Phật giáo Nguyên Thủy – Theravāda
Ni Viện Khemārāma – Tịnh An Lan Nhã
* * * * *
CĂN BẢN PHẬT PHÁP THERAVĀDA
CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU
Khemārāma tổng hợp
Chỉnh sửa lần thứ 2 (2023)
Tài Liệu Lưu Hành Nội Bộ
MỤC LỤC
I) GIẢI THÍCH Ý NGHĨA CỦA TỪ ĐẠO TRONG ĐẠO PHẬT
II) TÔNG CHỈ VÀ LỊCH SỬ CỦA PHẬT GIÁO
I) ĐỊNH NGHĨA VỀ PHẬT, PHÁP, TĂNG THEO KINH TRUNG BỘ SỐ 7 – VATTHŪPAMA SUTTA
II) Ý NGHĨA 9 ÂN ĐỨC PHẬT, 6 ÂN ĐỨC PHÁP VÀ ÂN ĐỨC TĂNG BẢO
CHƯƠNG [3]: TỨ NHIẾP PHÁP CATTĀRI SAṄGAHAVATTHŪNI
I) TRÍCH DẪN LỜI THẾ TÔN DẠY VỀ TỨ NHIẾP PHÁP TRONG KINH TẠNG
II) ỨNG DỤNG TU TẬP
CHƯƠNG [4]: TỨ VÔ LƯỢNG TÂM CATASSO-APPAMAÑÑĀYO
I) ĐỊNH NGHĨA TỨ VÔ LƯỢNG TÂM
II) TU TẬP TỨ VÔ LƯỢNG TÂM
CHƯƠNG [7]: TỨ THÁNH ĐẾ CATTĀRI ARIYASACCĀNI
I) ĐỊNH NGHĨA TỨ THÁNH ĐẾ
II) BÁT THÁNH ĐẠO LÀ CON ĐƯỜNG GIỚI ĐỊNH TUỆ, LÀ PHÁP HỮU VI
III) THÁNH GIỚI – ĐỊNH – TUỆ CỤ TÚC (MỘT CÁCH GỌI KHÁC CỦA BCĐ) – CON ĐƯỜNG DẪN NGƯỜI THỰC HÀNH ĐẾN SỰ DIỆT TẬN HOÀN TOÀN KHỔ ĐAU
IV) NẾP SỐNG VÀ THỰC HÀNH BCĐ DẪN ĐẾN SỰ TẬN DIỆT KHỔ ĐAU
V) LIỄU TRI TỨ ĐẾ LÀ ĐOẠN TẬN SANH TỬ
VI) MỘT LOẠT CÁC KHỔ ĐAU SANH RA TỪ THAM DỤC
CHƯƠNG [8]: TỨ NIỆM XỨ CATTĀRO SATIPAṬṬHĀNĀ
I) 2 LOẠI THIỀN TRONG PHẬT GIÁO
II) NỘI DUNG 4 NIỆM XỨ
CHƯƠNG [9]: TỨ CHÁNH CẦN CATTĀRO SAMMAPPADHĀNA
I) ĐỊNH NGHĨA TỨ CHÁNH CẦN
II) PHÂN TÍCH CHI TIẾT
III) TU TẬP TỨ CHÁNH CẦN
IV) TRÍCH DẪN NHỮNG ĐOẠN KINH VỀ SỰ TINH TẤN ĐOẠN TRỪ PHIỀN NÃO
CHƯƠNG [10]: TỨ NHƯ Ý TÚC CATTĀRO IDDHIPĀDA
I) ĐỊNH NGHĨA
II) NHƯ Ý TÚC VÀ ĐẠO LỘ TU TẬP NHƯ Ý TÚC
III) KẾT QUẢ TU TẬP THẦN TÚC
CHƯƠNG [11]: NGŨ CĂN – NGŨ LỰC PAÑCA INDRIYĀNI – PAÑCA BALĀNI
I) ĐỊNH NGHĨA
II) PHÂN BIỆT NGŨ CĂN – NGŨ LỰC
CHƯƠNG [12]: THẤT GIÁC CHI SATTA BOJJHANGĀ
I) ĐỊNH NGHĨA
II) THỨC ĂN CỦA BẢY GIÁC CHI?
III) DẤU HIỆU SANH KHỞI BẢY GIÁC CHI
IV) PHÂN TÍCH CHI TIẾT
V) 7 LỢI ÍCH CỦA TU TẬP THẤT GIÁC CHI
VI) ỨNG DỤNG TRONG THỰC HÀNH NHƯ THẾ NÀO?
V) TĂNG CHÚNG CÒN TĂNG THỊNH, KHÔNG THỐI ĐỌA KHI BẢY GIÁC CHI CÒN ĐƯỢC TU TẬP?
I) Y KINH TRÍCH DẪN
II) PHÂN TÍCH DƯỚI GÓC NHÌN TỪ NHỮNG TÀI LIỆU KHÁC
CHƯƠNG [14]: NGŨ UẨN PÃNCA KHANDHA
I) KHÁI NIỆM NGŨ UẨN
II) PHÂN BIỆT GIỮA UẨN VÀ UẨN CHẤP THỦ?
III) PHÂN TÍCH CHI TIẾT
IV) GIẢNG RÕ VỀ NĂM THỦ UẨN
V) NGŨ UẨN VÀ TỨ ĐẾ
VI) NGŨ UẨN CỦA NHƯ LAI VÀ CÁC HẠNG NGƯỜI TU TẬP NGŨ UẨN?
VII) TU TẬP NGŨ UẨN
CHƯƠNG [15]: THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN PAṬICCASAMUPPĀDA
I) ĐỊNH NGHĨA PHÁP DUYÊN KHỞI
II) PHÂN TÍCH CHI TIẾT THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN
III) THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN TẬP KHỞI – THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN ĐOẠN DIỆT
IV) THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN CHÍNH LÀ CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO
V) THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN VÀ TỨ THÁNH ĐẾ
VI) TU TẬP THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN NHƯ THẾ NÀO?
CHƯƠNG [16]: TAM GIẢI THOÁT MÔN TĪNIVIMOKKHAMUKKHA
I) VÔ THƯỜNG
II) KHỔ - DUKKHA
III) VÔ NGÃ – ANATTA
I) ĐỊNH NGHĨA VỀ NGHIỆP
II) NHỮNG BÀI KINH THẾ TÔN GIẢNG VỀ NGHIỆP
III) PHÂN LOẠI NGHIỆP
IV) CHÁNH KIẾN VÀ TÀ KIẾN VỀ NGHIỆP
* * * * *
Namo Buddhānaṃ!
Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ chư Phật, Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Biến
Tri!
Tình cờ đầy đủ duyên lành chúng tôi được tặng cuốn sách “Phật Học Căn Bản” của Ban Giáo Dục Tăng Ni Trung Ương soạn thảo. Trong tài liệu ấy, 37 phẩm trợ đạo và những giáo lý căn bản của Phật pháp được trình bày hết sức rõ ràng tuy nhiên lại theo nhiều nguồn tài liệu của nhiều tông phái khác nhau. Chính vì lý do đó, chúng tôi phát tâm tổng hợp cuốn “CĂN BẢN PHẬT PHÁP THERAVĀDA” này với phần mục lục y như CBPH nhưng phần nội dung lại hầu như khác biệt. Thay vì thu thập tài liệu từ nhiều nguồn, chúng tôi chỉ trích dẫn hầu như trong tam tạng và tài liệu thuộc giáo lý Phật giáo Nam truyền. Mục đích của cuốn sách này là giúp cho những vị tu sĩ đang nghiên cứu và muốn tìm hiểu về giáo lý của PGNT thì có thể tham khảo, tra cứu cũng như giúp các vị mới cư sĩ dễ dàng và thuận tiện hơn trong việc nghiên cứu những giáo lý căn bản của Phật giáo Nguyên thủy.
Về tạng Kinh chúng tôi lấy nguồn từ website www.legacy.suttacentral.net. Sở dĩ chúng tôi chọn nguồn ở đây vì trang này có đầy đủ Tam Tạng bằng tiếng Pāḷi – Anh – Việt, rất thuận tiện và dễ dàng cho việc tra cứu. Ở đây, chúng tôi trích dẫn địa chỉ của bài Kinh và đoạn Kinh giống với vị trí được phân chia theo bản Pāḷi. Sau đây, xin giải thích cách viết tắt trong mục chú thích:
DN 2, Kinh Sa-môn Quả (Sāmaññaphala Sutta) – Trường Bộ Kinh (Dighā Nikāya, bài số 2, kinh Sa-môn Quả (tên Pāḷi: Sāmaññaphala Sutta).
MN 62, Đại Kinh Giáo Giới La-hầu-la, (Mahā-rāhulovāda Sutta) – Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya), bài số 62, Đại Kinh Giáo Giới La-hầu-la (tên Pāḷi: Mahā-rāhulovāda Sutta).
SN 44.2, Kinh Anurādha (Anurādha Sutta) – Tương Ưng Bộ Kinh (Saṃyutta Nikāya), chương 44, bài kinh số 2, Kinh Anurādha (tên Pāḷi: Anurādha Sutta).
AN 1.170, Kinh Như Lai (Ekapuggala Sutta) – Kinh Tăng Chi Bộ (Aṅguttara Nikāya), chương 1 pháp, bài kinh số 170, Kinh Như Lai (tên Pāḷi: Ekapuggala).
KN, Iti.11 – Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikāya), Kinh Phật Thuyết Như Vậy Itivuttaka), bài số 11.
Cv: Cullavagga, Tiểu Phẩm thuộc tạng luật (Vinaya).
Trước khi nhập Vô Dư Niết Bàn, đức Thế Tôn đã dạy: “Atha kho bhagavā bhikkhū āmantesi: handa dāni, bhikkhave, āmantayāmi vo, vayadhammā saṅkhārā appamādena sampādethā’ti, Ayaṃ tathāgatassa pacchimā vācā”. – “Này các Tỷ-kheo, nay Ta khuyên dạy các ngươi: Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật". Ðó là lời cuối cùng Như Lai.
Thật vậy những gì cần phải làm, hãy làm với nhiệt tâm, đời xuất gia biếng trễ, chỉ tạo thêm não phiền. Xin chia phước lành đến chúng sanh trong 31 cõi. Mong cho sự tinh tấn và trí tuệ hằng phát sinh đến người!
Trong quá trình tổng hợp và thực hiện không sao tránh khỏi những sai sót. Chúng tôi xin thành tâm đón nhận để hoàn thiện. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: khemarama.com@gmail.com.
Ấn tống lần thứ nhất: Tháng 07/2021 tại Ni viện Khemārāma. Chỉnh sửa, bổ sung và ấn tống lần thứ 2: Tháng 02/2023 tại Ni viện Khemārāma.
Kính bút,
Khemārāma.
* * * * *
1) Nguồn chính:
1. Tạng Kinh PGNT –HT. Minh Châu dịch (nguồn: suttacentral.net).
2. Tạng Luật PGNT –TT. Chánh Thân dịch (nguồn: buddhasassana.org).
3. Tài Liệu Vi Diệu Pháp:
+ TT. Giác Chánh, Vi Diệu Pháp Giảng Giải.
+ Nārada Mahā Thera, Vi Diệu Pháp Toát Yếu, Phạm Kim Khánh dịch.
2) Nguồn tham khảo:
1. HT. Hộ Pháp (2018), Pháp Hành Thiền Tuệ, NXB. Tôn Giáo.
2. HT. Viên Minh (2014), Thực Tại Hiện Tiền, NXB. Hồng Đức
3. TT. Chánh Minh (2005), Tâm Sở Vấn Đáp, NXB. Tôn Giáo
4. Achaan Naeb Mahaniranonda (2005), Minh Sát Tu Tập, TK. Pháp Thông dịch Việt, NXB. Phương Đông.
5. Hỏi đáp Phật Pháp – Trung Tâm Hộ Tông (www.trungtamhotong.org).
6. HT. Bửu Chơn (2010), Tứ Thanh Tịnh Giới, NXB. Tôn Giáo.
7. Mingun Sayadaw, Đại Phật Sử (Mahā Buddhavaṃsa), TK. Minh Huệ dịch Việt, NXB Tôn Giáo.
8. Và nhiều nguồn tài liệu khác…
* * * * *
DN | Dighā Nikāya | Trường Bộ Kinh |
MN |
Majjhima Nikāya |
Trung Bộ Kinh |
SN |
Saṃyutta Nikāya |
Tương Ưng Bộ Kinh |
AN |
Aṅguttara Nikāya |
Tăng Chi Bộ Kinh |
KN |
Khuddaka Nikāya |
Tiểu Bộ Kinh |
Iti |
Itivuttaka |
Phật Thuyết Như Vậy |
Cv |
Cullavagga |
Tiểu Phẩm |
Dhp |
Dhammapada |
Kinh Pháp Cú |
VDP |
Vi Diệu Pháp |
|
NXB |
Nhà Xuất Bản |
|
CBPH |
Căn Bản Phật Học |
* * * * *
I) GIẢI THÍCH Ý NGHĨA CỦA TỪ ĐẠO TRONG ĐẠO PHẬT:
1) Đạo:
Trong phạm trù triết học: Đạo là lý tánh tuyệt đối, là bản thể của vạn vật. Trong ý nghĩa đạo đức: đạo là trách nhiệm và bổn phận. Trong lĩnh vực lý tưởng sống, đạo có nghĩa là con đường, cách sống. Đạo trong ý nghĩa tôn giáo bao gồm ở nghĩa thứ 3.
2) Phật:
− Phật hay Phật Đà là dịch âm của thuật ngữ Sankrit “Budha” hay thuật ngữ Pāḷi “Buddha”, nghĩa là người giác ngộ, người hiểu biết hoàn toàn (bậc giác giả). Nói một cách ngắn gọn, Phật là danh từ chỉ chung cho những ai đã chứng đắc hoàn toàn giải thoát bằng sự nổ lực của bản thân và đem giáo lý giải thoát ấy làm lợi ích cho mọi loài.
− Trong Tăng Chi Bộ Kinh, đức Thế Tôn đã dạy rằng:
“Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời. Của người nào? Của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời.
Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người vi diệu. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người vi diệu.
Sự mệnh chung của một người, này các Tỷ-kheo, được đa số thương tiếc. Của một người nào? Của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Sự mệnh chung của một người này, này các Tỷ-kheo, được đa số thương tiếc.
Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương trợ, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc Tối thượng giữa các loài hai chân. Một người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.” (1)
II) TÔNG CHỈ VÀ LỊCH SỬ CỦA PHẬT GIÁO:
1) Pháp Của Ngài Chỉ Giành Cho Người Trí Liễu Ngộ:
− Trong kinh Trung Bộ số 2 - Kinh Tất cả các lậu hoặc (Sabbāsava Sutta), Đức Phật có dạy: “Này các Tỷ-kheo, Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy.”
2) Tông Chỉ Của Các Đấng Như Lai:
a) Giáo pháp của đấng Như Lai chỉ dạy về khổ và khổ diệt:
− “Lành thay, lành thay! Này Anurādha. Trước đây và hiện nay, này Anurādha, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ.” (2)
− “Chư Tỷ-kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ.” (3)
b) Đức Thế Tôn không quan trọng việc trình bày các triết lý siêu hình hay việc tranh luận hơn thua với đời:
− “Này các Tỷ-kheo, Ta không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Ta. Này các Tỷ-kheo, người nói Pháp không tranh luận bất cứ với một ai ở đời .” (4)
− “Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thật là quá nhiều, những gì Ta đã thắng tri mà không nói cho các Ông! Thật là quá ít những gì mà Ta đã nói ra! Nhưng tại sao, này các Tỷ-kheo, Ta lại không nói ra những điều ấy? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, những điều ấy không liên hệ đến mục đích, không phải là căn bản cho Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, Ta không nói lên những điều ấy”. (5)
− “Này Cunda, những loại sở kiến này khởi lên trên đời, hoặc liên hệ đến ngã luận, hoặc liên hệ đến thế giới luận, - chỗ nào những sở kiến này tiềm ẩn, và chỗ nào những sở kiến này hiện hành, chỉ có cách như thật quán sát chúng với trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi", có vậy thời có sự đoạn trừ những sở kiến ấy, có sự xả ly những sở kiến ấy”. (6)
− “Này Sunakkhatta, các pháp thượng nhân thần thông có thực hiện hay không thực hiện, nhưng mục đích mà Ta thuyết giảng Chánh pháp là đưa người thực hành đến chỗ tận diệt khổ đau”. (7)
− Thế Tôn giảng về Pháp kính – Gương Chánh Pháp trong kinh Đại bát Niết Bàn – Mahāparinibbāna: “Chánh pháp được Thế Tôn khéo giảng dạy, thiết thực, vượt ngoài thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng giải thoát, được kẻ trí tự mình thâm hiểu.”
c) Giáo pháp của Thế Tôn chỉ như chiếc bè để sang sông:
“-- Chư Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng pháp cho các Ông, ví như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy”, “Chư Tỷ-kheo, các Ông cần hiểu ví dụ cái bè. Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp”. (8)
“-- Này các Tỷ-kheo, ví như có người đang đi trên con đường lớn dài, đến một vùng nước rộng, bờ bên này nguy hiểm và hãi hùng, bờ bên kia an ổn và không kinh hãi, nhưng không có thuyền để vượt qua hay không có cầu bắc qua từ bờ này đến bờ kia. Người đó tự suy nghĩ: “Ðây là vùng nước rộng, bờ bên này nguy hiểm và hãi hùng, bờ bên kia an ổn và không kinh hãi, nhưng không có thuyền để vượt qua hay không có cầu bắc qua từ bờ này đến bờ kia. Nay ta hãy thâu góp cỏ, cây, nhánh, lá, cột lại thành chiếc bè, và dựa trên chiếc bè này, tinh tấn dùng tay chân, có thể vượt qua bờ bên kia một cách an toàn”. Chư Tỷ-kheo, rồi người đó thâu góp cỏ, cây, nhánh, lá cột lại thành chiếc bè, và nhờ chiếc bè này, tinh tấn dùng tay chân vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Khi qua bờ bên kia rồi, Người đó suy nghĩ: “Chiếc bè này lợi ích nhiều cho ta, nhờ chiếc bè này, ta tinh tấn dùng tay chân để vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Nay ta hãy đội chiếc bè này trên đầu hay vác nó trên vai, và đi đến chỗ nào ta muốn”. Chư Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Chư Tỷ-kheo, nếu người đó làm như vậy, thì có làm đúng với sở dụng của chiếc bè chăng?
-- Bạch Thế Tôn, không.
-- Chư Tỷ-kheo, người đó phải làm thế nào cho đúng sở dụng của chiếc bè? Ở đây, chư Tỷ-kheo, người đó sau khi vượt qua bờ bên kia, có thể suy nghĩ: “Chiếc bè này lợi ích nhiều cho ta. Nhờ chiếc bè này, ta tinh tấn dùng tay chân đã vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Nay ta hãy kéo chiếc bè này lên trên bờ đất khô, hay nhận chìm xuống nước, và đi đến chỗ nào ta muốn”. Chư Tỷ-kheo, làm như vậy, người đó làm đúng sở dụng chiếc bè ấy. Cũng vậy, này chư Tỷ-kheo, Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy.
-- Chư Tỷ-kheo, các Ông cần hiểu ví dụ cái bè. Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp”.
d) Đức Thế Tôn chỉ là vị lương y:
“Ví như một vị lương y chữa bệnh cho một bệnh nhân khí huyết suy kiệt. Nếu bệnh nhân khí huyết suy kiệt mà cho uống thuốc trị liệu, bệnh nhân sẽ chết ngay. Phải cần cho bệnh nhân uống thuốc bổ khí, bổ huyết trước đã rồi mới cho thuốc trị bệnh. Cũng vậy, chư Phật thấy chúng sanh đau khổ trầm kha nên phải bốc vài thang thuốc bổ cho chúng sanh thọ hưởng chút ít an lạc, hạnh phúc, bằng cách thuyết về bố thí, cúng dường rồi sau đó mới thuyết về ngũ giới, bát giới; như những phương thuốc trị liệu vậy”. (9)
e) Giáo pháp của Ngài đã mang đến vô vàn lợi lạc cho chúng sanh:
Kết thúc mỗi bài kinh, người được nhận pháp bảo sẽ thốt lên lời cảm hứng sau:
“Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, hay đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Vậy nay con xin quy y Thế Tôn Gotama, quy y Pháp và quy y Tỷkheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama cho con được xuất gia trước mặt Thế Tôn, cho con được thọ đại giới”!
3) Nhận Xét Của Nhà Bác Học Eistein Về Đạo Phật:
“Chính vì thấy rõ cái độc đáo đó mà ông Einstein đã phát biểu về Đạo Phật như sau: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật Giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó” (The religion of the future will be a cosmic religion. It would transcend a person God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sence, arising from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description)”. (10)
4) Sơ Bộ Về Tam Tạng:
a) Tạng Luật:
1. Phân tích giới Tỳ khưu (Bhikkhu vibhanga): 2 tập
2. Phân tích giới Tỳ khưu ni (Bhikhuni vibhanga): 1 tập
3. Đại phẩm (Mahavagga): 2 tập
4. Tiểu phẩm (Cullavagga): 2 tập
5. Tập yếu (Parivara): 2 tập
b) Tạng Kinh:
1. Trường Bộ Kinh, Digha Nikaya (Collection of Long Discourses).
2. Trung Bộ Kinh, Majjhima Nikaya (Collection of Middle-length Discourses).
3. Tương Ưng Bộ Kinh, Samyutta Nikaya (Collection of Kindred Sayings).
4. Tăng Chi Bộ Kinh, Anguttara Nikaya (Collection of Gradual Sayings).
5. Tiểu Bộ Kinh, Khuddaka Nikaya (Smaller Collection).
5.1- Tiểu Bộ Tập (Tiểu Tụng), Khuddaka Patha (Shorter Texts)
5.2- Pháp Cú Kinh, Dhammapada (The Way of Truth)
5.3- Phật Tự Thuyết, Udana (Paeans of Joy)
5.4- Như Thị Ngữ (Phật Thuyết Như Vậy), Itivuttaka ("Thus said" Discourses)
5.5-Kinh Tập, Sutta Nipata (Collected Discourses)
5.6- Thiên Cung Sự, Vimana Vatthu (Stories of Celestial Mansions)
5.7- Ngạ Quỷ Sự, Peta Vatthu (Stories of Peta)
5.8- Trưởng Lão Tăng Kệ, Theragatha (Psalms of the Brethren)
5.9- Trưởng Lão Ni Kệ, Therigatha (Psalms of the Sisters)
5.10- Bổn Sanh, Jataka (Birth Stories of the Bodhisatta)
5.11- Nghĩa Thích, Niddesa (Expositions)
5.12- Vô Ngại Giải Đạo, Patisambhida (Book on Analytical Knowledge)
5.13- Thí Dụ, Apadana (Lives of Arahants)
5.14- Phật Sử, Buddhavamsa (History of the Buddha)
5.15- Sở Hạnh Tạng, Cariya Pitaka (Modes of Conduct).
c) Thắng Pháp Tạng (Abhidhamma Pitaka - Vi Diệu Pháp, A Tỳ Đàm, Luận Tạng)
1. Pháp Tụ, Dhammasangani (Classification of Dhamma)
2. Phân Tích (Phân Biệt), Vibhanga (Divisions)
3. Chất Ngữ (Giới Thuyết), Dhatukatha (Discourse on Elements)
4. Nhân Chế Định (Nhân Thị Thuyết), Puggala Pannatti (The Book on Individuals)
5. Ngữ Tông (Biện Giải), Kathavatthu (Points of Controversy)
6. Song Đối (Song Luận), Yamaka (The Book of Pairs)
7. Vị Trí (Phát Thú), Patthana (The Book of Causal Relations).
5) Tóm Lượt Các Thời Kỳ Phật Giáo:
“Tóm lượt các thời kỳ:
− Thời kỳ Nguyên Thủy I: Từ khi Đức Phật giảng kinh đến khi Ngài Niết Bàn (45 năm).
− Thời kỳ Nguyên Thủy II: 200 năm kể từ khi Phật Niết Bàn.
− Thời kỳ phân phái: Có từ 18 đến 25 học phái ra đời chia ra làm 3 khuynh hướng:
+ Duy trì Nguyên Thủy, đại biểu là Trưởng Lão Bộ (tạm gọi là thời kỳ Nguyên Thủy III).
+ Triển khai tư tưởng Tiểu Thừa, đại biểu là Nhất Thiết Hữu Bộ. + Manh nha tư tưởng Đại Thừa, đại biểu là Đại Chúng Bộ.
Thời kỳ này kéo dài đến khoảng 600 năm sau Phật Niết Bàn.
− Thời kỳ Đại Thừa: Ra đời các Ngài Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân, với các bộ luận xiển dương giáo lý Đại Thừa. Khoảng từ 600 năm đến 1.000 năm sau Phật Niết Bàn. Cũng trong thời kỳ này Đại Thừa tự phân ra nhiều môn phái như Tịnh độ Tông, Mật Tông, Không Tông, Pháp Tướng Tông, v.v...
− Thời kỳ Thiền Tông ra đời: 1.100 sau Phật Niết Bàn với Ngài Đạt Ma”. (11)
* * * * *
I) ĐỊNH NGHĨA VỀ PHẬT, PHÁP, TĂNG THEO KINH TRUNG BỘ SỐ 7 – VATTHŪPAMA SUTTA – KINH VÍ DỤ TẤM VẢI:
“Tỷ-kheo ấy thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Phật: Ngài là bậc Thế Tôn, A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Ðiều Ngự Trượng Phu, Vô Thượng Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn (là vị toàn giác viên mãn, thiên nhơn Sư tối thượng, sau khi chứng ngộ cứu độ vô số chúng sanh cùng giác ngộ).
Vị ấy thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Pháp: Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí chứng hiểu. (Pháp là lời dạy của đức Thế Tôn gồm Kinh, Luật và A-tỳđàm).
Vị ấy thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với chúng Tăng: Diệu hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn; Trực hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn; Như lý hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn; Chánh hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám vị. Chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn, đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời.” (4 đôi 8 chúng; theo tạng Luật định nghĩa Tăng – Saṅgha là hội chúng Tỷ-kheo hoặc Tỷ-kheo-ni gồm 4 vị trở lên).
II) Ý NGHĨA 9 ÂN ĐỨC PHẬT, 6 ÂN ĐỨC PHÁP VÀ ÂN ĐỨC TĂNG BẢO:
1) Niệm Ân Đức Tam Bảo Giúp Chúng Sanh Vượt Qua Mọi Sợ Hãi:
"Này các Tỳ-khưu, Ta nói như sau: Khi quý vị đi vào rừng, đi đến gốc cây hay đi đến nhà trống, nếu run sợ, hoảng hốt, hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, trong khi ấy hãy niệm nhớ đến Ta: 'Ngài là Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn'.
Này các Tỳ-khưu, khi quý vị niệm nhớ đến Ta, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, sẽ được tiêu diệt.
Nếu quý vị không niệm nhớ đến Ta, hãy niệm nhớ đến Pháp: 'Ðây là Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu.'
Này các Tỳ-khưu, khi quý vị niệm nhớ đến Pháp, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu diệt.
Nếu quý vị không niệm nhớ đến Pháp, hãy niệm nhớ đến chúng Tăng: 'Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Thiện hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Trực hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Chánh hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Như pháp hạnh, tức là bốn đôi, tám chúng. Chúng Tăng đệ tử này của Thế Tôn đáng được cúng dường, đáng được hiến dâng, đáng được bố thí, đáng được chấp tay, là vô thượng phước điền ở trên đời.
Này các Tỳ-khưu, khi quý vị niệm nhớ đến chúng Tăng, thời sợ hãi, hoảng hốt, hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu diệt.
Vì sao? Này các Tỳ-khưu, Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri đã ly tham, ly sân, ly si, không nhát gan, không hoảng hốt, không hoảng sợ, không hoảng chạy.” (12)
2) Ý Nghĩa Ân Đức Tam Bảo:
Trích dẫn từ Nền Tảng Phật giáo: (13)
a) Ý nghĩa 9 ân Đức Phật:
“Itipi so Bhagavā Arahaṃ, Sammāsambuddho, Vijjācaraṇasampanno, Sugato, Lokavidū, Anuttaro purisadammasāratthi, Satthādevamanussānaṃ, Buddho, Bhagavā”
1. Arahaṃ - Đấng Ứng Cúng: Đức Arahán là Bậc cao thượng có thân khẩu ý hoàn toàn trong sạch và thanh tịnh, xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của chư thiên, phạm thiên và nhân loại.
2. Sammāsambuddho – Đấng Chánh Biến Tri: Đức Chánh Đẳng Giác là Bậc tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái, mọi ác pháp không còn dư sót, đầu tiên trong toàn cõi thế giới chúng sinh; đặc biệt diệt được mọi tiền khiên tật, trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, độc nhất vô nhị.
3. Vijācaraṇasampanno – Đấng Minh Hạnh Túc: Đức Minh Hạnh Túc là Bậc có đầy đủ Tam Minh, Bát Minh và 15 Đức Hạnh cao thượng.
4. Sugato – Đấng Thiện Thệ: Đức Thiện Ngôn là Bậc thuyết pháp chân lý đem lại lợi ích thật sự cho chúng sinh.
5. Lokavidū – Đấng Thế Gian Giải: Đức Thông Suốt Tam Giới là Bậc thấy rõ, biết rõ chúng sinh thế giới, cõi thế giới, pháp hành thế giới.
6. Anuttaro purisadammasārathi – Đấng Vô Thượng Điều Ngự Trượng Phu: Đức Vô Thượng giáo hóa chúng sinh là Bậc giáo huấn chúng sinh cải tà quy chánh, cải ác làm thiện, từ hạng phàm nhân lên bậc Thánh Nhân.
7. Satthādevamanussānam – Đấng Thiên Nhân Sư: Đức Thiên Nhân Sư là Bậc Thầy của chư thiên, chư phạm thiên, nhân loại…
8. Buddho – Đấng Giác Ngộ: Đức Phật là Bậc tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn đầu tiên trong toàn cõi thế giới chúng sinh, trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác độc nhất vô nhị, rồi Ngài thuyết pháp giáo huấn chúng sinh có duyên lành cũng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế y theo Ngài (cũng chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn tùy theo năng lực ba-la-mật và hạnh nguyện của mỗi chúng sinh).
9. Bhagavā – Đức Thế Tôn: Đức Thế Tôn là Bậc có 6 Ân đức đặc biệt do đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh ba-la-mật của Ngài.
b) Ý nghĩa 6 ân Đức Pháp:
“Svākkhāto Bhagavatā dhammo, Sandiṭṭhiko, Akāliko, Ehipassiko, Opaneyyiko, Paccattaṃ veditabbo viññūhi”.
1. Svākkhāto dhammo – giáo pháp do đức Thế Tôn thuyết giảng là hoàn hảo: Pháp gồm có 10 chánh pháp mà Đức Phật đã thuyết giảng hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối, có ý nghĩa đầy đủ, văn chương trong sáng, rõ ràng và thanh tịnh. 10 chánh pháp là: Pháp học chánh pháp + 9 pháp Siêu tam giới (4 Thánh Đạo + 4 Thánh Quả + 1 Niết Bàn).
2. Sandiṭṭhiko dhammo – thiết thực hiện tiền: Chánh pháp gồm 9 pháp Siêu tam giới mà chư Thánh Nhân đã chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn nào, rồi tự thấy, tự biết bằng trí tuệ của mình.
3. Akāliko dhammo – trổ quả tức thời: Chánh pháp đó là 4 Thánh Đạo cho quả tương xứng 4 Thánh Quả không có thời gian ngăn cách, nghĩa là sau khi chứng đắc Thánh Đạo nào liền cho Thánh Quả ấy sau một sát-na tâm diệt rồi sinh.
4. Ehipassiko dhammo – đến để mà thấy: Chánh pháp đó là 9 pháp Siêu tam giới thuộc Chân nghĩa pháp rất trong sạch và thanh tịnh, nên dám mời đến để chứng kiến, để thực chứng, thực đắc.
5. Opaneyyiko dhammo – có khả năng hướng thượng: Chánh pháp đó là 9 pháp Siêu tam giới là pháp nên hướng tâm chứng đắc trước tiên, để mong giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
6. Paccattaṃ veditabbo viññūhi dhammo – được người thiện trí tự mình giác hiểu: Chánh pháp đó là 9 pháp Siêu tam giới mà chư bậc thiện trí Thánh Nhân đã chứng đắc rồi, tự mình biết rõ, tự mình nhập Thánh Quả hưởng an lạc Niết Bàn tịch tịnh.
==>> “Này các tỳ khưu, giống như biển cả có một vị là vị của muối, này các tỳ khưu, tương tợ như thế Pháp và Luật này có một vị là vị của giải thoát. Này các tỳ khưu, sự việc Pháp và Luật này có một vị là vị của giải thoát, này các tỳ khưu, đây cũng là pháp kỳ diệu phi thường thứ sáu trong Pháp và Luật này, sau khi xem xét kỷ lưỡng pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này”. (14)
c) Ý nghĩa 9 ân Đức Tăng:
“Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.
Ujuppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.
Ñāyappaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.
Sāmīcippaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.
Yadidaṃ cattāri purisayugāni aṭṭhapurisapuggalā esa Bhagavato sāvakasaṃgho. Āhuneyyo, Pāhuneyyo, Dakkhiṇeyyo, Añjalikaraṇīyo, Anuttaraṃ puññak-khettaṃ lokassa”.
Chúng Tăng đệ tử Thanh văn của Đức Thế Tôn là bậc Thiện hạnh; chúng Tăng đệ tử Thanh văn của Đức Thế Tôn là bậc Trực hạnh; chúng Tăng đệ tử Thanh văn của Đức Thế Tôn là bậc Như lý hạnh; chúng Tăng đệ tử Thanh văn của Đức Thế Tôn là bậc Chân chánh hạnh. Chúng Tăng đệ tử Thanh văn của Đức Thế Tôn nếu tính đôi thì có bốn, nếu tính riêng rẽ thì có tám. Chúng Tăng đệ tử Thanh văn của Đức Thế Tôn đáng được thọ lãnh lễ vật, đáng được nghênh tiếp, đáng được cúng dường, đáng được chấp tay chào, đáng là phước điền vô thượng ở trên đời.
1. Suppaṭipanno - Chúng Tăng Đệ Tử Thanh Văn Của Đức Thế Tôn Là Bậc Thiện Hạnh: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là những bậc đã hành nghiêm chỉnh đúng theo lời giáo huấn của Đức Phật.
2. Ujuppaṭipanno – Chúng Tăng Đệ Tử Thanh Văn Của Đức Thế Tôn Là Bậc Trực Hạnh: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là những bậc đã hành trung thực đúng theo pháp hành Trung Đạo, không quanh co lầm lạc.
3. Ñāyappaṭipanno – Chúng Tăng Đệ Tử Thanh Văn Của Đức Thế Tôn Là Bậc Như Lý Hạnh: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là những bậc đã hành theo pháp hành Bát Chánh Đạo chứng ngộ Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
4. Sāmīcippaṭipanno – Chúng Tăng Đệ Tử Thanh Văn Của Đức Thế Tôn Là Bậc Chân Chánh Hạnh: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là những bậc đã hành giới-định-tuệ đúng đắn xứng đáng để chúng sinh tôn kính lễ bái cúng dường.
Cattāri purisayugāni atthapurisapuggalā: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn có 4 đôi thành 8 bậc Thánh (tính theo tâm Siêu tam giới).
- Chư Thánh Thanh Văn có 4 đôi:
a) Nhập Lưu Thánh Đạo --> Nhập Lưu Thánh Quả
b) Nhất Lai Thánh Đạo --> Nhất Lai Thánh Quả
c) Bất Lai Thánh Đạo --> Bất Lai Thánh Quả
d) Arahán Thánh Đạo --> Arahán Thánh Quả
- Chư Thánh Thanh Văn có 8 bậc Thánh:
4 Thánh Đạo + 4 Thánh Quả
Nhập Lưu Thánh Đạo Nhất Lai Thánh Đạo Bất Lai Thánh Đạo Arahán Thánh Đạo |
Nhập Lưu Thánh Quả Nhất Lai Thánh Quả Bất Lai Thánh Quả Arahán Thánh Quả |
5. Āhuneyyo – Xứng Ðáng Được Thọ Lãnh Lễ Vật: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là những bậc xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí chủ từ phương xa đem đến cúng dường quý Ngài, để mong được quả báu lớn.
6. Pāhuneyyo – Xứng Ðáng Được Nghênh Tiếp: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là những bậc xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí chủ dành cho những vị khách quý như quý Ngài.
7. Dakkhiṇeyyo – Xứng Ðáng Được Cúng Dường: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là những bậc xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, đem dâng cúng đến quý Ngài, để mong được quả báu tốt lành cho mình và những người thân quyến.
8. Añjalikaraṇīyo – Xứng Ðáng Được Chấp Tay Chào: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là những bậc xứng đáng cho chúng sinh chắp tay cung kính lễ bái cúng dường.
9. Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa – Xứng Ðáng Là Phước Ðiền Vô Thượng Ở Trên Đời: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là phước điền cao thượng của chúng sinh không đâu sánh được.
✍️☸️ Nói Thêm:
Hòa thượng Viên Minh đã dạy:
“Không phải vì an lạc
Mà tu tập miệt mài
Khi xúc chạm cuộc sống
Thấy khổ, không mới tài”.
Mỗi người khi quy y Tam bảo rồi sẽ có những cách hành trì khác nhau. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với một trạng thái tâm vọng động mất quân bình mà chúng ta không thể tự mình an trú chánh niệm, hãy niệm Tam bảo như sau:
“Đức Phật là vị đã hoàn toàn vượt qua khổ đau này. Giáo pháp là phương thuốc để chữa trị khổ đau này. Chư Thánh đệ tử là những vị y theo phương thuốc ấy và đã hoàn toàn vượt qua nỗi đau này”.
Catu (adj): số 4; Saṅgaha [m]: treatment, collection – đối trị, thu nhiếp; Vatthu [nt]:
ground, field … - lĩnh vực.
I) TRÍCH DẪN LỜI THẾ TÔN DẠY VỀ TỨ NHIẾP PHÁP TRONG KINH TẠNG:
1) Đức Thế Tôn Đã Đề Cập Đến Việc Tu Tập Tứ Nhiếp Pháp Trong Nhiều Bài Kinh:
“Này các Tỷ-kheo, trong bất kỳ đời trước nào, hiện hữu nào, trú xứ nào, Như Lai đời trước làm Người, được đầy đủ Bốn Nhiếp pháp: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Với tác động, chất chứa, tích tụ và tăng thịnh của nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung được sanh cõi thiện thú, Thiên giới, hay đời này. Ngài từ trần từ chỗ kia, sanh đến chỗ này với hai tướng Ðại Trượng phu: Tay chân mềm mại, và có lưới da giữa ngón tay, ngón chân.
Ngài đầy đủ hai tướng này, nếu sống tại gia, làm vị Chuyển luân Thánh vương … Làm vua được những gì? Ðược khéo thâu nhiếp các vị tùy tùng. Ðược khéo thâu nhiếp các cư sĩ, Bà-la-môn, thị dân, thôn dân, tài chánh quan, tư pháp quan, thủ môn quan, các đại thần, các chư hầu, các hào phú, các vương tử. Làm vua được như vậy. Làm Phật được những gì? Ðược khéo thâu nhiếp các vị tùy tùng, được khéo thâu nhiếp các vị Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, các Nam cư sĩ, Nữ cư sĩ, chư Thiên, loài Người, A-tu-la, Long thần, Càn-thát-bà. Làm Phật được như vậy”. (15)
* * *
“Này các Tỷ-kheo, có bốn nhiếp pháp này. Thế nào là bốn?
“Bố thí và ái ngữ, Lợi hành và đồng sự, Ðối với những pháp này, Ở đời đối xử nhau, Chỗ này và chỗ kia, Như vậy thật tương xứng, Và bốn nhiếp pháp này, Như đỉnh đầu trục xe, |
Nếu thiếu nhiếp pháp này, Thời cả mẹ lẫn cha Không được các người con Tôn trọng và cung kính, Do vậy bậc Hiền trí, Ðồng đẳng nhìn nhiếp pháp Nhờ vậy họ đạt được, Sự cao lớn, tán thán”. (16) |
* * *
“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là năng nhiếp lực? Này các Tỷ-kheo, có bốn Nhiếp pháp này: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Tối thượng trong các loại bố thí, này các Tỷ-kheo, là pháp thí. Tối thượng trong các loại ái ngữ, này các Tỷ-kheo là tiếp tục thuyết pháp cho những ai hy cầu và lóng tai nghe. Tối thượng trong các lợi hành, này các Tỷ-kheo, là đối với người không có lòng tin, khích lệ, đặt vào, an trú vào đầy đủ lòng tin; đối với người không giữ giới, khích lệ, đặt vào, an trú vào đầy đủ giới; đối với người xan tham khích lệ, đặt vào an trú vào bố thí; đối với người ác tuệ, khích lệ, đặt vào, an trú vào đầy đủ trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, tối thượng trong đồng sự là đồng sự giữa bậc Dự Lưu với bậc Dự Lưu, bậc Nhất Lai với bậc Nhất Lai, bậc Bất Lai với bậc Bất Lai, bậc A-la-hán với bậc A-la-hán. Này các Tỷ-kheo, đây là sức mạnh năng nhiếp”. (17)
* * *
“Một thời, Thế Tôn trú ở Alavì, tại điện Phật Aggàlava. Rồi Hatthaka, người xứ Alavì cùng với năm trăm nam cư sĩ đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Hatthaka, người xứ Alavì, đang ngồi xuống một bên:
-- Này Hatthaka, hội chúng này thật lớn. Làm sao, này Hatthaka, Ông thâu nhiếp được hội chúng này?
-- Bạch Thế Tôn, có bốn nhiếp pháp này được Thế Tôn thuyết giảng. Con thâu nhiếp hội chúng này với những nhiếp pháp ấy. Bạch Thế Tôn, khi con biết rằng: “Người này cần phải thâu nhiếp nhờ bố thí”, thời con thâu nhiếp người ấy với bố thí. Khi con biết rằng: “Người này cần phải thâu nhiếp nhờ ái ngữ”, thời con thâu nhiếp người ấy với ái ngữ. Khi con biết rằng: “Người này cần phải thâu nhiếp nhờ lợi hành”, thời con thâu nhiếp người ấy với lợi hành. Khi con biết rằng: “Người này cần phải thâu nhiếp nhờ đồng sự”, thời con thâu nhiếp người ấy với đồng sự. Vả lại, bạch Thế Tôn, trong gia đình con có tài sản, họ nghĩ rằng như vậy không thể được nghe như là một người bần cùng.
-- Lành thay, lành thay, này Hatthaka! Ðây là nguyên lý để thâu nhiếp đại chúng! Này Hatthaka, những ai trong quá khứ đã thâu nhiếp đại chúng, tất cả đều thâu nhiếp đại chúng với bốn nhiếp pháp này. Này Hatthaka, những ai trong tương lai sẽ thâu nhiếp đại chúng, tất cả sẽ thâu nhiếp đại chúng với bốn nhiếp pháp này. Này Hatthaka, những ai trong hiện tại thâu nhiếp đại chúng, tất cả họ đều thâu nhiếp đại chúng với bốn nhiếp pháp này”. (18)
2) Định Nghĩa Tứ Nhiếp Pháp:
Theo Giáo Trình Trung Cấp Phật Học Căn Bản: (19)
− Cattāri saṅgahavatthūni: là bốn cách sống có khả năng tạo ra sự đoàn kết, hòa hợp và lợi ích cho cuộc sống tập thể. Tứ là bốn; nhiếp là nhiếp phục, cảm hóa, nhiếp hóa; pháp là biện pháp, phương pháp, cách thức. Tứ nhiếp pháp là 4 cách cảm hóa chúng sanh quay về với Phật pháp, bao gồm bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp, lợi hành nhiếp và đồng sự nhiếp.
