêng, mỗi chúng-sinh nói chung, từ kiếp này sang kiếp kia trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, từ vô thủy trải qua vô số kiếp quá-khứ cho đến kiếp hiện-tại, mặc dù mỗi kiếp thân bị thay đổi do năng lực quả của nghiệp, còn tâm vẫn có phận sự lưu trữ đầy đủ trọn vẹn tất cả mọi đại-thiện-nghiệp và mọi ác-nghiệp dù nặng dù nhẹ không hề bị mất mát một mảy may nào cả.

* Tất cả mọi người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này có tính chất đặc biệt hơn tất cả mọi chúng-sinh trong các cõi-giới khác về vấn đề nghiệp cho quả như sau:

– Tất cả chúng-sinh trong 4 cõi ác-giới là cõi địa-ngục, loài a-su-ra, loài ngạ-quỷ, loài súc-sinh phần nhiều chỉ có ác-nghiệp có cơ hội cho quả khổ mà thôi, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới mong thoát khỏi cõi ác-giới ấy. Còn mọi đại-thiện-nghiệp ít có cơ hội cho quả an-lạc. Ngoại trừ có một số loài súc-sinh như voi báu, ngựa báu, con chó, con mèo tinh khôn, con chim nói tiếng người, … Các con súc vật ấy tuy ác-nghiệp đã có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) làm loài súc-sinh, nhưng trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla) kiếp hiện-tại, có đại-thiện-nghiệp của chúng trong kiếp quá-khứ có cơ hội cho quả an-lạc, nên các con súc vật ấy được mọi người thương yêu quý mến, được chăm lo săn sóc nuôi dưỡng đặc biệt.

– Chư vị thiên-nam hoặc chư vị thiên-nữ trong 6 cõi trời dục-giới, chỉ đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả an-lạc mà thôi, còn mọi ác-nghiệp không có cơ hội cho quả khổ.

– Chư phạm-thiên trên 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên và trên 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên, chỉ có sắc-giới thiện-nghiệp, vô-sắc-giới thiện-nghiệp có cơ hội cho quả an-lạc mà thôi, tuyệt đối mọi ác-nghiệp không có cơ hội cho quả khổ được.

* Tất cả mọi người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này, nếu đại-thiện-nghiệp nào gặp thuận-duyên (sampatti) có cơ hội cho quả an-lạc đến cho người nào, thì người ấy được hưởng mọi sự an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của đại-thiện-nghiệp ấy, hoặc nếu ác-nghiệp nào gặp nghịch-duyên (vipatti) có cơ hội cho quả khổ đến cho người nào, thì người ấy phải chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy.

Cho nên, mỗi người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này, khi thì đại-thiện-nghiệp gặp thuận duyên (sampatti) có cơ hội cho quả an-lạc, khi thì ác-nghiệp gặp nghịch duyên (vipatti) có cơ hội cho quả khổ.

Vì vậy, trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này, đều tuỳ thuộc vào nghiệp và quả của nghiệp của mình, hoàn toàn không có số mệnh hoặc định mệnh do một ai có khả năng an bài được cả. Thật vậy, giả sử mỗi người nói riêng, mỗi chúng-sinh dù lớn dù nhỏ nói chung đều có mỗi số-mệnh hoặc mỗi định-mệnh đã được an bài định sẵn.

Nếu đúng như vậy thì ai có khả năng an bài mỗi số-mệnh hoặc mỗi định-mệnh của mỗi người nói riêng, mỗi chúng-sinh lớn hoặc nhỏ nói chung trong tam-giới gồm có 31 cõi-giới chúng-sinh này ???

Cho nên, chắc chắn không có số-mệnh hoặc định-mệnh của mỗi chúng-sinh lớn hoặc nhỏ, mà chỉ có nghiệp và quả của nghiệp của mỗi chúng-sinh lớn hoặc nhỏ mà thôi.

Đức-Phật dạy các hàng thanh-văn đệ-tử hằng ngày thường suy xét về nghiệp và quả của nghiệp rằng:

“Kammassako’mhi kammadāyādo kammayoni kamma-bandhu kammappaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃvā, tassa dāyādo bhavissāmi.”(1)

1Aṅg., phần Pañcakanipāta, kinh Abhiṇhapaccavekkhitabbaṭhānasutta.

Ta có nghiệp là của riêng ta, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta, ta tạo nghiệp nào ‘thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp’, ta sẽ là người thừa hưởng quả an-lạc của thiện-nghiệp ấy hoặc chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy, như người thừa kế quả của nghiệp của mình (kammadāyādo).

(Xong phần 10 phước-thiện puññakriyāvatthu)

Đoạn Kết

Trong bộ Chú-giải Pāḷi Dhammapadaṭṭhakathā (Chú-giải Pháp-cú kệ), bài kệ thứ 118, Đức-Phật khuyên dạy:

“Puññañce puriso kayirā, kayirā naṃ punappunaṃ. Tamhi chandaṃ kyirātha, sukho puññassa uccayo.”(1)

1 Bộ Chú-giải Dhammapadaṭṭhakathā, tích Lājadevadhītāvatthu.

Nếu người làm phước-thiện,
Nên thường làm luôn luôn,
Với thiện-tâm hoan hỷ,
Trong phước-thiện đã làm,
Tích lũy nhiều phước-thiện,
Cho quả được an-lạc.
Trong kiếp hiện-tại này,
Vô số kiếp vị-lai.

Mười loại phước-thiện trong puññakriyāvatthu gom vào nhau 3 nhóm là nhóm phước-thiện bố-thí, nhóm phước-thiện giữ-giới, nhóm phước-thiện hành-thiền, đó là 3 nhóm phước-thiện cơ bản mà con người cần phải cố gắng tinh-tấn làm cho đầy đủ, để cho kiếp sống hiện- tại được thành tựu quả báu an-lạc trong cõi người (manussasampatti), được thành tựu quả báu an-lạc trong các cõi trời (devasampatti), nhất là được thành tựu quả báu an-lạc Niết-bàn (Nibbānasampatti), bởi vì mỗi phước-thiện hỗ trợ cho nhau như:

* Người nào có nhóm phước-thiện bố-thí đầy đủ thì người ấy có nhiều của cải, giàu sang phú quý, có nhiều thuộc hạ trung thành, cuộc sống đầy đủ sung túc, thuận lợi cho việc làm phước-thiện bố-thí hơn nữa, để đem lại hạnh phúc an-lạc trong kiếp hiện-tại, và vô số kiếp vị-lai. Nhóm phước-thiện bố-thí còn hỗ-trợ cho các phước-thiện khác được thuận lợi phát triển tốt.

Người thí chủ dù có tạo nhóm phước-thiện bố-thí nhiều bao nhiêu đi nữa, vẫn chưa chắc chắn tránh khỏi được cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh).

* Để mong tránh khỏi 4 cõi ác-giới, thì hành-giả cần phải giữ gìn giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn, là giữ gìn thân và khẩu tránh xa 3 thân hành ác, và tránh xa 4 khẩu nói ác, để có được phước-thiện giữ-giới, bởi vì quả báu của giới có 5 điều như sau:

Quả báu của người giữ gìn giới có 5 điều(1)

1 Dī, Mahāvaggapāḷi, Mahāparinibbānasutta, đoạn Sīlavanta ānisaṃsa.

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn truyền dạy các cận-sự-nam,cận-sự-nữ người dân làng Pāṭali rằng:

– Này các người tại gia! Có 5 quả báu của người giữ gìn giới trong sạch trọn vẹn, của người có giới.

5 quả báu ấy là:

1- Này các người tại gia! Người giữ gìn giới trong sạch trọn vẹn, người có giới trong đời này, tạo được nhiều của cải tài sản, do nhân không dể duôi (có trí nhớ biết mình).

Đó là quả báu thứ nhất của người giữ gìn giới trong sạch trọn vẹn, của người có giới.

2- Này các người tại gia! Người giữ gìn giới trong sạch trọn vẹn, người có giới có tiếng tốt lành được lan truyền khắp mọi nơi.

Đó là quả báu thứ nhì của người giữ gìn giới trong sạch trọn vẹn, của người có giới.

3- Này các người tại gia! Người giữ gìn giới trong sạch trọn vẹn, người có giới có đại-thiện-tâm tự tin khi vào nơi hội đoàn hoàng gia, hội đoàn gia chủ, hội đoàn Sa-môn, hội đoàn Bà-la-môn.

Đó là quả báu thứ ba của người giữ gìn giới trong sạch trọn vẹn, của người có giới.