− Phân tích tứ nhiếp pháp:
1) Bố thí nhiếp (Dāna): là nhiếp hóa, cảm hóa người khác bằng phương thức bố thí: bố thí tài vật, bố thí pháp và bố thí không sợ hãi.
2) Ái ngữ (Peyyavajja): nhiếp hóa, cảm hóa người khác bằng ái ngữ. Đó là sử dụng lời nói từ hòa, dễ nghe, lời nói khôn khéo, thành thực, v.v…
3) Lợi hành (Atthacariyā): nhiếp hóa người khác bằng hành động có lợi lạc một cách chính đáng thân làm việc lành, miệng nói lời lành, ý nghĩ điều lành; tam nghiệp của mình thanh tịnh đem lại lợi ích, an lạc cho người khác.
4) Đồng sự (Samānattatā): đồng là cùng nhau, sự là sự việc hay công việc; nhiếp phục người bằng cách cùng sinh hoạt, cùng công việc với người khác.
II) ỨNG DỤNG TU TẬP:
Là 4 cách để nhiếp phục lòng người, là chìa khóa để trở thành một nhà lãnh đạo thành công nếu sống ở tại gia, còn nếu xuất gia đây chính là yếu tố để nhiếp phục đại chúng.
CHƯƠNG [4] TỨ VÔ LƯỢNG TÂM
Catu (tính từ): bốn, số bốn; Appamaññā (nữ tính): vô lượng, vô biên; CatassoAppamaññāyo: là bốn thứ vô lượng vô biên, ở đây nói đến từ - bi – hỷ - xả.
I) ĐỊNH NGHĨA TỨ VÔ LƯỢNG TÂM:
1) Theo Kinh Trung Bộ:
“Ở đây, này Thanh niên Bà-la-môn, Tỷ-kheo an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân. Này Thanh niên Bà-la-môn, khi từ tâm giải thoát được tu tập như vậy, thì hành động được làm có tánh cách hạn lượng như vậy, không có trú ở nơi đây, không có dừng lại ở nơi đây.
Lại nữa, này Thanh niên Bà-la-môn, vị Tỷ-kheo biến mãn một phương với tâm câu hữu với bi … (như trên) … với tâm câu hữu với hỷ … (như trên) … với tâm câu hữu với xả, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Này Thanh niên Bà-la-môn, khi xả tâm giải thoát được tu tập như vậy, thì hành động được làm có tánh cách hạn lượng như vậy, không có trú ở nơi đây, không có dừng lại ở nơi đây”. (20)
* * *
“Và này Cư sĩ, thế nào là vô lượng tâm giải thoát? Ở đây, này Cư sĩ, Tỷ-kheo an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. … với tâm câu hữu với bi, … với tâm câu hữu với hỷ, … an trú, biến mãn, một phương với tâm câu hữu với xả, … quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Như vậy, này Cư sĩ, được gọi là vô lượng tâm giải thoát”. (21)
2) Theo Vi Diệu Pháp:
Theo Vi Diệu Pháp Giảng Giải của TT. Giác Chánh:
4 sở hữu tâm này gọi là vô lượng tâm vì các sở hữu này lấy vô lượng chúng sanh làm đối tượng, gồm Từ (Mettā), Bi (Karunā), Hỷ (Muditā) và Xã (Upekkhā).
1. Từ − Mettā: Tâm từ đồng nghĩa với vô sân, Ðặc tánh của Vô Sân là sự vắng mặt của hờn giận, bất bình, thù oán; làm cho các Danh Pháp đồng sanh được êm dịu, mát mẽ.
2. Bi – Karunā: Từ ngữ căn Kar + unā nghĩa là làm cho tâm của người thiện rung động trước sự đau khổ của chúng sanh. Ðặc tánh của Bi là sự cầu mong diệt trừ sự đau khổ của mọi người (Bi năng bạt nhứt thiết chúng sanh chi khổ).
3. Hỷ – Muditā: Từ ngữ căn Mud là sự hoan hỷ, vui theo nhân thiện và quả phúc lợi lộc của chúng sanh khác.
4. Xả –Uppekkhā: Là trung tánh, vô tư đối với các pháp tương ưng. Ðặc tánh của sở hữu Hành Xã là vô tư, không thiên lệch như người đánh xe điều khiển cặp song mả một cách đồng đẳng. (22)
II) TU TẬP TỨ VÔ LƯỢNG TÂM:
1) Lòng Đại Bi Của Một Vị Bồ Tát:
“Vào lúc trưa hè nóng nực, người ta có thể đi xuống hồ nước sâu và trầm mình ở trong đó. Nhờ vậy, người kia không bị sức nóng từ trên phủ xuống. Cũng vậy, vị Bồ Tát thấm nhuần trạng thái đại từ bi, trong lúc mưu cầu lợi lạc cho chúng sanh, đi vào đại dương của các pháp Bà-la-môn và trầm mình ở trong đó. Nhờ thấm nhuần trạng thái đại từ bi, vị Bồ Tát không cảm thấy đau đớn khi bị những kẻ ác xẻo thịt, móc mắt, chặt tay, v.v…”. (23)
2) Một Vị Tỷ-Kheo Phải Giữ Được Từ Bi Vô Lượng:
“Chư Tỷ-kheo, như những kẻ đạo tặc hạ liệt, dùng cưa hai lưỡi mà cưa tay, cưa chân; dầu vậy, nếu một ai ở đây khởi ý nhiễm loạn, người ấy do vậy không phải là người thực hành giáo pháp của Ta. Ở đây, chư Tỷ-kheo các Ông phải học tập như sau: "Chúng ta sẽ giữ tâm của chúng ta không biến nhiễm; chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ; chúng ta s sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận. Chúng ta sẽ sống bao phủ người này với tâm câu hữu với từ. Và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân". Chư Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như vậy”. (24)
3) Tu Tập Tứ Vô Lượng Tâm Chưa Phải Là Cứu Cánh Của Phạm Hạnh:
“Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người với tâm, cùng khởi với từ, biến mãn một phương rồi an trú; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư, như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới. Vị ấy an trú biến mãn với tâm cùng khởi với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy, ái luyến Thiền ấy và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với Thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi Phạm chúng Thiên. Một kiếp, này các Tỷ kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư Thiên ỏ cõi Phạm chúng Thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, đi đến địa ngục, đi đến bàng sanh, đi đến ngạ quỷ. Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết vẹn tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy. Này các Tỷ-kheo, đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sanh thú”. (25)
4) Tứ Vô Lượng Tâm Là Con Đường Dẫn Đến Sự Cộng Trú Với Phạm Thiên:
Tôn giả Sāriputta giảng cho Bà-la-môn Dhānañjāni con đường đưa đến cộng trú với Phạm Thiên: (26)
-- Này Dhananjani, ta sẽ thuyết giảng cho Ông con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên. Hãy nghe khéo tác ý, ta sẽ giảng.
-- Thưa vâng.
Bà-la-môn Dhananjani vâng đáp Tôn giả Sāriputta. Tôn giả Sāriputta thuyết như sau
—Này Dhananjani, thế nào là con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên? Ở đây, này Dhananjani, vị Tỷ-kheo an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Này Dhananjani, như vậy là con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên.
Lại nữa, này Dhananjani, vị Tỷ-kheo an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với bi … an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với hỷ … an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả, cũng vậy phương thứ hai cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Này Dhananjani, như vậy là con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên”.
5) Thế Tôn Dạy Cho Tôn Giả Rāhula Tu Tập Vô Lượng Tâm Như Thế Nào?
“Mettaṃ, rāhula, bhāvanaṃ bhāvehi. Mettañhi te, rāhula, bhāvanaṃ bhāvayato yo byāpādo so pahīyissati. Karuṇaṃ, rāhula, bhāvanaṃ bhāvehi. Karuṇañhi te, rāhula, bhāvanaṃ bhāvayato yā vihesā sā pahīyissati. Muditaṃ, rāhula, bhāvanaṃ bhāvehi. Muditañhi te, rāhula, bhāvanaṃ bhāvayato yā arati sā pahīyissati. Upekkhaṃ, rāhula, bhāvanaṃ bhāvehi. Upekkhañhi te, rāhula, bhāvanaṃ bhāvayato yo paṭigho so pahīyissati.
– Này Rāhula, hãy tu tập sự tu tập về lòng từ. Này Rāhula, do tu tập sự tu tập về lòng từ, cái gì thuộc sân tâm (byāpāda) sẽ được trừ diệt. Này Rāhula, hãy tu tập sự tu tập về lòng bi. Này Rāhula, do tu tập sự tu tập về lòng bi, cái gì thuộc hại tâm (vihesā) sẽ được trừ diệt. Này Rāhula, hãy tu tập sự tu tập về hỷ. Này Rāhula, do tu tập sự tu tập về hỷ, cái gì thuộc bất lạc (arati) sẽ được trừ diệt. Này Rāhula, hãy tu tập sự tu tập về xả. Này Rāhula, do tu tập sự tu tập về xả, cái gì thuộc hận tâm (paṭigha) sẽ được trừ diệt”. (27)
III) KẾT QUẢ TU TẬP TỪ VÔ LƯỢNG TÂM:
““Này các Tỷ-kheo, từ tâm giải thoát được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được tác thành cỗ xe, được tác thành căn cứ địa, được tiếp tục an trú, được tích tập, được khéo khởi sự thời được chờ đợi là mười một lợi ích. Thế nào là mười một?
Ngủ an lạc, thức an lạc, không ác mộng, được loài người ái mộ, được phi nhân ái mộ, chư Thiên bảo hộ, không bị lửa, thuốc độc, kiếm xúc chạm, tâm được định mau chóng, sắc mặt trong sáng, mệnh chung không hôn ám; nếu chưa thể nhập thượng pháp (A-la-hán quả); được sanh lên Phạm thiên giới”.(28)
CHƯƠNG [5] NGŨ MINH
1) Định Nghĩa Ngũ Minh:
− Sự hiểu biết của người Ấn Độ cổ xưa được chia làm 5 loại và đó gọi là ngũ minh.
− Ngũ minh không được đề cập đến trong kinh Nikāya lẫn A-hàm.
− Ngũ minh là thuật ngữ chỉ ra 5 ngành học truyền thống của Ấn Độ, giúp con người hoàn thiện tri thức, phát triển trí huệ nhằm thiết thực phục vụ chúng sanh.
1. Nội minh: là nội điển bao gồm Kinh, Luật, Luận.
2. Nhân minh: là môn lý luận học Phật giáo, nhân minh là kiến thức có thể lập luận và lý giải tất cả vấn đề.
3. Thanh minh: là ngành học nghiên cứu về ngôn ngữ, âm thanh.
4. Công xảo minh: là khả năng thông thạo về nghề nghiệp, toán học, khoa học, văn chương, nghệ thuật, v.v…
5. Y phương minh: là phương pháp nghiên cứu bệnh lý, cách phòng và chữa bệnh.
2) Trích Dẫn Từ Kinh Tăng Chi:
“Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập. Thế nào là năm?
Ðạt được nghĩa vô ngại giải, đạt được pháp vô ngại giải, đạt được từ vô ngại giải, đạt được biện tài vô ngại giải, đối với các sự việc, các vị đồng Phạm hạnh cần phải làm, hoặc lớn hay nhỏ, vị ấy thiện xảo, không có biếng nhác, thành tựu trí phương tiện. Ở đây vừa đủ để làm, vừa đủ đến khiến người làm”. (29)
Ở đây, nghĩa vô ngại giải và pháp vô ngại giải là Nội minh, từ vô ngại giải là Thanh minh, biện tài vô ngại giải là Nhân minh, thành tựu trí phương tiện chính là Công xảo minh và Y phương minh.
CHƯƠNG [6] LỤC HÒA
1) Hòa Hợp Trong Tăng Chúng:
“Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo có một pháp khởi lên ở đời, khi khởi lên đem lại hạnh phúc cho nhiều người, đem lại lợi ích cho nhiều người, không đem lại lợi ích cho nhiều người, không đem lại bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người.
Thế nào là một pháp? Sự hòa hợp chúng Tăng. Này các Tỷ-kheo, khi chư Tăng được hòa hợp, không có những tranh luận với nhau, không có những mắng nhiếc lẫn nhau, không có những ngăn cách lẫn nhau, không có những từ bỏ lẫn nhau. Ở tại đây, những người không hòa hợp đi đến hòa hợp, và những người hòa hợp lại càng hòa hợp hơn nữa. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến”. (30)
2) Giải Rõ Về Lục Hòa:
“Này Ānanda, có sáu khả niệm pháp này, tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất. Thế nào là sáu?
1. Ở đây, này Ānanda, Tỷ-kheo an trú từ thân nghiệp, đối với các vị đồng Phạm hạnh, chỗ đông người và chỗ vắng người. Khả niệm pháp này, tác thành khả ái, tác thành tôn kính đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.
2. Và lại nữa, này Ānanda, Tỷ-kheo an trú từ khẩu nghiệp, đối với các vị đồng Phạm hạnh, chỗ đông người và chỗ vắng người. Khả niệm pháp này, tác thành khả ái, tác thành tôn kính đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.
3. Và lại nữa, này Ānanda, Tỷ-kheo an trú từ ý nghiệp đối với các vị đồng Phạm hạnh, chỗ đông người và chỗ vắng người. Khả niệm pháp này tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.
4. Và lại nữa, này Ānanda, với mọi sở đắc như pháp, mọi lợi dưỡng đúng pháp cho đến những thọ lãnh trong bình bát, Tỷ-kheo là vị san sẻ các lợi dưỡng như vậy, là vị thọ hưởng chúng cùng với các vị đồng Phạm hạnh có giới đức. Khả niệm pháp này cũng tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.
5. Và lại nữa, này Ānanda, đối với mọi giới luật nào, không sứt mẻ, không tỳ, không vết, không ô uế, giải thoát, được người trí tán thán, không chấp thủ, đưa đến Thiền định, Tỷ-kheo sống thành tựu những giới luật như vậy cùng với các vị đồng Phạm hạnh giữa chỗ đông người và tại chỗ vắng người. Khả niệm pháp này cũng tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.
6. Và lại nữa, này Ānanda, đối với mọi tri kiến thánh thiện, đưa đến xuất ly, dẫn đến sự chơn chánh, đoạn diệt khổ đau cho những ai thực hành theo, Tỷ-kheo sống thành tựu những tri kiến như vậy cùng với các vị đồng Phạm hạnh trước chỗ đông người và tại chỗ vắng người. Khả niệm pháp này cũng tác thành khả ái, tác thành tôn kính đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa đồng, đồng nhất”. (31)
*
1. “-- Này các Tỷ-kheo, có sáu pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến vô tranh luận, hòa hợp, nhất trí. Thế nào là sáu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú từ thân hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.
2. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú từ khẩu hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú từ ý hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các tài vật nhận được đúng pháp, hợp pháp, cho đến những tài vật thâu nhận chỉ trong bình bát, Tỷ-kheo không phải là người không san sẻ, các tài vật nhận được như vậy, phải là người san sẻ dùng chung với các vị đồng phạm hạnh có giới đức. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các giới luật không có vi phạm, không có tỳ vết, không có vẩn đục, không có uế tạp, giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp trước, đưa đến thiền định, Tỷ-kheo sống thành tựu trong các giới luật ấy với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.
6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các tri kiến thuộc về bậc Thánh có khả năng hướng thượng, khiến người thực hành chân chánh diệt tận khổ đau, Tỷ-kheo, sống thành tựu tri kiến như vậy, cùng với các đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.
Này các Tỷ-kheo, có sáu pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.
3) Tối Thượng Trong 6 Pháp Hòa Ái:
“ -- Này các Tỷ-kheo, ví như một căn nhà có mái nhọn như ngọn tháp, có một pháp tối thượng, thâu nhiếp tất cả, làm giềng mối cho tất cả, chính là mái nhọn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong sáu pháp cần phải ghi nhớ này, có một pháp tối thượng, thâu nhiếp tất cả, làm giềng mối cho tất cả, chính là tri kiến này, thuộc về bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, khiến người thực hành chân chánh diệt tận khổ đau.
*
Này các Tỷ-kheo, thế nào là tri kiến thuộc về bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, khiến người thực hành chân chánh diệt tận khổ đau? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến ngôi rừng, hay đi đến dưới gốc cây, hay đi đến chỗ trống vắng và suy nghĩ như sau: “Không biết ta có nội triền nào chưa đoạn trừ không? Do nội triền này nếu tâm ta bị triền phược, thì ta không thể biết như thật, không thể thấy như thật?” Này các Tỷkheo, nếu Tỷ-kheo bị tham dục triền phược, cho đến như vậy, tâm (của vị này) bị triền phược … sân triền phược … hôn trầm thụy miên triền phược … trạo hối triền phược, … nghi triền phược, cho đến như vậy, tâm (của vị này) bị triền phược. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có tâm bị thế sự đời này ràng buộc, cho đến như vậy, tâm (của vị này) bị triền phược. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo có tâm bị thế sự đời sau ràng buộc, cho đến như vậy, tâm (của vị này) bị triền phược. Tỷ-kheo sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau với những binh khí miệng lưỡi, cho đến như vậy, tâm (của vị này) bị triền phược.
Vị ấy biết rõ như sau: “Ta không có nội triền chưa được đoạn trừ, do nội triền này nếu tâm ta bị triền phược, ta không thể biết như thật, không thể thấy như thật. Ý của ta được khéo hướng đến sự giác ngộ các sự thật”. Ðó là trí thứ nhất mà vị này chứng được, thuộc các bậc Thánh, siêu thế, các phàm phu không thể cọng chứng. (1)
… Vị này biết rõ như sau: “Trong khi ta thực tập, tu tập, luyện tập nhiều lần tri kiến này; ta tự đạt được tịch chỉ, ta tự đạt được tịch chỉ”. Ðó là trí thứ hai… (2)
… Vị ấy hiểu rõ như sau: “Tri kiến như ta đã thành tựu không có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác, ngoài tổ chức này, thành tựu tri kiến như vậy”. Ðó là tri thứ ba… (3)
…Ví như một đứa trẻ con, ngây thơ, nằm ngửa, lập tức rút lui tay hay chân nếu tay hay chân của nó chạm phải than đỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đây là pháp tánh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu. Bất cứ giới tội nào vị này vi phạm, giới tội ấy liền được xuất tội. Vị này lập tức phát lộ, tỏ bày, trình bày trước bậc Ðạo Sư hay trước các vị đồng phạm hạnh có trí. Sau khi phát lộ, tỏ bày, trình bày, vị ấy phòng hộ gìn giữ trong tương lai. Vị ấy biết rõ như sau: “Pháp tánh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu, pháp tánh như vậy ta có thành tựu”. Như vậy là trí thứ tư… (4)
… Ví như con bò có các con bê, khi đang nhổ lùm cỏ lên (ăn), vẫn coi chừng con bê. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đây là pháp tánh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu. Bất luận sự việc cần phải làm dầu lớn nhỏ gì, giúp cho các vị đồng phạm hạnh; vị này nỗ lực thực hiện, nhưng tha thiết hướng đến tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học. Vị này biết rõ như sau: “Pháp tánh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu, pháp tánh như vậy ta có thành tựu”. Như vậy là trí thứ năm …(5)
… Ðây là sức mạnh, này các Tỷ-kheo, một vị chứng được tri kiến thành tựu. Trong khi Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết được giảng dạy, sau khi chú tâm chú ý, chuyên chú toàn tâm trí, vị này lóng tai nghe Pháp. Vị này biết rõ như sau: “Sức mạnh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu, sức mạnh như vậy ta có thành tựu”. Như vậy là trí thứ sáu …(6)
… Ðây là sức mạnh, này các Tỷ-kheo, mà một vị chứng được tri kiến thành tựu. Trong khi Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết được giảng dạy, vị này chứng được nghĩa tín thọ (atthaveda), Pháp tín thọ (Dhammaveda), và sự hân hoan tương ứng với pháp; vị này hiểu rõ như sau: “Sức mạnh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu, sức mạnh như vậy ta có thành tựu”. Như vậy là trí thứ bảy … (7)
Như vậy, này các Tỷ-kheo, pháp tánh được khéo an trú đối với vị Thánh đệ tử thành tựu bảy chi này để chứng được quả Dự Lưu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu bảy chi này tức là đã thành tựu Dự Lưu quả. (32)
CHƯƠNG [7] TỨ THÁNH ĐẾ
I) ĐỊNH NGHĨA TỨ THÁNH ĐẾ:
1) Theo Kinh Trường Bộ:
“Kinh Trường bộ số 24, Kinh Đại Niệm Xứ −Mahā-Satipaṭṭhāna Sutta:
1. Và này các Tỷ kheo, thế nào Khổ Thánh đế (Dukkhaṃ Ariyasacca)? Sanh là khổ, già là khổ, chết là khổ, sầu, bi. Khổ, ưu, não là khổ, cầu không được là khổ, tóm lại Năm Thủ uẩn là khổ.
- Này các Tỷ kheo thế nào là sanh? Mỗi mỗi hạng chúng sanh trong từng giới loại, sự xuất sản, xuất sanh, xuất thành, tái sanh của họ, sự xuất hiện các uẩn, sự hoạch đắc các căn. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là sanh.
- Này các Tỷ kheo, thế nào là già? Mỗi mỗi hạng chúng sanh, trong từng giới hạn, sự niên lão, sự hủy hoại, trạng thái rụng răng, trạng thái tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ rút ngắn, các căn hủy hoại. Này các Tỷ kheo, như vậy là già.
- Này các Tỷ kheo, thế nào là chết? Mỗi mỗi hạng chúng sanh trong từng giới loại, sự tạ thế, sự từ trần, thân hoại, sự diệt vong, sự chết, sự tử vong, thời đã đến, các uẩn đã tận diệt, sự vất bỏ tử thi. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là chết.
- Này các Tỷ kheo, thế nào gọi là sầu? Này các Tỷ kheo, với những ai gặp phải tai nạn này hay tai nạn khác; với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự sầu, sự sầu lo, sự sầu muộn, nội sầu, mọi khổ sầu của người ấy. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là sầu.
- Này các Tỷ kheo, thế nào là bi? Này các Tỷ kheo, với những ai gặp phải tai nạn này hay tai nạn khác; với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự bi ai, sự bi thảm, sự than van, sự than khóc, sự bi thán, sự bi thống của người ấy. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là bi.
- Này các Tỷ kheo, thế nào là khổ? Này các Tỷ kheo, sự đau khổ về thân, sự không sảng khoái về thân, sự đau khổ do thân cảm thọ, sự không sảng khoái do thân cảm thọ. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là khổ.
- Này các Tỷ kheo, thế nào là ưu? Này các Tỷ kheo, sự đau khổ về tâm, sự không sảng khoái về tâm, sự đau khổ do tâm cảm thọ, sự không sảng khoái do tâm cảm thọ. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là ưu.
- Này các Tỷ kheo, thế nào là não? Này các Tỷ kheo, với những ai gặp tai nạn này hay tai nạn khác; với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự áo não,
sự bi não, sự thất vọng, sự tuyệt vọng của người ấy. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là não. - Này các Tỷ kheo, thế nào là cầu bất đắc khổ? Này các Tỷ kheo, chúng sanh bị sanh chi phối, khởi sự mong cầu: “Mong rằng ta khỏi bị sanh chi phối, mong rằng ta khỏi phải đi thác sanh”. Lời cầu mong ấy không được thành tựu. Như vậy gọi là cầu bất đắc khổ! Này các Tỷ kheo, chúng sanh bị già chi phối … chúng sanh bị bệnh chi phối … chúng sanh bị chết chi phối. Chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não chi phối, khởi sự mong cầu: “Mong rằng ta khỏi bị sầu, bi, khổ, ưu, não chi phối! Mong rằng ta khỏi đương chịu sầu, bi, khổ, ưu, não”. Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy là cầu bất đắc khổ.
- Này các Tỷ kheo, như thế nào là tóm lại, Năm Thủ uẩn là khổ? Như Sắc thủ uẩn, Thọ thủ uẩn, Tưởng thủ uẩn, Hành thủ uẩn, Thức thủ uẩn. Này các Tỷ kheo, như vậy tóm lại Năm Thủ uẩn là khổ.
2. Này các Tỷ kheo, thế nào là Khổ tập Thánh đế (Dukkhasamudayaṃ Ariyasacca)? Sự tham ái đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Như dục ái, hữu ái, vô hữu ái.
3. Này các Tỷ kheo, và thế nào là Khổ diệt Thánh đế (Dukkhanirodhaṃ Ariyasacca)? Sự diệt tận không còn luyến tiếc tham ái ấy, sự xả ly, sự khí xả, sự giải thoát, sự vô nhiễm (tham ái ấy).
4. Này các Tỷ kheo, thế nào là Khổ diệt đạo Thánh đế (Dukkha Nirodhagāminī Paṭipadā Ariyasacca)? Ðó là bát chi Thánh đạo, tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.
- Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh tri kiến – Sammādiṭṭhi? Này các Tỷ kheo, tri kiến về Khổ, tri kiến về Khổ tập, tri kiến về Khổ diệt, tri kiến về Khổ diệt đạo. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh tri kiến.
- Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh tư duy – Sammāsaṅkappa? Tư duy về ly dục, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại. Này các tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh tư duy.
- Này các Tỷ kheo thế nào là Chánh ngữ - Sammāvācā? Tự chế không nói láo, tự chế không nói hai lưỡi, tự chế không ác khẩu, tự chế không nói lời phù phiếm. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh ngữ.
- Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh nghiệp - Sammākammanta? Tự chế không sát sanh, tự chế không trộm cướp, tự chế không tà dâm. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh nghiệp.
- Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh mạng – Sammā-ājīva? Này các Tỷ kheo, ở đây vị Thánh đệ tử từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng chánh mạng. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh mạng.
- Này các Tỷ kheo, và thế nào là Chánh tinh tấn – Sammāvāyāmo? Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo, đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn. Vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh tinh tấn.
- Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh niệm – Sammāsati? Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; trên các cảm thọ … trên các tâm … quán pháp trên các pháp, tinh cần tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh niệm.
- Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh định – Sammāsamādhi? Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Tỷ kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Tỷ kheo ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Tỷ kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh định.
2) Phân Tích Tứ Thánh Đế Theo Một Khía Cạnh Khác:
a) Khổ thánh đế (như trên).
b) Khổ tập thánh đế (như trên), gồm 3 phần:
− Dục ái (Kāmataṅhā): sự ham muốn, đam mê, thích thú đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp hay còn gọi là 6 ái thân gồm sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái và pháp ái.
− Hữu ái (Bhavaṅhā): cũng chính là dục ái nhưng sinh khởi ở nơi người chấp thường kiến, cho rằng có một bản ngã thường hằng, tồn tại mãi mãi, không thay đổi, không biến diệt.
− Phi hữu ái (Vibhavataṅhā): cũng chính dục ái nhưng sanh khởi ở nơi người chấp đoạn kiến, cho rằng tất cả đều tiêu diệt, hủy diệt, không có gì tồn tại sau khi chết.
“Này các Tỷ-kheo, đây là ái này, lưới triền, khiến cho lưu chuyển, được trải rộng ra, bám dính vào; chính do ái ấy, thế giới này bị hoại vong, trói buộc, rối loạn như một cuộn chỉ, rối ren như một ổ kén, quyện lại như cỏ mujia và lau sậy babbaja, không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sanh tử”. (33)
c) Khổ diệt thánh đế:
− Ðây là Thánh đế về Khổ diệt, này các tỳ khưu, chính là ly tham, đoạn diệt, không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước. (34)
− Khổ diệt thánh đế đồng nghĩa với ái tận, có nhiều bài kinh Thế Tôn định nghĩa ái tận chính là Niết Bàn, như vậy khổ diệt thánh đế chính là Niết Bàn.
“Ðoạn diệt khát ái, này Ràdha, là Niết-bàn”. (35)
* * *
“Sự diệt, sự lắng dịu, sự chấm dứt của mắt là sự diệt của khổ, sự lắng dịu của bệnh hoạn, sự chấm dứt của già chết.
Sự diệt, sự lắng dịu, sự chấm dứt của tai... của mũi... của lưỡi... của thân... của ý là sự diệt của khổ, sự lắng dịu của bệnh hoạn, sự chấm dứt của già chết”. (36)
* * *
“Này Vaccha, tà kiến đã được Như Lai đoạn trừ. Nhưng này Vaccha, đây là điều Như Lai đã thấy: “Ðây là sắc, đây là sắc tập, đây là sắc diệt; đây là thọ, đây là thọ tập, đây là thọ diệt; đây là tưởng, đây là tưởng tập, đây là tưởng diệt; đây là hành, đây là hành tập, đây là hành diệt; đây là thức, đây là thức tập, đây là thức diệt”. Do vậy, ta nói rằng, với sự đoạn trừ, ly tham, đoạn diệt, xả bỏ, vứt bỏ tất cả ảo tưởng của tất cả hôn mê, của tất cả ngã kiến, ngã sở kiến, mạn tùy miên, mà Như Lai được giải thoát, không còn chấp thủ”. (37)
* * *
“Niết-bàn, Niết-bàn”, này Hiền giả Sāriputta, như vậy được nói đến. Này Hiền giả, thế nào là Niết-bàn? —Này Hiền giả, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, đây gọi là Niết-bàn”. (38)
* * *
“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vô vi? Này các Tỷ-kheo, sự đoạn tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vô vi”. (39)
* * *
“Ðồng nghĩa với Niết-bàn giới là nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si, cũng được gọi là đoạn tận các lậu hoặc”. (40)
* * *
“Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri không liễu tri Tham, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri liễu tri Tham, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, thời có thể diệt được khổ đau”. (41)
* * *
“Với vị Thánh đệ tử có lòng tin, an trú chánh niệm, với tâm Thiền định, bạch Thế Tôn, được chờ đợi như sau: Vị ấy rõ biết rằng vô thỉ là luân hồi, khởi điểm đầu tiên không thể chỉ rõ. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị khát ái trói buộc, lưu chuyển luân hồi. Sự ly tham, đoạn diệt vô minh không có dư tàn, ổ nhóm u ám ấy, là tịch tịnh của vị này, là thù thắng của vị này, tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn tận tham ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. (42)
“Savanti sabbadhī sotā Latā ubbhijja tiṭṭhati Tañ ca disvā lataṃ jātaṃ Mūlaṃ paññāya chindatha”. |
Dòng ái dục chảy khắp, Như dây leo mọc tràn, Thấy dây leo vừa sanh, Với tuệ, hãy đoạn gốc. (DhP 340) |
d) Khổ diệt đạo thánh đế
“Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, này các tỳ khưu, chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định”. (43)
3) Giảng Rõ Hơn Về Chánh Ngữ:
“Tỷ-kheo từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ trên sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lường gạt, không phản lại lời hứa đối với đời. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
Vị ấy từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, không đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia. Như vậy Tỷ-kheo ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, khuyến khích những kẻ hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp, thoải mái trong hòa hợp, hân hoan trong hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
Vị ấy từ bỏ lời nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác. Vị ấy nói những lời nói không lỗi lầm, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
Vị ấy từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về chánh pháp, nói những lời về luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, thuận lý, có mạch lạc hệ thống, có ích lợi. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật”. (44)
II) BÁT THÁNH ĐẠO LÀ CON ĐƯỜNG GIỚI ĐỊNH TUỆ, LÀ PHÁP HỮU VI:
“-- Thưa Ni sư, thế nào là Thánh đạo Tám ngành?
-- Hiền giả Visākha, đây là Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
-- Thưa Ni sư, Thánh đạo Tám ngành này là hữu vi hay vô vi?
-- Hiền giả Visākha, Thánh đạo Tám ngành này là hữu vi.
-- Thưa Ni sư, ba uẩn được Thánh đạo Tám ngành thâu nhiếp hay Thánh đạo Tám ngành được ba uẩn thâu nhiếp?
-- Hiền giả Visākha, ba uẩn không bị Thánh đạo Tám ngành thâu nhiếp; Hiền giả Visākha, Thánh đạo Tám ngành bị ba uẩn thâu nhiếp. Hiền giả Visākha, chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng, những pháp này được thâu nhiếp trong giới uẩn. Chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định, những pháp này được thâu nhiếp trong định uẩn. Chánh tri kiến và chánh tư duy, những pháp này được thâu nhiếp trong tuệ uẩn”. (45)
III) THÁNH GIỚI – ĐỊNH – TUỆ CỤ TÚC (MỘT CÁCH GỌI KHÁC CỦA BCĐ) – CON ĐƯỜNG DẪN NGƯỜI THỰC HÀNH ĐẾN SỰ DIỆT TẬN HOÀN TOÀN KHỔ ĐAU:
Phần này sẽ được trình bày kĩ trong chương Tam Vô Lậu Học.
IV) NẾP SỐNG VÀ THỰC HÀNH BCĐ DẪN ĐẾN SỰ TẬN DIỆT KHỔ ĐAU:
“-- Bạch Thế Tôn, các thiện giới (chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng) có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
-- Này Ananda, các thiện giới có ý nghĩa không có hối tiếc, có lợi ích không có hối tiếc.
-- Nhưng bạch Thế Tôn, không có hối tiếc có ý nghĩa gì, có lợi ích gì? --Này Ananda, không có hối tiếc có ý nghĩa hân hoan, có lợi ích hân hoan.
-- Bạch Thế Tôn, nhưng hân hoan có ý nghĩa gì, có lợi ích gì? --Này Ananda, hân hoan có ý nghĩa hoan hỷ, có lợi ích hoan hỷ.
-- Nhưng bạch Thế Tôn, hoan hỷ có ý nghĩa gì, có lợi ích gì? --Này Ananda, hoan hỷ có ý nghĩa khinh an, có lợi ích khinh an.
-- Nhưng bạch Thế Tôn, khinh an có ý nghĩa gì, có lợi ích gì? --Này Ananda, khinh an có ý nghĩa an lạc, có ích lợi an lạc.
-- Nhưng bạch Thế Tôn, an lạc có ý nghĩa gì, có lợi ích gì? Này Ananda, an lạc có ý nghĩa định, có lợi ích định.
-- Nhưng bạch Thế Tôn, định có ý nghĩa gì, có lợi ích gì? --Này Ananda, định có ý nghĩa như thật tri kiến, có lợi ích như thật tri kiến.
-- Nhưng bạch Thế Tôn, như thật tri kiến có ý nghĩa gì, có lợi ích gì? --Này Ananda, như thật tri kiến có ý nghĩa nhàm chán, ly tham, có lợi ích nhàm chán, ly tham.
-- Nhưng bạch Thế Tôn, nhàm chán, ly tham có ý nghĩa gì, có lợi ích gì? --Này Ananda, nhàm chán, ly tham có ý nghĩa giải thoát tri kiến, có lợi ích giải thoát tri kiến.
Như vậy, này Ananda, các thiện giới có ý nghĩa không hối tiếc, có lợi ích không hối tiếc, không hối tiếc có ý nghĩa hân hoan, có lợi ích hân hoan. Hân hoan có ý nghĩa hoan hỷ, có lợi ích khinh an. Khinh an có ý nghĩa an lạc, có lợi ích an lạc. An lạc có ý nghĩa định, có lợi ích định. Ðịnh có ý nghĩa như thật tri kiến, có lợi ích như thật tri kiến. Như thật tri kiến có ý nghĩa nhàm chán, ly tham, có lợi ích nhàm chán, ly tham. Nhàm chán ly tham có ý nghĩa giải thoát tri kiến, có lợi ích giải thoát tri kiến. Như vậy, này Ananda, các thiện giới thứ lớp dẫn tới tối thượng. Như vậy, này Ananda, các thiện giới thứ lớp đưa đến tối thượng”. (46)
V) LIỄU TRI TỨ ĐẾ LÀ ĐOẠN TẬN SANH TỬ:
“Này các Tỷ-kheo, do không giác ngộ, do không thông đạt bốn Thánh đế mà Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này”. (47)
* * *
“Này các Tỷ-kheo, chính vì không giác ngộ, không thông hiểu Bốn Thánh đế mà chúng ta phải lưu chuyển luân hồi lâu năm, Ta và các Ngươi.
Ta và các Ngươi. Này các Tỷ-kheo khi Khổ Thánh đế này được giác ngộ, được thông hiểu; khi Khổ Tập Thánh đế này được giác ngộ, được thông hiểu; khi Khổ Diệt Thánh đế này được giác ngộ, được thông hiểu; khi Khổ Diệt Ðạo Thánh đế này được giác ngộ, được thông hiểu, thời hữu ái được diệt trừ, sự dắt dẫn đến một đời sống được đoạn tuyệt, nay không còn hiện hữu nữa”. (48)
VI) MỘT LOẠT CÁC KHỔ ĐAU SANH RA TỪ THAM DỤC:
Sự nguy hiểm các dục?
“Có thiện nam tử nuôi sống với nghề nghiệp, như đếm ngón tay, như tính toán, như ước toán, như làm ruộng, như buôn bán, như chăn bò, như bắn cung, như làm công cho vua, như làm một nghề nào khác.
− Người ấy phải chống đỡ lạnh, phải chống đỡ nóng, phải chịu đựng sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng, mặt trời, các loài bò sát, bị chết đói chết khát.
− Nếu thiện nam tử ấy nỗ lực như vậy, tinh cần như vậy, tinh tấn như vậy, nhưng các tài sản ấy không được đến tay mình, vị ấy than vãn, buồn phiền khóc than, đấm ngực, mê man bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, nếu thiện nam tử ấy nỗ lực như vậy, tinh cần như vậy, tinh tấn như vậy, và các tài sản ấy được đến tay mình, vì phải hộ trì các tài sản ấy, vị ấy cảm thọ sự đau khổ, ưu tư: "Làm sao các vua chúa khỏi cướp đoạt chúng, làm sao trộm cướp khỏi cướp đoạt chúng, làm sao lửa khỏi đốt cháy, nước khỏi cuốn trôi, hay các kẻ thừa tự không xứng đáng khỏi cướp đoạt chúng?"
− Dầu vị ấy hộ trì như vậy, giữ gìn như vậy, vua chúa vẫn cướp đoạt các tài sản ấy, trộm cướp vẫn cướp đoạt, lửa vẫn đốt cháy, nước vẫn cuốn trôi hay các kẻ thừa tự không xứng đáng vẫn cướp đoạt chúng.
− Vị ấy than vãn, buồn phiền, khóc than, đấm ngực, mê man bất tỉnh: "Cái đã thuộc của ta, nay ta không có nữa".
− Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua, Sát-đế-lị tranh đoạt với Sát-đế- lị, Bà-la-môn tranh đoạt với Bà-la-môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ, mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, anh em tranh đoạt với anh em, anh tranh đoạt với chị, chị tranh đoạt với anh, bạn bè tranh đoạt với bạn bè. Khi họ đã dấn mình vào tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt; họ công phá nhau bằng tay; họ công phá nhau bằng đá; họ công phá nhau bằng gậy; họ công phá nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục... (như trên) ... là nguyên nhân của dục….” (49)
CHƯƠNG [8] TỨ NIỆM XỨ
I) 2 LOẠI THIỀN TRONG PHẬT GIÁO (50)
“Có hai pháp này, này các Tỷ-kheo, thuộc thành phần minh. Thế nào là hai? Chỉ và Quán. Chỉ được tu tập, này các Tỷ-kheo, chờ đợi lợi ích gì? Tâm được tu tập. Tâm được tu tập, chờ đợi lợi ích gì? Cái gì thuộc về tham được đoạn tận. Quán được tu tập, này các Tỷ-kheo, chờ đợi lợi ích gì? Tuệ được tu tập. Tuệ được tu tập, chờ đợi lợi ích gì? Cái gì thuộc vô minh được đoạn tận. Bị tham làm uế nhiễm, này các Tỷ-kheo, tâm không thể giải thoát. Hay bị vô minh làm uế nhiễm, tuệ không được tu tập. Do vậy, do ly tham, là tâm giải thoát. Do đoạn vô minh, là tuệ giải thoát”. (51)
1) Pháp Hành Thiền Định (Samathabhāvanā)
− Pháp hành thiền định là pháp hành làm cho tâm an trú trong một đề mục thiền định duy nhất, dẫn đến sự chứng đắc tuần tự 5 bậc thiền sắc giới, 4 bậc thiền vô sắc giới.
− Pháp hành thiền định này đã có trước khi Đức Phật xuất hiện trên thế gian. Theo tiểu sử Đức Phật Gotama, khi còn là Đức Bồ Tát Siddhattha, Ngài đã từng thọ giáo với vị Đạo sư Ālāra Kalāmagotta về pháp hành thiền định, Ngài đã chứng đắc đến bậc thiền "Vô sở hữu xứ thiền"; và đã từng thọ giáo với vị Đạo sư Udaka Rāmaputta, Ngài đã chứng đắc đến bậc thiền "Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền" bậc thiền tột đỉnh của thiền vô sắc giới, cũng là tột đỉnh của thiền tam giới.
− Như vậy, pháp hành thiền định có trong Phật giáo và cũng có ngoài Phật giáo.
a) Đối tượng của thiền định: Đối tượng của thiền định tất cả gồm có 40 đề mục:
− 10 đề mục hình tròn (kasiṇa) – đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, ánh sáng, hư không.
− 10 đề mục tử thi bất tịnh (asubha) - tử thi trải qua 2-3 ngày => tử thi biến sang màu tím thâm => tử thi chảy máu mủ => tử thi bị chặt đứt ra thành nhiều đoạn => tử thi bị chó, quạ, diều hâu, kên kên, cắn xé bỏ rải rác => tử thi bị chặt tay, chân, đầu, mình bỏ rải rác => tử thi bị đâm lủng nhiều lỗ => tử thi có máu chảy lai láng => tử thi có giòi => tử thi còn bộ xương trắng.
− 10 đề mục tùy niệm (anussati) – Phật, Pháp, Tăng, giới, thí, thiên, sự chết, thể trược, Niết Bàn và hơi thở.
− 4 đề mục tứ vô lượng tâm (appamaññā) – tâm từ, chọn chúng sinh đáng yêu làm đối tượng; tâm bi, chọn chúng sinh đang khổ làm đối tượng; tâm hỉ, chọn chúng sinh đang hưởng sự an lạc hạnh phúc làm đối tượng; tâm xả, chọn chúng sinh có nghiệp là của riêng mình làm đối tượng.
− 1 đề mục quán vật thực đáng nhờm (āhāre paṭikkūlasaññā).
− 1 đề mục phân tích tứ đại (catudhātuvavatthāna).
− 4 đề mục vô sắc giới (āruppa) – Hư không vô biên làm đối tượng thiền định của không vô biên xứ thiền; Thức vô biên (tâm không vô biên xứ thiền) làm đối tượng thiền định của thức vô biên xứ thiền; Vô sở hữu làm đối tượng thiền định của vô sở hữu xứ thiền; Rất vắng lặng, rất vi tế của tâm vô sở hữu xứ thiền làm đối tượng thiền định của phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền.
b) 6 loại chúng sanh tương ưng và không tương ưng với các loại đề mục:
Đặt tánh | Đề mục nên thực hành | Đề mục phải tránh |
1- Rāgacarita: Tánh tham dục. |
|
|
2- Dosacarita: Tánh sân hận. |
|
|
3- Mohacarita: Tánh si mê. |
|
|
4- Vitakkacarita: Tánh suy diễn. |
|
|
5- Saddhācarita: Tánh tín. |
|
|
6- Buddhicarita: Tánh giác. |
|
2) Pháp Hành Thiền Tuệ (Vipassanābhāvanā):
− Pháp hành thiền tuệ là pháp hành dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được tham ái là nhân sanh khổ, và tất cả mọi phiền não, mọi ác pháp, cuối cùng tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài bằng sự tu tập 4 niệm xứ. Là pháp hành chỉ có trong Phật giáo, không có ngoài Phật giáo.