4- Này các người tại gia! Người giữ gìn giới trong sạch trọn vẹn, người có giới lúc lâm chung có đại-thiện- tâm tỉnh táo, không mê muội.

Đó là quả báu thứ tư của người giữ gìn giới trong sạch trọn vẹn, của người có giới.

5- Này các người tại gia! Sau khi người giữ gìn giới trong sạch trọn vẹn chết, đại-thiện-nghiệp giữ giới cho quả tái-sinh trong cõi thiện-giới: cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới.

Đó là quả báu thứ năm của người giữ gìn giới trong sạch trọn vẹn, của người có giới.

– Này các người tại gia! Đó là 5 quả báu của người giữ gìn giới trong sạch trọn vẹn, của người có giới.
Và người phạm giới có 5 điều tai hại như sau:

Quả tai hại của người phạm giới có 5 điều(1)

1 Dī, Mahāvaggapāḷi, Mahāparinibbānasutta, đoạn Sīlavanta ānisaṃsa.

– Này các người tại gia! Có 5 điều tai hại của người phạm giới, của người phá giới.

5 điều tai hại ấy là:

1- Này các người tại gia! Người phạm giới, người không có giới trong đời này, làm tiêu tan nhiều của cải tài sản, do nhân dể duôi (thất niệm, không biết mình).

Đó là điều tai hại thứ nhất của người phạm giới, của người không có giới.

2- Này các người tại gia! Người phạm giới, người không có giới có tiếng xấu bị lan truyền khắp mọi nơi.

Đó là điều tai hại thứ nhì của người phạm giới, của người không có giới.

3- Này các người tại gia! Người phạm giới, người không có giới có ác-tâm rụt rè, e thẹn, sợ sệt khi vào nơi hội đoàn hoàng gia, hội đoàn gia chủ, hội đoàn Sa- môn, hội đoàn Bà-la-môn.

Đó là điều tai hại thứ ba của người phạm giới, của người không có giới.

4- Này các người tại gia! Người phạm giới, người không có giới lúc lâm chung có ác-tâm mê muội, hoặc tâm sợ hãi.

Đó là điều tai hại thứ tư của người phạm giới, của người không có giới.

5- Này các người tại gia! Sau khi người phạm giới, người không có giới chết, ác-nghiệp phạm giới cho quả tái sinh trong các cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ- quỷ, súc- sinh).

Đó là điều tai hại thứ năm của người phạm giới, của người không có giới.

– Này các người tại gia! Đó là 5 điều tai hại của người phạm giới, của người phá giới.

Như vậy, tất cả mọi người được sinh ra trong đời này, chắc chắn tiền-kiếp của tất cả mọi người ấy đều có giới trong sạch và trọn vẹn, ít nhất là ngũ-giới trong sạch trọn vẹn. Thật vậy, nếu tiền-kiếp của người nào là người phạm giới, không có giới thì chắc chắn người ấy không thể sinh ra làm người trong đời này được.

Bởi vì quả báu điều thứ tư là: “người giữ gìn giới trong sạch trọn vẹn, lúc lâm chung có đại-thiện-tâm tỉnh táo, không mê muội.”

Và quả báu điều thứ năm là: “sau khi người giữ gìn giới trong sạch trọn vẹn chết, đại-thiện-nghiệp giữ giới cho quả tái sinh trong cõi thiện-giới: cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới.”

* Để trong lúc lâm chung có đại-thiện-tâm tỉnh táo sáng suốt, thì trong cuộc sống hằng ngày, hành-giả nên thường thực-hành pháp-hành thiền-định, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ cho tâm trú trong thiện-pháp.

Như vậy, nhóm phước-thiện bố-thí làm nền tảng, làm nhân-duyên hỗ trợ cho nhóm phước-thiện giữ-giới thuận lợi giữ gìn thân và khẩu tránh xa 3 thân hành ác, tránh xa 4 khẩu nói ác, giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn để làm nền tảng, làm nhân-duyên hỗ trợ cho nhóm phước-thiện hành-thiền được thuận lợi thực-hành pháp-hành thiền-định, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ được phát triển và tăng trưởng.

* Pháp-hành thiền-định (samathabhāvanā) là pháp-hành mà hành-giả là hạng người tam-nhân thực-hành pháp-hành thiền-định có khả năng dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm.

Tuy nhiên, dục-giới thiện-nghiệp, sắc-giới thiện-nghiệp, vô-sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong tam-giới, vẫn còn tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, chưa giải thoát khổ tử sinh luân-hồi được.