“-- Này các Tỷ kheo, đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý, chứng ngộ Niết bàn. Ðó là Bốn niệm xứ. Thế nào là bốn? Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời.
-- …Này các Tỷ-kheo, không cần gì bảy tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong sáu tháng … trong năm tháng … trong bốn tháng … trong ba tháng … trong hai tháng … trong một tháng … trong nửa tháng … vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ-kheo, không cần gì nửa tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong bảy ngày, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn”. (52)
− Tứ niệm xứ là con đường độc nhất vì bao gồm 5 nghĩa (theo PHCB):
1. Con đường trực tiếp dẫn đến Niết Bàn.
2. Con đường phải đi một mình.
3. Con đường duy nhất chỉ có đức Thế Tôn khám phá và thuyết lại cho chúng sanh.
4. Con đường thẳng tắp, không có ngã rẽ hay đường song song nào khác.
5. Con đường chỉ có một, không có con đường thứ 2 đưa đến giải thoát, Niết Bàn.
II) NỘI DUNG 4 NIỆM XỨ:
1) Quán Thân – Gồm 5 Phần:
“Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến chánh trí, chánh kiến. Vị ấy biết: Thân này của ta là sắc pháp, do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt. Trong thân ấy thức ta lại nương tựa và bị trói buộc”. (53)
Tỷ kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt.
a) Hơi thở:
− Thở vô, thở ra.
− Thở vô dài, thở ra dài.
− Thở vô ngắn, thở ra ngắn.
− Cảm giác toàn thân tôi sẽ thở vô, cảm giác toàn thân tôi sẽ thở ra.
− An tịnh thân hành tôi sẽ thở vô, an tịnh thân hành tôi sẽ thở ra vị ấy tập. b) Oai nghi:
− Đại oai nghi: Vị ấy đi – đứng – ngồi – nằm đều tuệ tri như thế.
− Tiểu oai nghi:
+ Khi bước tới, bước lui, biết rõ việc mình đang làm.
+ Ngó tới, ngó lui.
+ Khi co tay khi duỗi tay.
+ Khi mang áo sanghàti (tăng-già-lê), mang bát, mang y.
+ Khi ăn, uống, nhai, nếm.
+ Khi đi đại tiện, tiểu tiện.
+ Khi đi, đứng, ngồi, nằm.
c) 32 thể trược:
1. tóc, 2. lông, 3. móng, 4. răng, 5. da, 6. thịt, 7. gân, 8. xương, 9. thận, 10. tủy, 11. tim, 12. gan, 13. hoành cách mô, 14. lá lách, 15. phổi, 16. ruột, 17. màng ruột, 18. bụng, 19. phân, 20. mật, 21. đàm, 22. mủ, 23. máu, 24. mồ hôi, 25. mỡ, 26. nước mắt, 27. mỡ da, 28. nước miếng, 29. niêm dịch, 30. nước ở khớp xương, 31. nước tiểu, 32. óc.
d) Tứ đại:
− Vị Tỷ kheo quán sát thân nay về vị trí các giới và về sự sắp đặt các giới: "Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại."
e) Quán tử thi:
− Thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa một ngày, hai ngày, ba ngày, thi thể ấy trương phồng lên, xanh đen lại, nát thối ra.
− Thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa bị các loài quạ ăn, hay bị các loài diều hâu ăn, hay bị các chim kên ăn; hay bị các loài chó ăn.
− Thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa; với các xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại.
− Thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa, chỉ còn toàn xương trắng màu vỏ ốc.
==>> Vị ấy quán thân này tính chất là như vậy, bản chất là như vậy.
==>> Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. “Có thân đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời.”
2) Quán Thọ - Gồm 9 Phần:
a) Các nhân sanh thọ:
“Này Sìvaka, ở đây, một số cảm thọ khởi lên, phát sanh từ mật (semhà). Này Siivaka, hoặc là Ông phải tự mình (sàma) biết rằng: “Ở đây, một số cảm thọ khởi lên, phát sanh từ mật”. Hay là, này Siivaka, thế giới chấp nhận là đúng sự thật rằng: “Ở đây, một số cảm thọ khởi lên phát sanh từ mật”. Ở đây, này Siivaka, những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào thuyết như sau, thấy như sau: “Con người cảm thọ cảm giác gì, lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ; tất cả thọ đều do nhân đã làm trong quá khứ”; nếu do họ tự mình biết, họ thật sự đi quá xa; nếu được thế giới chấp nhận là đúng sự thật, họ cũng đi quá xa. Do vậy, Ta tuyên bố rằng các Sa-môn, Bà-la-môn ấy thuộc về tà.
Này Siivaka, ở đây, một số cảm thọ khởi lên, phát sanh từ đàm (niêm dịch) …
Này Siivaka … khởi lên, phát sanh từ gió …
Này Siivaka … khởi lên, phát sanh từ sự gặp gỡ các … nước trong thân thể (sannipitikàni).
Này Siivaka … khởi lên, phát sanh từ sự gặp gỡ các thời tiết …
Này Siivaka … khởi lên, phát sanh từ sự gặp gỡ các nghịch vận …
Này Siivaka … khởi lên, phát sanh từ các công kích thình lình từ bên ngoài vào …
Do quả dị thục của nghiệp, này Siivaka, ở đây, một số cảm thọ được khởi lên. Này Siivaka, hoặc là Ông phải tự mình biết rằng: “Ở đây, một số cảm thọ khởi lên vì kết quả dị thục của nghiệp”. (54)
* * *
“Này các Tỷ-kheo, biết thọ là vô thường, biến hoại, ly tham, đoạn diệt, vị ấy thấy tất cả thọ xưa và nay là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại. Do thấy như thật với chánh trí tuệ như vậy, các sầu, bi, khổ, ưu, não được đoạn tận. Do chúng được đoạn tận, vị ấy không bị ưu, não. Do không bị ưu, não, vị ấy sống an lạc. Do sống an lạc, vị Tỷ-kheo được gọi là vị đã lắng dịu mọi tướng phần, nhứt hướng Niết-bàn”. (55)
b) Quán thọ trong Kinh Niệm Xứ:
1. Tỷ kheo khi cảm giác lạc thọ, biết rằng: "Tôi cảm giác lạc thọ"
2. … khổ thọ…
3. … bất khổ bất lạc thọ…
4. … lạc thọ thuộc vật chất…
5. … lạc thọ không thuộc vật chất…
6. … khổ thọ thuộc vật chất…
7. …khổ thọ không thuộc vật chất…
8. …bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất…
9. …bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất…
==>> Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy Tỷ kheo sống quán thân trên thân.
3) Quán Tâm – Gồm 8 Phần:
1. Tâm có tham, biết rằng tâm có tham – Tâm không tham, biết rằng tâm không có tham.
2. Tâm có sân – tâm không sân
3. Tâm có si – tâm không si
4. Tâm thâu nhiếp – tâm tán loạn
5. Tâm quảng đại (Sắc giới + Vô sắc giới) – tâm không quảng đại (Dục giới)
6. Tâm hữu hạn (Dục giới) – tâm vô thượng (Sắc giới + Vô sắc giới)
7. Tâm có định – tâm không định
8. Tâm giải thoát – tâm không giải thoát
==>> Vị ấy sống quán tâm trên nội tâm; hay sống quán tâm trên ngoại tâm; hay sống quán tâm trên nội tâm, ngoại tâm. Hay sống quán tánh sanh khởi trên tâm; hay sống quán tánh diệt tận trên tâm; hay sống quán tánh sanh diệt trên tâm. "Có tâm đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời.
4) Quán Pháp – Gồm 5 Phần:
a) Năm triền cái:
1. Vị ấy tuệ tri rõ tham dục chưa sanh nay sanh, tham dục đã sanh được đoạn diệt, tham dục đã sanh được đoạn diệt tương lai không sanh khởi nữa.
2. Tâm có sân >< tâm không sân …
3. Tâm có hôn trầm thụy miên >< không hôn trầm thụy miên…
4. Trạo hối >< không trạo hối…
5. Có nghi >< không nghi…
b) Năm thủ uẩn
Ðây là sắc, đây là sắc sanh, đây là sắc diệt …thọ …tưởng…hành…thức…
c) Quán pháp đối với 6 nội - ngoại xứ
1. Tuệ tri con mắt và tuệ tri các sắc => do duyên 2 pháp này kiết sử sanh khởi. Với kiết sử chưa sanh nay sanh khởi; với kiết sử đã sanh nay được đoạn diệt; với kiết sử đã đoạn diệt nay không sanh lại nữa – vị ấy tuệ tri…
2. …Tai…các tiếng…
3. …Mũi…các hương…
4. …Lưỡi…các vị…
5. …Thân…các xúc…
6. …Ý… các pháp…
d) Quán pháp đối với 7 giác chi
1. Nội tâm có Niệm Giác chi, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi có Niệm Giác chi". Niệm giác chi chưa sanh nay sanh khởi; niệm giác chi đã sanh được tu tập viên mãn – vị ấy tuệ tri như vậy.
2. Trạch pháp giác chi…
3. Tinh tấn giác chi…
4. Hỷ giác chi…
5. Khinh an giác chi…
6. Định giác chi…
7. Xả giác chi…
e) Quán pháp đối với Tứ Thánh Đế
− Khổ Thánh đế? Sanh là khổ, già là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, cầu không được là khổ, tóm lại năm thủ uẩn là khổ.
+ Sanh: sự xuất sản, xuất sanh, xuất thành, tái sanh của họ, sự xuất hiện các uẩn, sự hoạch đắc các căn.
+ Già: sự niên lão, sự hủy hoại, trạng thái rụng răng, trạng thái tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ rút ngắn, các căn hủy hoại.
+ Chết: sự tạ thế, sự từ trần, thân hoại, sự diệt vong, sự chết, sự tử vong, thời đã đến, các uẩn đã tận diệt, sự vất bỏ tử thi.
+ Sầu: với những ai gặp phải tai nạn này hay tai nạn khác; với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự sầu, sự sầu lo, sự sầu muộn, nội sầu, mọi khổ sầu của người ấy.
+ Bi: với những ai gặp phải tai nạn này hay tai nạn khác; với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự bi ai, sự bi thảm, sự than van, sự than khóc, sự bi thán, sự bi thống của người ấy.
+ Khổ: sự đau khổ về thân.
+ Ưu: sự đau khổ về tâm.
+ Não: với những ai gặp tai nạn này hay tai nạn khác; với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự áo não, sự bi não, sự thất vọng, sự tuyệt vọng của người ấy.
+ Cầu bất đắc khổ: lời mong cầu không được thành tựu.
+ Năm thủ uẩn là khổ.
− Khổ tập thánh đế?
+ Sự tham ái đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia.
+ Gồm 3 loại: dục ái, hữu ái, vô hữu ái.
− Khổ diệt thánh đế? – Sự diệt tận không còn luyến tiếc tham ái ấy, sự xả ly, sự khí xả, sự giải thoát, sự vô nhiễm (tham ái ấy).
− Khổ diệt đạo thánh đế?
+ Chánh tri kiến: tri kiến về Khổ, tri kiến về Khổ tập, tri kiến về Khổ diệt, tri kiến về Khổ diệt đạo.
+ Chánh tư duy: Tư duy về ly dục, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại.
+ Chánh ngữ: Tự chế không nói láo, tự chế không nói hai lưỡi, tự chế không ác khẩu, tự chế không nói lời phù phiếm.
+ Chánh nghiệp: Tự chế không sát sanh, tự chế không trộm cướp, tự chế không tà dâm.
+ Chánh mạng: Vị Thánh đệ tử từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng chánh mạng.
+ Chánh tinh tấn:
-
-
- Bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi.
- Bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt.
- Các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi.
- Các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại.
-
==>> Vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.
+ Chánh niệm: sống với 4 niệm xứ.
+ Chánh định:
-
-
- Thiền thứ nhất: ly dục, ly bất thiện pháp chứng thiền thứ nhất – một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm, có tứ.
- Thiền thứ hai: diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm.
- Thiền thứ ba: ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba.
- Thiền thứ 4: xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.
-
CHƯƠNG [9] TỨ CHÁNH CẦN CATTĀRO SAMMAPPADHĀNA
“Ở đây, này Moggallàna, Tỷ-kheo sống tinh cần, tinh tấn: ‘Dầu cho da, dây gân và xương có khô héo, dầu thịt và máu có héo tàn trên thân tôi, cái gì có thể lấy sức lực của người, tinh tấn của người, nỗ lực của người có thể đạt được; nếu chưa đạt được, thời tinh tấn sẽ không bao giờ dừng nghỉ’. Như vậy, này Moggallàna, là sự tinh cần, tinh tấn”. (56)
I) ĐỊNH NGHĨA TỨ CHÁNH CẦN:
1) Theo TCPH:
− Tứ chánh cần (Cattāro Sammappadhāna) là bốn sự cần mẫn chân chánh, là 4 pháp siêng năng hợp với chánh đạo. Cattāro (bốn) + Samma (chơn chánh) + padhāna (cố gắng).
− Tứ chánh cần cũng được gọi là tinh tấn: tinh là tinh chuyên một việc không xen tạp; tấn là tiến tới mãi không dừng, không gián đoạn hoặc thối lui. Đó cũng là chánh tinh tấn trong bát chi thánh đạo.
− Trong 6 tâm sở biệt cảnh, tinh cấn được gọi là tâm sở “cần’ (viriya), có đặc tính làm cho phấn khởi tâm, phấn chấn tâm. Khi dùng từ tinh tấn nghĩa là siêng năng trong thiện pháp.
2) Theo Kinh:
“Này các Tỷ-kheo, có bốn chánh cần này. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Ðối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn đoạn tận, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Ðối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn làm cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Ðối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho vong thất (asammosàya), làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn chánh cần.
Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng thiên về phương Ðông, hướng về phương Ðông, xuôi về phương Ðông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bốn chánh cần, làm cho sung mãn bốn chánh cần, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn”. (57)
* * *
“--Này các Tỷ-kheo, có bốn tinh cần này, thế nào là bốn? Tinh cần chế ngự, tinh cần đoạn tận, tinh cần tu tập, tinh cần hộ trì.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là tinh cần chế ngự? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với mục đích khiến cho các ác bất thiện pháp từ trước chưa sanh không cho sanh khởi, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tinh cần chế ngự.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tinh cần đoạn tận? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với mục đích đoạn tận các ác bất thiện pháp, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tinh cần đoạn tận.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tinh cần tu tập? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với mục đích làm cho sanh khởi các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tinh cần tu tập.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tinh cần hộ trì? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sanh có thể duy trì, không có mù mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tinh cần hộ trì”. (58)
3) Định Nghĩa Về Thiện Và Bất Thiện Trong Tứ Chánh Cần
Theo Thắng Pháp Tập Yếu Luận Của HT. Minh Châu dịch:
− Hành động được gọi là bất thiện khi nó được sai sử bởi những bất thiện tâm (Akusala Citta) là những tâm hành phát sanh từ tham, sân, si và đưa đến kết quả hại mình hại người hại cả hai ngay cả trong hiện tại và tương lai.
− Hành động thiện được điều khiển bởi những thiện tâm (Kusala Citta), là những tâm phát sanh từ vô tham, vô sân và vô si; đưa đến kết quả lợi mình, lợi người, lợi cả hai.
II) PHÂN TÍCH CHI TIẾT:
1) Tinh Tấn Không Cho Các Bất Thiện Pháp Chưa Sanh Khởi Không Sanh Khởi:
− Có 5 cách – dựa vào Kinh An Trú Tầm, kinh Trung bộ, bài kinh số 19 – Vitakkasaṇṭhāna:
1. Ở đây, Tỷ-kheo y cứ tướng nào, tác ý tướng nào, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si sanh khởi, thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện, không phải tướng kia. Nhờ tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện, không phải tướng kia, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Chư Tỷ-kheo, ví như một người thợ mộc thiện xảo hay đệ tử một người thợ mộc, dùng một cái nêm nhỏ đánh bật ra, đánh tung ra, đánh văng ra một cái nêm khác…
2. Tỷ-kheo ấy cần phải quán sát các nguy hiểm của những tầm ấy: “Ðây là những tầm bất thiện, đây là những tầm có tội, đây là những tầm có khổ báo”. Nhờ quán sát các nguy hiểm của những tầm ấy, các bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Chư Tỷ-kheo, ví như một người đàn bà hay người đàn ông trẻ tuổi, trong tuổi thanh xuân, tánh ưa trang sức nếu một xác rắn, hay xác chó, hay xác người được quàng vào cổ, người ấy phải lo âu, xấu hổ, ghê tởm. – (đoạn kinh sau có ý nghĩa tương đương: “Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào đối với các sắc do mắt nhận thức có khởi lên dục (chanda), tham, sân, si hay hận tâm; hãy ngăn chận tâm đừng cho khởi lên như vậy. Con đường này là con đường đầy sợ hãi, đầy kinh khủng, đầy gai góc, đầy rừng rậm, con đường ác, con đường tà, con đường đầy trộm cướp. Con đường này là con đường do phi thiện nhân dùng, không phải con đường do thiện nhân dùng. Như vậy, với ý nghĩ: "Ðây không phải con đường xứng đáng cho ta". Hãy ngăn chận tâm đừng cho khởi lên như vậy đối với các sắc do mắt nhận thức... Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào đối với các vị do lưỡi nhận thức... đối với các pháp do ý nhận thức, có khởi lên dục, tham, sân, si hay hận tâm; hãy ngăn chận tâm đừng cho khởi lên như vậy”. (59)
3. Tỷ-kheo ấy cần phải không ức niệm, không tác ý những tầm ấy. Nhờ không ức niệm, không tác ý các tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Chư Tỷ-kheo, ví như một người có mắt, không muốn thấy các sắc pháp nằm trong tầm mắt của mình, người ấy nhắm mắt lại hay ngó qua một bên.
4. Tỷ-kheo ấy cần phải tác ý đến hành tướng các tầm và sự an trú các tầm ấy. Nhờ tác ý đến hành tướng các tầm và sự an trú các tầm ấy, các ác, bất thiện tầm liên hệ đến dục … được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Ví như một người đang đi mau, suy nghĩ: “Tại sao ta lại đi mau? Ta hãy đi chậm lại”. Trong khi đi chậm, người ấy suy nghĩ: “Tại sao ta lại đi chậm? Ta hãy dừng lại”. Trong khi dừng lại, người ấy suy nghĩ: “Tại sao Ta lại dừng lại? Ta hãy ngồi xuống”. Trong khi ngồi, người ấy suy nghĩ: “Tại sao ta lại ngồi? Ta hãy nằm xuống”. Chư Tỷ-kheo, như vậy người ấy bỏ dần các cử chỉ thô cứng nhất và làm theo các cử chỉ tế nhị nhất.
5. Tỷ-kheo ấy phải nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm. Nhờ nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục … liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong … được an trú, an tịnh nhất tâm, định tĩnh. Ví như một người lực sĩ nắm lấy đầu một người ốm yếu, hay nắm lấy vai, có thể chế ngự, nhiếp phục, và đánh bại. Chư Tỷ-kheo, cũng vậy…
2) Tinh Tấn Đoạn Trừ Các Bất Thiện Pháp Đã Sanh Khởi:
− Làm thế nào để đoạn trừ các ác, bất thiện pháp đã phát sinh qua thân, khẩu, ý rồi. Nếu bây giờ chúng ta hồi tưởng lại, tâm hối hận sẽ khởi lên, tâm bất an sẽ khởi lên, đó cũng là những bất thiện tâm. Bởi vậy cách tốt nhất là là hành giả không cho bất thiện pháp đó tái phạm trong tương lai. Vậy nên, hãy suy nghĩ đoạn trừ sát hại và tự chế tránh xa sát sanh trong tương lai là cách đoạn trừ ác pháp đã sanh khởi.
− Sau đây chúng tôi xin được trích một đoạn kinh nói về vấn đề này:
“-- Bạch Thế Tôn, Nigantha Nàtaputta thuyết pháp cho chúng đệ tử như sau: "Ai sát hại sanh mạng, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục. Ai lấy của không cho, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục. Ai sống tà hạnh trong các dục, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục. Ai nói láo, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục. Phàm sống tối đa, tối đa như thế nào, chiều hướng ấy sanh thú của họ sẽ như vậy". Như vậy, bạch Thế Tôn, Nigantha Nàtaputta thuyết pháp cho các đệ tử.
-- Phàm sống tối đa, tối đa như thế nào, này Thôn trưởng, chiều hướng ấy sanh thú của họ sẽ như vậy. Nếu sự thật là vậy, thời sẽ không có ai phải sanh vào đọa xứ, địa ngục như lời của Nigantha Nàtaputta.
-- Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Có người sát hại sanh mạng, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng làm. Thời nào là nhiều hơn, thời vị ấy sát hại sanh mạng, hay thời vị ấy không sát hại sanh mạng?
-- Bạch Thế Tôn, có người sát hại sanh mạng, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng làm. Thời này là ít hơn, là thời vị ấy sát hại sanh mạng. Và thời kia là nhiều hơn, thời vị ấy không sát hại sanh mạng.
-- Phàm sống tối đa, tối đa như thế nào, này Thôn trưởng, chiều hướng ấy sanh thú của vị ấy sẽ như vậy. Nếu sự thật là vậy, thời sẽ không có ai phải sanh vào đọa xứ, địa ngục như lời của Nigantha Nàtaputta.
Tương tự như vậy … với lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo…
Vị ấy suy nghĩ: "Thầy ta nói như sau, thấy như sau: 'Ai sát hại sanh mạng tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục'. Nay ta có sát hại một sanh mạng. Như vậy, ta phải sanh vào đọa xứ, địa ngục". Vị ấy chấp trước tà kiến ấy. Này Thôn trưởng, không đoạn tận lời ấy, không đoạn tận tâm ấy, không từ bỏ kiến ấy, vị ấy chắc chắn sẽ rơi vào địa ngục như vậy….
Ở đây, này Thôn trưởng, Như Lai sanh ra ở đời, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn; Như Lai dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích sát sanh và nói: "Chớ có sát sanh"; chỉ trích, công kích lấy của không cho và nói: "Chớ có lấy của không cho"; chỉ trích, công kích sống theo tà hạnh trong các dục và nói: "Chớ có sống theo tà hạnh trong các dục"; chỉ trích, công kích nói láo và nói: "Chớ có nói láo". Này Thôn trưởng, người đệ tử đặt lòng tin tưởng vào vị Ðạo Sư ấy. Vị ấy suy tư như sau:
"Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích sát sanh và nói: 'Chớ có sát sanh". Nay ta có sát hại như thế này, hay như thế kia. Như vậy là không nên (sutthu), như vậy là không tốt. Và do duyên ấy ta có thể hối hận: 'Ác nghiệp ta làm, nay sẽ không làm nữa'". Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ sát sanh. Và trong tương lai, người ấy đình chỉ sát sanh. Như vậy, ác nghiệp ấy được vượt qua...
Do đoạn tận sát sanh, người ấy trở thành người không sát sanh. Do đoạn tận lấy của không cho, người ấy trở thành người không lấy của không cho. Do đoạn tận sống theo tà hạnh trong các dục, người ấy trở thành người không sống theo tà hạnh trong các dục. Do đoạn tận nói láo, người ấy trở thành người từ bỏ nói láo. Do đoạn tận nói hai lưỡi, người ấy trở thành người từ bỏ nói hai lưỡi. Do đoạn tận nói lời độc ác, người ấy trở thành người từ bỏ nói lời độc ác. Do đoạn tận lời nói phù phiếm, người ấy trở thành người từ bỏ nói lời phù phiếm. Ðoạn tận tham, không có tham lam, đoạn tận sân, không có sân tâm, đoạn tận tà kiến, người ấy trở thành người theo chánh kiến. Này Thôn trưởng, vị Thánh đệ tử ấy từ bỏ tham, từ bỏ sân, từ bỏ si, chánh niệm, tỉnh giác, với tâm câu hữu với từ, sống biến mãn một phương. Như vậy, phương thứ hai. Như vậy, phương thứ ba. Như vậy, phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân”. (60)
3) Tinh Tấn Làm Cho Các Thiện Pháp Chưa Sanh Sẽ Sanh Khởi:
Những việc lành nào mà từ trước đến giờ ta chưa làm được thì tinh tấn để chúng phát khởi trong tam nghiệp (thân – khẩu – ý).
4) Tinh Tấn Làm Cho Các Thiện Pháp Đã Sanh Được Phát Triển:
Ví như một người đã quy y Tam Bảo thì ta cố gắng tinh tấn để giữ gìn 5 giới cho được thanh tịnh, không để lấm nhơ…
III) TU TẬP TỨ CHÁNH CẦN:
1) Y Cứ Vào Đâu Để Tu Tập Tứ Chánh Cần? Y Cứ Vào Giới, An Trú Vào Giới Để Tu Tập Và Làm Cho Sung Mãn Tứ Chánh Cần.
“Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những việc làm cần dùng đến sức mạnh mà làm tất cả công việc ấy, được làm y cứ vào đất, an trú vào đất. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷkheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bốn chánh cần, làm cho sung mãn bốn chánh cần.
Như thế nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bốn chánh cần, làm cho sung mãn bốn chánh cần?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng … đối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho sung mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng”. (61)
2) Các Thời Điểm Cần Tu Tập Tứ Chánh Cần:
“Này các Tỷ-kheo, có năm đúng thời này để tinh cần. Thế nào là năm?
1. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo còn trẻ, niên thiếu, còn thanh niên, tóc đen nhánh, trong tuổi thanh xuân, trong sơ kỳ tuổi đời. Này các Tỷ-kheo, đây là đúng thời thứ nhất để tinh cần.
2. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ít bệnh, ít não, sự tiêu hóa được điều hòa, không quá lạnh, không quá nóng, trung bình, hợp với tinh tấn. Này các Tỷ-kheo, đây là đúng thời thứ hai để tinh cần.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi ăn uống được đấy đủ, được mùa, đồ ăn khất thực kiếm được thật dễ dàng để nuôi sống bằng khất thực nỗ lực. Này các Tỷ-kheo, đây là đúng thời thứ ba để tinh cần.
4. Lại nữa, này các Tỷ kheo, các Thầy sống với nhau thuận hoà, thân hữu, không cãi lộn nhau, hoà hợp như nước với sữa, nhìn nhau với cặp mắt ái kính. Này các Tỷ kheo, đây là đúng thời thứ tư để tinh cần.
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, chúng Tăng hòa hợp, cùng nhau hòa hợp, không tranh luận nhau, sống thoải mái cùng chung một lời dạy. Này các Tỷ-kheo, giữa chúng Tăng hòa hợp, không có mắng nhiếc lẫn nhau, không có đấu khẩu lẫn nhau, không có kết tội lẫn nhau, không có sự tẩn xuất lẫn nhau. Ở đây, những ai không có tịnh tín, tìm được tịnh tín, những ai có tịnh tín, được tăng trưởng nhiều hơn. Này các Tỷ-kheo, đây là đúng thời thứ năm để tinh cần”. (62)
3) 11 Yếu Tố Để Phát Triển Lòng Tinh Tấn: (63)
(1) Quán xét về những đau khổ trong các khổ cảnh (Apaya bhaya paccavekkhanata):
Sự tinh tấn sẽ phát khởi trong người có sự suy xét như vầy: “Nếu ta suy giảm tinh tấn thì ta có thể bị đọa vào các khổ cảnh. Trong bốn khổ cảnh, nếu ta bị rơi vào địa ngục, ta sẽ lãnh thọ nhiều đau đớn của nhiều cực hình khủng khiếp. Hoặc nếu ta bị đọa vào cõi súc sanh, ta phải chịu hình thức ngược đãi của con người. Hoặc nếu ta bị sanh làm ngạ quỷ (peta-loka) thì ta sẽ bị đói khát lâu dài suốt thời kỳ giữa hai vị Phật. Hoặc nếu ta bị sanh vào hội chúng A-tu-la (asura loka), với thân hình khổng lồ, cao sáu mươi đến tám mươi hắc tay nhưng chỉ có da và xương mà thôi, ta phải thọ lãnh cái khổ nóng, lạnh và gió. Nếu bị rơi vào một trong bốn đọa xứ này, ta sẽ không còn cơ hội để tu tập Tứ Chánh cần. Kiếp sống này là cơ hội để tu tập Tứ Chánh cần. Kiếp sống này là cơ hội duy nhất để ta phát triển tinh tấn.”
(2) Nhận biết những lợi ích phát sanh từ sự tinh tấn (Ānisamsadassāvitā):
Sự tinh tấn sẽ phát sanh trong người, nhờ xét lại và thấy những lợi ích của tinh tấn, đã thấy như vầy: “Người lười biếng không bao giờ có thể thoát ra khỏi vòng luân hồi (saṃsāra) và chứng đắc các tầng Đạo Quả, chỉ những người siêng năng mới có thể chứng đắc những pháp ấy. Kết quả lợi ích của sự tinh tấn là chứng đắc các tầng Đạo Quả mà rất khó giác ngộ được.”
(3) Suy xét lại con đường mà có người đã đi qua (Gamanavīthi paccavekkhanatā):
Tinh tấn sẽ phát khởi và Tăng trưởng trong người có sự suy xét như vầy: “Tất cả chư Phật, chư Độc giác và chư Thinh văn đệ tử Phật đều giác ngộ mục tiêu tối thượng nhờ đi theo con đường tinh tấn. Sự tinh cần là con đường ngay thẳng được các bậc Thánh đi qua. Kẻ lười biếng không thể đi theo con đường này, chỉ có những người siêng năng mới đi vào con đường này.”
(4) Tôn trọng vật thực cúng dường của thiện tín (Piṇḍapātāpacāyanatā):
Yếu tố này là mối quan tâm đặc biệt của các vị tỳ khưu. Sự tinh tấn sẽ phát triển trong người biết xem trọng vật thực do thiện tín dâng cúng bằng cách suy xét như vầy: “Những thiện tín này không phải là quyến thuộc của ta. Họ cúng dường vật thực đến ta không phải vì họ muốn kiếm sống nhờ vào ta. Họ làm như vậy chỉ vì phước sẽ phát sanh do sự cúng dường đến Tăng. Đức Phật không cho phép chúng ta ăn vật thực bố thí một cách khinh suất, vô trách nhiệm hoặc để sống cuộc sống nhàn nhã. Ngài cho phép các vị tỳ khưu dùng nó chỉ vì mục đích thực hành pháp để thoát khỏi luân hồi. Vật thực bố thí không phải dành cho kẻ lười biếng. Chỉ những người siêng năng mới xứng đáng thọ lãnh nó”.
(5) Quán về tánh chất cao quý của sự thừa tự (Dāyajjamahatta paccavekkhanatā):
Tinh tấn sẽ phát triển trong người có sự quán xét như vầy: “Di sản của Đức Phật được gọi là ‘tài sản của những bậc giới đức’ mà đệ tử của Đức Phật tiếp nhận, gồm có bảy loại - đức tin (saddhā), giới (sīla), sự học hỏi (suta), sự dứt bỏ (cāga), trí tuệ (paññā), hổ thẹn tội lỗi (hiri) và, ghê sợ tội lỗi (ottappa). Những kẻ lười biếng không thể thừa hưởng di sản của Đức Phật. Cũng như những đứa con hư đốn bị cha mẹ từ bỏ thì không được thừa hưởng gia tài. Cũng vậy những kẻ lười biếng không thể thọ nhận tài sản của những bậc giới đức là di sản từ Đức Phật. Chỉ những người siêng năng mới xứng đáng thọ hưởng của thừa tự này."
6) Quán về tánh cao quý của Đức Phật, bậc Đạo sư (Satthumahatta paccavekkhanatā):
Sự tinh tấn sẽ phát triển trong người có sự quán xét như vầy: “Bậc Đạo sư của ta là Đức Phật, rất cao quý đến nỗi mười ngàn thế giới đã rung chuyển vào lúc Ngài nhập thai (khi còn là Bồ-tát trong kiếp cuối của Ngài), khi Ngài từ bỏ thế gian, khi Ngài thành đạo, khi Ngài Chuyển pháp luân, khi Ngài thị hiện Song thông tại Sāvatthi để nhiếp phục ngoại đạo, khi Ngài đi xuống từ cung trời Đao lợi, khi Ngài từ bỏ thọ hành (Āyusaṅkhāra) và khi Ngài viên tịch. Là đứa con của một vị Phật như vậy, ta có nên dễ duôi, lười biếng mà không tự mình cố gắng thực hành giáo pháp của Ngài không?”
(7) Quán tánh cao quý của dòng phái của mình (Jāti mahatta paccavekkhanatā):
Tinh tấn sẽ phát triển trong người có sự quán xét như vầy: “Dòng dõi của ta không phải là thấp hèn. Ta có tổ tiên là vị vua đầu tiên Mahāsammata thuộc giai cấp thượng đẳng và thuần chủng. Ta là anh em của Rāhula, cháu nội của vua Suddhodana và Hoàng hậu Mahā Māyā ở hoàng cung của vua Okkāta, là một trong những người con cháu của vua Mahāsammata, Rāhula là con trai của Đức Phật. Từ khi ta trở thành con của Đức Phật thuộc dòng Sakya, chúng ta là anh em, đã trở thành người của dòng tộc cao quý như vậy, ta không nên sống cuộc sống lười biếng mà phải tinh tấn thực hành giáo pháp cao thượng.”
(8) Quán tánh cao quý của những bậc phạm hạnh trong Tăng chúng
(Sabrahmacārīmahatta paccavekkhanatā):
Sự tinh tấn sẽ phát triển trong người có sự suy xét như vầy: “Những bậc phạm hạnh trong chúng Tăng của ta, tôn giả Sāriputta và Mahā Moggallāna cũng như tám mươi vị Đại đệ tử, là những bậc đã thực hành giáo pháp cao thượng, đã chứng ngộ các thánh Đạo và thánh Quả. Ta nên thực hành theo con đường của các bậc phạm hạnh ấy.”
(9) Tránh xa những kẻ lười biếng (Kusīta puggala parivajjanata):
Tinh tấn sẽ phát triển trong người tránh xa những kẻ lười biếng - những người không chịu làm các thiện nghiệp về thân, ngữ và ý, chỉ nằm lăn ra ngủ như con trăn đã ăn no bụng.
(10) Thân cận với những người siêng năng, tinh tấn (Aradha vīriya puggala sevanatā):
Tinh tấn sẽ phát triển trong người thường thân cận với những bậc siêng năng và tinh tấn, nhiệt tâm tinh cần trong sự thực hành pháp. Những người có quyết tâm (pahitatta) một khi đã quyết định làm điều gì thì làm tới cùng (nếu chưa thành công vẫn kiên trì cho đến chết). Những người thiếu quyết tâm thì ngay khi mới bắt đầu công việc cũng do dự với ý nghĩ rằng: “Không biết làm việc này có thành công hay không?” Trong khi thực hiện một công việc, nếu mục đích khó thành đạt, người ấy thường thối chí với ý nghĩ rằng: “Dù ta có tiếp tục công việc, ta cũng không thể thành công.” Và như vậy họ từ bỏ tinh tấn.
(11) Có khuynh hướng phát triển tinh tấn trong cả bốn oai nghi (Tadadhimuttatā):
Tinh tấn sẽ phát triển trong người luôn luôn tự nhắc mình phải để tâm trong cả bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi.
IV) TRÍCH DẪN NHỮNG ĐOẠN KINH VỀ SỰ TINH TẤN ĐOẠN TRỪ PHIỀN NÃO:
1) Tinh Tấn Hộ Trì Sáu Xúc Xứ Như Người Giữ Lúa Mình Tỉnh Giác:
“Ví như, này các Tỷ-kheo, lúa mì đã chín và một người giữ lúa mì phóng dật (lơ đãng). Có con bò ăn lúa mì, xâm phạm lúa mì, xâm phạm lúa mì ấy và mê say ăn một cách thỏa thích. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không hộ trì đối với sáu xúc xứ, mê say thọ dụng một cách thỏa thích đối với năm dục công đức.
Ví như, này các Tỷ-kheo, lúa mì đã chín và một người giữ lúa mì không phóng dật. Có con bò ăn lúa mì, xâm phạm lúa mì ấy. Người giữ lúa mì nắm chắc cái lỗ mũi của con bò; sau khi nắm chắc cái lỗ mũi, người ấy rị chặt trên cái trán. Sau khi rị chặt trên cái trán, với cái gậy, người ấy đánh con bò một trận nên thân. Sau khi lấy gậy đánh cho một trận nên thân, người ấy thả con bò đi.
Lần thứ hai, này các Tỷ-kheo...
Lần thứ ba, này các Tỷ-kheo, có con bò ăn lúa mì, xâm phạm lúa mì ấy. Người giữ lúa mì nắm chặt cái mũi con bò; sau khi nắm chắc cái mũi, người ấy rị chặt trên cái trán. Sau khi rị chặt trên cái trán, với cái gậy, người ấy đánh con bò một trận nên thân. Sau khi lấy gậy đánh con bò một trận nên thân, người ấy thả con bò đi. Như vậy, này các Tỷ-kheo, con bò ăn lúa mì ấy đi vào làng, hay đi vào rừng, hay khi đứng, hay ngồi, nó không xâm phạm lúa mì ấy, vì nó nhớ đến cảm xúc cái gậy lần trước. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo có tâm chơn trực, chánh trực đối với sáu xúc xứ, thời nội tâm được an trú, tịnh chỉ, nhứt tâm, Thiền định”. (64)
2) Con Rùa Nhờ Tinh Tấn Mà Tự Bảo Về Được Mình:
“Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có một con rùa, vào buổi chiều, đang đi kiếm mồi dọc theo bờ sông. Một con giã can, này các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, cũng đi tìm mồi dọc theo bờ sông. Này các Tỷ-kheo, con rùa từ đàng xa trông thấy con giã can đang đi tìm mồi, thấy vậy liền rụt bốn chân và thứ năm là cổ vào trong mai rùa của mình và nằm bất động, im lặng. Này các Tỷ-kheo, con giã can từ đàng xa trông thấy con rùa, đi đến con rùa sau khi đến, đứng một bên và nghĩ rằng: "Khi nào con rùa này thò ra thân phần nào và cổ là thứ năm, ngay tại chỗ ấy, ta sẽ nắm lấy, bẻ gãy và ăn". Nhưng, này các Tỷ-kheo, vì rằng con rùa không thò ra một thân phần nào và cổ là thứ năm, nên con giã can nhàm chán con rùa và bỏ đi, không nắm được cơ hội. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ác ma thường xuyên không gián đoạn, đứng trong tư thế rình mò các Ông với ý nghĩ: "Rất có thể ta nắm được cơ hội để bắt gặp từ con mắt... từ cái lưỡi... hay từ ý”. (65)
CHƯƠNG [10] TỨ NHƯ Ý TÚC
I) ĐỊNH NGHĨA:
1) Định Nghĩa Khái Quát:
Iddhi [nữ tánh] = psychic power = thần thông; Pāda = bàn chân, căn cứ, chân đứng, nền tảng
=> Iddhipāda [nam tánh]: the basis of psychic power: nền tảng để có được thần thông.
− Tứ như ý túc là 4 nền tảng cho sự phát triển trí tuệ, chứng đắc đạo quả, thần thông.
− Tứ thần túc bao gồm:
1. Dục như ý túc – Chanda-Iddhipāda
2. Tinh tấn như ý túc – Viriya- Iddhipāda
3. Tâm như ý túc – Citta- Iddhipāda
4. Tư duy như ý túc – Vīmaṁsā-Iddhipāda
2) Định Nghĩa Chi Tiết:
1. “Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo nương tựa dục được định, được nhứt tâm, đây gọi là dục định. Ðối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, vị ấy khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Ðối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, vị ấy khởi lên ý muốn đoạn diệt, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Ðối với các thiện pháp chưa sanh, vị ấy khởi lên ý muốn làm cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Ðối với các thiện pháp đã sanh, vị ấy khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Những pháp này được gọi là tinh cần hành. => Như vậy, đây là dục, đây là dục định, và những pháp này là tinh cần hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành.
2. Nếu Tỷ-kheo nương tựa tinh tấn, này các Tỷ-kheo, được định, được nhất tâm, đây gọi là tinh tấn định. Ðối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh … Ðối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Các pháp này được gọi là tinh cần hành. => Như vậy, đây là tinh tấn, đây là tinh tấn định, những pháp này là tinh cần hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là như ý túc câu hữu với tinh tấn định tinh cần hành.
3. Nếu Tỷ-kheo nương tựa tâm, này các Tỷ-kheo, được định, được nhất tâm, đây gọi là tâm định. Ðối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh … Ðối với các thiện pháp đã sanh, vị ấy khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Các pháp này được gọi là tinh cần hành. => Như vậy, đây là tâm, đây là tâm định, những pháp này là tinh cần hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là như ý túc câu hữu với tâm định tinh cần hành.
4. Nếu Tỷ-kheo nương tựa tư duy, này các Tỷ-kheo, được định, được nhất tâm, đây gọi là tư duy định. Ðối với ác, bất thiện pháp chưa sanh … đối với các thiện pháp đã sanh, vị ấy khởi lên ý muốn làm cho an trú, không vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Các pháp này được gọi là tinh cần hành. => Như vậy, đây là tư duy, đây là tư duy định, những pháp này là tinh cần hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành”. (66)
II) NHƯ Ý TÚC VÀ ĐẠO LỘ TU TẬP NHƯ Ý TÚC:
1) Tu Tập Như Ý Túc:
“-- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về như ý (Iddhi), về như ý túc, về tu tập như ý túc, và về con đường đưa đến tu tập như ý túc. Hãy lắng nghe.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là như ý? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thực hiện nhiều loại thần thông: Một thân hiện ra nhiều thân … có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là như ý (Iddhi).
Này các Tỷ-kheo, thế nào là như ý túc? Con đường nào, đạo lộ nào, này các Tỷ-kheo, đưa đến chứng được như ý, chứng đắc như ý. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là như ý túc.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là sự tu tập như ý túc? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành … tinh tấn định … tâm định … tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tu tập như ý túc.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến tu tập như ý túc? Ðây là Thánh đạo tám ngành, tức là chánh tri kiến … chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến sự tu tập như ý túc”. (67)
* * *
“Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành (nghĩ rằng): “Như vậy, dục của ta sẽ không có quá thụ động, sẽ không có quá hăng say, sẽ không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài, an trú với tưởng trước sau đồng đẳng.” Như vậy, với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm … tinh tấn định … tâm định … tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành (nghĩ rằng): “Như vậy, tư duy của ta sẽ không quá thụ động.” Như vậy, với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm”. (68)
2) Giải Thích Một Chút Về Dục Định, Dục – Chanda Ở Đây Có 3 Loại – Theo Tâm Sở Vấn Đáp Của Thượng Tọa Chánh Minh:
− Kāmacchanda (dục dục): ý muốn liên hệ đến ngũ dục của thế gian, là một trong năm triền cái, hoàn toàn bất thiện.
− Kattukamyatā (tác dục): là sự “ý muốn làm”. Đây là sự “mong mỏi” của vị A La Hán đối với chúng sanh, vị A la hán “mong” chúng sanh thoát khỏi khổ, nên các Ngài có “ý muốn trợ giúp” chúng sanh bằng cách giảng pháp, hoặc tạo điều kiện cho chúng sanh thoát khỏi khổ do sự cúng dường đến các Ngài hay đảnh lễ các Ngài.
− Dhammacchanda (Pháp dục): là “mong cầu” đạt được pháp thượng nhân như thiền định, đạo quả siêu thế, Níp Bàn.
− Pháp dục chính là Dục như ý (Chandiddhipāda).
− Đức Phật có dạy: “tất cả pháp lấy dục (chanda) là nền tảng”, nghĩa là: “những mong cầu lạc thế gian, do tham dục làm nền, những mong cầu Thượng nhân pháp do Pháp dục làm nền, những việc làm của vị Thánh vô lậu là do Tác dục làm nền”.
III) KẾT QUẢ TU TẬP THẦN TÚC:
1) Có Thể Sống Đến Một Kiếp Hay Phần Kiếp (69) Còn Lại:
“Này Ananda, những ai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo, thời nếu muốn người ấy có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại. Này Ananda, nay Như Lai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo. Này Ananda, nếu muốn Như Lai có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại.
Chính là Bốn Niệm xứ, Bốn Chánh cần, Bốn Thần túc, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Bồ-đề phần, Tám Thánh đạo phần. Này các Tỷ-kheo, chính những pháp này do Ta chứng ngộ và giảng dạy, mà các Ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người”. (70)
“Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc, câu hữu với dục định tinh cần hành; tu tập như ý túc, câu hữu với tinh tấn định tinh cần hành; tu tập như ý túc, câu hữu với tâm định tinh cần hành; tu tập như ý túc, câu hữu với tư duy định tinh cần hành. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn như ý túc, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này đến bờ bên kia”.
2) Tu Tập Thần Túc Đưa Đến Đoạn Tận Khổ Đau:
“Với những ai bốn như ý túc này được thực hiện, này các Tỷ-kheo, với những người ấy, được thực hiện là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau”.
“…Có bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, trở thành những Thánh lãnh đạo, dắt dẫn những ai thực hiện, đi đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau”.
“…Bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”.
“…Những Tỷ-kheo nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí đã chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; tất cả các vị ấy đều nhờ đã tu tập, đã làm cho sung mãn bốn như ý túc. Những Tỷ-kheo nào trong thời tương lai, này các Tỷ-kheo, đã đoạn diệt các lậu hoặc ngay trong hiện tại, sẽ tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc. Những Tỷ-kheo nào trong thời hiện tại, này các Tỷ-kheo, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt, và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc”.
“…Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn như ý túc này, Như Lai được gọi là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác”.
“...Với suy tư: "Ðây là như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành", này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, ở nơi Ta, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên. Với suy tư: "Như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành này cần phải tu tập", này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, ở nơi Ta, nhãn khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên. Với suy tư: "Như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành này đã được tu tập", này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, ở nơi Ta, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên… Tương tự như vậy với tấn định … tâm định … tư duy định…”.
“…Tu tập bốn như ý túc như vậy, làm cho sung mãn như vậy, Tỷ-kheo do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ và chứng đạt vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát”. (71)
CHƯƠNG [11] NGŨ CĂN – NGŨ LỰC
PAÑCA INDRIYĀNI – PAÑCA BALĀNI
I) ĐỊNH NGHĨA:
1) Định Nghĩa Ngũ Căn:
a) Theo từ điển:
− Pañca: số 5; Indriya [nt] = faculty = căn, quyền, căn bản, sự kiểm soát cốt yếu.
− Gồm:
1. Tín căn – saddha indriya
2. Tấn căn – viriya indriya
3. Niệm căn – sati indriya
4. Định lực – samādhi indriya
5. Tuệ lực – paññā indriya
“-- Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.
-- Khi nào vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của năm căn này; khi ấy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử ấy được gọi là vị Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ”. (72)
* * *
“Khi nào vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, sau khi như thật rõ biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm căn này, được giải thoát không có chấp thủ; khi ấy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử ấy được gọi là vị A-la-hán, lậu hoặc đã được đoạn tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã được đoạn tận, chánh trí, giải thoát”. (73)
b) Định Nghĩa Ngũ Căn Theo Kinh TƯ:
“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, đặt lòng tin ở sự giác ngộ của Như Lai: "Ðây là Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn". Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tín căn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tấn căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sống tinh cần, tinh tấn đoạn trừ các pháp bất thiện, làm cho đầy đủ các thiện pháp, với nỗ lực kiên trì, tinh tấn, không có từ bỏ gánh nặng các thiện pháp (anikkhittadhuro). Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tấn căn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là niệm căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử chánh niệm, thành tựu niệm tuệ, tối thắng (satinepakkena), ức niệm, tùy niệm các việc làm từ lâu, các lời nói từ lâu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là niệm căn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được định, được nhứt tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định căn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sự sanh diệt các pháp, trí tuệ các bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ căn”. (74)
* * *
“Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn... tuệ căn...
Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán tín căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán tín căn trong bốn chánh tín (Phật, Pháp, Tăng, và Giới).
Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán tấn căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán tấn căn trong bốn chánh cần.
Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán niệm căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán niệm căn trong bốn niệm xứ.
Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán định căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán định căn trong bốn Thiền.
Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán tuệ căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán tuệ căn trong bốn Thánh đế”. (75)
* * *
“Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, đặt lòng tin ở sự giác ngộ của Như Lai: "Ðây là Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn". Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là tín căn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tấn căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sống tinh cần, tinh tấn, đoạn trừ các pháp bất thiện, làm cho đầy đủ các thiện pháp, với nỗ lực kiên trì, tinh tấn, không có từ bỏ gánh nặng đối với thiện pháp. Vị ấy đối với các pháp bất thiện chưa sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho không sanh khởi; đối với các pháp bất thiện đã sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho đoạn tận; đối với các thiện pháp chưa sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho sanh khởi; đối với các thiện pháp đã sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho an trú, không có mê ám, được tăng trưởng, quảng đại, được tu tập, được làm cho viên mãn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tấn căn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là niệm căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử chánh niệm, thành tựu niệm tuệ, tối thắng, ức niệm, tùy niệm các việc làm từ lâu, và lời nói từ lâu. Vị ấy trú, quán thân trên thân... quán thọ trên các cảm thọ... quán tâm trên tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là niệm căn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử, sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được định, được nhứt tâm. Vị ấy ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ... an trú Thiền thứ hai... an trú Thiền thứ ba... từ bỏ lạc, từ bỏ khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định căn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, đầy đủ trí tuệ về sự sanh diệt các pháp, trí tuệ thuộc bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Vị ấy như thật rõ biết đây là khổ, như thật rõ biết đây là khổ tập khởi, như thật rõ biết đây là khổ đoạn diệt, như thật rõ biết đây là con đường đưa đến khổ đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ căn. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn”. (76)
* * *
“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín căn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, đặt lòng tin ở sự giác ngộ của Như Lai: "Ðây là Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc... Phật, Thế Tôn". Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tín căn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tấn căn? Này các Tỷ-kheo, khi tu tập bốn chánh cần, thâu nhận tinh tấn; này các Tỷ-kheo, đây gọi là tấn căn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là niệm căn? Này các Tỷ-kheo, khi tu tập bốn niệm xứ, thâu nhận niệm; này các Tỷ-kheo, đây gọi là niệm căn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử, sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được nhứt tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định căn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt (các pháp), với trí tuệ các bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ căn”. (77)
2) Định Nghĩa Ngũ Lực:
a) Theo từ điển:
Pañca: số 5; Bala: lực, sức mạnh.
− Là năng lực, sức mạnh, là năm sức mạnh do thực hành năm căn đưa tới, làm cho hành giả giác ngộ. Do có 5 căn mà có 5 lực.
− Gồm: 1. Tín lực – saddha bala, 2. Tấn lực – viriya bala, 3. Niệm lực – sati bala, 4. Định lực – samādhi bala, 5. Tuệ lực – paññā bala.
b) Theo Kinh:
“Có năm lực này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là năm? Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm lực.
Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng thiên về phương Ðông, hướng về phương Ðông, xuôi về phương Ðông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập năm lực, làm cho sung mãn năm lực, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn”. (78)
* * *
“Này các Tỷ-kheo, có năm thượng phần kiết sử này. Thế nào là năm? Sắc tham, vô sắc tham, mạn, trạo cử, vô minh. Này các Tỷ-kheo, đây là năm thượng phần kiết sử. Ðể thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, năm lực cần phải tu tập. Thế nào là năm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập tín lực... tu tập tuệ lực với mục đích nhiếp phục tham, với mục đích nhiếp phục sân, với mục đích nhiếp phục si”. (79)
II) PHÂN BIỆT NGŨ CĂN – NGŨ LỰC:
1) Mối Quan Hệ:
Mối quan hệ của căn và lực |
|
|
Khác nhau | Ngũ căn | Ngũ lực |
Tín căn: niềm tin đối với Tam Bảo, tứ đế; niềm tin vào bốn dòng Thánh. | Tín lực: tâm loại bỏ được hoài nghi và những niềm tin sai lầm. | |
Tấn căn: nỗ lực tu tập thiện pháp. |
Tấn lực: là năng lực tu tập diệt trừ bất thiện pháp gồm trong 4 chánh cần. |
|
Niệm căn: nhớ nghĩ chánh pháp. | Niệm lực: sức mạnh do tu tập bốn niệm xứ. | |
Định căn: trụ tâm vào một cảnh |
Định lực: là sức mạnh do tu tập thiền định. |
|
Tuệ căn: hiểu rõ chân lý | Tuệ lực: sức mạnh nhờ tuệ tri về bốn chân lý, đoạn tận vô minh. |
Ví dụ tinh tấn (Viriya):
Tinh tấn được xem là một trong năm khả năng kiểm soát, Ngũ Căn (Indriya), vì nó khắc phục trạng thái lười biếng. tinh tấn cũng được xem là một trong năm năng lực kiểm soát, Ngũ Lực (Bala), vì nó không thể bị trạng thái lười biếng làm lay chuyển (80). Tinh tấn là một trong bốn phương tiện để thành tựu mục tiêu cứu cánh (Iddhipāda, Tứ Thần Túc). tinh tấn cũng nằm trong bốn phương cách nỗ lực tối thượng (Sammappadhāna, Tứ Chánh Cần). Ðược nâng đến mức độ cao siêu, tinh tấn là một trong bảy yếu tố cần thiết của sự Giác Ngộ (Bojjhaṅga, Thất Giác Chi). Cuối cùng, Viriya tiến đạt đến mức trở thành Chánh Tinh Tấn, một trong tám chi của Con Ðường Cao Quý (Aṭṭhaṅgika Magga, Bát Chánh Ðạo).
2) Phân Tích Cụ Thể:
a) Tín Căn và Tín Lực:
− Khi niềm tin vào Thế Tôn, vào sự chứng ngộ của ngài, vào giáo pháp và chúng tăng, vào sự giải thoát, v.v… được xác lập thì hành giả sẽ từ bỏ hành vi bất thiện, giảm thiểu tham – sân – si. Lúc bấy giờ trong tâm thức hành giả sẽ hình thành sức mạnh hướng về thiện pháp, thích thú với thiện pháp và nỗ lực hành trì thiện pháp – đó chính là tín lực.
− Phát triển tín căn đến mức độ vừa đủ khiến hành giả có khả năng dứt khoát đối với ác pháp, giảm thiểu tham sân.
“Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập tín lực liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tấn lực... niệm lực... định lực... tu tập tuệ lực liên hệ đến viễn ly... hướng đến từ bỏ.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập năm lực, làm cho sung mãn năm lực, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn”. (81)
b) Tấn Căn và Tấn Lực:
− Đây chính là nội dung của chánh tinh tấn trong bát thánh đạo, tứ chánh cần trong 37 phẩm trợ đạo và tinh tấn giác chi trong thất giác chi.
− Tất căn là kết quả tất yếu của tín căn, nếu tấn căn không xuất hiện có nghĩa là niềm tin chưa đủ.
“Này các Tỷ-kheo, có bốn tinh cần này, thế nào là bốn? Tinh cần chế ngự, tinh cần đoạn tận, tinh cần tu tập, tinh cần hộ trì.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là tinh cần chế ngự? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với mục đích khiến cho các ác bất thiện pháp từ trước chưa sanh không cho sanh khởi, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tinh cần chế ngự.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tinh cần đoạn tận? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với mục đích đoạn tận các ác bất thiện pháp, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tinh cần đoạn tận.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tinh cần tu tập? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với mục đích làm cho sanh khởi các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tinh cần tu tập.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tinh cần hộ trì? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sanh có thể duy trì, không có mù mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tinh cần hộ trì”. (82)
c) Niệm Căn và Niệm Lực:
− Niệm căn là sự an trú vào đối tượng để đình chỉ sự tán loạn của tâm, đồng thời phát triển tuệ giác nhờ an trú tâm vào 4 niệm xứ.
− Kinh Đại niệm xứ dạy, chánh niệm là con đường duy nhất cho chúng sanh vượt khỏi mọi khổ ưu, thành tựu chánh trí và chứng ngộ được Niết Bàn.
− Niệm lực là tác dụng của chánh niệm, nhờ chánh niệm mà các phiền não được tiêu diệt và thiện pháp được an trú vững chắc.
☸️ Tác dụng của sự chánh niệm:
Yathā’gāraṃ succhannaṃ, Vuṭṭhi na samativijjhati; Evaṃ subhāvitaṃ cittaṃ, Rāgo na samativijjhati |
Như ngôi nhà khéo lợp, Mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, Tham dục không xâm nhập. (83) |
d) Định Căn và Định Lực:
“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định căn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử, sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được nhứt tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định căn”.
− Định căn là khả năng an trú tâm vào đối tượng, các pháp sở duyên là các đối tượng mà tâm nhận thức.
− Khi tâm tập trung vào một đối tượng mà đưa đến tăng trưởng tham – sân – si thì đó gọi là tà định, nếu sự chuyên nhất ấy đưa đến viễn ly tham – sân – si thì đó chính là chánh định.
− Định lực là năng lực của thiền định, năng lực ấy đoạn trừ các tâm bất thiện, khi tâm có thiền định thì 5 triền cái tuần tự được đoạn trừ và 4 chi thiền lần lượt được chứng ngộ.
+ 5 triền cái (nīvaraṇa) gồm: (84)
1. Tham dục (Kāmacchanda): là sự tầm cầu năm trần cảnh (sắc, thinh, hương, vị, xúc) tốt đẹp hay những pháp khả ái trong dục giới như: Vua, quan Đại thần, chư thiên …
2. Sân hận – (Vyāpāda): là sự bất mãn trong 5 trần hay những pháp khả ố trong cảnh dục giới.
3. Hôn trầm – thụy miên (Thīna-middha):
- Xuất nguyên từ căn "the", co rút lại + "na". Thena = thāna = thīna; co rút lại như lông gà gặp phải lửa. Hôn trầm là trạng thái co rút của tâm; Thīna được giải thích là Citta-gelaññaṁ, trạng thái tâm ươn yếu bệnh hoạn.
- Từ ngữ căn Middh: thiếu khả năng, lười biếng, không thích hoạt động, buồn ngủ; Ðây là trạng thái uể oải, ươn yếu, dã dượi, của tâm sở. Hôn trầm là sự co rút lại của tâm còn thụy miên là sự buồn ngủ, lười biếng sau khi co rút.
4. Trạo hối (Uddhacca-kukkucca):
- Từ ngữ căn U (trên) + Dhu (giao động nổi lên). Phóng dật là trạng thái loạn động của tâm thức dễ bị cảnh trần chi phối.
- Kukatassa bhāvo = kukkuccaṁ = trạng thái của người bồn chồn lo âu, hối hận vì đã có hành động sai lầm. Kukkuca: là hối tiếc, hối hận, ân hận việc đã qua (dù tốt hay xấu), thiện hay bất thiện; ăn năn hối hận về một điều bất thiện đã làm là Kukkucca, và ăn năn hối tiếc điều thiện đã bỏ qua không làm cũng là Kukkucca.
5. Nghi (Vicikicchā): Từ ngữ căn Vici là tìm hiểu, Kicchati là chán nản, mệt mỏi; vậy Hoài Nghi là chán nản trong việc tìm hiểu (vì không có kết quả). Sở Hữu Hoài Nghi (Vicikichā) là sự nghi hoặc, không tin sự thật (Tam bảo, nghiệp và quả của nghiệp, con đường hành trì, v.v…).
+ 4 thiền được chứng ngộ:
1. Thiền thứ nhất: ly dục, ly bất thiện pháp chứng thiền thứ nhất – một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm, có tứ.
2. Thiền thứ hai: diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm.
3. Thiền thứ ba: ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba.
4. Thiền thứ tư: xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.
+ 5 thiền chi cần có thực hành viên mãn để chứng đắc tứ thiền:
1. Tầm (Vitakka): là sự hướng tâm đến cảnh; đưa đến và quy tụ trên đối tượng. Có tác dụng diệt trừ hôn trầm (Thīna) và thụy miên (Middha) là trạng thái buồn ngủ, dã dượi của tâm.
2. Tứ (Vicāra): là sự quan sát, dán áp tâm lên đối tượng. Tâm này diệt trừ và đè nén được hoài nghi (Vicikicchā) là một trạng thái lưởng lự phân vân.
3. Hỷ (Pīti): còn gọi là phỉ lạc là trạng thái no vui với đối tượng, hoan hỷ, sung sướng, giống như sự vui mừng của một người đang khát mà gặp được nước. Do sự no vui này, nó có thể đoạn diệt, chế ngự được sự sân ưu (Vyāpāda) là một trạng thái buồn bực khó chịu.
4. Lạc (Sukha): là trạng thái sung sướng do hưởng cảnh, như một người khát khi uống được hớp nước đầu tiên. Tâm này trừ diệt trạng thái phóng dật (Uddhacca) một trạng thái tán loạn, lao chao.
5. Ðịnh (Ekaggatā): Còn gọi là Nhất Hành. Là trạng thái chú tâm vào đối tượng. Tâm này áp đảo được sự tham dục (Kāmacchanda) một trạng thái ái nhiễm, vọng mống. (Trích VDP giảng giải – HT. Giác Chánh).
− Định lực có được là nhờ niệm lực. Khi có chánh niệm những tâm lý bất an, thụ động,
v.v…được xả bỏ và tâm được an trú định.
e) Tuệ Căn và Tuệ Lực:
“Với vị Thánh đệ tử có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, tất nhiên (tadanvayà) tín được an trú, tất nhiên tinh tấn được an trú, tất nhiên niệm được an trú, tất nhiên định được an trú.
Do tu tập, do làm cho sung mãn chỉ một căn này, này các Tỷ-kheo, khiến cho Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, có thể trả lời với chánh trí rằng: “Sanh đã tận … không còn trở lui trạng thái này nữa”. (85)
Trí tuệ là nhận thức không còn bị ô nhiễm bởi tham ái, khi có trí tuệ vô minh sẽ vắng mặt. Từ ngữ căn Pa: đứng đắn + ñà: biết. Tức là biết một cách đứng đắn. Ðặc tánh của Tuệ quyền là hiểu biết đúng như thật.
− Các cấp độ nhận thức trong kinh Mūlapariyāya Sutta – Căn bản pháp môn (số 1 – Trung bộ kinh).
1. Tưởng tri – sañjānāti: là nhận thức thông thường qua kinh nghiệm giác quan, chúng mang tính nhị nguyên phân biệt chủ thể và đối tượng, còn gọi là nhận thức hữu ngã.
2. Thắng tri – abhijānāti: là nhận thức trực tiếp qua thiền định, thấy rõ tâm lý và vật lý là một chuỗi duyên sinh vô nga, chủ thể và đối tượng ở đây được thấy rõ ràng.
3. Liễu tri – parijānāti: trên cơ sở thắng tri nhận thức viên mãn, nhổ tận gốc rễ của tham ái và chấp thủ.
(✍️☸️ Đọc thêm (86): Một số thông tin LIÊN QUAN ĐẾN TỪ “BIẾT” (JĀNĀTI)
Tác giả: Tỳ khưu Indacanda
LƯU Ý QUAN TRỌNG: Những điều trình bày ở dưới đây ghi lại từ sự hiểu biết của cá nhân, theo trí nhớ, chỉ trình bày khái quát, mong rằng người đọc nên cẩn thận lúc tham khảo và sử dụng.
– jānāti = tri, biết. Danh từ liên quan có thể ghi là ñāṇaṃ = trí. ĐỘNG TỪ “BIẾT” ĐƯỢC HIỂU THEO NGHĨA THÔNG THƯỜNG CỦA TIẾNG VIỆT: Tôi biết cái đó.
– pajānāti = tuệ tri, nhận biết. Danh từ là paññā = tuệ. CŨNG LÀ BIẾT, NHƯNG TRONG CÁI BIẾT NÀY CÓ MỘT SỰ HƯỚNG ĐẾN, CÓ MỘT SỰ NỖ LỰC, với sự thêm vào của tiếp đầu ngữ pa).
(Hai từ trí và tuệ ở trên chỉ thấy được sử dụng ở ngữ cảnh khác có tầm quan trọng hơn).
– vijānāti = (từ của HT. Minh Châu?), nhận thức. Danh từ là viññāṇaṃ = thức. BIẾT VỚI SỰ PHÂN BIỆT RẠCH RÒI, BIẾT CÁI NÀY VÀ CÁI KHÁC, tiếp đầu ngữ vi có thể hiểu là tách ra, chia chẽ.
– sañjānāti = tưởng tri, nhận biết (của tưởng). Danh từ là saññā = tưởng. BIẾT DO TỰ MÌNH, tiếp đầu ngữ saṃ có nghĩa là: do bản thân, của bản thân, tự mình.
– parijānāti = liễu tri, biết toàn diện. BIẾT TRỌN VẸN, BIẾT ĐẦY ĐỦ, tiếp đầu ngữ pari có nghĩa là vòng tròn, bao quanh lại.
– abhijānāti = thắng tri, biết rõ. BIẾT MỘT CÁCH ĐẶC BIỆT, MỘT CÁCH QUAN TRỌNG, tiếp đầu ngữ abhi là ở trên, thượng.
– paṭijānāti = cho biết, hứa hẹn, bằng lòng, to acknowledge, agree to, approve, promise, consent (ghi theo tự điển). LÀM CHO ĐỐI TƯỢNG KIA NHẬN BIẾT, tiếp đầu ngữ paṭi có nghĩa là nghịch lại, đối đầu, ví dụ gacchati là đi, paṭigacchati là đi ngược chiều.
– yathābhūtaṃ pajānāti = như thật tuệ tri, nhận biết đúng theo thực thể. Cả cụm từ này mới là “seeing as it is,” as it is = yathābhūtaṃ).
I) ĐỊNH NGHĨA
1) Phân Tích Từ:
Satta: 7; Danh từ “bojjhaṅga” gồm hai phần: bodhi + aṅga. “Bodhi” hàm ý chứng ngộ, hay nói một cách chính xác, tuệ minh sát hiểu biết sâu sắc liên quan đến Tứ Diệu Đế, tức: Diệu Đế về sự Khổ; Diệu Đế về Nguồn Gốc của sự Khổ; Diệu Đế về sự Diệt khổ và Diệu Đế về Con Đường dẫn đến Diệt khổ. “Anga” có nghĩa là yếu tố hay tay chân. Do đó Bodhi + aṅga (bojjhaṅga) là những yếu tố của sự giác ngộ, hay những yếu tố của tuệ minh sát, trí tuệ. Ta thường gọi là thất giác chi, hay bảy bồ đề phần.
2) Duyên Khởi Để Đức Thế Tôn Thuyết Bài Kinh Thất Giác Chi:
“… Lúc bấy giờ, Tôn giả Mahā Kassapa trú ở hang Pipphalī, bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahā Kassapa; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn.
Ngồi xuống, Thế Tôn nói với Tôn giả Mahā Kassapa:
-- Này Kassapa, Ông có kham nhẫn được chăng? Ông có chịu đựng được chăng? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không có tăng trưởng? Có phải có triệu chứng giảm thiểu, không có tăng trưởng?
-- Bạch Thế Tôn, con không thể kham nhẫn, con không thể chịu đựng. Khổ thọ kịch liệt tăng trưởng nơi con, không có giảm thiểu. Có triệu chứng tăng trưởng, không có giảm thiểu.
-- Này Kassapa, bảy giác chi này do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn … Xả giác chi, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Bảy giác chi này, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
-- Thật vậy, bạch Thế Tôn, chúng là giác chi. Thật vậy, bạch Thiện Thệ, chúng là giác chi”. (87)
3) Thế Tôn định nghĩa về Giác Chi trong Tương Ưng Bộ kinh:
“Giác chi, giác chi, bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là giác chi?
Này Tỷ-kheo, chúng đưa đến giác ngộ, do vậy, chúng được gọi là các giác chi”. (88)
* * *
“Cái gì là niệm đối với nội pháp, này các Tỷ-kheo, cái ấy là niệm giác chi. Cái gì là niệm đối với ngoại pháp, cái ấy là niệm giác chi.
Cái gì là quyết trạch, tư sát, quán sát với trí tuệ đối với các nội pháp, này các Tỷ-kheo, cái ấy là trạch pháp giác chi.
Cái gì là thân tinh tấn, này các Tỷ-kheo, cái ấy là tinh tấn giác chi. Cái gì là tâm tinh tấn, cái ấy là tinh tấn giác chi.
Cái gì là hỷ có tầm, có tứ, này các Tỷ-kheo, cái ấy là hỷ giác chi. Cái gì là hỷ không tầm, không tứ, cái ấy là hỷ giác chi.
Cái gì là thân khinh an, này các Tỷ-kheo, cái ấy là khinh an giác chi. Cái gì là tâm khinh an, cái ấy là khinh an giác chi.
Cái gì là định có tầm, có tứ, này các Tỷ-kheo, cái ấy là định giác chi. Cái gì là định không tầm, không tứ, cái ấy là định giác chi.
Cái gì là xả đối với các nội pháp, này các Tỷ-kheo, cái ấy là xả giác chi. Cái gì là xả đối với các ngoại pháp, cái ấy là xả giác chi. Gọi là xả giác chi là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai”. (89)
II) THỨC ĂN CỦA BẢY GIÁC CHI?
Thức Ăn Của Giác Chi:
“Và này các Tỷ-kheo, Ta nói minh giải thoát có thức ăn, không phải không có thức ăn. Và cái gì là thức ăn cho minh giải thoát? Bảy giác chi, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷkheo, Ta nói rằng Bảy giác chi có thức ăn, không phải không có thức ăn. Và cái gì là thức ăn cho Bảy giác chi? Bốn niệm xứ, cần phải trả lời như vậy.
…
Như vậy, này các Tỷ-kheo, giao thiệp với bậc Chân nhân được viên mãn thời làm viên mãn nghe diệu pháp; nghe diệu pháp được viên mãn thời làm viên mãn lòng tin; lòng tin được viên mãn, thời làm viên mãn như lý tác ý; như lý tác ý được viên mãn, thời làm viên mãn chánh niệm tỉnh giác; chánh niệm tỉnh giác được viên mãn, thời làm viên mãn các căn được chế ngự; các căn được chế ngự được viên mãn, thời làm viên mãn ba thiện hành; ba thiện hành được viên mãn, thời làm viên mãn Bốn niệm xứ; Bốn niệm xứ được viên mãn, thời làm viên mãn Bảy giác chi; Bảy giác chi được viên mãn, thời làm viên mãn minh giải thoát”. (90)
* * *
“Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bảy giác chi được viên mãn?
Này Kundaliya, bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bảy giác chi được viên mãn”. (91)
* * *
Cái gì là món ăn, này các Tỷ-kheo, khiến cho niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay niệm giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có các pháp trú xứ cho niệm giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay niệm giác chi đã sanh được tu tập, làm cho viên mãn.
Và này các Tỷ-kheo, cái gì là món ăn khiến cho trạch pháp giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay trạch pháp giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Có những pháp thiện và bất thiện, này các Tỷ-kheo, có những pháp có tội và không có tội, có những pháp liệt và thắng, có những pháp dự phần đen và trắng. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho trạch pháp giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay trạch pháp giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.
Và này các Tỷ-kheo, cái gì là món ăn khiến cho tinh tấn giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay tinh tấn giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Có phát cần giới, này các Tỷ-kheo, tinh cần giới, dõng mãnh giới. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho tinh tấn giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay tinh tấn giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.
Và này các Tỷ-kheo, cái gì là món ăn khiến cho hỷ giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay hỷ giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có những pháp trú xứ cho hỷ giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho hỷ giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay hỷ giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.
Và này các Tỷ-kheo, cái gì là món ăn khiến cho khinh an giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay khinh an giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có thân khinh an, tâm khinh an. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho khinh an giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay khinh an giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.
Và này các Tỷ-kheo, cái gì là món ăn khiến cho định giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay định giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có tịnh chỉ tướng, bất loạn tướng. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho định giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay định giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.
Và này các Tỷ-kheo, cái gì là món ăn khiến cho xả giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay xả giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có các pháp trú xứ cho xả giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho xả giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay xả giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn”. (92)
III) DẤU HIỆU SANH KHỞI BẢY GIÁC CHI:
“Ví như, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, là tướng báo trước mặt trời sắp mọc, tức là rạng đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, là tướng báo trước bảy giác chi sanh khởi, tức là như lý tác ý. Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng: bảy giác chi sẽ được tu tập, bảy giác chi sẽ được làm cho sung mãn”. (93)
IV) PHÂN TÍCH CHI TIẾT
“Khi tu Tứ Niệm Xứ thuần thục thì tự nhiên Thất Giác Chi xuất hiện, nói cho dễ hiểu là khi con đã có thể trở về trọn vẹn tỉnh thức với thân thọ tâm pháp thì con dễ dàng phát hiện hai trạng thái của tâm là thụ động và dao động. Trong 7 giác chi có chánh niệm là gốc, nghĩa là dù thụ động hay dao động thì trước hết phải trọn vẹn cảm nhận được nó. Nếu cảm nhận đó là trạng thái thụ động thì chỉ cần thận trọng chú tâm quan sát trạng thái thụ động ấy (Trạch pháp) thì tâm sẽ tích cực lên (Tinh tấn) và hoan hỷ phấn khởi trở lại (Hỷ). Nếu đó là trạng thái dao động thì chỉ cần thư giãn (Khinh an), buông xả (Xả) thì tâm sẽ ổn định (Định). Nhờ vậy tâm sẽ trở về trạng thái quân bình với tự tánh sáng suốt, định tĩnh, trong lành của nó”. (94)
* * *
Theo Vi Diệu Pháp Toát Yếu: Sambojjhaṅga: Sam = nâng cao, tốt; bodhi = giác ngộ, là người có nguyện vọng cố gắng để thành đạt sự giác ngộ; aṅga = yếu tố. Nơi đây Dhammavicaya, Trạch Pháp, có nghĩa là nhìn thấy danh và sắc đúng như danh và sắc thật sự là vậy. Ðó là tuệ minh sát. Passadhi, khinh an có nghĩa tâm khinh an (cittapassadhi) và thân khinh an (kāyapassadhi), tâm vương và trọn cơ cấu các tâm sở nhẹ nhàng an lạc. Upekkhā không phải là trạng thái lãnh đạm, thờ ơ, hay lạnh lùng, mà là tâm quân bình được gọi là tatramajjhattatā, buông xả. Dhammavicaya, vīriya, và pīti (trạch pháp, tinh tấn và phỉ) đối nghịch với hôn trầm dã dượi; passadhi, samādhi, và upekkā (khinh an, định, và xả) đối nghịch với uddhaca (phóng dật). (95)
1) Niệm (sati) Bojjhangā:
a) Niệm giác chi phát khởi từ sự thanh tịnh giới:
“Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào cụ túc giới, cụ túc định, cụ túc tuệ, cụ túc giải thoát, cụ túc giải thoát tri kiến, Ta nói rằng ai thấy các Tỷ-kheo ấy thì có rất nhiều lợi ích.
Ai nghe các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng có rất nhiều lợi ích. Ai yết kiến các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng có rất nhiều lợi ích. Ai thân cận các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng có rất nhiều lợi ích. Ai nhớ nghĩ đến các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng có rất nhiều lợi ích. Ai tùy thuận các Tỷ-kheo ấy xuất gia, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng có rất nhiều lợi ích.
Vì sao? Này các Tỷ-kheo, khi nghe pháp từ các Tỷ-kheo như vậy, vị nào sống viễn ly (vupakattho), được hai sự viễn ly: viễn ly về thân và viễn ly về tâm. Vị sống viễn ly như vậy thì sẽ tùy niệm (anussarati) pháp ấy, tùy tầm pháp ấy.
Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo sống viễn ly như vậy, tùy niệm, tùy tầm pháp ấy; trong lúc ấy, niệm giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, niệm giác chi đi đến viên mãn. Vị ấy trú với chánh niệm như vậy, với trí tuệ quyết trạch, tư sát, thành tựu quán sát pháp ấy”. (96)
b) Niệm giác chi xuất hiện để cân bằng đời sống:
“Khi tinh tấn chánh niệm tỉnh giác đúng mức thì 7 giác chi xuất hiện để cân bằng đời sống trong đạo đế. Niệm giác chi chính là niệm trong tứ niệm xứ đã đầy đủ”. (97)
2) Trạch Pháp (Dhammavicaya) Bojjhangā
“Trạch pháp gốc Pāli là Dhammavicaya, một yếu tố trong 7 Giác Chi, thường được định nghĩa là thẩm sát pháp, nhưng nhiều người có khuynh hướng hiểu là tìm kiếm, chọn lựa giáo pháp hay pháp môn thích hợp hoặc suy xét kỹ lưỡng lời dạy của đức Phật. Tuy nhiên đây là một trong 7 yếu tố chuyển hóa hay hóa giải tình huống của tâm nên đối tượng của nó không phải là giáo pháp mà là pháp thực tại đang diễn ra trong tâm, vì vậy nên hiểu là thẩm sát rõ pháp đang xảy ra trong tâm, như trong trường hợp niệm tâm hay niệm pháp, để hóa giải tình huống tâm bị trì trệ do định và xả quá nhiều làm cho tâm không thấy được thực tánh”. (98)
a) Trạch pháp giác chi sanh khởi khi niệm giác chi được tu tập viên mãn:
“Trong khi Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, niệm giác chi đi đến viên mãn. Vị ấy trú với chánh niệm như vậy, với trí tuệ quyết trạch, tư sát, thành tựu quán sát pháp ấy. Trong khi, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống chánh niệm như vậy, với trí tuệ quyết trạch, tư sát và đi đến quán sát pháp ấy; trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, trạch pháp giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy”. (99)
b) Bảy pháp đưa đến trạch pháp giác chi:
“Ngoài ra, còn có 7 pháp đưa đến sự phát sinh trạch pháp giác chi là: 1. Đặt câu hỏi, 2. Làm sạch nội ngoại xứ, 3. Quân bình các căn, 4. Tránh những kẻ thiếu trí tuệ, 5. Thân cận ngườ có trí, 6. ôn lại lĩnh vực tri kiến sâu xa, 7. Quyết định đối với trạch pháp”. (100)
c) Tu tập giác chi viên mãn đưa đến đoạn tận khổ:
“Ở đây, này Udāyi, Tỷ-kheo tu tập trạch pháp giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân. Ðối với vị tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân thì khát ái được đoạn tận. Do khát ái được đoạn tận nên nghiệp được đoạn tận. Do nghiệp được đoạn tận nên khổ được đoạn tận”. (101)
d) Sự khác nhau giữa trạch pháp và niệm pháp:
1. Trạch pháp chính là thận trọng chú tâm quan sát giúp tâm không rơi vào thụ động, vô thức hoặc vô ký. Trạch pháp trở thành một trong những đối tượng của niệm pháp.
2. Niệm pháp là
1) Thấy rõ sự sinh diệt của những yếu tố ngăn che (5 triền cái), yếu tố hình thành bản ngã (ngũ uẩn), yếu tố trói buộc (kiết sử).
2) Thực chứng các yếu tố giác ngộ (thất giác chi) và Bốn Sự Thật (Tứ Thánh Đế). (102)
3) Tấn (viriya) Bojjhangā
a) Khi trạch pháp giác chi được tu tập đến viên mãn sẽ xuất hiện tinh tấn giác chi:
“Trong khi Tỷ-kheo tu tập trạch pháp giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, trạch pháp giác chi đi đến viên mãn. Trong khi vị ấy với trí tuệ quyết trạch, tư sát và thành tựu quán sát pháp ấy, thời tinh tấn, không thụ động (asallinam) bắt đầu phát khởi nơi vị ấy”. (103)
− Cơ sở để tinh tấn giác chi sanh khởi là như lý tác ý trên sự hành trì giới, phòng hộ căn môn.
− Tinh tấn được xem là một trong năm khả năng kiểm soát, Ngũ Căn (Indriya), vì nó khắc phục trạng thái lười biếng. Tinh tấn cũng được xem là một trong năm năng lực kiểm soát, Ngũ Lực (Bala), vì nó không thể bị trạng thái lười biếng làm lay chuyển. Tinh tấn là một trong bốn phương tiện để thành tựu mục tiêu cứu cánh (Iddhipāda, Tứ Thần Túc). Viriya cũng nằm trong bốn phương cách nỗ lực tối thượng (Sammappadhāna, Tứ Chánh Cần). Ðược nâng đến mức độ cao siêu, tinh tấn là một trong bảy yếu tố cần thiết của sự Giác Ngộ (Bojjhaṅga, Thất Giác Chi). Cuối cùng, tinh tấn tiến đạt đến mức trở thành Chánh Tinh Tấn, một trong tám chi của Con Ðường Cao Quý (Aṭṭhaṅgika Magga, Bát Chánh Ðạo). (104)
b) Có 11 pháp đưa đến phát khởi tinh tấn giác chi:
1. Ôn lại sự khủng khiếp của các đoạ xứ.
2. Thấy lợi ích trong sự đạt đến những điều thù thắng thuộc thế gian, xuất thế gian nhờ tinh tấn.
3. Nhìn lại con đường mình đi: Con đường mà chư Phật, độc giác, thanh văn đã đi, ta cũng sẽ đi, con đường ấy không thuộc về một kẻ biếng nhác.
4. Sự xứng đáng nhận đồ khất thực vì nó phát sinh quả báo lớn cho người bố thí.
5. Nhớ đến sự hùng vĩ của đấng Ðạo sư: " Ðức Ðạo sư của ta tán dương người tinh tấn. Nền giáo lý siêu tuyệt này, một giáo lý đem lại nhiều lợi cho chúng ta chỉ tôn quý nhờ ở thực hành mà thôi",
6. Nghĩ đến sự lớn lao của pháp tài: "Chính các gia tài lớn là Diệu pháp này phải do ta nắm giữ, không thể do một kẻ biếng nhác",
7. Từ bỏ hôn trầm thuỵ miên bằng cách tác ý đến quán tưởng… đổi tư thế uy nghi, đi dạo giữa trời...
8. Tránh những kẻ biếng nhác.
9. Gần những người siêng năng.
10. Ôn lại bốn chánh cần.
11. Quyết định đối với tinh tấn. (105)
4) Hỷ (pīti) Bojjhangā:
a) Khi tinh tấn giác chi tu tập viên mãn sẽ đưa đến hỷ giác chi:
“Trong khi Tỷ-kheo tu tập tinh tấn giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, tinh tấn giác chi đi đến viên mãn. Với vị tinh cần, tinh tấn, hỷ không liên hệ đến vật chất (piti niràmisà) khởi lên”. (106)
b) Phân biệt hỷ trong tứ vô lượng tâm và hỷ giác chi:
− Hỷ trong tứ vô lượng tâm là tâm hoan hỷ khởi lên do lấy quả lành của chúng sanh làm đối tượng.
− Hỷ giác chi là hỷ sanh khởi do tu tập đầy đủ niệm – trạch pháp – tinh tấn giác chi.
c) Có 11 pháp đưa đến sự sinh khởi hỉ giác chi: (107)
1. Niệm Phật.
2. Niệm pháp.
3. Niệm tăng.
4. Niệm giới.
5. Niệm thí.
6. Niệm chư thiên.
7. Niệm sự bình an.
8. Tránh gần người thô lỗ.
9. Gần người thanh tao.
10. Đọc lại những kinh khích lệ.
11. Quyết tâm đối với.
5) Khinh An (Passaddhi) Bojjhangā:
a) Khi hỷ giác chi được tu tập viên mãn sẽ dẫn đến khinh an giác chi:
“Trong khi Tỷ-kheo tu tập hỷ giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, hỷ giác chi đi đến viên mãn. Với vị có ý hoan hỷ, thân được khinh an, tâm được khinh an”. (108)
− Khi tâm giao động, khinh an giác chi + định giác chi + xả giác chi cần phải được tu tập.
− Passadhi, khinh an có nghĩa cittapassadhi và kāyapassadhi, tâm vương và trọn cơ cấu các tâm sở nhẹ nhàng an lạc. (109)
− Một ví dụ về tu tập khinh an giác chi:
“Ví như, này các Tỷ-kheo, có người muốn dập tắt một đống lửa lớn. Ở đây, người ấy ném vào cỏ ướt, ném vào phân bò ướt, ném vào củi ướt, để giữa gió và mưa, và rắc bụi lên trên. Người ấy có thể dập tắt ngọn lửa lớn ấy không?
Thưa có, bạch Thế Tôn.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi tâm dao động, trong khi ấy, phải thời là tu tập khinh an giác chi…”. (110)
b) 7 pháp làm sanh khởi khinh an giác chi: (111)
“1. Dùng thực phẩm bực thượng.
2. ở trong khí hậu tốt.
3. Giữ tư thế thoải mái dễ chịu.
4. Làm theo trung đạo.
5. Tránh kẻ hung hăng, bạo động.
6. Gần gũi người thân hành an tinh.
7. Quyết tâm đối với sự khinh an.”
6) Định (samādhi) Bojjhangā:
a) Định giác chi sanh khởi khi khinh an giác chi được tu tập, đi đến viên mãn:
“Trong khi Tỷ-kheo tu tập khinh an giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, khinh an giác chi đi đến viên mãn. Với vị có thân khinh an, lạc hiện hữu. Với vị có lạc, tâm được định tĩnh”. (112)
b) 11 pháp làm sanh khởi định giác chi (113)
1. Làm sạch nội ngoại xứ.
2. Thiện xảo về tướng.
3. Quân bình các căn.
4. Chế ngự tâm khi cần chế ngự.
5. Tu tập tâm lúc cần tu tập.
6. Khích lệ tâm lười biếng bằng tín và ý thức khẩn trương (trước cái chết).
7. Nhìn mọi sự xảy ra với thái độ xả.
8. Tránh những kẻ không định tĩnh.
9. Gần gũi người định tĩnh.
10. Ôn tầm các thiền và giải thoát.
11. Quyết tâm đối với định.
7) Xả (upekkhā) Bojjhangā
a) Tu tập viên mãn định giác chi, xả giác chi được sanh khởi:
“Trong khi Tỷ-kheo tu tập định giác chi; trong khi ấy, định giác chi nhờ tu tập, đi đến viên mãn. Vị ấy với tâm định tĩnh như vậy, khéo trú xả nhìn (sự vật) (sàdhukam ajjhupekkhità)”. (114)
b) 5 pháp dẫn đến sanh khởi xả giác chi: (115)
1. Giữ thái độ "xả" đối với các hữu tình.
2. Giữ thái độ "xả" đối với các hành (loài vô tình).
3. Tránh những người ưa bày tỏ sự yêu mến đối với các hữu tình và các hành.
4. Gần gũi đối với những người có thái độ xã đối với hữu tình và các hành.
5. Quyết tâm đối với xả.
c) Phân biệt xả giác chi và xả trong tứ vô lượng tâm: (116)
− Xả kể như một phạm trú: là thái độ bình đẳng đối với mọi loài chúng sinh, như kinh nói: "Vị ấy trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả".