* Pháp-hành thiền-tuệ (vipassanābhāvanā) là pháp- hành mà hành-giả là hạng người tam-nhân thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh-A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.(1)

1 Tìm hiểu trong bộ Nền Tảng Phật Giáo, quyển IX: Pháp-Hành Thiền- Định và quyển X: Pháp-Hành Thiền-Tuệ,cùng soạn giả

Pháp-hành thiền-định có trong Phật-giáo và ngoài Phật-giáo, nhưng pháp-hành thiền-tuệ chỉ có trong Phật-giáo mà thôi, hoàn toàn không có ngoài Phật-giáo.

Quyển Phước-Thiện trình bày 10 phước-thiện trong puññakriyāvatthu đó là phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ-giới, phước-thiện hành-thiền, phước-thiện cung- kính, phước-thiện hỗ-trợ, phước-thiện hồi-hướng, phước-thiện hoan-hỷ, phước-thiện nghe-pháp, phước-thiện thuyết-pháp, phước-thiện chánh-kiến.

Trong 10 loại phước-thiện này chỉ có phước-thiện bố-thí là phước-thiện mà thí-chủ cần phải đem tiền của ra mua sắm các vật-thí, để làm phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư tỳ-khưu-Tăng, để tạo phước-thiện bố-thí gọi là tạo đại-thiện-nghiệp bố-thí, mong hưởng được quả báu có nhiều của cải tài-sản, giàu sang phú quý đem lại mọi sự an-lạc trong kiếp hiện-tại và nhiều kiếp vị-lai.

Còn lại 9 loại phước-thiện từ phước-thiện giữ-giới, v.v… cho đến phước-thiện chánh-kiến là phước-thiện mà hành-giả không cần xuất ra tiền của nhưng lại có được phước-thiện cao quý vô-lượng hơn phước-thiện bố-thí gấp bội phần không sao kể được.

Phước-thiện bố-thí là loại phước-thiện bậc thấp so với phước-thiện giữ-giới, v.v… Thí-chủ có được phước-thiện bố-thí nhiều hay ít còn tuỳ thuộc vào người thọ-thí có giới-đức hay không có giới-đức.

Thật ra, muốn tạo mọi phước-thiện, người có tiền của chỉ có tạo được phước-thiện bố-thí bậc thấp mà thôi, còn lại 9 loại phước-thiện bậc cao khác được thành-tựu không nhờ đến tiền của, mà nhờ đến công sức và trí-tuệ hiểu biết của hành-giả.

Tuy nhiên, người có phước-thiện bố-thí đầy đủ trở thành người giàu sang phú quý, hỗ-trợ cho 9 loại phước-thiện còn lại được thuận lợi phát triển tốt.

Cho nên, mọi người nên tìm mọi cơ hội tốt để tạo đầy đủ 10 loại phước-thiện này, bởi vì đó là đại-thiện-nghiệp thuộc về của riêng mình, để làm nơi nương nhờ cho mình trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, còn làm nhân-duyên hỗ trợ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Patthanā

Iminā puññakammena, sukhī bhavāma sabbadā.
Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo, loke sattā sumaṅgalā.
Vietnam-raṭṭhikā ca sabbe, janā pappontu sāsane.
Vuḍḍhiṃ viruḷhivepullaṃ, patthayāmi nirantaraṃ.

Do nhờ phước-thiện thanh cao này,
Cho chúng con thường được an-lạc.
Cầu mong chánh-pháp được trường tồn,
Tất cả chúng-sinh được hạnh phúc.
Dân tộc Việt-Nam được phát triển,
Tiến hóa hưng thịnh trong Phật-giáo.
Bần sư cầu nguyện với tâm thành,
Hằng mong được thành tựu như nguyện.

Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo lokasmiṃ.
Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo Vietnamraṭṭhasmiṃ.

Cầu nguyện chánh pháp được trường tồn trên thế gian.
Cầu nguyện chánh pháp được trường tồn trên Tổ-quốc Việt-Nam thân yêu.

PL. 2563/2019 Rừng Núi Viên Không xã Tóc-tiên, huyện Tân-thành tỉnh Bà-Rịa-Vũng-Tàu.
Tỳ-Khưu Hộ-Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) (Aggamahāpaṇḍita)

Saturday September 18, 2021
Các bài viết khác :