− Xả kể như một giác chi: là trạng thái trung tính được mô tả như sau: "vị ấy tu tập xả giác chi liên hệ đến từ bỏ”.
V) 7 LỢI ÍCH CỦA TU TẬP THẤT GIÁC CHI:
1) Đưa Vị Tỷ-Kheo Hướng Đến, Xuôi Về Niết Bàn:
“Ví như, này các Tỷ-kheo, các cây đà, cây kèo của ngôi nhà có nóc nhọn; tất cả cây đà, cây kèo ấy đều thiên về nóc nhọn, hướng về nóc nhọn, xuôi về nóc nhọn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.”. (117)
2) Đoạn Tận Kiết Sử:
“Này các Tỷ-kheo, với mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, bảy giác chi cần phải tu tập”. (118)
* * *
“Này các Tỷ-kheo, bảy giác chi được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, thời bảy quả, bảy lợi ích được chờ đợi. Thế nào là bảy quả, bảy lợi ích?
1. Ngay trong hiện tại, lập tức (patihacca) thành tựu được chánh trí.
2. Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu được chánh trí, thời khi lâm chung, thành tựu được chánh trí.
3. Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu được chánh trí; nếu khi lâm chung, không thành tựu được chánh trí, thời sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Trung gian Bát-niết-bàn (antarāparinibbāyi).
4. Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu được chánh trí; nếu khi lâm chung, không thành tựu được chánh trí; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Trung gian bát Niết-bàn, thời sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Tổn hại (upahacca) Bát-niết-bàn.
5. Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không chứng được chánh trí; nếu khi lâm chung, không chứng được chánh trí; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Trung gian Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Tổn hại Bát-niết-bàn, thời sau khi đoạn tận năm hạ phầm kiết sử, chứng được Vô hành Bát-niết-bàn (asankhāraparinibbāyi).
6. Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu chánh trí; nếu khi lâm chung, không chứng được chánh trí; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Trung gian Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn diệt được năm hạ phần kiết sử, không chứng được Tổn hại Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Vô hành Bát-niết-hàn; thời sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Hữu hành Bát-niết-bàn.
7. Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu chánh trí; nếu khi lâm chung, không chứng được chánh trí; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Trung gian Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, không chứng được Tổn hại bát Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Vô hành Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Hữu hành Bát-niết-bàn; thời sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy là bậc thượng lưu (uddhamsoto), đạt được Sắc cứu cánh thiên. (119)
VI) ỨNG DỤNG TRONG THỰC HÀNH NHƯ THẾ NÀO?
1) Khi Tâm Thụ Động, Các Giác Chi Nào Cần Tu Tập?
“Và này các Tỷ-kheo, trong khi tâm thụ động, trong khi ấy, phải thời là tu tập trạch pháp giác chi, phải thời là tu tập tinh tấn giác chi, phải thời là tu tập hỷ giác chi. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, khi tâm thụ động, thật dễ làm tâm phát khởi nhờ những pháp này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, một người muốn đốt lên một ngọn lửa nhỏ, người ấy ném vào đấy cỏ khô, phân bò khô, củi khô, dùng miệng thổi, không có rắc bụi lên trên; người ấy có thể nhen đỏ ngọn lửa ấy không?
Thưa có, bạch Thế Tôn.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi tâm thụ động, trong khi ấy, phải thời là tu tập trạch pháp giác chi, phải thời là tu tập tinh tấn giác chi, phải thời là tu tập hỷ giác chi. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, khi tâm thụ động, thật dễ làm tâm phát khởi nhờ những pháp này”. (120)
2) Khi Tâm Giao Động, Các Giác Chi Nào Cần Tu Tập?
“Và này các Tỷ-kheo, trong khi tâm dao động, trong khi ấy, phải thời là tu tập khinh an giác chi, phải thời là tu tập định giác chi, phải thời là tu tập xả giác chi. Vì sao? Vì rằng, tâm dao động thật dễ được tịnh chỉ nhờ những pháp này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, có người muốn dập tắt một đống lửa lớn. Ở đây, người ấy ném vào cỏ ướt, ném vào phân bò ướt, ném vào củi ướt, để giữa gió và mưa, và rắc bụi lên trên. Người ấy có thể dập tắt ngọn lửa lớn ấy không?
Thưa có, bạch Thế Tôn.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi tâm dao động, trong khi ấy, phải thời là tu tập khinh an giác chi, phải thời là tu tập định giác chi, phải thời là tu tập xả giác chi. Vì sao? Vì rằng, tâm dao động, thật dễ được tịnh chỉ nhờ các pháp này.
Nhưng đối với niệm, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng lợi ích trong mọi trường hợp”.
V) TĂNG CHÚNG CÒN TĂNG THỊNH, KHÔNG THỐI ĐỌA KHI BẢY GIÁC CHI CÒN ĐƯỢC TU TẬP?
“Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi, tu tập trạch pháp giác chi, tu tập tinh tấn giác chi, tu tập hỷ giác chi, tu tập khinh an giác chi, tu tập định giác chi, tu tập xả giác chi, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào bảy pháp không làm suy giảm này được duy trì giữa các Tỷ-kheo, khi nào các Tỷ-kheo được dạy bảy pháp không làm suy giảm này, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm”. (121)
CHƯƠNG [13] TAM VÔ LẬU HỌC
TISIKKHĀ
− Trong hai bài kinh Sa-môn quả (DN 2 – Sāmaññaphala Sutta) và kinh Subha (DN 10 Subha Sutta), Thánh Giới – Định – Tuệ uẩn được Thế Tôn trình bày như sau:
“Thế Tôn tán thán ba pháp uẩn và Ngài đã khích lệ, khuyến đạo, y chỉ mọi người theo những pháp ấy. Ba pháp ấy là gì? Chính là Thánh giới uẩn, Thánh định uẩn, Thánh tuệ uẩn. Thế Tôn tán thán ba pháp uẩn ấy. Ngài đã khích lệ, khuyến đạo, y chỉ mọi người theo những pháp ấy.
Tôn giả Ananda, thế nào là Thánh giới uẩn, Tôn giả Gotama tán thán và Ngài đã khích lệ, khuyến đạo, y chỉ mọi người theo pháp ấy?
− Sau đây, xin trích dẫn nguyên văn trong kinh điển lời dạy của đức Như Lai về Thánh Giới Uẩn – Thánh Định Uẩn – Thánh Tuệ Uẩn.
I) Y KINH TRÍCH DẪN:
1) Thánh Giới Uẩn? – Ariyo Sīlakkhandho:
“40. - Này Ðại vương, nay ở đời, Như Lai xuất hiện là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Như Lai sau khi riêng tự chứng ngộ với thượng trí thế giới này với thiên giới, ma giới, phạm thiên giới, gồm cả thế giới này với Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên Nhơn, lại tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện đầy đủ văn nghĩa, Ngài truyền dạy phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh.
41. Người gia trưởng, hay con vị gia trưởng, hay một người sanh ở giai cấp (hạ tiện) nào nghe pháp ấy. Sau khi nghe pháp, người ấy sanh lòng tín ngưỡng Như Lai. Khi có lòng tín ngưỡng ấy, vị này suy nghĩ: "Ðời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Ðời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật rất khó cho một người sống ở gia đình có thể sống theo phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình". Một thời gian sau, người ấy bỏ tài sản nhỏ hay tài sản lớn, bỏ bà con quyến thuộc nhỏ hay bà con quyến thuộc lớn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, và xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
42. Khi đã xuất gia như vậy, vị ấy sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pātimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và học tập trong giới học, thân nghiệp, ngữ nghiệp thanh tịnh. Sinh hoạt trong sạch giới hạnh cụ túc, thủ hộ các căn, chánh niệm tỉnh giác, và biết tri túc.
43. Ðại Vương! Thế nào là Tỷ-kheo giới hạnh cụ túc? Ở đây, này Ðại Vương, Tỷ-kheo từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến tất cả hạnh phúc của chúng sanh và loài hữu tình. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
Vị ấy từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp, như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
44. Tỷ-kheo từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ trên sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lường gạt, không phản lại lời hứa đối với đời. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
Vị ấy từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, không đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia. Như vậy Tỷ-kheo ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, khuyến khích những kẻ hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp, thoải mái trong hòa hợp, hân hoan trong hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
Vị ấy từ bỏ lời nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác. Vị ấy nói những lời nói không lỗi lầm, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
Vị ấy từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về chánh pháp, nói những lời về luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, thuận lý, có mạch lạc hệ thống, có ích lợi. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
45. Vị ấy từ bỏ làm hại đến các hạt giống và các loại cây cỏ, dùng một ngày một bữa, không ăn ban đêm. Từ bỏ ăn phi thời. Từ bỏ đi xem múa, hát nhạc, diễn kịch. Từ bỏ trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Từ bỏ dùng giường cao và giường lớn. Từ bỏ nhận vàng và bạc. Từ bỏ nhận các hạt sống. Từ bỏ nhận thịt sống. Từ bỏ nhận đàn bà con gái. Từ bỏ nhận nô tỳ gái và trai. Từ bỏ nhận cừu và dê. Từ bỏ nhận gia cầm và heo. Từ bỏ nhận voi, bò, ngựa và ngựa cái. Từ bỏ nhận ruộng nương, đất đai. Từ bỏ nhận người môi giới hoặc tự mình làm môi giới. Từ bỏ buôn bán. Từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc và đo lường. Từ bỏ các tà hạnh như hối lộ, gian trá, lừa đảo. Từ bỏ làm thương tổn, sát hại câu thúc, bứt đoạt, trộm cắp, cướp phá. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
46. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống làm hại các hạt giống và cây cối như hạt giống từ rễ sanh, hạt giống từ nhánh cây sanh, hạt giống từ đốt cây sanh, hạt giống từ chiết cây sanh, và thứ năm là hạt giống từ hạt giống sanh. Còn vị ấy thì không làm hại hạt giống hay cây cỏ nào. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
47. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống cất chứa và thọ hưởng các đồ vật như cất chứa các món ăn, cất chứa các đồ uống, cất chứa vải, cất chứa xe cộ, cất chứa các đồ nằm, cất chứa các hương liệu, cất chứa các mỹ vị. Còn vị ấy thì từ bỏ cất chứa các vật trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
48. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống theo các du hí không chơn chánh như múa, hát, nhạc kịch, ngâm vịnh, nhịp tay, tụng chú, đánh trống, diễn các tuồng thần tiên, mãi võ, đấu voi, đấu ngựa, đấu trâu, đấu bò đực, đấu dê, đấu cừu, đấu gà, đấu chim cun cút, đấu gậy, đấu quyền, đấu vật, đánh giặc giả, dàn trận, thao dượt, diễn binh. Còn vị ấy thì từ bỏ các du hí không chơn chánh như trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
49. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống đánh bài và theo các trò giải trí. Như cờ tám hình vuông, cờ mười hình vuông, cờ trên không, trò chơi trên đất, chỉ bước vào những ô có quyền bước, trò chơi quăng thẻ rồi chụp nhưng không cho sụp đống thẻ, chơi súc sắc, chơi khăng, lấy tay làm viết, chơi banh, chơi thổi kèn bằng lá, cày với chiếc cày giả, nhảy lộn nhào, chơi chong chóng, chơi với đồ chơi bằng lá, chơi xe con, chơi cung nhỏ, chơi đoán chữ viết thiết trên không hay trên lưng, chơi đoán tư tưởng, chơi bắt chước bộ điệu. Còn vị ấy thì từ bỏ đánh bài cà các loại giải trí như trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
50. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, cũng vẫn sống dùng các giường cao và giường lớn như ghế bành, ghế trường kỷ, nệm trải giường bằng len, vải trải giường nhiều tấm nhiều màu, chăn len trắng, chăn len thêu bông, nệm bông, nệm thêu hình các con thú, mền bằng lông thú cả hai phía mền bằng lông thú một phía, mền có đính ngọc, mền bằng lụa, tấm khảm lớn có thể chứa mười sáu người múa, mền voi, mền ngựa, mền xe, mền bằng da sơn dương khâu lại với nhau, mền bằng da con sơn dương khâu lại gọi là Kadali, tấm thảm với lều che phía trên, ghế dài có gối đầu, gối chân màu đỏ. Còn vị ấy thì từ bỏ không dùng các giường cao và giường lớn như trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
51. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, cũng vẫn sống dùng các đồ trang sức và mỹ phẩm như thoa dầu, đấm bóp, tắm, đập tay chân cho mềm dẻo, gương kem đánh mặt, vòng hoa và phấn son, phấn mặt và sáp mặt, vòng tay tóc giả trên đầu, gậy cầm tay, ống thuốc, gươm, lọng, dép thêu, khăn đầu, ngọc, phất trần, vải trắng có viền tua dài. Còn vị ấy thì không dùng các loại trang sức và mỹ phẩm như trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
52. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, cũng vẫn sống nói những câu chuyện vô ích tầm thường như câu chuyện nói về vua chúa, câu chuyện về ăn trộm, câu chuyện về đại thần, câu chuyện về binh lính, câu chuyện về hãi hùng, câu chuyện về chiến tranh, câu chuyện về đồ ăn, câu chuyện về đồ uống, câu chuyện về vải mặc, câu chuyện về giường nằm, câu chuyện về vòng hoa, câu chuyện về hương liệu, câu chuyện về bà con, câu chuyện về xe cộ, câu chuyện về làng xóm, câu chuyện về thị tứ, câu chuyện về thành phố, câu chuyện về quốc độ, câu chuyện về đàn bà, câu chuyện về đàn ông, câu chuyện về vị anh hùng, câu chuyện bên lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện về người đã chết, các câu chuyện tạp thoại, các câu chuyện biến trạng của thế giới, câu chuyện về biến trạng của đại vương, câu chuyện về sự hiện hữu và sự không hiện hữu. Còn vị ấy thì từ bỏ nói những chuyện vô ích, tầm thường kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
53. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống bàn luận tranh chấp như nói: "Ngươi không biết pháp và luật này, tôi biết pháp và luật này. Sao ngươi có thể biết pháp và luật này? Ngươi đã phạm vào tà kiến, tôi nói mới thật đúng chánh kiến. Lời tôi nói mới tương ưng, lời nói của người không tương ưng. Những điều đáng nói trước, ngươi lại nói sau. Những điều đáng nói sau ngươi lại nói trước. Chủ kiến của ngươi đã bị bài bác, câu nói của ngươi đã bị thách đấu. Ngươi đã bị thuyết bại. Hãy đến mà giải vây lời nói ấy. Nếu có thể được, gắng thoát ra khỏi lối bí". Còn vị ấy thì từ bỏ những cuộc biện luận, tranh chấp kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
54. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống cho đưa các tin tức, hoặc tự đứng làm môi giới như cho các vua, các đại thần của vua, cho các vị Sát-đế-lỵ, cho các vị Bà-la-môn, cho các gia chủ cho các thanh niên và nói rằng: "Hãy đi đến chỗ ấy, hãy đi lại chỗ kia, mang cái này lại, đem cái này đến chỗ kia". Còn vị ấy thì từ bỏ đưa các tin tức và đứng làm môi giới. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
55. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống lừa đảo, nói lời siểm nịnh, gợi ý, dèm pha, cầu lợi. Còn vị ấy thì từ bỏ nói lời lừa đảo và siểm nịnh như trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
56. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà hạnh như xem tướng tay chân, chiêm tướng, triệu tướng, mộng tướng, thân tướng, dấu chuột cắn, tế lửa, tế muỗng, dùng miệng phun hạt cải v. v... vào lửa, tế vỏ lúa, tế tấm, tế gạo, tế thục tô, tế máu, khoa xem chi tiết, khoa xem địa lý, khoa xem mộng, khoa cầu thần ban phước, khoa cầu quỷ ma, khoa dùng bùa chú khi ở trong nhà bằng đất, khoa rắn, khoa thuốc độc, khoa bò cạp, khoa chim, khoa chim quạ, khoa đoán số mạng, khoa ngừa tên bắn, khoa biết tiếng nói của chim. Còn vị ấy thì tránh xa những tà hạnh kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
57. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng như xem tướng các hòn ngọc, tướng que gậy, tướng áo quần, tướng gươm kiếm, tướng mũi tên, tướng cây cung, tướng võ khí, tướng đàn bà, tướng đàn ông, tướng thiếu niên, tướng thiếu nữ, tướng đầy tớ nam, tướng đầy tớ nữ, tướng voi, tướng ngựa, tướng trâu, tướng bò đực, tướng bò cái, tướng dê, tướng cừu, tướng gia cầm, tướng chim cun cút, tướng con cắc kè, tướng vật tai dài, tướng ma, tướng thú vật. Còn vị ấy thì tránh xa những tà mạng kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
58. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng, như đoán trước: "Vua sẽ tiến quân, vua sẽ lùi quân, vua bản xứ sẽ tấn công, vua ngoại bang sẽ triệt thối, vua bản xứ sẽ thắng trận, vua ngoại bang sẽ thắng trận, vua bản xứ sẽ bại trận. Như vậy sẽ có sự thắng trận cho phe bên này, sẽ có sự bại trận cho phe bên kia". Còn vị ấy thì từ bỏ những tà mạng kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
59. Trong khi có một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn nuôi sống bằng những tà mạng, như đoán trước: "Sẽ có nguyệt thực, sẽ có nhật thực, sẽ có tinh thực, mặt trăng, mặt trời sẽ đi đúng chánh đạo, mặt trăng mặt trời sẽ đi ngoài chánh đạo, sẽ có sao băng, các tinh tú sẽ đi đúng chánh đạo, các tinh tú sẽ đi ngoài chánh đạo, sẽ có sao bằng, sẽ có lửa cháy các phương hướng, sẽ có động, sẽ có sấm trời, mặt trăng mặt trời các sao sẽ mọc, sẽ lặn, sẽ mờ, sẽ sáng, nguyệt thực sẽ có kết quả như thế này, nhật thực sẽ có kết quả như thế này, mặt trăng mặt trời đi đúng chánh đạo sẽ có kết quả như thế này, mặt trăng mặt trời đi ngoài chánh đạo sẽ có kết quả như thế này, các tinh tú đi đúng chánh đạo sẽ có kết quả như thế này, các tinh tú đi ngoài chánh đạo sẽ có kết quả như thế này, sao băng sẽ có kết quả như thế này, lửa cháy các phương sẽ có kết quả như thế này, động đất sẽ có kết quả như thế này, sấm trời sẽ có kết quả như thế này, mặt trăng mặt trời các sao mọc lặn sáng mờ sẽ có kết quả như thế này". Còn vị ấy thì tránh xa không tự nuôi sống bằng tà mạng kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
60. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng tà mạng, như đoán trước: "Sẽ có nhiều mưa, sẽ có đại hạn, sẽ được mùa, sẽ mất mùa, sẽ được an ổn, sẽ bị hiểm họa, sẽ có bệnh, sẽ không có bệnh, hay làm các nghề như đếm trên ngón tay, kế toán, cộng số lớn, làm thư, làm theo thế tình". Còn vị ấy thì tránh xa các tà mạng kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
61. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng, như sắp đặt ngày lành để rước dâu hay rễ về nhà, sắp đặt ngày lành để đưa dâu hay rễ, lựa ngày giờ tốt để hòa giải, lựa ngày giờ tốt để chia rẽ, lựa ngày giờ tốt để đòi nợ, lựa ngày giờ tốt để cho mượn hay tiêu tiền, dùng bùa chú để giúp người được may mắn, dùng bùa chú để khiến người bị rủi ro, dùng bùa chú để phá thai, dùng bùa chú làm cóng lưỡi, dùng bùa chú khiến quai hàm không cử động, dùng bùa chú khiến người phải bỏ tay xuống, dùng bùa chú khiến tai bị điếc, hỏi gương soi, hỏi phù đồng thiếu nữ, hỏi thiên thần để biết họa phước, thờ mặt trời, thờ đại địa, phun ra lửa, cầu Siri thần tài. Còn vị ấy thì tránh xa các tà mạng kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
62. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng, như dùng các ảo thuật để được yên ổn, để khỏi làm các điều đã hứa, để được che chở khi ở trong nhà bằng đất, để dương được thịnh, để làm người liệt dương, để tìm đất tốt làm nhà, để cầu phước cho nhà mới, lễ rửa miệng, lễ tắm, lễ hy sinh, làm cho mửa, làm cho xổ, bài tiết các nhơ bẩn về phía trên, bài tiết các nhơ bẩn về phía dưới, tẩy tịnh trong đầu, thoa dầu trong tai, nhỏ thuốc mắt, cho thuốc qua lỗ mũi, xức thuốc mắt, thoa dầu cho mắt, chữa bệnh cho mắt, làm thầy thuốc, mổ xẻ chữa bệnh cho con nít, cho thuốc uống bằng các loại rễ cây, ngăn ngừa công hiệu của thuốc. Còn vị ấy thì tránh xa các tà mạng kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
63. Và như vậy, Ðại vương, vị Tỷ-kheo ấy, nhờ đầy đủ giới luật nên không thấy sợ hãi từ một chỗ nào về phương diện hộ trì giới luật. Ðại vương, như một vị Sát đế lỵ đã làm lễ quán đảnh, đã hàng phục kẻ thù địch, không còn thấy sợ hãi từ chỗ nào nữa về phương diện thù địch. Cũng vậy, này Ðại vương, Tỷ-kheo ấy nhờ đầy đủ giới luật, nên không thấy sợ hãi từ một chỗ nào về phương diện hộ trì giới luật. Vị ấy nhờ đầy đủ giới luật cao quý này, nên hưởng lạc thọ, nội tâm không vẩn đục. Như vậy, này Ðại vương, Tỷ-kheo đầy đủ giới luật.
Như vậy này thanh niên Bà-la-môn là Tỷ-kheo đầy đủ giới đức”.
2) Thánh Định Uẩn - Ariyo Samādhikkhandho:
“64. Ðại vương, thế nào là Tỷ-kheo hộ trì các căn? Này Ðại vương, khi mắt thấy sắc, Tỷ-kheo không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, khiến nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy, nhờ sự hộ trì cao quý các căn ấy, nên hưởng lạc thọ nội tâm, không vẩn đục. Như vậy, này Ðại vương, Tỷ-kheo hộ trì các căn.
65. Ðại vương, thế nào là Tỷ-kheo chánh niệm tỉnh giác? Ðại vương, ở đây, Tỷ-kheo khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác, khi ăn, uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác. Như vậy, này Ðại vương, Tỷ-kheo chánh niệm tỉnh giác.
66. Ðại vương, thế nào là Tỷ-kheo biết đủ? Ở đây Tỷ-kheo bằng lòng với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo (y và bình bát). Ðại vương, cũng như con chim bay đến chỗ nào cũng mang theo hai cánh; cũng vậy, Ðại vương, vị Tỷ-kheo bằng lòng với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo. Như vậy, này Ðại vương, là Tỷ-kheo biết đủ.
67. Vị ấy, với giới uẩn cao quý này, với sự hộ trì các căn cao quý này, với chánh niệm tỉnh giác cao quý này, với hạnh biết đủ cao quý này, lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch, như rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng tại chỗ nói trên, và an trú chánh niệm trước mặt.
68. Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm, thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm và thụy miên; với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm, thụy miên. Từ bỏ trạo cử hối tiếc, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử, hối tiếc. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.
69. Này Ðại vương, như một người mắc nợ, liền làm các nghề nghiệp. Những nghề này được phát đạt, người ấy không những trả được nợ cũ, còn có tiền dư để nuôi dưỡng vợ. Người ấy nghĩ: "Ta trước kia mắc nợ nên làm các nghề nghiệp. Những nghề này được phát đạt, ta không những trả được nợ cũ, còn có tiền dư để nuôi dưỡng vợ". Người ấy nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ.
70. Này Ðại vương, như một người bị bệnh, đau đớn, trầm trọng, ăn uống không tiêu, thể lực suy yếu. Sau một thời gian người ấy khỏi bệnh, ăn uống tiêu thông, thể lực khôi phục. Người ấy nghĩ: "Ta trước kia bị bệnh, đau đớn trầm trọng, ăn uống không tiêu, thể lực suy yếu. Nay ta khỏi bệnh, ăn uống tiêu thông, thể lực khôi phục". Người ấy nhờ vậy được sung sướng hoan hỷ.
71. Này Ðại vương, như một người bị nhốt trong ngục. Người ấy sau một thời gian, được khỏi tù tội, an lạc kiện toàn, tài sản không bị giảm tổn. Người ấy nghĩ: "Ta trước kia bị nhốt trong ngục, nay ta được khỏi tù tội, an lạc kiện toàn, tài sản không bị giảm tổn". Người ấy nhờ vậy được sung sướng hoan hỷ.
72. Này Ðại vương, như một người nô lệ, không được tự chủ, lệ thuộc người khác, không được tự do đi lại. Người ấy, sau một thời gian, thoát khỏi cảnh nô lệ, được tự chủ, không lệ thuộc người khác, một người được giải thoát, được tự do đi lại. Người ấy nghĩ: "Ta trước kia bị cảnh nô lệ, không được tự chủ, lệ thuộc người khác, không được tự do đi lại. Nay ta thoát cảnh nô lệ, được tự chủ, không lệ thuộc người khác, một người được giải thoát, được tự do đi lại". Người ấy nhờ vậy được sung sướng hoan hỷ.
73. Này Ðại vương, như một người giàu có, nhiều tài sản, đang đi qua bãi sa mạc, thiếu lương thực, đầy những nguy hiểm. Người ấy, sau một thời gian đã đi khỏi sa mạc, đến đầu làng vô sự, yên ổn, không có nguy hiểm. Người ấy nghĩ: "Ta trước kia giàu có, nhiều tài sản, đi qua bãi sa mạc thiếu lương thực, đầy những nguy hiểm. Nay ta đã đi qua khỏi bãi sa mạc ấy, đến đầu làng vô sự, yên ổn, không có nguy hiểm". Người ấy nhờ vậy được sung sướng hoan hỷ.
74. Như vậy, này Ðại vương, Tỷ-kheo tự mình quán năm triền cái chưa xả ly, như món nợ, như bệnh hoạn, như ngục tù, như cảnh nô lệ, như con đường sa mạc. Này Ðại vương, cũng như không mắc nợ, như không bệnh tật, như được khỏi tù tội, như được tự do, như đất lành yên ổn, này Ðại vương, Tỷ-kheo quán năm triền cái khi diệt trừ chúng.
75. Khi quán tự thân đã xả ly năm triền cái ấy, hân hoan sanh; do hân hoan nên hỷ sanh; do tâm hoan hỷ, thân được khinh an; do thân khinh an, lạc thọ sanh; do lạc thọ, tâm được định tĩnh. Tỷ-kheo ly dục, ly ác pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.
76. Này Ðại vương, như một người hầu tắm lão luyện hay đệ tử người hầu tắm. Sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước, cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, nhào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này Ðại vương, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân hình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.
77. Lại nữa, này Ðại vương, Tỷ-kheo ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm Tỷ-kheo ấy thấm nhuần, tẩm ướt làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.
78. Này Ðại vương, ví như một hồ nước, nước tự trong dâng lên, phương Ðông không có lỗ nước chảy ra, phương Tây không có lỗ nước chảy ra, phương Bắc không có lỗ nước chảy ra, phương Nam không có lỗ nước chảy ra, và thỉnh thoảng trời lại mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nước ấy phun ra thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy hồ nước ấy, với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh thấm nhuần. Cũng vậy, này Ðại vương, Tỷ-kheo thấm nhuần tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân, không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.
79. Lại nữa, này Ðại vương, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là "Xả niệm lạc trú", chứng và an trú thiền thứ ba. Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân, không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.
80. Này Ðại vương, ví như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, có những sen xanh, sen hồng hay sen trắng. Những bông sen ấy sanh trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần tẩm ướt, đầy tràn thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần. Cũng vậy, này Ðại vương Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.
81. Lại nữa, này Ðại vương, Tỷ-kheo, xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú vào thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Tỷ-kheo ấy thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.
82. Này Ðại vương, ví như một người ngồi, dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy che thấu. Cũng vậy, này Ðại vương, Tỷkheo thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh, trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.
3) Thánh Tuệ Uẩn – Ariyo Paññākkhandho:
“83. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến chánh trí, chánh kiến. Vị ấy biết: Thân này của ta là sắc pháp, do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt, trong thân ấy thức ta lại nương tựa và bị trói buộc.
84. Này Ðại vương, ví như một hòn lưu ly bảo châu, đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo dũa, khéo mài, sáng chói, không uế trược, đầy đủ tất cả mỹ tướng. Và một sợi giây được xâu qua hòn ngọc ấy, sợi giây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng nhạt. Một người có mắt cầm hòn ngọc ấy trên tay sẽ thấy: Hòn lưu ly bảo châu này, đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo dũa, khéo mài, sáng chói, không uế trược, đầy đủ tất cả mỹ tướng. Và sợi giây này được xâu qua hòn ngọc ấy, sợi giây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng nhạt. Cũng vậy, này Ðại vương, với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy. Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến chánh trí, chánh kiến. Vị ấy biết: Thân này của ta là sắc pháp, do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt. Trong thân ấy thức ta lại nương tựa và bị trói buộc.
85. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo chú tâm, hướng tâm đến sự hóa hiện một thân do ý làm ra. Vị ấy tạo một thân khác từ nơi thân này, cũng là sắc pháp, do ý làm ra, đầy đủ các chi tiết lớn nhỏ, không thiếu một căn nào.
86. Này Ðại vương, ví như mọt người rút một cây lau ra ngoài vỏ. Người ấy nghĩ: Ðây là vỏ, đây là cây lau; vỏ khác, cây lau khác và cây lau từ vỏ rút ra. Này Ðại vương, ví như một người rút thanh kiếm từ bao kiếm; thanh kiếm khác, bao kiếm khác, và thanh kiếm từ nơi bao kiếm rút ra. Này Ðại vương, ví như một người lột xác một con rắn. Người ấy nghĩ: Ðây là con rắn, đây là xác rắn, con rắn khác, xác rắn khác, và con rắn từ nơi xác rắn được lột ra. Cũng vậy, này Ðại vương, với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến sự hiện hóa một thân do ý làm ra. Vị ấy tạo một thân khác từ nơi thân này, cũng là sắc pháp, do ý tạo thành, đầy đủ các chi tiết lớn nhỏ, không thiếu một căn nào.
87. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến các thần thông. Vị ấy chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền, như ở trong nước; đi trên nước không chìm như trên đất liền; ngồi kiết già đi trên hư không như con chim; với bàn tay, chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.
88. Này Ðại vương, ví như một người thợ gốm khéo tay, hay đệ tử người thợ gốm, với đất sét khéo nhồi nhuyễn, có thể làm các loại đồ gốm tùy theo sở thích. Này Ðại vương, ví như một người thợ ngà khéo tay, hay đệ tử người thợ ngà, với ngà khéo đẽo dũa có thể làm các loại đồ ngà tùy theo sở thích. Này Ðại vương, ví như người thợ vàng khéo tay hay đệ tử người thợ vàng, với vàng khéo tinh nhuyễn có thể làm các loại đồ vàng tùy theo sở thích. Cũng vậy này Ðại vương, với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm hướng tâm đến các thần thông. Vị ấy chứng được các thần thông một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình biến hình, đi ngang qua vách, qua tường, qua núi, như đi ngang qua hư không; độn thổ trồi lên, ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết già đi trên hư không như còn chim; với bàn tay chạm và rờ mặt trời và mặt trăng, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.
89. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến thiên nhĩ thông. Tỷ-kheo với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân có thể nghe hai loại tiếng, chư Thiên và Người, xa và gần.
90. Này Ðại vương, ví như một người đang đi qua đường, nghe tiếng trống lớn, tiếng trống nhỏ, tiếng loa, tiếng xập xõa và tiếng kiểng. Người ấy nghĩ: "Ðây là tiếng trống lớn, đây là tiếng trống nhỏ, đây là tiếng loa, tiếng xập xõa, tiếng kiểng". Cũng vậy, này Ðại vương, với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến thiên nhĩ thông. Tỷ-kheo với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng, chư Thiên và Người, xa và gần.
91. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến tha tâm thông. Tỷ-kheo sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của loài người với tâm của mình, vị ấy biết được như sau:
Tâm có tham, biết là tâm có tham. Tâm không có tham, biết là tâm không có tham. Tâm có sân, biết là tâm có sân. Tâm không có sân, biết là tâm không có sân. Tâm có si, biết là tâm có si. Tâm không có si, biết là tâm không có si. Tâm chuyên chú, biết là tâm chuyên chú. Tâm tán loạn, biết là tâm tán loạn. Ðại hành tâm, biết là đại hành tâm. Không phải đại hành tâm, biết không phải là đại hành tâm. Tâm chưa vô thượng, biết là tâm chưa vô thượng, Tâm vô thượng, biết là tâm vô thượng. Tâm thiền định, biết là tâm thiền định. Tâm không thiền định, biết là tâm không thiền định. Tâm giải thoát, biết là tâm giải thoát. Tâm không giải thoát, biết là tâm không giải thoát.
2. Này Ðại vương, ví như một người đàn bà, một người đàn ông, một thiếu niên trẻ hay một thanh niên ưa trang sức, nhìn mặt của mình trong tấm gương trong sạch, sáng suốt hay một chậu nước trong. Nếu mặt có tỳ vết, liền biết mặt có tỳ vết; nếu mặt không có tỳ vết, liền biết mặt không có tỳ vết. Cũng vậy, này Ðại vương, với tâm định tĩnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến tha tâm thông. Tỷ-kheo sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của mọi người với tâm của mình, vị ấy biết được như sau:
Tâm có tham, biết tâm có tham. Tâm không có tham, biết tâm không có tham. Tâm có sân biết tâm có sân. Tâm không có sân, biết tâm không có sân. Tâm có si, biết tâm có si. Tâm không có si, biết tâm không có si.
Tâm chuyên chú, biết là tâm chuyên chú. Tâm tán loạn, biết là tâm tán loạn. Ðại hành tâm, biết là đại hành tâm; không phải là đại hành tâm, biết không phải là đại hành tâm. Tâm chưa vô thượng, biết là tâm chưa vô thượng. Tâm vô thượng, biết là tâm vô thượng. Tâm thiền định, biết là tâm thiền định. Tâm không thiền định, biết là tâm không thiền định.
Tâm giải thoát, biết là tâm giải thoát. Tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát.
93. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: "Tại chỗ kia ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây". Như vậy Tỷ-kheo nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.
94. Này Ðại vương, ví như một người đi từ làng mình đến làng khác, từ làng ấy đi đến một làng khác nữa, và từ làng này lại trở về làng của mình. Người ấy nghĩ: "Ta từ làng của mình đi đến làng kia, nơi đây ta đã đứng như thế này, đã ngồi như thế này, đã nói như thế này, đã yên lặng như thế này. Từ nơi làng nọ, ta đã trở về làng của ta". Như vậy, này Ðại vương, với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại kiếp và thành kiếp. Vị ấy nhớ: "Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra chỗ nọ, tại đây, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây". Như vậy, Tỷkheo nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.
95. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến trí huệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng: "Này các Hiền giả, những Tôn giả này làm những điều ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Hiền giả, còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng.
96. Này Ðại vương, ví như một tòa lầu có thượng đài, giữa ngã tư đường, một người có mắt đứng trên ấy, sẽ thấy những người đi vào nhà, đi từ nhà ra, đi qua lại trên đường, ngồi ở giữa ngã tư hay trên đài thượng. Người ấy nghĩ: "Những người này đi vào nhà, những người này đi từ nhà ra, những người này đi qua lại trên đường, những người này ngồi giữa ngã tư, trên đài thượng". Cũng vậy, này Ðại vương với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh.
Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng: Này các Hiền giả, những chúng sanh này làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến, những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Hiền giả, còn những chúng sanh nào làm các thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy, với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh, vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng.
97. "Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy biết như thật "đây là khổ", biết như thật "đây là nguyên nhân của khổ", biết như thật "đây là khổ diệt", biết như thật "đây là con đường đưa đến khổ diệt", biết như thật "đây là những lậu hoặc", biết như thật "đây là nguyên nhân của lậu hoặc", biết như thật "đây là sự diệt trừ các lậu hoặc", biết như thật "đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc". Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: Ta đã giải thoát. Vị ấy biết: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm; sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa.
98. Này Ðại vương, ví như tại dãy núi lớn có một hồ nước, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm. Một người có mắt, đứng trên bờ sẽ thấy con hến, con sò, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá bơi qua lại hay đứng một chỗ. Vị ấy nghĩ: "Ðây là hồ nước thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm. Ðây là những con hến, con sò, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá đang bơi qua lại hay đứng yên một chỗ". Cũng vậy, này Ðại vương, với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy. Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy biết như thật: "Ðây là khổ", biết như thật "đây là nguyên nhân của khổ", biết như thật "đây là khổ diệt", biết như thật "đây là con đường đưa đến khổ diệt", biết như thật "đây là những lậu hoặc", biết như thật "đây là nguyên nhân của lậu hoặc", biết như thật "đây là sự diệt trừ các lậu hoặc", biết như thật "đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc". Nhờ hiểu biết như vậy, nhờ nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát, vị ấy biết: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm; sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa.
II) PHÂN TÍCH DƯỚI GÓC NHÌN TỪ NHỮNG TÀI LIỆU KHÁC:
Nội triền và ngoại triền, Chúng sanh bị triền phược, Con hỏi Gotama, Ai thoát khỏi triền này? (Thế Tôn): Người trú giới có trí, Tu tập tâm và tuệ, Nhiệt tâm và thận trọng, Tỷ-kheo ấy thoát triền. Với ai, đã từ bỏ Tham, sân và vô minh, Bậc Lậu tận, Ứng cúng, Vị ấy thoát triền phược. Chỗ nào danh và sắc, Ðược đoạn tận, vô dư, Ðoạn chướng ngại, sắc tưởng, Chỗ ấy triền phược đoạn. |
“Antojaṭā bahijaṭā, Jaṭāya jaṭitā pajā; Taṃ taṃ gotama pucchāmi, Ko imaṃ vijaṭaye jaṭan”ti.
Cittaṃ paññañca bhāvayaṃ; Ātāpī nipako bhikkhu, So imaṃ vijaṭaye jaṭaṃ. Yesaṃ rāgo ca doso ca, avijjā ca virājitā; Khīṇāsavā arahanto, tesaṃ vijaṭitā jaṭā. Yattha nāmañca rūpañca, asesaṃ uparujjhati; Paṭighaṃ rūpasaññā ca, etthesā chijjate jaṭā”ti.(122) |
1) Sīla – Giới:
a) Tứ Thanh Tịnh Giới của bậc xuất gia:
Catupārisuddhisīla – Tứ Thanh Tịnh Giới:(123)
1. Giới pātimokkha (là biệt biệt giải thoát, giữ được một giới thì thoát khỏi một tội) (pātimokkha saṃvarasīla): trong giới bổn của Phật giáo phát triển, Tăng có 250 giới còn Ni có 348 giới; trong giới bổn của Phật giáo nguyên thủy, Tăng có 227 giới và Ni có 311 giới.
2. Giới thu thúc lục căn (thanh tịnh) (indriya saṃvarasīla):
+ Giới thu thúc lục căn gồm có sáu phần là: thu thúc nhãn căn (cakkh’indriya saṃvara), thu thúc nhĩ căn (sot’indriya saṃvara), thu thúc tỷ căn (ghān’indriya saṃvara), thu thúc thiệt căn (jivih’indriya saṃvara), thu thúc thân căn (kāy’indriya saṃvara), thu thúc ý căn (man’indriya saṃvara).
+ Vị tỳ khưu trong Phật pháp, khi thấy rõ tội lỗi của sự không thu thúc và quả báo của sự thu thúc, thì mỗi khi mắt tiếp xúc với sắc trần, tai tiếp xúc với thinh trần, mũi tiếp xúc với các mùi, lưỡi tiếp xúc với các vị, thân tiếp xúc với các sự đụng chạm, tâm tiếp xúc với các pháp, dầu tốt, dầu xấu, thì ráng thu thúc không nên lưu luyến đến các cơ thể và hình ảnh hoặc chi tiết và toàn thể của các trần ấy và hai pháp là vui thích theo trần ấy hoặc bất bình, buồn bực trong trần nào mà mình không ưa thích.
3. Giới nuôi mạng chơn chánh (trong sạch) (ajīva pārisuddhisīla):
Vị tỳ khưu thực hành theo giới nuôi mạng chân chánh phải ráng tinh tấn dứt bỏ cách nuôi mạng tà vạy và tinh tấn trong sự nuôi mạng chân chánh. Sự tinh tấn dứt bỏ cách tà mạng do nơi thân và khẩu là phải xa tránh năm pháp ác (pāpadhamma) và 21 pháp tà vạy (anesana).
4. Giới quán tưởng thanh tịnh trong khi thọ dụng bốn món vật dụng (paccaya sannissitasīla):
+ Giới quán tưởng mà được thanh tịnh do nhờ sự suy xét cho phát sanh trí tuệ chớ không phải do nơi vật dụng (paccaya). Tiếng nói vật dụng ấy có bốn là: cīvara paccaya – y phục là ám chỉ tam y; piṇḍapāta paccaya – vật thực cứng mềm, mặn ngọt; senāsana paccaya – chỗ trú ngụ, liêu cốc, giường ghế v.v...; gilāṇa bhesajja paccaya – thuốc chữa bịnh.
+ Cách quán tưởng (paccavekkhaṇa) chia ra làm ba thời kỳ: thời kỳ đang thọ lãnh, thời kỳ đang dùng (ăn), thời kỳ đã thọ dụng xong.
b) Mục đích đức Thế Tôn chế giới:
− Thế Tôn giảng cho trưởng lão Upāli 10 mục đích khiến Ngài chế định học giới cho các Tỷ-kheo:
“Này Upāli, do duyên mười mục đích, các học pháp được thiết lập cho các đệ tử Như Lai và giới bổn Pàtimokkha được tuyên đọc. Thế nào là mười?
Ðể tăng chúng được cực thiện, để Tăng chúng được an ổn, để chận đứng các người cứng đầu, để các thiện Tỷ-kheo được sống an ổn, để chế ngự các lậu hoặc ngay trong hiện tại, để chận đứng các lậu hoặc trong tương lai, để đem lại tịnh tín cho những người không tin, để làm tịnh tín tăng trưởng cho những người có lòng tin, để diệu pháp được tồn tại, để luật được chấp nhận.
Do duyên mười mục đích này, này Upāli, các học pháp được thiết lập cho các đệ tử Như
Lai, và giới bổn Pàtimokkha được tuyên đọc”. (124)
c) Lợi ích của việc giữ giới:
-- Này các Gia chủ có năm sự lợi ích cho những ai giữ giới, sống theo giới luật. Thế nào là năm?
1. Ở đây, này các Gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật sẽ có tiền của dồi dào rất nhiều vì sống không phóng dật. Ðó là sự lợi ích thứ nhất cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.
2. Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật được tiếng tốt đồn xa. Ðó là sự lợi ích thứ hai cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.
3. Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật khi đi vào hội chúng nào, hoặc Sát Ðế Lỵ, hoặc Bà-la-môn, hoặc gia chủ, hoặc Sa-môn, người ấy đi vào với tâm thần không sợ hãi, không bối rối. Ðó là sự lợi ích thứ ba cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.
4. Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật sẽ chết với tâm hồn không rối loạn. Ðó là sự lợi ích thứ tư cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.
5. Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sanh vào thiện thú, thiên giới. Ðó là sự lợi ích thứ năm cho những ai giữ giới, sống theo giới luật. (125)
2) Định – Samādhi:
a) Định nghĩa về Samādhi:
− Trong Tăng Chi Bộ Kinh, chương 2 pháp, bài kinh số 31 – Bāla Sutta, đức Thế Tôn đã dạy:
“Dve me, bhikkhave, dhammā vijjābhāgiyā. Katame dve? Samatho ca vipassanā ca. Samatho, bhikkhave, bhāvito kamattha-ma-nubhoti? Cittaṃ bhāvīyati. Cittaṃ bhāvitaṃ kamattha-ma-nubhoti? Yo rāgo so pahīyati. Vipassanā, bhikkhave, bhāvitā kamatthamanubhoti? Paññā bhāvīyati. Paññā bhāvitā kamattha manubhoti? Yā avijjā sā pahīyati. Rāgupak kiliṭ-ṭhaṃ vā, bhikkhave, cittaṃ na vimuccati, avijju-pak-kiliṭ-ṭhā vā paññā na bhāvīyati. Iti kho, bhikkhave, rāgavirāgā cetovimutti, avijjāvirāgā paññāvimuttī”ti”. | “Có hai pháp này, này các Tỷ-kheo, thuộc thành phần minh. Thế nào là hai? Chỉ và Quán. Chỉ được tu tập, này các Tỷ-kheo, chờ đợi lợi ích gì? Tâm được tu tập. Tâm được tu tập, chờ đợi lợi ích gì? Cái gì thuộc về tham được đoạn tận. Quán được tu tập, này các Tỷ-kheo, chờ đợi lợi ích gì? Tuệ được tu tập. Tuệ được tu tập, chờ đợi lợi ích gì? Cái gì thuộc vô minh được đoạn tận. Bị tham làm uế nhiễm, này các Tỷ-kheo, tâm không thể giải thoát. Hay bị vô minh làm uếnhiễm, tuệ không được tu tập. Do vậy, do ly tham, là tâm giải thoát. Do đoạn vô minh, là tuệ giải thoát”. |
− Hai loại thiền trong Phật giáo đã được chúng tôi đề cập ở phần Tứ Niệm Xứ.
− Định nghĩa một số thuật ngữ: (126)
+ Jhāna – Thiền, đuợc giải thích là cái gì thiêu đốt tánh cách chướng ngại của các Triền Cái, hay cái gì bám sát nhìn vào đề mục. Cả hai ý nghĩa đều có thể áp dụng cho trạng thái "Thiền", được chứng đắc do tâm an trụ. Sáu Chi Thiền đều được dùng trong hai ý nghĩa nầy. Cũng những chi nầy, khi nằm trong một loại tâm thiện hay bất thiện và có thọ "ưu" phát hiện trong một tâm bất thiện, thì được gọi là jhānaṅga trong ý nghĩa thứ nhì. Chỉ có thọ "ưu" là bất thiện; tất cả còn lại là thiện, không có tánh cách thiện hay bất thiện, và bất định.
+ Samatha, Vắng Lặng
Danh từ samatha do căn "sam", ru ngũ, làm dịu bớt, hàm xúc trạng thái "yên tĩnh" hay "vắng lặng" mà người hành thiền tạo nên do nhờ làm suy giảm những Chướng Ngại Tinh Thần (Triền Cái). Danh từ nầy đồng nghĩa với tâm định (samādhi), vốn dẫn đến sự phát triển các tầng thiền (jhāna). Tâm định nầy chỉ tạm thời đè nén ô nhiễm.
+ Vipassanā, Minh Sát
Vipassanā do "vi" + căn "dis" là thấy, theo nghĩa đen là nhận thức bằng nhiều phương cách, tức là hiểu biết sự vật dưới ánh sáng của ba đặc tướng vô thường, khổ, và vô ngã. Danh từ nầy được phiên dịch là "minh sát", "trực giác", "quán chiếu nội tâm", "bản lai diện mục". Ðối tượng duy nhất của vipassanā, minh sát, là thấy sự vật đúng thật như sự vật là vậy nhằm thành tựu Giải Thoát.
+ Samādhi có các mức độ:
- Khi thực hành như thế một ít lâu -- có khi vài tuần, hay vài tháng, hay cả năm -- người hành thiền sẽ có thể hình dung đối tượng, nghĩa là lúc nhắm mắt vẫn còn thấy cái dĩa tròn. Ðối tượng được hình dung ấy được gọi là "Uggahanimitta". Chừng đó hành giả chăm chú gom tâm vào hình ảnh hình dung ấy cho đến khi phát triển trong tâm một hình ảnh khác của cái dĩa không còn những tỳ vết, lồi lỏm v.v... được gọi là "Paṭibhāganimitta", hình ảnh khái niệm của đề mục. Hành giả tiếp tục an chỉ tâm vào khái niệm trừu tượng ấy và được xem là thành đạt mức độ "cận định" (Upacārasamādhi, kế cận tâm định); Tâm Thiền (jhāna) mà không được phát triển trọn vẹn khởi hiện trong những chặp tâm đầu tiên được gọi là upacāra samādhi, cận định; Upacāra có nghĩa gần kề, cận định, bởi vì nó đến cận bên trạng thái nhập định (Appanā Samādhi).
- Lúc ấy năm Triền Cái, tức năm chướng ngại tinh thần cố hữu dính liền với chúng sanh, tạm thời được tâm an trụ khắc phục. Ðến đây hành giả nhập định hoàn toàn (Appanāsamādhi) và nhập thiền.
- Khi được phát triển và trau dồi đến mức độ cao thì tâm Nhất Ðiểm (Ekaggatā – Nhất Ðiểm) trở thành Samādhi (Ðịnh)."Ðó là mầm giống của tất cả những tâm thức chăm chú, chọn lọc, tập trung hay an trụ vào một điểm”.
- Sammā Samādhi (Chánh Ðịnh) được bao hàm trong các tâm sở Tinh Tấn, Niệm và Nhất Ðiểm; Sammā Samādhi (Chánh Ðịnh) là Nhất Ðiểm Tâm nầy nằm trong Ðạo Tâm (Magga Citta) và tạm thời khắc phục triền cái tham dục; Chánh định là trạng thái tâm thanh tịnh, vắnh lặng, xa lìa các pháp bất thiện. Chứng và trú sơ thiền: có Tầm, Tứ, Hỷ và Lạc do nhờ ly Dục sinh. Chứng và trú nhị thiền: có Hỷ và Lạc do nhờ Ðịnh sinh. Chứng và trú tam thiền: có sự an lạc do nhờ Xả niệm sinh. Chứng và trú tứ thiền: có sự an tịnh do nhờ phi khổ phi lạc sinh (theo VDP giảng giải – TT. Giác Chánh).
- Nói cách khác, trong lúc liên tục chuyên chú gom tâm vào khái niệm trừu tượng như vậy, hành giả đạt đến mức độ gọi là "cận định" (Upacāra Samādhi) và năm chướng ngại tinh thần (Nīvaraṇa) cố hữu tạm thời được khắc phục. Vào một lúc nào, hành giả có thể bất thần nhập định (Appanā Samādhi) và đắc Thiền (Jhāna), thọ hưởng trạng thái an tĩnh và vắng lặng của tâm an trụ.
b) Các chướng ngại của thiền định:
− 5 triền cái là chướng ngại của thiền định:
“Có năm chướng ngại triền cái này, này các Tỷ-kheo, bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Thế nào là năm?
Dục tham, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Sân, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại triền cái bao phủ tâm làm yếu ớt trí tuệ. Hôn trầm thụy miên, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Trạo hối, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Nghi, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ”. (127)
* * *
“Cũng vậy, này Vāsettha, có năm triền cái được gọi là chướng ngại, cũng được gọi là triền cái, cũng được gọi là màn che, cũng được gọi là triền phược trong giới luật của bậc Thánh. Thế nào là năm? Dục cái, sân cái, hôn trầm thụy miên cái, trạo hối cái, nghi cái. Này Vāsettha, năm triền cái này được gọi là chướng ngại, cũng được gọi là triền cái, cũng được gọi là màn
che, cũng được gọi là triền phược”. (128)
− Định nghĩa về các triền cái: (129)
+ Nīvaranāni – Triền Cái (Triền là cột trói – Cái là che đậy, bao trùm).
+ Xuất nguyên từ "ni" + căn "var", gây chướng ngại, ngăn cản. Ðược gọi như vậy vì nó chận ngang con đường hướng về tình trạng an lạc của cảnh trời và hạnh phúc Niết Bàn. Theo bản chú giải, danh từ nầy có nghĩa là cái gì cản ngăn con đường hướng về các tầng Thiền (Jhāna) v.v..., của những tư tưởng thiện, hay cái gì không để cho các tầng Thiền phát triển, hay cái gì ngăn chận con mắt trí tuệ.
1. Kāmachanda – tham dục:
- Là khát vọng duyên theo lục trần.
- Nhất Ðiểm Tâm – Ekaggata nằm trong Ðạo Tâm (Magga Citta) và tạm thời khắc phục triền cái tham dục.
2. Vyāpāda – sân hận:
- Là sự bất mãn duyên theo lục trần.
- Pīti tạm thời khắc phục triền cái oán ghét (Vyāpāda), sân hận, hay bất toại nguyện.
3. Hôn trầm-thụy miên – Thīna-Middha:
- Hôn Trầm (Thīna) – [hôn – lộn xộn, mờ mịt, lơ đãng, tối tăm; trầm – lặn, chìm, nặng nề]:
+ Xuất nguyên từ căn "the", co rút lại + "na". Thena = thāna = thīna; co rút lại như lông gà gặp phải lửa. Thīna là trạng thái co rút của tâm.
+ Thīna (Hôn Trầm) nghịch nghĩa với Viriya (Tinh Tấn). Thīna được giải thích là Citta-gelaññaṁ, trạng thái tâm ươn yếu bệnh hoạn.
+ Thīna đối nghịch với Cittakammaññatā, trạng thái nhu thuận của tâm (tâm sở thuần tâm – Cittakammaññatā).
- Thụy Miên (Middha) – [thụy – ngủ; miên – nhắm mắt lại, ngủ]:
+ Từ ngữ căn Middh: thiếu khả năng, lười biếng, không thích hoạt động, buồn ngủ.
+ Ðây là trạng thái uể oải, ươn yếu, dã dượi, của tâm sở.
+ Middha được giải thích là Kāya-gelañña, trạng thái ươn yếu của "cơ thể tinh thần". Nơi đây danh từ Kāya, cơ thể, không có nghĩa là cơ thể vật chất, hay thân nầy, mà là cơ cấu tổng hợp các tâm sở, tức Vedanā, Saññā và Saṅkhāra (Thọ, Tưởng và năm mươi tâm sở còn lại gọi là hành). Do đó Middha đối nghịch với Kāyakammaññatā, trạng thái nhu thuận của tâm sở.
+ Middha đối nghịch với Kāyakammaññatā, trạng thái nhu thuận của tâm sở - tâm sở nhu tâm.
- Hôn trầm là sự co rút lại của tâm còn thụy miên là sự buồn ngủ, lười biếng sau khi co rút.
- Chi thiền "Tầm" tạm thời khắc phục trạng thái hôn trầm thụy miên (ThīnaMiddha), một trong năm pháp triền cái, hay năm chướng ngại tinh thần
(Nīvaraṇa).
4. Hối quá-phóng dật – Kukkucca-Uddhacca:
- Kukkucca (Lo Âu):
+ Là một trong năm pháp Triền Cái (Nivāraṇa) và đi chung với Uddhacca (Phóng Dật). Kukkucca (Lo Âu) chỉ liên quan đến quá khứ.
+ Theo Tạng Luật, Lo Âu là tâm hoài nghi trong sạch về Giới Luật.
+ Theo Tạng Diệu Pháp trái lại, Lo Âu là hối tiếc, làm cho tâm bất an và như vậy nên tránh.
- Uddhacca, Phóng Dật:
+ "U" = trên, phía trên + căn "Dhu" = chao động, rung chuyển.
Uddhutassa bhāvo Uddhuccaṁ = Uddhaccaṁ = trạng thái phun lên.
+ Uddhacca được ví như trạng thái chao động của một đống tro khi người ta ném đá vào. Ðó là trạng thái tâm chao động, và phản nghĩa là trạng thái tâm an trụ.
5. Nghi – Vicikichā:
- Từ ngữ căn Vici là tìm hiểu, Kicchati là chán nản, mệt mỏi; vậy Hoài Nghi là chán nản trong việc tìm hiểu (vì không có kết quả).
- Sở hữu hoài nghi (Vicikichā) là sự nghi hoặc, không tin sự thật.
- Khi là một Chướng Ngại Tinh Thần hoài nghi không có nghĩa là hoài nghi Phật, Pháp, Tăng v.v...
- Vi: không; Cikicchā: thuốc đối trị. Vậy Vicikichā có nghĩa là hết thuốc chữa. Thuốc chữa ở đây là Tri Kiến chơn chánh. Pāli có chú giải "Vicikicchātīti = do dự là hoài nghi".
- Chi thiền "Sát - Vicāra" tạm thời khắc phục triền cái hoài nghi (Vicikicchā).
− Đức Thế Tôn cho ví dụ cụ thể để mô tả 5 triền cái: (130)
1. Tham dục triền cái:
“-- Này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị dục tham (kàmaràga) xâm chiếm, bị dục tham chi phối và không như thật rõ biết sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên…
Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước trộn lẫn với thuốc nhuộm gôm lắc, hay màu đỏ tía, hay màu xanh, hay màu vàng, và ở đây một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, không có thể như thật biết được, thấy được”.
2. Sân triền cái:
“Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị sân xâm chiếm, bị sân chi phối, không như thật biết sự xuất ly khỏi sân đã khởi lên…
Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước được lửa đun sôi, sôi lên sùng sục, sôi lên cuồn cuộn. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được.”.
3. Hôn trầm thụy miên triền cái:
“Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước bị rong rêu che phủ. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm khuôn mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được”.
4. Trạo hối triền cái:
“Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước bị gió thổi, dao động, chấn động, nổi sóng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm khuôn mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được”.
5. Nghi triền cái:
“Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước bị khuấy động, khuấy đục, khuấy bùn, đặt trong bóng tối. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm khuôn mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được”.
− Ví dụ về niềm hỷ lạc khi gột sạch được 5 triền cái: (131)
Này các Tỷ-kheo, thế nào là các công việc đáng phải làm hơn nữa? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch, như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng, và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm và thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên. Từ bỏ trạo cử hối quá, vị ấy sống không trạo cử hối tiếc, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử hối tiếc. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp”.
+ Này các Tỷ-kheo, như một người mắc nợ liền làm các nghề nghiệp. Những nghề này được phát đạt, người ấy không những trả được nợ cũ, còn có tiền dư để nuôi dưỡng vợ. Người ấy nghĩ: “Ta trước kia mắc nợ nên làm các nghề nghiệp. Những nghề này được phát đạt, ta không những trả được những nợ cũ, còn có tiền dư để nuôi dưỡng vợ”. Người ấy nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ.
+ Này các Tỷ-kheo, như một người bị bệnh, đau đớn, trầm trọng, ăn uống không tiêu, thể lực suy yếu. Sau một thời gian, người ấy khỏi bệnh, ăn uống tiêu thông, thể lực khôi phục…
+ Này các Tỷ-kheo, như một người bị nhốt trong ngục. Người ấy sau một thời gian được khỏi tù tội, an lạc kiện toàn, tài sản không bị giảm tổn…
+ Này các Tỷ-kheo, như một người nô lệ, không được tự chủ, lệ thuộc người khác, không được tự do đi lại. Người ấy sau một thời gian thoát khỏi cảnh nô lệ, được tự chủ, không lệ thuộc người khác, một người thoát khỏi cảnh nô lệ, được tự chủ, không lệ thuộc người khác, một người giải thoát, được tự do đi lại…
+ Này các Tỷ-kheo, như một người giàu có, nhiều tài sản, đang đi qua bãi sa mạc. Người ấy sau một thời gian đã đi khỏi bãi sa mạc ấy, đến đầu làng, yên ổn, không có nguy hiểm, tài sản không bị tổn giảm…
Cũng vậy này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tự mình, quán năm triền cái chưa xả ly, như món nợ, như bệnh hoạn, như ngục tù, như cảnh nô lệ, như con đường qua sa mạc. Này các Tỷ-kheo, cũng như không mắc nợ, không bị bệnh tật được khỏi tù tội, được tự do, đến được đất lành yên ổn. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán năm triền cái khi chúng được diệt trừ”.
− Các đề mục hành thiền và cách chọn đề mục thích hợp với từng đối tượng chúng tôi đã đề cập ở phần Tứ Niệm Xứ.
c) Sự chứng đắc tuần tự các tầng thiền định:
c.1) 4 tầng thiền định sắc giới:
1. Sơ thiền – Paṭhamajjhāna: (132)
- Khi quán tự thân đã xả ly năm triền cái ấy, hân hoan sanh; do hân hoan nên hỷ sanh; do tâm hoan hỷ, thân được khinh an; do thân khinh an, lạc thọ sanh; do lạc thọ, tâm được định tĩnh. Tỷ-kheo ly dục, ly ác pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.
- Này Ðại vương, như một người hầu tắm lão luyện hay đệ tử người hầu tắm. Sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước, cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, nhào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này Ðại vương, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân hình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.
2. Nhị thiền – Dutiya Jhāna:
- Lại nữa, này Ðại vương, Tỷ-kheo ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm Tỷ-kheo ấy thấm nhuần, tẩm ướt làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.
- Này Ðại vương, ví như một hồ nước, nước tự trong dâng lên, phương Ðông không có lỗ nước chảy ra, phương Tây không có lỗ nước chảy ra, phương Bắc không có lỗ nước chảy ra, phương Nam không có lỗ nước chảy ra, và thỉnh thoảng trời lại mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nước ấy phun ra thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy hồ nước ấy, với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh thấm nhuần. Cũng vậy, này Ðại vương, Tỷ-kheo thấm nhuần tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân, không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.
3. Tam thiền – Tatiya Jhāna:
- Lại nữa, này Ðại vương, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “Xả niệm lạc trú”, chứng và an trú thiền thứ ba. Tỷkheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân, không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.
- Này Ðại vương, ví như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, có những sen xanh, sen hồng hay sen trắng. Những bông sen ấy sanh trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần tẩm ướt, đầy tràn thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần. Cũng vậy, này Ðại vương Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.
4. Tứ thiền – Catuttha Jhāna:
- Lại nữa, này Ðại vương, Tỷ-kheo, xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú vào thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Tỷ-kheo ấy thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.
- Này Ðại vương, ví như một người ngồi, dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy che thấu. Cũng vậy, này Ðại vương, Tỷ-kheo thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh, trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.
c.2) 4 tầng thiền định vô sắc giới: (133)
1. Ở đây, này Udāyi, Tỷ-kheo vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng, Tỷ-kheo nghĩ rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ.
2. Ở đây, này Udāyi, Tỷ-kheo vượt lên mọi Hư không vô biên xứ, nghĩ rằng: “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ.
3. Ở đây, này Udāyi, Tỷ-kheo vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: “Không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ.
4. Ở đây, này Udāyi, Tỷ-kheo vượt lên mọi Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
d) Bát thiền hiệp thế cần phải bỏ đi, cần phải vượt qua?
1. Ở đây, này Udāyi, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất. Thiền này, này Udāyi, Ta nói rằng ở trong tình trạng dao động. Và ở đây, cái gì dao động? Ở đây, chính là tầm tứ chưa đoạn diệt, chính tầm tứ này ở trong tình trạng dao động.
==> Khi chứng được sơ thiền, dục và ác pháp được tịnh chỉ nhưng tầm – tứ vẫn còn.
2. Ở đây, này Udāyi, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ … chứng và trú Thiền thứ hai. Các Thiền này, này Udāyi, Ta nói rằng ở trong tình trạng dao động. Và ở đây, cái gì dao động? Ở đây chính là hỷ lạc chưa được đoạn diệt, chính hỷ lạc này ở trong tình trạng dao động.
==> Khi chứng được nhị thiền, tầm – tứ được đoạn diệt.
3. Ở đây, này Udāyi, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả … chứng và trú Thiền thứ ba. Thiền này, này Udāyi, Ta nói ở trong tình trạng dao động. Và ở đây, cái gì dao động? Ở đây, chính là xả lạc chưa được đoạn diệt, chính xả lạc này ở trong tình trạng dao động.
==> Khi chứng được tam thiền, hỷ được đoạn diệt.
4. Ở đây, này Udāyi, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ … chứng và trú Thiền thứ tư. Thiền này, này Udāyi, Ta nói là không ở trong tình trạng dao động.
==> Khi chứng được tứ thiền, khổ - lạc được đoạn diệt; chứng được tứ thiền vị Tỷ-kheo không còn dao động vì khổ và lạc.
5. Ở đây, này Udāyi, Tỷ-kheo vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng, Tỷ-kheo nghĩ rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ. Ðây là điều vị ấy cần phải vượt qua. Thiền này, này Udāyi, Ta nói: “Chưa được hoàn toàn”, Ta nói: “Hãy từ bỏ đi”, Ta nói: “Hãy vượt qua đi”. Và này Udāyi, vị ấy cần vượt qua cái gì?
6. Ở đây, này Udāyi, Tỷ-kheo vượt lên mọi Hư không vô biên xứ, nghĩ rằng: “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ. Ðây là điều vị ấy cần phải vượt qua. Thiền này, này Udāyi, Ta nói: “Chưa được hoàn toàn”, Ta nói: “Hãy từ bỏ đi”, Ta nói: “Hãy vượt qua đi”. Và này Udāyi, vị ấy cần vượt qua cái gì?
7. Ở đây, này Udāyi, Tỷ-kheo vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: “Không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Ðây là điều vị ấy cần phải vượt qua, Thiền này, này Udāyi, Ta nói: “Chưa được hoàn toàn”, Ta nói: “Hãy từ bỏ đi”, Ta nói: “Hãy vượt qua đi”. Và này Udāyi, vị ấy cần vượt qua cái gì?
8. Ở đây, này Udāyi, Tỷ-kheo vượt lên mọi Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ðây là điều vị ấy cần phải vượt qua. Thiền này, này Udāyi, Ta nói:
“Chưa được hoàn toàn”, Ta nói: “Hãy từ bỏ đi”, Ta nói: “Hãy vượt qua đi” . (134)
e) Diệt thọ tưởng định?
− Chứng đắc Diệt Thọ Tưởng Định?
“Ở đây, này Udāyi, Tỷ-kheo vượt lên mọi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng. Ðây là điều vị ấy cần phải vượt qua. Chính vì định này, này Udāyi, mà Ta nói sự đoạn diệt của Phi tưởng phi phi tưởng xứ”.(135)
“Tôn giả Sāriputta bảo các Tỷ-kheo:
-- Tỷ-kheo đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ có thể nhập vào một cách hoàn toàn và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định; sự kiện này có thể xảy ra. Nếu ngay trong hiện tại, vị ấy không đạt được chánh trí, thời vị ấy chắc chắn vượt khỏi cộng trú với chư Thiên, ăn các món ăn đoàn thực, được sanh với thân do ý làm ra, (với điều kiện) vị ấy có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định; sự kiện này có xảy ra”. (136)
− Tôn giả Kāmabhu giảng về diệt thọ tưởng định: (137)
-- Như thế nào, bạch Thượng tọa, là chứng Diệt thọ tưởng định?
-- Này Gia chủ, Tỷ-kheo chứng đạt Diệt thọ tưởng định không có nghĩ rằng: “Tôi sẽ chứng đạt Diệt thọ tưởng định”, hay: “Tôi đang chứng đạt Diệt thọ tưởng định”, hay: “Tôi đã chứng đạt Diệt thọ tưởng định”. Do tâm vị ấy trước đã được tu tập như vậy, nên đưa đến thành tựu như thật như vậy.
-- Lành thay … … hỏi thêm câu nữa:
-- Tỷ-kheo chứng đạt Diệt thọ tưởng định, bạch Thượng tọa, những pháp nào được đoạn diệt trước, thân hành, hay khẩu hành, hay ý hành?
-- Tỷ-kheo chứng đạt Diệt thọ tưởng định, này Gia chủ, khẩu hành được diệt trước, thứ đến thân hành, rồi đến ý hành.
-- Lành thay …
… hỏi thêm câu hỏi nữa:
-- Bạch Thượng tọa, người đã chết, đã mệnh chung, và Tỷ-kheo chứng đạt Diệt thọ tưởng định, giữa những người này có những sai khác gì?
-- Ðối với người đã chết, đã mệnh chung, này Gia chủ, thân hành người ấy được đoạn diệt, được khinh an; khẩu hành được đoạn diệt, được khinh an; ý hành được đoạn diệt, được khinh an, thọ mạng được đoạn tận; sức nóng được tịnh chỉ; các căn bị hủy hoại. Còn Tỷ-kheo đã chứng đạt Diệt thọ tưởng định, này Gia chủ, thân hành được đoạn diệt, khinh an; khẩu hành được đoạn diệt, khinh an; ý hành được đoạn diệt, khinh an; thọ mạng không bị đoạn tận; sức nóng không bị tịnh chỉ; các căn được trong sáng. Này Gia chủ, người đã chết, đã mệnh chung và Tỷ-kheo chứng đạt Diệt thọ tưởng định, giữa những người này có những sai khác như vậy.
-- Lành thay …
… hỏi thêm câu hỏi nữa.
-- Như thế nào, bạch Thượng tọa, là ra khỏi Diệt thọ tưởng định?
-- Này Gia chủ, Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định không có suy nghĩ: “Tôi sẽ ra khỏi Diệt thọ tưởng định”, hay: “Tôi đang ra khỏi Diệt thọ tưởng định”, hay: “Tôi đã ra khỏi Diệt thọ tưởng định”. Do tâm vị ấy trước đã được tu tập như vậy, nên đưa đến thành tựu như thật như vậy.
-- Lành thay, bạch Thượng tọa … … hỏi thêm câu hỏi nữa:
-- Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định, bạch Thượng tọa, pháp nào khởi lên trước, thân hành, khẩu hành, hay ý hành?
-- Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định, này Gia chủ, ý hành khởi lên trước, rồi đến thân hành, rồi đến khẩu hành. -- Lành thay, bạch Thượng tọa … … hỏi thêm câu hỏi nữa:
-- Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định, bạch Thượng tọa, cảm giác được bao nhiêu xúc?
-- Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định cảm thọ được ba xúc: không xúc, vô tướng xúc, vô nguyện xúc.
-- Lành thay, bạch Thượng tọa.
Gia chủ Citta hoan hỷ, tín thọ … và hỏi thêm câu hỏi nữa:
-- Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định, bạch Thượng tọa, tâm thiên về đâu, hướng về đâu, nghiêng về đâu?
-- Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định, này Gia chủ, tâm vị ấy thiên về viễn ly, hướng về viễn ly, nghiêng về viễn ly.
-- Lành thay, bạch Thượng tọa.
Gia chủ Citta hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Kàmabhù nói rồi hỏi thêm câu hỏi nữa:
-- Bạch Thượng tọa, có bao nhiêu pháp giúp đỡ nhiều cho sự chứng đắc Diệt thọ tưởng định?
-- Thật sự, này Gia chủ, điều Gia chủ cần phải hỏi trước, Gia chủ lại hỏi sau. Tuy vậy, ta sẽ trả lời cho Gia chủ. Này Gia chủ, có hai pháp giúp đỡ rất nhiều cho Diệt thọ tưởng định được chứng đắc. Ðó là Chỉ và Quán.
-- Tôn giả Kotthita hỏi và Tôn giả Sāriputta đáp về các chi phần giác ngộ, tôn giả Sāriputta giảng về Diệt Thọ Tưởng Định: (138)
“—Này Hiền giả, có sự sai khác gì giữa vật chết, mạng chung này với vị Tỷ-kheo thành tựu Diệt thọ tưởng định?
—Này Hiền giả, vật chết, mạng chung này, thân hành của nó chấm dứt, dừng lại, khẩu hành chấm dứt, dừng lại, tâm hành chấm dứt, dừng lại, tuổi thọ diệt tận, hơi nóng tiêu diệt, các căn bị bại hoại. Còn vị Tỷ-kheo thành tựu Diệt thọ tưởng định, thì thân hành của vị này được chấm dứt, được dừng lại, khẩu hành được chấm dứt, được dừng lại, tâm hành được chấm dứt, được dừng lại, nhưng tuổi thọ không diệt tận, hơi nóng không tiêu diệt, các căn được sáng suốt. Này Hiền giả, như vậy là sự sai khác giữa vật chết, mạng chung này với vị Tỷ-kheo thành tựu Diệt thọ tưởng định”.
− Tỷ-kheo-ni Dhammadinnā – đệ nhất thuyết pháp giảng cho nam cư sĩ Visakha – chồng cũ của bà về Diệt Thọ Tưởng Định: (139)
“—Thưa Ni sư, như thế nào là chứng nhập Diệt thọ tưởng định?
—Hiền giả Visākha, Tỷ-kheo chứng nhập Diệt thọ tưởng định, vị ấy không nghĩ rằng: “Tôi sẽ chứng nhập Diệt thọ tưởng định”, hay “Tôi đang chứng nhập Diệt thọ tưởng định” hay “Tôi đã chứng nhập Diệt thọ tưởng định”. Vì rằng, tâm của vị này trước đã được tu tập như vậy nên đưa đến trạng thái như vậy.
—Thưa Ni sư, Tỷ-kheo chứng nhập Diệt thọ tưởng định, những pháp gì diệt trước, thân hành, hay khẩu hành, hay tâm hành?
—Hiền giả Visākha, vị Tỷ-kheo chứng nhập Diệt thọ tưởng định, khẩu hành diệt trước, rồi đến thân hành, rồi đến tâm hành.
—Thưa Ni sư, làm thế nào xuất khởi Diệt thọ tưởng định?
—Hiền giả Visākha, vị Tỷ-kheo xuất khởi Diệt thọ tưởng định, không có nghĩ rằng: “Tôi sẽ xuất khởi Diệt thọ tưởng định”, hay “Tôi đang xuất khởi Diệt thọ tưởng định”, hay “Tôi đã xuất khởi Diệt thọ tưởng định”. Vì rằng tâm của vị này trước đã tu tập như vậy nên đưa đến trạng thái như vậy.
—Thưa Ni sư, Tỷ-kheo xuất khởi Diệt thọ tưởng định, những pháp nào khởi lên trước, thân hành, hay khẩu hành hay tâm hành?
—Hiền giả Visākha, Tỷ-kheo xuất khởi Diệt thọ tưởng định, tâm hành khởi lên trước nhất, rồi đến thân hành, rồi đến khẩu hành.
—Thưa Ni sư, khi Tỷ-kheo xuất khởi Diệt thọ tưởng định, vị ấy cảm giác những xúc nào?
—Hiền giả Visākha, khi Tỷ-kheo xuất khởi Diệt thọ tưởng định, vị ấy cảm giác ba loại xúc: không xúc, vô tướng xúc, vô nguyện xúc.
—Thưa Ni sư, khi Tỷ-kheo xuất khởi Diệt thọ tưởng định, tâm của vị ấy thiên về gì, hướng về gì, khuynh hướng về gì?
—Hiền giả Visākha, khi Tỷ-kheo xuất khởi Diệt thọ tưởng định, tâm của vị ấy thiên về độc cư, hướng về độc cư, khuynh hướng về độc cư”.
f) Sự đoạn diệt tuần tự của các hành:
“Nhưng này Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự đoạn diệt các hành là tuần tự: (140)
1. Khi chứng được Thiền thứ nhứt, lời nói được đoạn diệt.
2. Khi chứng Thiền thứ hai, tầm tứ được đoạn diệt;
3. Khi chứng Thiền thứ ba, hỷ được đoạn diệt;
4. Khi chứng Thiền thứ tư, hơi thở vô, hơi thở ra được đoạn diệt;
5. Khi chứng Không vô biên xứ, sắc tưởng được đoạn diệt;
6. Khi chứng Thức vô biên xứ, Không vô biên xứ tưởng được đoạn diệt;
7. Khi chứng Vô sở hữu xứ, Thức vô biên xứ tưởng được đoạn diệt;
8. Khi chứng Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Vô sở hữu xứ tưởng được đoạn diệt;
9. Khi chứng Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ được đoạn diệt.
10. Ðối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tham được đoạn diệt, sân được đoạn diệt, si được đoạn diệt”.
g) Thọ sanh của những vị chứng được các tầng Thiền Định:
g.1) Hạng người chứng được tứ thiền sắc giới: (141)
1. Thiền thứ nhất: “Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ly dục, ly pháp bất thiện, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy, ái luyến Thiền ấy và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với Thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Phạm chúng thiên. Một kiếp, này các Tỷ kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư Thiên ở Phạm chúng Thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, đi đến địa ngục, đi đến bàng sanh, đi đến ngạ quỷ. Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy.
2. Thiền thứ hai: Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy ... được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi Quang âm Thiên. Hai kiếp này, này các Tỷ-kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư Thiên ở Quang âm thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú ... như trên.
3. Thiền tứ ba: Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba, vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy ... được sanh cộng trú với chư Thiên ở Biến tịnh Thiên. Bốn kiếp, này các Tỷ-kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư Thiên ở Biến tịnh Thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú ... như trên.
4. Thiền thứ tư: Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy, ái luyến Thiền ấy và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với Thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Quảng quả Thiên. Năm kiếp, này các Tỷ-kheo, là tuổi thọ vô lượng các chư Thiên ở Quảng quả Thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên, đi đến địa ngục, đi đến bàng sanh, đi đến ngạ quỷ. Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy.
g.2) Hạng người chứng được tứ thiền sắc giới + tùy quán vô thường – khổ não – vô ngã trong chúng:
1. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ly dục, ly ác pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất. Ở đây, về các pháp thuộc sắc, thuộc thọ, thuộc tưởng, thuộc hành, thuộc thức, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là ung nhọt, là mũi tên, là bất hạnh, là bệnh hoạn, là hướng ngoại, là hoại diệt, là trống không, là vô ngã. Vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung được sanh cộng trú với chư Thiên ở Tịnh cư Thiên. Sự sanh khởi này, này các Tỷ-kheo, không có chung cùng với các hàng phàm phu.
2. Thiền thứ hai …
3. Thiền thứ ba …
4. Thiền thứ tư … 3 tầng thiền còn lại giống với thiền thứ nhất… các vị này mệnh chung cũng được sanh cộng trú với Phạm thiên ở Tịnh Cư Thiên, không có chung cùng với các hạng phàm phu.
g.3) Hạng người tu tập viên mãn Tứ Vô Lượng Tâm và chứng thiền:
1. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người với tâm, cùng khởi với từ, biến mãn một phương rồi an trú; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư, như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới. Vị ấy an trú biến mãn với tâm cùng khởi với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy, ái luyến Thiền ấy và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với Thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi Phạm chúng Thiên. Một kiếp, này các Tỷ kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư Thiên ở cõi Phạm chúng Thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, đi đến địa ngục, đi đến bàng sanh, đi đến ngạ quỷ. Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết vẹn tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy.
2. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người với tâm cùng khởi với bi ... khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi Quang âm Thiên. Hai kiếp, này các Tỷ-kheo, là thọ mạng của các chư Thiên ở Quang âm Thiên ... Tương tự như vậy … kẻ phàm phu hết tuổi thọ đi đến địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh… đệ tử của Như Lai … nhập Niết Bàn trong hiện hữu ấy.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người với tâm cùng khởi với hỷ … được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi Biến tịnh Thiên. Bốn kiếp, này các Tỷ kheo là thọ mạng của chư Thiên ở cõi Biến Tịnh Thiên ... như trên.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người với tâm cùng khởi với xả … được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi Quảng quả Thiên. Năm kiếp, này các Tỷ-kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư Thiên ở cõi Quảng quả Thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ của chư Thiên ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, đi đến địa ngục, đi đến bàng sanh, đi đến ngạ quỷ. Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy.
g.4) Hạng người tu tập Tứ Vô Lượng Tâm và chứng thiền + tùy quán vô thường – khổ - vô ngã trong các hành đấy:
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người với tâm cùng khởi với từ ... (như kinh 125) không hận, không sân. ... là vô ngã. Vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Tịnh cư Thiên. Này các Tỷ-kheo, sự sanh khởi này, không có chung cùng các hàng phàm phu”.
3) Tuệ - Paññā:
a) Tuệ uẩn trong Kinh:
“Chánh tri kiến và chánh tư duy, những pháp này được thâu nhiếp trong tuệ uẩn”. (142)
b) Tuệ uẩn đưa đến sự thành tựu các thiện pháp và đoạn tận hoàn toàn lậu hoặc: (143)
“Khi mặt trời mọc, này các Tỷ-kheo, cái này là đi trước, cái này là tướng báo trước, tức là rạng đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với các thiện pháp, cái này là đi trước, cái này là tướng trước, tức là chánh tri kiến.
Từ chánh tri kiến, này các Tỷ-kheo, có chánh tư duy. Từ chánh tư duy, có chánh ngữ. Từ chánh ngữ, có chánh nghiệp. Từ chánh nghiệp, có chánh mạng. Từ chánh mạng, có chánh tinh tấn. Từ chánh tinh tấn, có chánh niệm. Từ chánh niệm, có chánh định. Từ chánh định, có chánh trí. Từ chánh trí, có chánh giải thoát”.
c) 7 giai đoạn thanh tịnh của trí tuệ:
− Tôn giả Puñña Mantāniputta giảng cho tôn giả Sāriputta về 7 giai đoạn thanh tịnh của trí tuệ: (144)
1. Sīlavisuddhi – Giới Thanh Tịnh:
+ Là tứ thanh tịnh giới (những hành động, nói năng, biểu hiện qua thân, khẩu không có hại mình hại người).
+ Không còn giới cấm thủ, thấy được sự trong sạch của giới.
2. Cittavisuddhi – Tâm Thanh Tịnh:
Loại bỏ ảo tưởng, dính mắc, tán loạn, dứt trừ sạch sẽ 5 triền cái.
3. Diṭṭhivisuddhi – Kiến Thanh Tịnh:
+ Thấy như thật, đoạn tận hoàn toàn thân kiến, khi tâm trong sáng thì phản ánh trung thực mọi pháp.
+ Sau giai đoạn này, hành giả phát triển được Nāmarūpaparicchedañāṇa – tuệ phân tách danh sắc [1].
4. Kaṅkhāvitaraṇavisuddhi – Đoạn Nghi Thanh Tịnh:
+ Thấy được thực tánh pháp, không phải thấy do ảo tưởng nên không còn hoài nghi.
+ Sau giai đoạn này, hành giả phát triển được Paccayapariggahañāṇa - Tuệ Nắm Bắt Duyên Khởi [2].
5. Maggāmaggañāṇadassanavisuddhi – Đạo Phi Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh:
+ Biết rõ cái gì là đạo, cái gì là trở ngại của đạo (Ví dụ các ấn chứng thiền định).
+ Sau giai đoạn này, hành giả phát triển được:
- Sammasanañaṇa - Tuệ Thẩm Sát Tam Tướng [3]
- Udayabbayañāṇa - Sanh Diệt Tuệ [4]
6. Paṭipadāñāṇadassanavisuddhi – Đạo Tri Kiến Tịnh:
+ Sử dụng được đạo thánh đế trong mọi hoàn cảnh. + Sau giai đoạn này, hành giả phát triển được:
- Bhangañāṇa - Hoại Diệt Tuệ [4]
- Bhayatupaṭṭhānañāṇa - Kinh Úy Tuệ [6]
- Ādīnavānupassanāñāṇa - Quá Hoạn Tuệ [7]
- Nibbidānupassanāñāṇa - Yếm Ly Tuệ [8]
- Muñcitukamyatāñāṇa - Dục Thoát Tuệ [9]
- Paṭisankhānupassanāñāṇa - Giản Trạch Tuệ [10]
- Sankhārupekkhāñāṇa - Xả Hành Tuệ [11]
- Anulomañāṇa - Thuận Thứ Tuệ [12]
- Gotrabhūñāṇa - Tuệ Chuyển Tộc [13]
7. Ñāṇadassanavisuddhi – Tri Kiến Thanh Tịnh: (145)
+ Trong thấy chỉ có thấy, không có bản ngã trong đó ... nghe ... ngửi ... nếm ... xúc... Đây chỉ là tướng biết thanh tịnh, vẫn chưa là cứu cánh của phạm hạnh.
+ Sau giai đoạn này, hành giả phát triển được:
- Magga-ñāṇa - Ðạo Tuệ [14]
- Phalañāṇa - Quả Tuệ [15]
- Paccavekkhanañāṇa – Phản Kháng Tuệ [16]
d) Giảng giải chi tiết về 16 tầng tuệ minh sát: (146)
1. Nāmarūpaparicchedañāṇa - Tuệ Phân Biệt Danh - Sắc
+ Ðây là tuệ, nhờ đó, hành giả nhận ra thực tánh pháp trong sát-na hiện tại (sabhāva dhamma). Sabhāva là thực tánh của Danh (nāma) và Sắc (rūpa).
+ Tuệ này làm thay đổi tà kiến cho rằng nāma - rūpa là "ta".
+ Người muốn đạt được Tuệ phân biệt Danh - Sắc nầy phải tuân thủ tuyệt đối pháp hành Tứ Niệm Xứ như đã được Ðức Phật trình bày trong Kinh Mahāsatipaṭṭhāna (Ðại Niệm Xứ).
+ Tuệ này được gọi là Diṭṭhivisuddhi - Kiến tịnh, bởi vì vào sát-na chứng ngộ sẽ không có phiền não. Tuy nhiên, chánh kiến này vẫn chưa nhận rõ tam tướng (vô thường, khổ, vô ngã), cần phải thực hành thêm để đạt đến đó.
+ Từ đây về sau, vị ấy biết, "ta không ngồi mà là sắc ngồi", "ta không thấy mà là danh thấy", v.v... Hơn nữa, vị ấy còn biết tất cả các chúng sanh mà vị ấy thấy chỉ là Danh và Sắc. Như vậy, kể từ tuệ thứ nhất này, Danh và Sắc trở thành "Thầy" của hành giả.
2. Paccayapariggahañāṇa - Tuệ Nắm Bắt Duyên Khởi:
+ Giai đoạn tuệ này, hành giả thấy được cả danh và sắc cùng hiện hữu do nhân và chúng làm duyên cho nhau.
+ Muốn cho danh hoạt động, phải có sắc ý căn, căn môn và đối tượng (pháp trần). Ngược lại, sắc tuỳ thuộc vào danh để hoạt động - như đi đứng, di chuyển, v.v... Khi hành giả nhận ra Danh - Sắc trong sát-na hiện tại do nhân duyên mà có, và chúng tuỳ thuộc lẫn nhau như vậy, hành giả biết rằng, danh sắc ấy không phải do Thượng đế hay một quyền năng siêu nhiên nào tạo ra.
+ Danh và sắc trong hiện tại thực sự được tạo ra từ những nhân quá khứ như vô minh (avijjā), tham ái (taṇhā), thủ (upadāna), nghiệp (kamma). Và trong hiện tại, chúng cần thức ăn để tiếp tục sống.
+ Trong Thất Tịnh (Bảy bước thanh tịnh), Tuệ thứ hai này được gọi là Kankhāvitaraṇa visuddhi - Ðoạn nghi thanh tịnh, hay Thoát ly hoài nghi thanh tịnh.
+ Ở Tuệ này, hành giả cảm thấy thoải mái, bởi vì chắc chắn hành giả sẽ được tái sanh vào thiện thú (sugati) sau khi chết. Người chứng được Tuệ này được gọi là Tiểu Nhập Lưu (Culla Sotapanna).
3. Sammasanañaṇa - Tuệ Thẩm Sát Tam Tướng:
+ Nếu hành giả tiếp tục tiến hành để thấy danh sắc thường xuyên trong sát-na hiện tại, chẳng bao lâu, hành giả sẽ thấy sự diệt của Danh - Sắc. Tuy nhiên, trí tuệ này vẫn chưa đủ mạnh để thấy sự tách bạch của tính tương tục (santati).
+ Chẳng hạn, khi đang ngồi, và chuyển sang đứng, hành giả sẽ thấy sự diệt ở oai nghi cũ (ngồi). Song khi hành giả đang ngồi trong sát-na hiện tại, hành giả không thấy được sự sanh và diệt của nó bởi vì trí tuệ vẫn chưa đủ mạnh.
+ Tuy nhiên, hành giả vẫn có thể nhận ra ba đặc tính (tam tướng: vô thường, khổ, vô ngã) trong Danh và Sắc. Ðây vẫn chưa phải là sát-na hiện tại thực sự mà chỉ phát sanh ở tuệ thứ tư.
+ Visuḍḍhi Magga (Thanh Tịnh Ðạo) gọi giai đoạn này là Tīraṇapariññaṇa - Thẩm Ðạt Tri.
+ Còn trong Thất Tịnh thì định danh tuệ này là Maggāmaggañāṇadassanavisuḍḍhi - Ðạo Phi Ðạo Tri Kiến Tịnh. Như vậy, tuệ này đã đưa hành giả vào con đường chân chánh, nghĩa là, đến được tuệ kế tiếp.
4. Udayabbayañāṇa - Sanh Diệt Tuệ:
+ Ðây là trí tuệ nhận ra sự sanh và diệt của Danh - Sắc, và tính tương tục - santati (ảo tưởng về một sự liên tục của thân tâm) - giờ đây được thấy như là những trạng thái của Danh và Sắc, chúng thực sự tách biệt trong sát-na hiện tại của sự minh sát (vipassanā).
+ Ở giai đoạn Tuệ này, hành giả thấy Danh và Sắc sanh diệt cùng một lần.
+ Hành giả thấy cả hai (nāma và rūpa) sanh và diệt cùng nhau. Tuệ này cho phép hành giả thấy rõ tam tướng trong Danh - Sắc, và nó có thể tẩy trừ phiền não ngủ ngầm trong tâm (nāma), đó là ái (taṇhā), ngã mạn (ảo tưởng về tự ngã), kiến (diṭṭhi), và các điên đảo tưởng (vipallāsa).
+ Sanh Diệt Tuệ còn cho hành giả biết là mình có đang theo đúng đạo lộ hay không. Nếu đạo lộ chân chánh, nó sẽ dẫn đến Niết bàn. Trí hiểu biết về chánh đạo này gọi là tuệ minh sát. Nếu đạo lộ không đúng thì đó là những phiền não của tuệ - có mười tuỳ phiền não loại này, từ Pāli gọi là Vipassanūpakkilesa.” (147)
+ Nếu các tuỳ phiền não (148) có mặt, điều đó có nghĩa sự thanh tịnh của hành giả không đủ để phát hiện ra chúng, bởi vì phiền não (kilesa) (149) rất sâu kín và trí tuệ yếu thì khó có thể khám phá ra nó. Phiền não phát sanh ở đây là do có quá nhiều định, chính định này kéo hành giả ra khỏi tuệ minh sát, làm cho hành giả lầm chấp vào những hiện tượng khác mà cứ ngỡ đó là Niết bàn.
+ Ðạo tri kiến tịnh (Paṭipadāñāṇadas-sanavisuḍḍhi) hay Thanh tịnh tri kiến liên quan đến đạo lộ chân chánh. Ðạo tri kiến tịnh này nảy sanh trong Tuệ thứ tư, nếu như pháp hành đúng.
+ Sở dĩ tuệ này được gọi là Ðạo tri kiến tịnh vì đó là con đường đúng đắn không lẫn phiền não, tham ái và si mê. Cả ba đặc tánh hay Tam tướng đều được thấy rõ trong tuệ sanh diệt này, vì thế nó rất là quan trọng.
+ Khi hành giả loại trừ được các tuỳ phiền não, không mấy chốc, hành giả sẽ thấy sự sanh và diệt của Danh và Sắc thật rõ ràng.
+ Trong Thất Tịnh thì Tuệ thứ tư này cho đến Tuệ thứ mười một (Anuloma: Thuận Thứ Tuệ) được gọi là Paṭipadāñāṇadassanavisuḍḍhi - Ðạo Tri Kiến Tịnh.
5. Bhangañāṇa - Hoại Diệt Tuệ:
+ Tuệ nầy là tuệ chỉ thấy khía cạnh diệt của Danh và Sắc.
+ Hành giả thấy sự phân tán của năm uẩn cả bên trong (tâm) lẫn bên ngoài (đối tượng). Chẳng hạn, hành giả thấy sắc ngồi diệt và cũng thấy luôn danh biết sắc ngồi diệt nữa.
Hiện tượng này, điều mà hành giả chưa từng thấy trước đây, tạo ra một cảm giác kinh hoàng và sợ hãi nơi hành giả.
+ Tuệ này đủ mạnh để nhổ bật gốc si mê (moha) với tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác.
+ Cảm giác về sự diệt mạnh đến nỗi hành giả chỉ tập trung vào đó mà không chú ý đến khía cạnh sanh (của Danh và Sắc).
+ Tuệ thấy sự hoại diệt của Danh - Sắc này có một ảnh hưởng đáng sợ trên hành giả bởi vì hành giả nhận ra rằng, các pháp trên thế gian này là không có thực thể, chúng có đó rồi lại không.
+ Khi đạt được Hoại Diệt Tuệ này, hành giả sẽ tiêu diệt được điên đảo tưởng (vipallāsa) - tưởng rằng thân và tâm này là thường (nicca - vipallāsa). Khi đắc Tuệ này, hành giả cũng sẽ cảm nhận được rằng đâu là pháp hành đúng, và không muốn hành những pháp hành bất chánh khác nữa.
+ Tuệ này là bước đầu tiên của sự trừ diệt phiền não (tức mở đầu của giai đoạn Pahānapariññā - Trừ Ðạt Tri - từ Tuệ thứ 5 cho đến Tuệ 14 (Ðạo Tuệ, Maggañāṇa). Các phiền não mà hành giả đã từng đa mang qua bao cuộc du hành trong vòng sanh tử luân hồi (samsāra vatta) giờ đây bắt đầu bị bứng gốc.
6. Bhayatupaṭṭhānañāṇa - Kinh Úy Tuệ:
+ Ở Tuệ này, trí tuệ nhận ra rằng Danh - Sắc quả thật là nguy hại. Ở Tuệ trước, hành giả đã nhận ra khía cạnh tan hoại của nó, cảm giác được tính không thực thể của Danh - Sắc, chúng sanh và diệt quá nhanh. Chính điều này khiến hành giả kinh hoàng và sợ hãi.
+ Hành giả không phải chỉ thấy không có lạc ở danh sắc hiện tại mà ngay cả tái sanh vào bất kỳ một sanh hữu nào trong tương lai cũng là điều đáng sợ, như nó đã từng trong quá khứ vậy.
+ Tuệ thứ sáu này khiến cho tham ái dừng lại, song chưa hoàn toàn tẩy trừ nó. Kinh Úy Tuệ được xem là đối trị của ái (tanhā), mặc dù vậy, nó cũng như xức thuốc lên chỗ ngứa. Khi thuốc tan, thì da ngứa trở lại.
7. Dīnavānupassanāñāṇa - Quá Hoạn Tuệ:
+ Tuệ thấy Danh - Sắc như cội nguồn của hiểm họa và nguy hại.
+ Hành giả tuệ tri danh sắc như là mối hiểm họa, và cảm thấy rằng tốt hơn hết là không có Danh - Sắc.
+ Trí tuệ ở Tuệ này là đối trị của tham ái, nó làm cho tham ái khó bề hoạt động. Nói chung, tham ái lúc này không có chỗ trú ngụ trong các cảm thọ vì toàn thế gian (năm uẩn) lúc này được thấy như mối hiểm họa, nguy hại và không có lạc.
+ Ở giai đoạn này, hành giả không còn thấy niệm (sati) là thiện, mà đơn thuần chỉ là một điều gì đó mang dấu ấn của tam tướng. Tuy nhiên, niệm vẫn cứ tiếp tục làm nhiệm vụ của nó.
+ Tâm nào sắp đạt đến Niết bàn cũng cần phải tiếp tục thực hành cho đến khi đạt được cảm giác này (tức cảm giác tham ái là kẻ thù). Lúc ấy, tâm sẽ tách ra khỏi vòng luân hồi và đi vào đạo lộ Niết bàn.
+ Tâm phải nhận ra khổ (dukkha), và tuệ chứng tri khổ này sẽ đưa hành giả đến Niết bàn.
+ Niết bàn không thể chứng ngộ bằng tâm định (samādhi), bởi vì định làm phát sanh điên đảo tưởng cho rằng năm uẩn là lạc (sukhavipallāsa) và hành giả không thể nhận ra sự thực rằng Danh - Sắc là hiểm họa.
8. Nibbidānupassanāñāṇa - Yếm Ly Tuệ
+ Một cảm giác yếm ly hay nhàm chán khởi lên đối với Danh - Sắc (năm uẩn).
+ Trong sự nhàm chán này, không có tâm sân, mà chỉ có trí tuệ. Từ đó dẫn hành giả đến ước vọng không muốn tái sanh lại nữa, dù trong bất kỳ sanh hữu nào.
+ Tuệ Yếm Ly này xuất phát từ việc thoát ly khỏi tham ái. Nếu sự thoát ly tham ái được hoàn tất, nó được gọi là Virāga (ly tham). Từ ly tham, dẫn đến giải thoát (vimutti). Giải thoát dẫn đến Niết bàn.
+ Hành giả đạt đến Yếm Ly Tuệ ít nhất cũng chứng tri một trong ba đặc tánh của Tam Tướng. Nếu trong sự yếm ly ấy cảm thấy có sân (dosa) thì đó không phải là Nibbidā ñāṇa (Yếm Ly Tuệ), bởi vì loại yếm ly này không thể thấy ba đặc tánh vậy.
9. Muñcitukamyatāñāṇa - Dục Thoát Tuệ:
+ Giờ đây hành giả ước muốn mãnh liệt - giải thoát khỏi Danh - Sắc (Dục Thoát Tuệ). Cũng như người bị nhốt trong tù, lúc nào cũng mong thoát khỏi chỗ đó vậy.
+ Kinh Uý Tuệ (6) dẫn đến Quá Hoạn Tuệ (7), Quá Hoạn Tuệ dẫn đến Yếm Ly Tuệ (8). Từ Tuệ thứ (9) (Dục Thoát Tuệ) này sẽ dẫn lối vào Niết bàn.
10. Paṭisankhānupassanāñāṇa - Giản Trạch Tuệ:
+ Nguyên nhân làm phát sanh ước muốn giải thoát là từ Tuệ thứ bảy, thứ tám và thứ chín. Cả ba Tuệ hợp lại tạo ra một tuệ giác rất mạnh và trong sáng.
+ Chính trí tuệ này ước muốn đoạn trừ phiền não và cố gắng tìm phương cách giải thoát: con đường đi đến chỗ đoạn tận vòng luân hồi (samsāravata) - mà dường như cái vòng này là bất tận.
+ Ở Tuệ này, hành giả thấy tam tướng thường xuyên hơn ở các Tuệ trước. Khi đã thấy rằng Danh - Sắc là vô thường, khổ, vô ngã, ước muốn đoạn tận khổ sẽ khởi lên mạnh mẽ hơn.
11. Sankhārupekkhāñāṇa - Xả Hành Tuệ:
+ Trí tuệ này khiến tâm thản nhiên đối với Danh - Sắc, kết hợp với tâm yếm ly.
+ Hành Xả Tuệ, được phát triển từ Tuệ trước, có năng lực rất mạnh và chính nó thấy rõ được rằng Năm Uẩn (Sankhāra) là vô ngã - không phải đàn ông, đàn bà, người hay thú gì cả - và cũng thấy rằng sự sống đang rút ngắn lại, không sớm thì muộn con người cũng phải chết, hoàn toàn không có lạc trong Danh - Sắc.
+ Khi tâm với trí tuệ nhận ra Danh - Sắc là Không (Suññata), nó không còn quan tâm đến Danh - Sắc nữa, mà chỉ thấy thế gian là rỗng không.
+ Bởi lẽ đó mới gọi là tâm có xả - không ghét cũng không ưa đối với Danh và Sắc, mà thản nhiên với sự yếm ly.
+ Tuệ ở cấp độ này là trí tuệ minh sát (vipassanā) cao nhất trong hiệp thế. Nó sẽ đưa hành giả đến Tâm Ðạo (Magga Citta) và Tâm Quả (Phala Citta), hành giả sẽ trở thành một vị Thánh (Ariyapuggala).
12. Anulomañāṇa - Thuận Thứ Tuệ:
+ Tuệ này giúp hành giả chứng ngộ Tứ Thánh Ðế vì đó là một loại trí tuệ viên mãn.
+ Trí tuệ này phát xuất từ cấp độ tuệ trước, nhưng tín, tấn, niệm và tuệ mạnh hơn - bởi vì nó đã chứng ngộ Khổ Ðế (Dukkhasacca) và Tập Ðế (Samudayasacca).
+ Nếu nói dưới dạng 37 Pháp Trợ Giác Ngộ (Bodhipakkhiyadhamma), thì Tuệ này viên mãn ở mức Thất Giác Chi (Bojjhanga) bởi vì nó giúp chứng ngộ Tứ Thánh Ðế.
+ Anulomañāṇa (Thuận Thứ Tuệ) là trí tuệ có phận sự đưa một trong tam tướng sang Maggavīthicitta (Thánh Ðạo lộ trình tâm). Sự kiện này xảy ra chỉ trong ba sát-na tâm (cittakhaṇa). Thuận Thứ Tuệ phát xuất từ Xả Hành Tuệ (Tuệ thứ 11) và nó hỗ trợ hay trợ duyên (paccaya) cho Tuệ Chuyển Tộc (Gotrabhūñāṇa) thứ mười ba.
+ Tiến trình chuyển từ Anulomañāṇa sang Gotrabhūñāṇa này diễn ra như sau: Cũng giống như người đu trên một sợi dây vượt qua dòng suối. Việc nắm sợi dây là giai đoạn Parikamma - chuẩn bị. Giai đoạn này chuẩn bị cho hành giả nhập vào Thánh đạo tâm (Maggacitta). Kế tiếp, sợi dây đưa hành giả ra giữa dòng hay Upacāra - Cận Thánh đạo tâm; và Thuận Thứ Tuệ - Anulomañāṇa - sẽ đưa hành giả chạm bờ bên kia. Khi hành giả buông xuống bờ kia, tâm liền ở trong Chuyển Tộc Tuệ - Gotrabhūñāṇa. Lúc này, tâm lấy Niết bàn làm đối tượng.
+ Anulomañāṇa là Tuệ cuối cùng nằm trong lãnh vực hiệp thế - nghĩa là nó còn lấy Danh - Sắc làm đối tượng. Từ Tuệ này trở đi, Niết bàn trở thành đối tượng.
13. Gotrabhūñāṇa - Tuệ Chuyển Tộc:
+ Tuệ này không giống với các Tuệ khác ở chỗ trong khi đối tượng của nó là Niết bàn nhưng tâm vẫn còn là tâm hiệp thế. Mặc dù Danh - Sắc đã được buông bỏ, nhưng nó vẫn chưa hoàn toàn là tâm siêu thế (lokuttaracitta). Ở tuệ trước, cả tâm lẫn đối tượng đều thuộc về hiệp thế (ở các tuệ trước cả tâm và đối tượng đều là hiệp thế còn ở tuệ này thì tâm là hiệp thế nhưng cảnh là Niết Bàn). (150)
+ Trí tuệ của tâm trong Tuệ này sẽ chuyển hoá hành giả từ phàm sang Thánh. Nó là tâm đầu tiên trong vòng luân hồi có Niết bàn là đối tượng. Mặc dù Niết bàn là đối tượng, song Tuệ này vẫn không thể thủ tiêu hoàn toàn mọi phiền não (samuccheda).
4. Magga-ñāṇa - Ðạo Tuệ:
+ Tuệ này lấy Niết bàn làm đối tượng, giống như Tuệ thứ mười ba, song nó hoàn toàn diệt trừ được những phiền não nào nằm trong phận sự của nó và cả tâm lẫn đối tượng đều thuộc siêu thế.
+ Phiền não ở Tuệ này hoàn toàn bị thủ tiêu bởi năng lực của tâm đạo. Ðây là tâm đầu tiên trong bốn Thánh Ðạo Tâm dẫn đến Nhập Lưu Ðạo (Sotapanna). Dù Maggacitta làm phận sự diệt phiền não chỉ trong một sát-na tâm (cittakhaṇa), song nó giảm sự tái sanh trong tương lai chỉ còn tối đa là bảy kiếp nữa mà thôi.
+ Tuệ này còn được gọi là Sammādiṭṭhi (chánh kiến) trong Bát Thánh Ðạo và chánh kiến ở đây tức là chánh tri Tứ Thánh Ðế. Trí tuệ trong đạo tuệ này có thể so sánh với tia chớp trong một cơn bão có sấm sét, bởi nó rất mạnh, rất sáng và rất bất ngờ.
+ Khi Tâm Ðạo phát sanh lần thứ nhất, nó được gọi là Sotāpattimagga (Nhập Lưu Thánh Ðạo), vị hành giả trở thành bậc thánh nhân không còn đọa vào ác đạo nữa. + Tuệ này đã nằm trong tâm thiện siêu thế.
15. Phalañāṇa - Quả Tuệ:
+ Trong Thất Tịnh, Tuệ này là Nñāṇadassana-visudïdïhi, tức Tri Kiến Thanh Tịnh. Khi Tâm Ðạo phát sanh trong Tuệ trước (Ðạo Tuệ) và có Niết bàn là đối tượng, nó hủy diệt hoàn toàn các phiền não, liền đó, ở Tuệ này, tâm quả (phalacitta) khởi lên, hành giả cảm giác một sự an lạc sâu lắng.
+ Khi tâm quả phát sanh, có khi xảy ra trong ba sát-na tâm, có khi chỉ có hai. Hành giả thuộc hạng lợi căn (có trí tuệ nhạy bén), với ba sát-na tâm, bỏ qua sát-na Parikamma (Chuẩn bị) và bắt đầu với Upacāra (Cận thánh đạo tâm), tiếp đến Anuloma (Thuận thứ), Gotrabhū (Chuyển tộc), Magga (Ðạo), và Phala (Quả) ba lần, thay vì hai.
+ Phalacitta là Tâm Quả siêu thế, Lokuttara-vipāka. Nó là kết quả từ tâm đạo, tâm quả sanh lên, rồi diệt - không có phận sự gì cả. Sau khi nó diệt, Niết bàn không còn là đối tượng nữa. Trong Quả Tuệ (Phalañāṇa), hành giả trở thành bậc Thánh lần thứ nhì (lần đầu là ở Ðạo Tuệ - thứ 14). Lúc này, hành giả được gọi là Người-Sơ-Quả (Sotapatti-phala-puggala), và chắc chắn sẽ giải thoát hoàn toàn trong không hơn bảy kiếp tái sanh nữa.
16. Paccavekkhanañāṇa – Phản Khán Tuệ:
+ Ở Tuệ này, hành giả tác ý lại năm pháp mà hành giả đã chứng ngộ trong Tuệ trước.
- Maggañāṇa – Ðạo Tuệ thứ 14.
- Phalañāṇa – Quả Tuệ thứ 15.
- Nibbāna – Niết bàn.
- Các phiền não (kilesa) đã đoạn trừ.
- Các phiền não còn tồn tại.
+ Phản Khán Tuệ này phát xuất từ Quả Tuệ thứ 15, và nó trở về trạng thái hiệp thế. Bởi lẽ Niết bàn không còn là đối tượng nên hành giả trở lại tâm hiệp thế (lokiyacitta).
+ Bậc chứng đắc Tuệ này nếu còn nằm trong ba cấp độ đầu của sự chứng đắc, tức Tu đà hoàn, Tư đà hàm và A na hàm, được gọi là bậc Hữu học (Sekkhapuggala).
+ Nếu là bậc A-la-hán, ở Tuệ này vị ấy chỉ tác ý đến bốn trong năm pháp trên mà thôi, vì bậc A-la-hán không còn phiền não nữa. Tuy nhiên, không phải các bậc Hữu học đã đạt đến giai đoạn Tuệ này đều phải tác ý đến tất cả năm pháp kể trên. Một số vị, do tuệ mạnh, chỉ tác ý ba pháp đầu mà không cần phải phản khán lại các phiền não.
+ Như vậy, Ðạo – Quả Tuệ có thể được so sánh với việc nếm muối, còn phản khán tuệ thì như ngẫm nghĩ lại xem vị muối ấy là như thế nào.
+ Chính vì thế mà Tuệ này không phải là Lokuttaracitta (Tâm siêu thế), mà là Lokiyacitta (Tâm hiệp thế). Mặc dù đó là Tuệ hiệp thế, Thất Tịnh vẫn xếp nó vào Tri Kiến Thanh Tịnh (ñāṇadassanaśvisuḍḍhi), và cũng được xếp dưới phân hạng tuệ siêu thế. Sở dĩ như vậy là vì Tuệ này phát xuất từ Ðạo Tuệ và Quả Tuệ vậy.
e) Thành tựu trí tuệ chứng được Tam Minh:
1. Túc Mạng Minh – Pubbenivāsānussatiñāṇa:
“Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây”. Như vậy Tỷ-kheo nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.
Này Ðại vương, ví như một người đi từ làng mình đến làng khác, từ làng ấy đi đến một làng khác nữa, và từ làng này lại trở về làng của mình. Người ấy nghĩ: “Ta từ làng của mình đi đến làng kia, nơi đây ta đã đứng như thế này, đã ngồi như thế này, đã nói như thế này, đã yên lặng như thế này. Từ nơi làng nọ, ta đã trở về làng của ta…”.
2. Sanh Tử Minh (Thiên Nhãn Minh) – Dibbacakkhuñāṇa:
“Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến trí huệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng: “Này các Hiền giả, những Tôn giả này làm những điều ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Hiền giả, còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng.
Này Ðại vương, ví như một tòa lầu có thượng đài, giữa ngã tư đường, một người có mắt đứng trên ấy, sẽ thấy những người đi vào nhà, đi từ nhà ra, đi qua lại trên đường, ngồi ở giữa ngã tư hay trên đài thượng. Người ấy nghĩ: “Những người này đi vào nhà, những người này đi từ nhà ra, những người này đi qua lại trên đường, những người này ngồi giữa ngã tư, trên đài thượng”. Cũng vậy, này Ðại vương với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh”.
3. Lậu Tận Minh – Āsavakkhayañāṇa:
“Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy biết như thật “đây là khổ”, biết như thật “đây là nguyên nhân của khổ”, biết như thật “đây là khổ diệt”, biết như thật “đây là con đường đưa đến khổ diệt”, biết như thật “đây là những lậu hoặc”, biết như thật “đây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật “đây là sự diệt trừ các lậu hoặc”, biết như thật “đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”. Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: Ta đã giải thoát. Vị ấy biết: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm; sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa.
Này Ðại vương, ví như tại dãy núi lớn có một hồ nước, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm. Một người có mắt, đứng trên bờ sẽ thấy con hến, con sò, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá bơi qua lại hay đứng một chỗ. Vị ấy nghĩ: “Ðây là hồ nước thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm. Ðây là những con hến, con sò, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá đang bơi qua lại hay đứng yên một chỗ”. (151)
☸️ TÓM LẠI:
Giới điều hòa hành động và lời nói; Ðịnh kiểm soát tâm; nhưng chính Tuệ (paññā), giai đoạn cuối cùng, giúp người có nguyện vọng tiến triển từ phàm trở nên thánh, tận diệt mọi ô nhiễm mà tâm Ðịnh (Samādhi) tạm thời khắc phục.
CHƯƠNG [14] NGŨ UẨN
I) KHÁI NIỆM NGŨ UẨN:
1) Theo Từ Điển:
− Pãnca là 5; khandha là khối, đoạn, phần, nhóm.
− Ngũ uẩn là bài pháp thứ 2 được đức Thế Tôn thuyết giảng cho nhóm 5 vị Koṇḍañña. Bài pháp này được giảng năm ngày sau ngày trăng tròn của tháng mùa mưa đầu tiên, ngày thứ năm sau khi thuyết giảng Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavatana Sutta).
− Ngũ uẩn gồm có:
1. Sắc uẩn – Rūpa Khandha
2. Thọ uẩn – Vedanā Khandha
3. Tưởng uẩn – Saññā Khandha
4. Hành uẩn – Saṅkhāra Khandha
5. Thức uẩn – Viññāṇa Khandha
2) Theo Kinh:
“Này các Tỷ-kheo, khi nào Ta chưa như thật thắng tri năm thủ uẩn này theo bốn chuyển, thì cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, đối với thế giới chư Thiên, Ma, Phạm thiên, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta không xác chứng rằng Ta đã chứng được vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.
Nhưng này các Tỷ-kheo, khi nào Ta đã như thật thắng tri năm thủ uẩn này theo bốn chuyển, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, đối với thế giới chư Thiên, Ma, Phạm thiên, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta xác chứng rằng Ta đã chứng được vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.
Và thế nào là bốn chuyển? Ta đã thắng tri sắc, Ta đã thắng tri sắc tập khởi, Ta đã thắng tri sắc đoạn diệt, Ta đã thắng tri con đường đưa đến sắc đoạn diệt. Ta đã thắng tri thọ... tưởng... hành... Ta đã thắng tri thức, Ta đã thắng tri thức tập khởi, Ta đã thắng tri thức đoạn diệt, Ta đã thắng tri con đường đưa đến thức đoạn diệt.
− Sắc uẩn:
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sắc? Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo thành. Này các Tỷ-kheo, đấy được gọi là sắc. Do các thức ăn tập khởi nên sắc tập khởi. Do các thức ăn đoạn diệt nên sắc đoạn diệt. Và con đường đưa đến sắc đoạn diệt là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
− Thọ uẩn:
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thọ? Này các Tỷ-kheo, có sáu thọ thân này: thọ do nhãn xúc sanh, thọ do nhĩ xúc sanh, thọ do tỷ xúc sanh, thọ do thiệt xúc sanh, thọ do thân xúc sanh, thọ do ý xúc sanh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thọ. Do xúc tập khởi nên thọ tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến thọ đoạn diệt, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy... chánh định.
− Tưởng uẩn:
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tưởng? Này các Tỷ-kheo, có sáu tưởng thân này: sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng, pháp tưởng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tưởng. Do xúc tập khởi nên tưởng tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên tưởng đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến tưởng đoạn diệt, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy... chánh định...
− Hành uẩn:
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành? Có sáu tư thân này: sắc tư, thanh tư, hương tư, vị tư, xúc tư, pháp tư. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hành. Do xúc tập khởi nên các hành tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên các hành đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến đoạn diệt, tức là chánh tri kiến... chánh định.
− Thức uẩn:
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thức? Có sáu thức thân này, này các Tỷ -kheo, (tức là) nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thức. Do danh sắc tập khởi nên thức tập khởi. Do danh sắc đoạn diệt nên thức đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến thức đoạn diệt, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy... chánh định”. (152)
II) PHÂN BIỆT GIỮA UẨN VÀ UẨN CHẤP THỦ?
− Về sự khác biệt giữa uẩn và thủ uẩn được phân định như sau: Trước hết, uẩn được nói lên không phân biệt. Thủ uẩn là nói để phân biệt ra những uẩn bị chấp thủ và còn lậu hoặc.
1) Trích Dẫn Trong Kinh:
“—Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng năm uẩn và năm thủ uẩn, hãy lắng nghe … (153)
Này các Tỷ-kheo, thế nào là năm uẩn? Này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; đây gọi là sắc uẩn. Này các Tỷ-kheo, phàm có thọ gì … phàm có tưởng gì … phàm có các hành gì … Này các Tỷ-kheo, phàm có thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; đây gọi là thức uẩn. Những cái này, này các Tỷ-kheo, được gọi là năm uẩn. |
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là năm thủ uẩn? Này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì quá khứ vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại … hoặc xa hay gần, có lậu hoặc, được chấp thủ; đây gọi là sắc thủ uẩn. Này các Tỷ-kheo, phàm có thọ gì … phàm có tưởng gì … phàm có các hành gì … Này các Tỷ-kheo, phàm có thức gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, có lậu hoặc, được chấp thủ; đây gọi là thức thủ uẩn. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là năm thủ uẩn”. |
2) Trích Dẫn Định Nghĩa Ngũ Uẩn Theo VDP:
“Uẩn là khối, nhóm, tập họp. Năm thủ uẩn là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Khi tâm có sự chấp thủ (bám víu) uẩn nào, hành giả phải biết rõ”. (154)
III) PHÂN TÍCH CHI TIẾT:
1) Uẩn Là Gì:
“-- Nhưng bạch Thế Tôn, cho đến như thế nào là ý nghĩa chữ uẩn trong các uẩn?
-- Này Tỷ-kheo, phàm sắc gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là sắc uẩn. Phàm cảm thọ gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là thọ uẩn. Phàm tưởng gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại... xa hay gần, như vậy là tưởng uẩn. Phàm những hành gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại... xa hay gần, như vậy là hành uẩn. Phàm thức gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại... xa hay gần, như vậy là thức uẩn. Cho đến như vậy, này Tỷ-kheo, là ý nghĩa chữ uẩn trong các uẩn”. (155)
2) Nhân Duyên Khởi Lên Các Uẩn:
“-- Do nhân gì, bạch Thế Tôn, do duyên gì được chấp nhận gọi là sắc uẩn? Do nhân gì, duyên gì được chấp nhận gọi là thọ uẩn? Do nhân gì, duyên gì được chấp nhận gọi là tưởng uẩn? Do nhân gì, duyên gì được chấp nhận gọi hành uẩn? Do nhân gì, duyên gì được chấp nhận gọi là thức uẩn?
-- Bốn đại là nhân, này Tỷ-kheo, bốn đại là duyên được chấp nhận gọi là sắc uẩn. Xúc là nhân, xúc là duyên được chấp nhận gọi là thọ uẩn. Xúc là nhân, xúc là duyên được chấp nhận gọi là tưởng uẩn. Xúc là nhân, xúc là duyên được chấp nhận gọi là hành uẩn. Danh sắc là nhân, này Tỷ-kheo, danh sắc là duyên được chấp nhận gọi là thức uẩn”. (156)
3) Phân Tích Các Uẩn:
a) Sắc uẩn – Rūpakhandha:
a.1) Sắc – Rūpa:
− Định nghĩa theo Kinh và VDP: Sắc là gì?
+ Theo Kinh: “Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sắc? Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo thành. Này các Tỷ-kheo, đấy được gọi là sắc”. (157)
+ Theo VDP: “Sắc Pháp là thể chất vô tri giác, do danh từ Rūpa, có nghĩa là vật chất có tính cách thay đổi và hoại diệt. Theo thuật ngữ Phật học, Sắc Pháp không những dùng để chỉ các phần tử vật chất mà ta có thể nhìn thấy hay cảm nhận được, nó còn hàm chứa tất cả về vật lý ẩn tàng trong phần tử vật chất đó, thí dụ như sự biến đổi lẹ làng khiến ta không thể gõ hai lần lên cùng một chỗ. Sự tồn tại của một Sắc Pháp là 17 tâm Sát na hay 51 Sát na tiểu; Sắc pháp gồm 28 sắc pháp: trong đó có 4 đại chủng và 24 sắc do 4 đại chủng sanh ra.
− Vị ngọt, nguy hiểm và xuất ly của sắc:
“Này Tỷ-kheo, do duyên sắc, khởi lên lạc hỷ gì, đó là vị ngọt của sắc. Sự vô thường, khổ, chịu sự biến hoại của sắc, đó là sự nguy hiểm của sắc. Sự nhiếp phục dục và tham, sự đoạn tận dục và tham đối với sắc, đó là sự xuất ly của sắc”. (158)
− Thế nào là sắc tập khởi, sắc đoạn diệt:
“-- Thế nào là sắc tập khởi?
-- Tỷ-kheo hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú. Hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước và an trú gì?
-- Hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú sắc. Do vị ấy hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú sắc, hỷ đối với sắc khởi lên. Do hỷ đối với sắc, thủ đối với sắc khởi lên. Do duyên thủ đối với sắc, hữu khởi lên. Do duyên hữu, sanh khởi lên. Do duyên sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
-- Thế nào là sắc đoạn diệt?
-- Không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú gì? Không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú sắc. Do vị ấy không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú sắc, hỷ đối với sắc đoạn diệt. Do hỷ đối với sắc đoạn diệt nên thủ đoạn diệt. Do thủ đoạn diệt nên hữu đoạn diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này”. (159)
− Con đường đưa đến sắc đoạn diệt:
“Và con đường đưa đến sắc đoạn diệt là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định”. (160)
a.2) Sắc uẩn – Rūpakhandha:
− Sắc uẩn là gì?
“Này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; đây gọi là sắc uẩn”. (161)
− Một định nghĩa khác về sắc uẩn: (162)
Xúc (= căn + trần + thức) chính là sắc trong ngũ uẩn xin lưu ý cho điều đó. Thường thường người ta hiểu sắc là nội sắc: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ngoại sắc; sắc, thinh, hương, vị, xúc. Có người còn tệ hơn nữa, hiểu sắc là đối tượng của mắt. Nhưng chữ sắc dùng trong ngũ uẩn không phải là các loại sắc trên. Sắc trong ngũ uẩn là một sự tập khởi do sự vận hành tương tác giữa căn, trần, thức mà có, chứ không phải một dữ kiện hoặc một thực thể có sẵn. Sắc này không mang tính vật chất cố định mà mang tính duyên khởi của một nhóm tâm-sinh-vật-lý.
Khi có động dụng tương giao tương tác (xúc) giữa 3 yếu tố trên thì sắc uẩn tập khởi, nếu không động dụng thì sắc uẩn không tập khởi, chứ không phải sắc uẩn luôn luôn có mặt. Như vậy trong sắc uẩn vẫn có sắc căn và sắc trần nhưng đó là điều kiện cần chứ không đủ để hình thành sắc uẩn. Ví dụ có mắt, có sắc nhưng nếu không có tác động hỗ tương thì không khởi sắc uẩn. Đây là điều cực kỳ quan trọng. Cho nên, xin quý vị ghi nhớ cho điều này.
Mọi người ngồi đây, có căn, có trần mà sắc uẩn có thể không khởi lên. Xưa nay người ta hay nghĩ rằng (các Chú giải cũng vậy) sắc uẩn là cái thân xác thịt mình đây. Không phải vậy, không phải mình sinh ra là đã có cái ngũ uẩn cố định sẵn trong này. Chỉ khi nào nó tác động lên, hiện hành cái tiến trình này: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn - thì ngũ uẩn mới có mặt.
− Nhân duyên nào có sắc uẩn?
“Do nhân bốn đại, do duyên bốn đại, được gọi là Sắc uẩn”. (163)
b) Thọ uẩn – Vedanākhandha:
b.1) Thọ - Vedanā:
− Định nghĩa theo Kinh và VDP:
+ Theo Kinh: “Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thọ? Này các Tỷ-kheo, có sáu thọ thân này: thọ do nhãn xúc sanh, thọ do nhĩ xúc sanh, thọ do tỷ xúc sanh, thọ do thiệt xúc sanh, thọ do thân xúc sanh, thọ do ý xúc sanh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thọ”. (164)
+ Theo VDP: “Chữ Vedanā dịch là Thọ, xuất phát từ ngữ căn Vid = thọ lảnh. Thọ là trạng thái tiếp thu, cảm nhận đối tượng qua lục căn. Chính thọ đóng vai trò cảm nhận một kết quả Thiện hay Bất Thiện chớ không phải có một linh hồn cảm thọ; thọ được phân làm 2 loại: thọ thân (gồm khổ lạc) và thọ tâm (gồm ưu, hỷ, xả); thọ cũng được phân làm 6 loại nhãn thọ … ý thọ”. (165)
− Vị ngọt, nguy hiểm và sự xuất ly của thọ:
“Này Tỷ-kheo, do duyên thọ, khởi lên lạc hỷ gì, đó là vị ngọt của thọ. Sự vô thường, khổ, chịu sự biến hoại của thọ, đó là sự nguy hiểm của thọ. Sự nhiếp phục dục và tham, sự đoạn tận dục và tham đối với thọ, đó là sự xuất ly của thọ”. (166)
− Thế nào là tập khởi và thọ đoạn diệt:
“-- Thế nào là thọ tập khởi?
-- Tỷ-kheo hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú. Hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước và an trú gì?
-- Hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú thọ. Do vị ấy hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú thọ, hỷ đối với thọ khởi lên. Do hỷ đối với thọ, thủ đối với thọ khởi lên. Do duyên thủ đối với thọ, hữu khởi lên. Do duyên hữu, sanh khởi lên. Do duyên sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
-- Thế nào là thọ đoạn diệt?
-- Không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú gì? Không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú thọ. Do vị ấy không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú thọ, hỷ đối với thọ đoạn diệt. Do hỷ đối với thọ đoạn diệt nên thủ đoạn diệt. Do thủ đoạn diệt nên hữu đoạn diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này”. (167)
− Con đường đưa đến thọ đoạn diệt:
“Do xúc tập khởi nên thọ tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến thọ đoạn diệt, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy... chánh định”. (168)
b.2) Thọ uẩn – Vedanākhandha:
− Thế nào là thọ uẩn?
“Phàm cảm thọ gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là thọ uẩn”. (169)
− Nhân duyên có thọ uẩn:
“Do nhân gì, duyên gì được chấp nhận gọi là thọ uẩn? Xúc là nhân, xúc là duyên được chấp nhận gọi là thọ uẩn”. (170)
− Một định nghĩa khác về thọ uẩn: (171)
“Bây giờ đến thọ uẩn. Thọ thì quý vị biết rồi. Do sự tác dụng của sắc uẩn nên mới có khởi lên tác dụng của thọ uẩn. Thọ uẩn cũng vậy, là sự tập khởi của các thọ một cách phức tạp, chồng chéo, rối ren. Do duyên xúc của sắc uẩn mà có thọ uẩn. Vì vậy mình có thể chấm dứt thọ uẩn được. Ví dụ như khi mình có khổ thọ, lạc thọ hoặc xả thọ, nhưng tâm mình hoàn toàn không thủ không xả, hay "nhất niệm bất sanh" thì lúc đó khổ, lạc, xả có cũng như không. Vì tuy có thọ nhưng hoàn toàn không có chồng chéo rối ren, không thành thọ uẩn. Như vậy, trên thế giới khách quan, thọ chỉ do duyên khởi mà thôi nên ta có thể phá nó bằng cách không cho nó biến thành uẩn”.
c) Tưởng uẩn – Saññā Khandha:
c.1) Tưởng – Saññā:
− Tưởng là gì?
+ Định nghĩa theo Kinh: “Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tưởng? Này các Tỷ-kheo, có sáu tưởng thân này: sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng, pháp tưởng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tưởng”. (172)
+ Theo VDP: “Tưởng là sự chép nhớ các Pháp. Nhớ lại các Pháp đã qua hay nhận biết đối tượng hiện tại qua các kinh nghiệm của ký ức. Chữ Saññā xuất phát từ ngữ căn Sam + ñā nghĩa là biết. Biết đây là nhận biết đối tượng có trạng thái riêng biệt như màu xanh, trắng, đen, vàng, tím, ... Sự nhận biết ấy là biết cái đã biết. Chính sở hữu Tưởng giúp cho ta nhận biết một đối tượng mà lần trước ta đã nhận thức được xuyên qua các môn; Tưởng được chia làm 6 loại: sắc tưởng … pháp tưởng”. (173)
− Vị ngọt, nguy hiểm và xuất ly của tưởng:
“Do duyên tưởng khởi lên lạc hỷ gì, đó là vị ngọt của tưởng. Sự vô thường, khổ, chịu sự biến hoại của tưởng, đó là sự nguy hiểm của tưởng. Sự nhiếp phục dục và tham, sự đoạn tận dục và tham đối với tưởng, đó là sự xuất ly của tưởng. (174)
− Tưởng tập khởi và tưởng đoạn diệt:
“-- Thế nào là tưởng tập khởi?
-- Tỷ-kheo hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú. Hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước và an trú gì?
-- Hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú tưởng. Do vị ấy hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú tưởng, hỷ đối với tưởng khởi lên. Do hỷ đối với tưởng, thủ đối với tưởng khởi lên. Do duyên thủ đối với tưởng, hữu khởi lên. Do duyên hữu, sanh khởi lên. Do duyên sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
-- Thế nào là tưởng đoạn diệt?
-- Không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú gì? Không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú tưởng. Do vị ấy không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú tưởng, hỷ đối với tưởng đoạn diệt. Do hỷ đối với tưởng đoạn diệt nên thủ đoạn diệt. Do thủ đoạn diệt nên hữu đoạn diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này”. (175)
− Con đường đưa đến tưởng đoạn diệt:
“Do xúc tập khởi nên tưởng tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên tưởng đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến tưởng đoạn diệt, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy... chánh định”. (176)
c.2) Tưởng uẩn – Saññākhandha:
− Tưởng uẩn là gì?
“Phàm tưởng gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại... xa hay gần, như vậy là tưởng uẩn”. (177)
− Nhân duyên có tưởng uẩn?
-- “Do nhân gì, duyên gì được chấp nhận gọi là tưởng uẩn? Xúc là nhân, xúc là duyên được chấp nhận gọi là tưởng uẩn”. (178)
− Một định nghĩa khác về tưởng uẩn: (179) Có khi ta nhìn một vật, nghe một âm thanh nhưng ta không thấy không nghe gì cả. Có khi nào quý vị thấy như vậy không? Nhất là khi ta hoàn toàn sáng suốt, tỉnh thức trong ánh sáng của tuệ quán (Vipassanā ñāna) thì tưởng tuy có mà mất tác dụng biến thành uẩn. Như vậy ta có thể phá được tưởng uẩn.
d) Hành uẩn – Saṅkhāra Khandha:
d.1) Hành – Saṅkhāra:
− Hành là gì:
+ Theo Kinh: “Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành? Có sáu tư thân này: sắc tư, thanh tư, hương tư, vị tư, xúc tư, pháp tư. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hành”. (180)
+ Theo VDP: “Trong ngũ uẩn, hành là 50 tâm sở (lấy 52 tâm sở trừ đi thọ và tưởng). (181)
− Vị ngọt, nguy hiểm và sự xuất ly của hành:
“Này Tỷ-kheo, do duyên hành, khởi lên lạc hỷ gì, đó là vị ngọt của hành. Sự vô thường, khổ, chịu sự biến hoại của hành, đó là sự nguy hiểm của hành. Sự nhiếp phục dục và tham, sự đoạn tận dục và tham đối với hành, đó là sự xuất ly của hành”. (182)
− Hành tập khởi và hành đoạn diệt:
-- Thế nào là các hành tập khởi?
-- Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú. Hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước và an trú gì?
-- Hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú hành. Do vị ấy hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú hành, hỷ đối với hành khởi lên. Do hỷ đối với hành, thủ đối với hành khởi lên. Do duyên thủ đối với hành, hữu khởi lên. Do duyên hữu, sanh khởi lên. Do duyên sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
-- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành đoạn diệt?
-- Không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú gì? Không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú hành. Do vị ấy không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú hành, hỷ đối với hành đoạn diệt. Do hỷ đối với hành đoạn diệt nên thủ đoạn diệt. Do thủ đoạn diệt nên hữu đoạn diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này”. (183)
− Con đường đưa đến hành đoạn diệt:
“Do xúc tập khởi nên các hành tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên các hành đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến đoạn diệt, tức là chánh tri kiến... chánh định”. (184)
d.2) Hành uẩn – Saṅkhāra Khandha:
− Hành uẩn là gì?
“Phàm những hành gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại... xa hay gần, như vậy là hành uẩn”.
(185)
− Nhân duyên có hành uẩn:
“Xúc là nhân, xúc là duyên được chấp nhận gọi là hành uẩn”. (186)
− Một định nghĩa khác về hành uẩn: (187)
+ Còn hành uẩn chính là do tư chủ động điều hành, tập hợp các tâm sở khác để tạo tác. Lại do sự tập hợp của sắc, thọ, tưởng làm duyên trước, nên hành chính là "tập hợp tạo tác" cũng gọi là hữu vi. Hữu vi là Sankhāra. Từ động từ Sankharoti (sam + kr) có nghĩa là tập hợp lại, sửa soạn, tạo tác (sam: hợp chung lại). Vậy sankhāra là tác dụng điều hợp tạo tác (nghiệp).
+ Nhưng khi tư nhường quyền điều hợp cho trí tuệ (paññā) thì hành uẩn bị hóa giải, nghĩa là hành không còn tạo thành uẩn, lúc đó sankhāra biến thành Asankhāra. Tức là vô vi.
e) Thức uẩn – Viññāṇa Khandha:
e.1) Thức – Viññāṇa:
− Thức là gì?
+ Theo Kinh: “Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thức? Có sáu thức thân này, này các Tỷ kheo, (tức là) nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thức”. (188)
+ Theo VDP: Theo Vi Diệu Pháp thì các danh từ Tâm (Citta), Ý (Mana), Thức (Viññāṇa) không có sự sai khác về ý nghĩa, tùy theo chỗ dùng mà chúng có nhiều tên gọi khác nhau. Thí dụ: đối với 12 Xứ thì tất cả Tâm gọi là ý (Ý Xứ), đối với ngũ uẩn thì tất cả tâm gọi là thức (Thức Uẩn) ... (189)
− Vị ngọt, nguy hiểm và xuất ly của thức:
“-- Cái gì là vị ngọt, là sự nguy hiểm, là sự xuất ly của thức?
“-- Do duyên thức khởi lên lạc hỷ gì, đó là vị ngọt của thức. Sự vô thường, khổ, chịu sự biến hoại của thức, đó là sự nguy hiểm của thức. Sự nhiếp phục dục và tham, sự đoạn tận dục và tham đối với thức, đó là sự xuất ly của thức”. (190)
− Thức tập khởi, thức đoạn diệt:
“-- Thế nào là các thức tập khởi?
-- Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú. Hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước và an trú gì?
-- Hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú thức. Do vị ấy hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú thức, hỷ đối với thức khởi lên. Do hỷ đối với thức, thủ đối với thức khởi lên. Do duyên thủ đối với thức, hữu khởi lên. Do duyên hữu, sanh khởi lên. Do duyên sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
-- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thức đoạn diệt?
-- Không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú gì? Không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú thức. Do vị ấy không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú thức, hỷ đối với thức đoạn diệt. Do hỷ đối với thức đoạn diệt nên thủ đoạn diệt. Do thủ đoạn diệt nên hữu đoạn diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này”.(191)
− Con đường đưa đến thức đoạn diệt?
“Do danh sắc tập khởi nên thức tập khởi. Do danh sắc đoạn diệt nên thức đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến thức đoạn diệt, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy... chánh định”. (192)
e.2) Thức uẩn – Viññāṇa Khandha:
− Thức uẩn là gì:
“Phàm thức gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại... xa hay gần, như vậy là thức uẩn”. (193)
− Nhân duyên có thức uẩn:
-- “Do nhân gì, duyên gì được chấp nhận gọi là thức uẩn? Danh sắc là nhân, này Tỷ-kheo, danh sắc là duyên được chấp nhận gọi là thức uẩn”. (194)
− Một định nghĩa khác về thức uẩn: “Thức trong thức uẩn giữ vai trò của một đồng sở duyên Đồng sở duyên (Tadālambana) có tác dụng như A-Lại-Da Thức của Duy Thức Luận, nó ghi lại toàn bộ tiến trình 4 uẩn trước, nhất là hành uẩn. Tốc hành tâm là sự tạo tác nhặm lẹ. Có thức tác động lên căn, trần thì sắc uẩn mới thành hoạt dụng. Người chết mắt không thể thấy sắc”. (195)
IV) GIẢNG RÕ VỀ NĂM THỦ UẨN: (196)
“-- Bạch Thế Tôn, có phải có năm thủ uẩn này: tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn?
-- Này Tỷ-kheo, có năm thủ uẩn, tức là sắc thủ uẩn... thức thủ uẩn.
-- Lành thay, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, rồi hỏi thêm Thế Tôn một câu khác:
-- Bạch Thế Tôn, năm thủ uẩn này lấy gì làm căn bản?
-- Này Tỷ-kheo, năm thủ uẩn này lấy dục làm căn bản.
-- Lành thay, bạch Thế Tôn...
-- Bạch Thế Tôn, chấp thủ ấy là năm thủ uẩn ấy hay chấp thủ ngoài năm thủ uẩn?
-- Này Tỷ-kheo, chấp thủ ấy không tức là năm thủ uẩn ấy và chấp thủ cũng không phải ngoài năm thủ uẩn. Nhưng chỗ nào có tham và dục, chỗ ấy có chấp thủ.
-- Lành thay, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy... hỏi Thế Tôn một câu hỏi khác:
-- Có thể chăng, bạch Thế Tôn, trong năm thủ uẩn, có sự sai khác về dục và tham?
Thế Tôn đáp:
-- Có thể có, này Tỷ-kheo. Ở đây, này Tỷ-kheo, có người nghĩ như sau: "Mong rằng trong tương lai, ta sẽ có sắc như vậy! Mong rằng trong tương lai ta sẽ có thọ như vậy!
Mong rằng trong tương lai, ta sẽ có tưởng như vậy! Mong rằng trong tương lai ta sẽ có các hành như vậy! Mong rằng trong tương lai ta sẽ có thức như vậy!" Như vậy, này Tỷ-kheo, có thể có sự sai khác về dục và tham trong năm thủ uẩn.
-- Lành thay, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy... hỏi thêm câu hỏi nữa:
-- Dưới hình thức nào, bạch Thế Tôn, có định nghĩa về uẩn của các uẩn?
-- Phàm sắc gì, này Tỷ-kheo, thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; đây gọi là sắc uẩn. Phàm thọ gì... Phàm tưởng gì... Phàm các hành gì... Phàm thức gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; đây gọi là thức uẩn. Dưới hình thức như vậy, này Tỷ-kheo, có định nghĩa về uẩn của các uẩn.
-- Lành thay, bạch Thế Tôn.
V) NGŨ UẨN VÀ TỨ ĐẾ:
“-- Này các Tỷ-kheo, có bốn Thánh đế này. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Khổ diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.
-- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đế về Khổ? Cần phải được nói là năm thủ uẩn. Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh đế về Khổ.
-- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đế về Khổ tập? Chính là ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này, chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh đế về Khổ tập.
-- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đế về Khổ diệt? Chính là sự đoạn diệt, ly tham, không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh đế về Khổ diệt.
-- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt? Ðây là Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt”. (197)
VI) NGŨ UẨN CỦA NHƯ LAI VÀ CÁC HẠNG NGƯỜI TU TẬP NGŨ UẨN? (198)
1) Thắc Mắc Về Ngũ Uẩn Của Như Lai Sau Khi Ngài Viên Tịch:
“Lúc bấy giờ, Tỷ kheo Yamaka khởi lên ác tà kiến sau đây: “Như ta hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn tận, sẽ diệt tận, không còn gì nữa sau khi chết”.
…
Các Tỷ-kheo đồng phạm hạnh đã đến khuyên bảo Tỷ-kheo Yamaka hãy từ bỏ ác tà kiến ấy… Dầu được các Tỷ-kheo ấy nói như vậy, Tôn giả Yamaka vẫn kiên trì, kiên cố chấp nhận ác tà kiến ấy… Các Tỷ-kheo đến trình tôn giả Sāriputta toàn bộ sự việc như vậy.
Trích đoạn tôn giả Sāriputta giảng cho Tỷ-kheo tà kiến Yamaka:
* * *
-- Hiền giả nghĩ thế nào, Hiền giả Yamaka, sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, này Hiền giả.
-- Thọ … tưởng … các hành … thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, này Hiền giả.
-- Do vậy … thấy vậy … không còn trở lui trạng thái này nữa”. Vị ấy biết rõ như vậy.
-- Hiền giả nghĩ thế nào, Hiền giả Yamaka? Hiền giả có quán Như Lai là sắc không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
-- Hiền giả có quán Như Lai là thọ … tưởng … hành … thức không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
-- Hiền giả nghĩ thế nào, Hiền giả Yamaka? Hiền giả có quán Như Lai ở trong sắc không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
-- Hiền giả có quán Như Lai ở ngoài sắc không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
-- Hiền giả, có quán Như Lai ở trong thọ không? … Hiền giả có quán Như Lai ở trong tưởng không? …Hiền giả có quán Như Lai ở trong các hành không? …Hiền giả có quán Như Lai ở trong thức không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
-- Hiền giả có quán Như Lai là ngoài thức không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
-- Hiền giả nghĩ thế nào, Hiền giả Yamaka? Hiền giả có quán Như Lai là sắc, thọ, tưởng, hành, thức không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
-- Hiền giả nghĩ thế nào, Hiền giả Yamaka? Hiền giả có quán cái không sắc, không thọ, không tưởng, không hành, không thức là Như Lai không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
-- Và ở đây, Hiền giả Yamaka, ngay trong đời sống hiện tại, cũng không thể tìm được một Như Lai thường chơn, thường trú, thời hợp lý chăng khi Hiền giả trả lời: “Như ta đã hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn tận, sẽ tận diệt, không còn gì nữa sau khi chết”.
-- Trước đây tôi vô trí nên có ác tà kiến ấy. Nay sau khi nghe Tôn giả Sāriputta thuyết pháp, ác tà kiến ấy được đoạn trừ, và pháp được tôi hoàn toàn chứng tri”.
2) Sau Khi Thân Hoại Mạng Chung, Một Vị A-la-hán Sẽ Trở Thành Gì:
“-- Hiền giả Yamaka, nếu có người hỏi Hiền giả: “Hiền giả Yamaka, vị Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn tận, sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy sẽ trở thành gì?”; được hỏi như vậy, Hiền giả Yamaka, Hiền giả trả lời như thế nào?
-- Thưa Hiền giả, nếu có người hỏi tôi: “Này Hiền giả Yamaka, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn tận, sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy sẽ trở thành gì?”; được hỏi như vậy, này Hiền giả, tôi sẽ trả lời: “Sắc là vô thường, này Hiền giả, cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là đoạn diệt, là tiêu diệt. Thọ … Tưởng … Các hành … Thức là vô thường, này Hiền giả, cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là đoạn diệt, là tiêu diệt”. Ðược hỏi vậy, này Hiền giả, tôi sẽ trả lời như vậy”.
3) Kẻ Vô Văn Phàm Phu Và Bậc Hữu Học Tu Tập Ngũ Uẩn:
a) Kẻ vô văn phàm phu:
-- “Lành thay, lành thay, Hiền giả Yamaka! Hiền giả Yamaka, ta sẽ cho Hiền giả một ví dụ để ý nghĩa này được hiểu rõ thêm nữa. Ví như, này Hiền giả Yamaka, một người gia chủ hay con của người gia chủ, là nhà hào phú, tiền nhiều, của nhiều, lại được bảo vệ. Rồi có người đến, muốn điều bất lợi, muốn điều bất hạnh, muốn điều bất an, muốn đoạt mạng sống người kia. Người ấy suy nghĩ: “Người gia chủ hay con của người gia chủ này là nhà hào phú, tiền nhiều, của nhiều, lại được bảo vệ. Thật không dễ gì đoạt mạng sống nó bằng sức mạnh. Vậy ta hãy tìm cách xâm nhập rồi sẽ đoạt mạng sống”. Người ấy đi đến người gia chủ hay con của người gia chủ kia, và nói như sau: “Thưa Tôn giả, tôi xin được hầu hạ Tôn giả”. Người gia chủ hay con của người gia chủ kia chấp nhận cho người ấy hầu hạ. Người ấy hầu hạ, dậy trước ngủ sau, sự việc nhanh nhẹn, cử chỉ đẹp lòng, lời nói khả ái. Người gia chủ hay con của người gia chủ kia tin tưởng người ấy, xem người ấy như thân hữu, tin tưởng người ấy, xem như tâm hữu, và đặt lòng tín cẩn vào người ấy. Này Hiền giả, khi người ấy đã tin tưởng rằng: “Người gia chủ hay con của người gia chủ này đã tín cẩn ta”, khi bắt gặp người con của gia chủ ở một chỗ thanh vắng, liền lấy con dao sắc bén, đoạt mạng sống người con của gia chủ.
-- Hiền giả Yamaka, Hiền giả nghĩ thế nào? Khi người ấy đến với người gia chủ hay con của người gia chủ kia và nói: “Thưa Tôn giả, tôi muốn hầu hạ Tôn giả”; khi ấy người ấy có phải là kẻ giết người không? Và dầu cho người ấy là kẻ giết người, người gia chủ hay con của người gia chủ cũng không nghĩ rằng: “Ta có một kẻ giết người”.
- Khi người ấy hầu hạ, dậy trước ngủ sau, sự việc nhanh nhẹn, cử chỉ đẹp lòng, lời nói khả ái, khi ấy dầu cho người ấy là kẻ giết người, người gia chủ hay con của người gia chủ cũng không nghĩ rằng: “Ta có một kẻ giết người”.
-- Thưa vâng, này Hiền giả.
-- Cũng vậy, này Hiền giả, kẻ vô văn phàm phu, không được thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc; quán thọ … quán tưởng … quán các hành … quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức.
“Sắc là vô thường”, người ấy không như thật biết rõ: “Sắc là vô thường”; “Thọ là vô thường”, người ấy không như thật biết rõ: “Thọ là vô thường”; tưởng là vô thường, người ấy không như thật biết rõ: “Tưởng là vô thường”; “Các hành là vô thường”, người ấy không như thật biết rõ: “Các hành là vô thường”; “Thức là vô thường”, người ấy không như thật biết rõ: “Thức là vô thường”.
“Sắc là khổ”, người ấy không như thật biết rõ: “Sắc là khổ”; “Thọ là khổ” … “Tưởng là khổ” … “Các hành là khổ” … “Thức là khổ”, người ấy không như thật biết rõ: “Thức là khổ”.
“Sắc là vô ngã”, người ấy không như thật biết rõ: “Sắc là vô ngã”; “Thọ là vô ngã” … “Tưởng là vô ngã” … “Các hành là vô ngã” … “Thức là vô ngã”, người ấy không như thật biết rõ: “Thức là vô ngã”.
“Sắc là hữu vi”, người ấy không như thật biết rõ: “Sắc là hữu vi”; “Thọ là hữu vi” … “Tưởng là hữu vi” … “Các hành là hữu vi”; “Thức là hữu vi”, người ấy không như thật biết rõ: “Thức là hữu vi”.
“Sắc là kẻ giết người”, người ấy không như thật biết rõ: “Sắc là kẻ giết người”; “Thọ là kẻ giết người” … “Tưởng là kẻ giết người” … “Các hành là kẻ giết người” … “Thức là kẻ giết người”, người ấy không như thật biết rõ: “Thức là kẻ giết người”.
Người ấy đến với sắc, chấp thủ, nhiếp trì: “Sắc là tự ngã của ta”. Người ấy đến với thọ … với tưởng … với các hành … người ấy đến với thức, chấp thủ và nhiếp trì: “Thức là tự ngã của ta”. Năm thủ uẩn này được người ấy đi đến chấp thủ, sẽ đưa đến bất hạnh, đau khổ lâu dài cho người ấy.
b) Bậc Đa văn thánh đệ tử:
Này Hiền giả, bậc Ða văn Thánh đệ tử thấy rõ các bậc Thánh … tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc; không quán thọ … không quán tưởng … không quán các hành … không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức.
“Sắc là vô thường”, vị ấy như thật biết rõ: “Sắc là vô thường” … “Sắc là khổ”, vị ấy như thật biết rõ: “Sắc là khổ” … “Sắc là vô ngã”, vị ấy như thật biết rõ: “Sắc là vô ngã” … “Sắc là hữu vi”, vị ấy như thật biết rõ: “Sắc là hữu vi” … “Sắc là kẻ giết người”, vị ấy như thật biết rõ: “Sắc là kẻ giết người” …
Vị ấy không đến với sắc, không chấp thủ, không nhiếp trì: “Sắc là tự ngã của ta”. Không đến với thọ … với tưởng … với các hành … Không đến với thức, không chấp thủ, không nhiếp trì: “Thức là tự ngã của ta”. Ðối với năm thủ uẩn này, vị ấy không đi đến, không chấp thủ, sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc cho vị ấy trong một thời gian dài.
VII) TU TẬP NGŨ UẨN: (199)
-- Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Những gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Những gì vô thường, khổ, bị biến hoại, có hợp lý chăng khi xem: "Cái này của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?"
-- Thưa không vậy, bạch Thế Tôn.
-- Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, thọ... tưởng... hành... thức là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Những gì vô thường, là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Những gì vô thường, khổ, bị biến hoại, có hợp lý chăng khi xem: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?"
-- Thưa không vậy, bạch Thế Tôn.
-- Do vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại...
tất cả loại sắc, cần phải như thật quán: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Phàm có thọ gì, phàm có tưởng gì, phàm có hành gì, phàm có thức gì quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại… tất cả loại thức, cần phải như thật quán: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
…Như vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với hành, yếm ly đối với thức.
Do yếm ly nên ly tham, do ly tham nên được giải thoát. Trong sự giải thoát, vị ấy biết được vị ấy đã giải thoát. Vị ấy biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm. Từ nay không còn trở lại đời sống thế này nữa".
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi sự giảng giải này được nói lên, tâm của sáu mươi vị Tỷ-kheo được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.
CHƯƠNG [15] THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN
I) ĐỊNH NGHĨA PHÁP DUYÊN KHỞI:
Paṭicca: do, bởi vì, có liên quan; samuppajati: mọc lên, sanh lên.
-- Này các Tỷ-kheo, thế nào là lý Duyên khởi? Này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên sanh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là tập khởi.
Nhưng do ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Dọ thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là đoạn diệt. (200)
II) PHÂN TÍCH CHI TIẾT THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN: (201)
1) VÔ MINH – AVIJJĀ
Là không liễu tri về tứ thánh đế.
2) HÀNH – SAṄKHĀRA
- Thân hành
- Khẩu hành
- Ý hành
3) THỨC – VIÑÑĀNA
- Nhãn thức
- Nhĩ thức
- Tỷ thức
- Thiệt thức
- Thân thức
- Ý thức
4) DANH SẮC - NĀMA-RŪPA
5) SÁU XỨ - SALĀYATANA
- Nhãn xứ
- Nhĩ xứ
- Tỷ xứ
- Thiệt xứ
- Thân xứ
- Ý xứ
6) XÚC - PHASSA
- Nhãn xúc
- Nhĩ xúc
- Tỷ xúc
- Thiệt xúc
- Thân xúc
- Ý xúc
7) THỌ - VEDANA
- Thọ do nhãn xúc sanh
- Thọ do nhĩ xúc sanh
- Thọ do tỷ xúc sanh
- Thọ do thiệt xúc sanh
- Thọ do thân xúc sanh
- Thọ do ý xúc sanh
8) ÁI – TAṄHA
- Sắc ái
- Thanh ái
- Hương ái
- Vị ái
- Xúc ái
- Pháp ái
9) THỦ - UPĀDĀNA
10) HỮU - BHAVA
11) SANH - JĀTI
Sự xuất sanh, xất sản, xuất thành; sự thành tựu các uẩn; sự hoạch đắc các căn.
12) GIÀ, CHẾT, SẦU, BI, KHỔ, ƯU, NÃO – JARĀ, MARAṆA, SOKA, PARIDEVA,
DUKKHA, DOMANASSA, UPĀYĀSA
III) THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN TẬP KHỞI – THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN ĐOẠN DIỆT:
“Do sanh tập khởi nên già chết tập khởi. Do sanh diệt nên già chết diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành đưa đến già chết diệt; tức là chánh tri kiến... chánh định.
Này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử biết già chết như vậy, biết già chết tập khởi như vậy, biết già chết diệt như vậy, biết con đường đưa đến già chết diệt như vậy.
Ðây là pháp trí của vị ấy. Vị ấy với pháp này được thấy, được biết, được quả tức thời, được đạt đến, được thể nhập (pariyogathena) hướng dẫn thái độ (nayam) của mình đối với quá khứ và tương lai.
…
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành? Có ba hành này, này các Tỷ-kheo, thân hành, khẩu hành, ý hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hành.
Do vô minh tập khởi, hành tập khởi. Do vô minh diệt, hành diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành, con đường đưa đến hành diệt; tức là chánh tri kiến... chánh định…”. (202)
IV) THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN CHÍNH LÀ CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO:
1) Thoát Khỏi 2 Cực Đoan:
“-- Chánh kiến, chánh kiến”, bạch Thế Tôn được nói đến như vậy. Bạch Thế Tôn, cho đến như thế nào là chánh kiến?
-- Này Kaccāyana, thế giới này phần lớn y chỉ vào hai cực đoan này: có và không có.
Này Kaccāyana, ai với chánh trí tuệ thấy như chơn thế giới tập khởi, vị ấy không chấp nhận thế giới là không có. Này Kaccāyana, ai với chánh trí tuệ thấy như chơn thế giới đoạn diệt, vị ấy không chấp nhận thế giới là có.
Này Kaccāyana, chấp thủ phương tiện và bị thiên kiến trói buộc, phần lớn thế giới này là vậy. Và ai với tâm không trú trước, không chấp thủ phương tiện ấy, không chấp thủ thiên chấp tùy miên ấy, không có chấp trước, không trú trước, vị ấy không có nghĩ: “Ðây là tự ngã của tôi”. Khi khổ sanh thời xem là sanh, khi khổ diệt thời xem là diệt; vị ấy không có nghi ngờ, không có phân vân, không duyên vào ai khác, trí ở đây là của vị ấy. Cho đến như vậy, này Kaccāyana, là chánh tri kiến.
“Tất cả là có”, này Kaccāyana, là một cực đoan. “Tất cả là không có” là cực đoan thứ hai. Xa lìa hai cực đoan ấy, này Kaccāyana, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo.
Vô minh duyên hành; hành duyên thức … (như trên) … Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Nhưng do ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, nên các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt … (như trên) … Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt”. (203)
2) Những câu hỏi không liên hệ mục đích thoát khổ:
Có rất nhiều bài kinh về các Bà-la-môn ngoại đạo hay những vị Tỷ-kheo có tà kiến đến hỏi Thế Tôn về những câu hỏi không liên hệ đến mục đích giải thoát, ngài đều không trả lời. Thay vào đó, Thế Tôn giảng thập nhị nhân duyên. Sau đây, chúng tôi xin được trích dẫn một đoạn kinh như thế:
“.. Trú ở Sāvatthi.
Rồi Bà-la-môn Jānussoni đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm... Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Jānussoni bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, có phải tất cả đều có?
-- Này Bà-la-môn, tất cả đều có, ấy là một cực đoan.
-- Thưa Tôn giả Gotama, có phải tất cả đều không có?
-- Này Bà-la-môn tất cả đều không có, ấy là cực đoan thứ hai. Này Bà-la-môn, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo.
Do duyên vô minh nên có hành. Do duyên hành nên có thức... (như trên) ... Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Do sự ly tham, đoạn diệt vô minh ấy một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này”. (204)
V) THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN VÀ TỨ THÁNH ĐẾ:
“-- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khổ tập khởi?
Do duyên con mắt và các sắc, nhãn thức khởi lên. Do ba cái tụ hội nên xúc khởi. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Này các Tỷ-kheo, đây là khổ tập khởi.
Do duyên tai và các tiếng… Do duyên mũi và các hương… Do duyên lưỡi và các vị… Do duyên thân và các xúc… Do duyên ý và các pháp, ý thức khởi lên. Do ba cái tụ hội, nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Này các Tỷ-kheo, đây là khổ tập khởi.
-- …Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khổ đoạn diệt?
Do duyên con mắt và các sắc, nhãn thức khởi lên. Do ba cái tụ hội, nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đều đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này. Này các Tỷ-kheo, đây là khổ đoạn diệt.
Do duyên lỗ tai và các tiếng, nên nhĩ thức sanh khởi… Do duyên mũi và các hương, nên tỷ thức sanh khởi… Do duyên lưỡi và các vị nên thiệt thức sanh khởi… Do duyên thân và các xúc nên thân xúc sanh khởi…Do duyên ý và các pháp nên ý thức sanh khởi. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do sự ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này. Này các Tỷ-kheo, đây là khổ đoạn diệt”. (205)
VI) TU TẬP THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN NHƯ THẾ NÀO?
1) Hạng Người Ít Nghe:
Đối với thân thể phấn toái, vô thường này, kẻ phàm phu có thể nhàm chán nhưng đối với tâm thức này kẻ phàm phu rất khó viễn ly vì chúng đã luân hồi quá lâu ngày. (206)
Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu có thể nhàm chán, viễn ly, giải thoát thân do bốn đại tạo thành này. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì họ thấy được cái thân do bốn đại tạo thành này được tăng, được giảm, được thủ, được xả.
Do vậy, ở đây kẻ vô văn phàm phu có thể nhàm chán, viễn ly, giải thoát.
Và này các Tỷ-kheo, cái gọi là tâm, là ý, là thức, ở đây, kẻ vô văn phàm phu không đủ để có thể nhàm chán, không đủ để có thể viễn ly, không đủ để có thể giải thoát. Vì sao? Ðã lâu ngày, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu đắm trước, xem là của tôi, chấp thủ: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi".
Do vậy, ở đây, kẻ vô văn phàm phu không đủ để có thể nhàm chán, không đủ để có thể viễn ly, không đủ để có thể giải thoát.
2) Vị Đa Văn Thánh Đệ Tử:
“Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử khéo chơn chánh tư duy định lý duyên khởi: "Do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này diệt, cái kia diệt". Ví như do duyên vô minh, các hành sanh khởi. Do duyên hành, thức sanh khởi... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
Do đoạn diệt, ly tham vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt... (như trên) ... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử, nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với các hành, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán nên viễn ly; do viễn ly nên giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết được: "Ta giải thoát", vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". (207)
“…Ví như, này các Tỷ-kheo, do hai khúc cây cọ xát hòa hợp nên sức nóng được sanh, lửa được khởi lên. Do hai khúc cây ấy xa lìa tách biệt, nên sức nóng ấy đoạn diệt, sức nóng ấy chấm dứt.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ nên lạc thọ sanh khởi. Do xúc đưa đến cảm giác lạc thọ ấy diệt, nên lạc thọ được khởi lên do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ ấy diệt, lạc thọ ấy chấm dứt.
Do duyên xúc đưa đến cảm giác khổ thọ... Do duyên xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc thọ, nên bất khổ bất lạc thọ sanh khởi. Do duyên xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc thọ ấy diệt, nên bất khổ bất lạc thọ ấy được khởi lên do duyên xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc thọ ấy diệt, bất khổ bất lạc thọ ấy chấm dứt.
Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với xúc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán nên viễn ly; do viễn ly nên giải thoát. Trong sự giải thoát trí khởi lên, biết rằng: "Ta đã giải thoát", vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa". (208)
CHƯƠNG [16] TAM GIẢI THOÁT MÔN
I) VÔ THƯỜNG:
1) Những Đoạn Kinh Đức Thế Tôn Giảng Về Sự Vô Thường:
“Sabbe saṅkhārā aniccāti Yadā paññāya passati Atha nibbindati dukkhe Esa maggo visuddhiyā”. (210) |
Tất cả hành vô thường Với Tuệ, quán thấy vậy Đau khổ được nhàm chán; Chính con đường thanh tịnh. |
Handa dāni, bhikkhave, āmantayāmi vo, vayadhammā saṅkhārā, appamādena sampādetha. Naciraṃ tathāgatassa |
Này các Tỷ-kheo, đây là lời Ta nhắn nhủ các Ngươi. Các hành là vô thường. Hãy tinh tấn lên để tự giải thoát, không lâu Như Lai sẽ diệt độ. |
Aniccasaññaṃ, rāhula, bhāvanaṃ bhāvehi. Aniccasaññañhi te, rāhula, bhāvanaṃ bhāvayato yo asmimāno so pahīyissati. (212) |
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về vô thường. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về vô thường, cái gì thuộc ngã mạn được trừ diệt. |
Aniccā, bhikkhave, saṅkhārā; adhuvā, bhikkhave, saṅkhārā; anassāsikā, bhikkhave, saṅkhārā. Yāvañcidaṃ, bhikkhave, alameva sabbasaṅkhāresu nibbindituṃ alaṃ virajjituṃ alaṃ vimuccituṃ. (213) |
Này các Tỷ-kheo, các hành là vô thường. Này các Tỷ-kheo, các hành là không có kiên cố. Này các Tỷ-kheo, các hành là không an ổn. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là vừa đủ để nhàm chán, là vừa đủ để ly tham, là vừa đủ để giải thoát đối với tất cả hành. |
Ayaṃ kho me kāyo rūpī cātumahābhūtiko mātāpettikasambhavo odanakummāsūpacayo aniccucchādanaparimaddanabhedanaviddh aṃsanadhammo, idañca pana me viññāṇaṃ ettha sitaṃ ettha paṭibaddhan”ti. (214) |
Thân này của ta là sắc pháp, do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt. Trong thân ấy thức ta lại nương tựa và bị trói buộc. |
Ahampi kho taṃ, bhikkhave, pariggahaṃ na samanupassāmi yvāssa pariggaho nicco dhuvo sassato avipari- ṇāmadhammo sassatisamaṃ tatheva tiṭṭheyya. |
Lành thay, này các Tỷ-kheo. Này các Tỷ-kheo, Ta cũng không thấy một vật sở hữu được nắm giữ nào, mà vật sở hữu được nắm giữ ấy sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chuyển biến, có thể trú như thế này mãi mãi. (215) |
2) Tu Tập Vô Thường – Đoạn Tận Khổ Đau:
− Tu tập vô thường dẫn đến nhàm chán sáu xứ:
“Ai sống tùy quán vô thường trong sáu xúc xứ, này Nāgita, thời sự nhàm chán đối với xúc được an trú. Ðấy là kết quả tất nhiên cho người ấy. Ai sống tùy quán sanh diệt đối với năm thủ uẩn, này Nāgita, thời sự nhàm chán đối với chấp thủ được an trú. Ðấy là kết quả tất nhiên cho người ấy”. (216)
− Tu tập vô thường dẫn đến chứng ngộ thánh quả:
“Thật vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo nào thấy bất cứ hành nào là thường còn, sẽ thành tựu được nhẫn nhục tùy thuận, sự kiện này không xảy ra. Không thành tựu nhẫn nhục tùy thuận, sẽ nhập vào chánh tánh quyết định, sự kiện này không thể xảy ra. Không nhập vào chánh tánh quyết định, sẽ chứng ngộ quả Dự lưu, hay quả Nhất Lai, hay quả Bất lai, hay quả A-la-hán, sự kiện này không xảy ra”. (217)
− Tu tập vô thường dẫn đến không chấp trước các pháp, chứng ngộ Niết Bàn:
“Nếu có một cảm thọ nào, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, vị ấy sống quán tánh vô thường, sống quán tánh ly tham, sống quán tánh đoạn diệt, sống quán tánh xả ly trong các cảm thọ ấy. Vị ấy nhờ sống quán tánh vô thường, sống quán tánh ly tham, sống quán tánh đoạn diệt, sống quán tánh xả ly trong các cảm thọ ấy, nên không chấp trước một vật gì ở đời; do không chấp trước nên không phiền não, do không phiền não, vị ấy chứng đạt Niết-bàn. Vị ấy tuệ tri: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lại đời này nữa". (218)
− Tu tập vô thường sẽ diện trừ được ngã mạn:
“Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về vô thường. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về vô thường, cái gì thuộc ngã mạn được trừ diệt”. (219)
II) KHỔ - DUKKHA:
“Tất cả hành khổ đau Với Tuệ quán thấy vậy, Đau khổ được nhàm chán; Chính con đường thanh tịnh. |
“Sabbe saṅkhārā dukkhāti Yadā paññāya passati tha nibbindati dukkhe Esa maggo visuddhiyā” . (220) |
1) Thế Nào Là Khổ:
“Và này các Tỷ kheo, thế nào Khổ Thánh đế? Sanh là khổ, già là khổ, chết là khổ, sầu, bi. khổ, ưu, não là khổ, cầu không được là khổ, tóm lại Năm Thủ uẩn là khổ”. (221)
“-- Có ba khổ tánh này, này Hiền giả, khổ khổ tánh, hành khổ tánh, hoại khổ tánh. Này Hiền giả, đây là ba khổ tánh này”. (222)
2) Dục Là Căn Bản Của Khổ:
“-- Với pháp môn này, này Thôn trưởng, cần phải hiểu như sau: Phàm có khổ nào khởi lên, tất cả khổ ấy đều lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân. Dục là căn bản của khổ”. (223)
3) Thế Tôn Xưa Cũng Như Nay Chỉ Nói Về Khổ Và Khổ Diệt:
“-- Lành thay, lành thay! Này Anurādha. Trước đây và hiện nay, này Anurādha, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ”. (224)
4) Tùy Quán Các Hành Là Khổ Não Có Thể Dẫn Đến Sự Chứng Ngộ Đạo Quả Giải Thoát:
“Thật vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo nào thấy bất cứ hành nào là lạc, sẽ thành tựu được nhẫn nhục tùy thuận, sự kiện này không xảy ra. Không thành tựu nhẫn nhục tùy thuận, sẽ nhập vào chánh tánh quyết định, sự kiện này không thể xảy ra. Không nhập vào chánh tánh quyết định, sẽ chứng ngộ quả Dự lưu, hay quả Nhất Lai, hay quả Bất lai, hay quả A-la-hán, sự kiện này không xảy ra.
Thật vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào thấy bất cứ hành nào là khổ, sẽ thành tựu được nhẫn nhục tùy thuận, sự kiện này có xảy ra. Thành tựu nhẫn nhục tùy thuận, sẽ nhập vào chánh tánh quyết định, sự kiện này có xảy ra. Nhập vào chánh tánh quyết định, sẽ chứng ngộ quả Dự lưu, quả Nhất lai, quả Bất lai, hay quả A-la-hán, sự kiện này có xảy ra”. (225)
III) VÔ NGÃ – ANATTA:
1) Tất Cả Các Pháp Hữu Vi Có Tánh Vô Thường Và Khổ Nhưng Các Pháp Dầu Là Hữu Vi Hay Vô Vi Cũng Đều Có Tánh Vô Ngã.
“Tất cả pháp vô ngã, Với Tuệ quán thấy vậy, Đau khổ được nhàm chán Chính con đường thanh tịnh”. |
“Sabbe saṅkhārā anattāti Yadā paññāya passati Atha nibbindati dukkhe Esa maggo visuddhiyā”. (226) |
“-- Này Tôn giả Assaji, Sa-môn Gotama huấn luyện đệ tử như thế nào? Và có những bộ môn nào mà phần lớn Sa-môn Gotama giảng dạy được dành cho đệ tử?
-- Này Aggivessana, như thế này, Thế Tôn huấn luyện đệ tử: "Này các Tỷ-kheo, sắc là vô thường, thọ là vô thường, tưởng là vô thường, hành là vô thường, thức là vô thường. Này các Tỷ-kheo, sắc là vô ngã, thọ là vô ngã, tưởng là vô ngã, hành là vô ngã, thức là vô ngã. Tất cả hành là vô thường, tất cả pháp là vô ngã". (227)
2) Đức Thế Tôn Dạy Về Sự Vô Ngã Trên 6 Xứ:
“Nếu ai nói rằng: “Mắt là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của mắt đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt củ mắt đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”. Do vậy, nếu ai nói rằng: “Mắt là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy, con mắt là vô ngã.
Nếu ai nói rằng: “Các sắc là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của các sắc đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của các sắc đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”. Do vậy, nếu ai nói rằng: “Các sắc là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy, con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã.
Nếu ai nói rằng: “Nhãn thức là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của nhãn thức đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của nhãn thức đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”. Do vậy, nếu ai nói rằng: “Nhãn thức là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy, con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã, nhãn thức là vô ngã.
Nếu có ai nói rằng: “Nhãn xúc là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của nhãn xúc đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của nhãn xúc đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”. Do vậy, nếu ai nói rằng: “Nhãn xúc là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy, con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã, nhãn thức là vô ngã, nhãn xúc là vô ngã.
Tương tự như vậy …
Tai … các tiếng … nhãn thức … nhãn xúc …
Mũi … các hương … tỷ thức … tỷ xúc …
Lưỡi … các vị … thiệt thức … thiệt xúc …
Thân … các xúc … thân thức … thân xúc …
Ý … các pháp … ý thức … ý xúc … đều là vô ngã”. (228)
3) Một Người Sống Với Tưởng Ngoài Tam Tướng Đó Là Kẻ Điên Đảo:
“-- Này các Tỷ-kheo, có bốn tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo này. Thế nào là bốn?
-- Trong vô thường, nghĩ là thường, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo. Trong khổ nghĩ là không khổ, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo. Trong vô ngã, nghĩ là ngã, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo. Trong không thanh tịnh, nghĩ là thanh tịnh, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo”. (229)
4) Tác Dụng Của Thế Tôn Vô Ngã Tùy Quán:
a) Tu tập vô ngã giúp đoạn tạn ngã kiến, ngã chấp kiến – những kiến chấp liên hệ đến tự ngã.
“Ðể đoạn tận thỏa mãn kiến (assādadiṭṭhi), tưởng vô thường cần phải tu tập. Ðể đoạn tận tùy ngã kiến (attānudiṭṭhiyā), tưởng vô ngã cần phải tu tập. Ðể đoạn tận tà kiến (micchādiṭṭhi), chánh kiến cần phải tu tập.
Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp này phải tu tập”. (230)
b) Tu tập vô thường, khổ não, vô ngã dẫn đến sự đoạn tận kiết sử, chứng ngộ Niết Bàn:
“-- Và này Ānanda, thế nào là con đường, thế nào là lộ trình đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử? Ở đây, này Ānanda, Tỷ-kheo do viễn ly các sanh y (Upadhiviveka), do đoạn trừ các bất thiện pháp, do làm cho an tịnh thân thô ác hành một cách toàn diện, ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ.
-- Vị này chánh quán mọi sắc pháp, thọ pháp, tưởng pháp, hành pháp, thức pháp là vô thường, khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bệnh chướng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, là vô ngã. Vị này giải thoát tâm khỏi các pháp ấy. Sau khi giải thoát tâm khỏi các pháp ấy, vị ấy tập trung tâm vào bất tử giới (Amatadhatu) và nghĩ rằng: "Ðây là tịch tịnh, đây là vi diệu, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự xả ly tất cả sanh y, sự ái diệt, vô tham, đoạn diệt, Niết-bàn". Nếu an trú vững chắc ở đây, vị này đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc. Nếu vị ấy không đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc, thời do sự tham pháp, hỷ pháp của mình, thời do sự đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, nhập Niết-bàn ở đấy, không phải trở lui đời này nữa. Này Ānanda, đây là con đường, đây là lộ trình đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử”. (231)
c) Vị Tỷ-kheo phải quán thân thể của mình đang trú đây là vô thường – khổ não – vô ngã thời dục ái được đoạn tận:
“Nhưng này Aggivessana, thân này có sắc, do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phân toái, đoạn tuyệt, hoại diệt, cần phải được quán sát là vô thường, khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bệnh chướng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, là vô ngã. Khi vị ấy quán sát thân này là vô thường, khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bệnh chướng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, là vô ngã, thời thân, thân dục, thân ái, thân phục tòng được đoạn diệt”. (232)
d) Tóm lại, vô thường – khổ não – vô ngã cần được tu tập để vị Tỷ-kheo chơn chánh đoạn tận khổ ưu – chứng ngộ Niết Bàn:
− Tu tập về tưởng vô ngã, bệnh tật sẽ được thuyên giảm ngay lập tức:
“Lúc bấy giờ, Tôn giả Girimānanda bị bịnh, khổ đau, bị trọng bịnh.
-- Này Ananda, nếu Thầy đi đến Tỷ-kheo Girimānanda và đọc lên mười tưởng, thời sự kiện này có thể xảy ra: Tỷ-kheo Girimānanda sau khi được nghe mười tưởng, bệnh của vị ấy có thể được thuyên giảm ngay lập tức! Thế nào là mười? Tưởng vô thường, tưởng vô ngã, tưởng bất tịnh, tưởng nguy hại, tưởng đoạn tận, tưởng từ bỏ, tưởng đoạn diệt, tưởng nhàm chán đối với tất cả thế giới, tưởng vô thường trong tất cả hành, tưởng niệm hơi thở vô hơi thở ra. Và này Ananda, thế nào là tưởng vô thường?”
1. Tưởng vô thường cần được tu tập – aniccasaññā:
-- Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo đi đến ngôi rừng, hay đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, quán sát như sau: “Sắc là vô thường, thọ là vô thường, tưởng là vô thường, hành là vô thường, thức là vô thường.” Như vậy vị ấy trú, tùy quán vô thường, trong năm thú uẩn này. Này Ananda, đây gọi là tưởng vô thường.
2. Tưởng vô ngã cần được tu tập – anattasaññā:
-- Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo đi đến khu rừng hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, quán sát như sau: “Mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã; tai là vô ngã, các tiếng là vô ngã; mũi là vô ngã, các hương là vô ngã; lưỡi là vô ngã, các vị là vô ngã; thân là vô ngã, xúc là vô ngã; ý là vô ngã, các pháp là vô ngã.”
3. Tưởng bất tịnh cần được tu tập – asubhasaññā:
-- Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo quán sát thân này từ bàn chân trở lên, từ đỉnh tóc trở xuống, được da bao bọc, đầy những vật bất tịnh sai biệt như: “Trong thân này có tóc, lông, móng, răng, da, thịt, dây gân, xương, tủy, thận, quả tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm (niêm dịch), mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mũi, nước ở khớp xương, nước tiểu”. Như vậy, vị ấy trú quán bất tịnh trong thân này.
4.. Tưởng nguy hại cần được tu tập – ādīnavasaññā:
-- Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, quán sát như sau: “Nhiều khổ là thân này, nhiều sự nguy hại. Như vậy trong thân này, nhiều loại bệnh khởi lên. Ví như bệnh đau mắt, bệnh đau về tai, bệnh đau mũi, bệnh đau lưỡi, bệnh đau thân, bệnh đau đầu, bệnh đau vành tai, bệnh đau miệng, bệnh đau răng, bệnh ho, bệnh suyễn, bệnh sổ mũi, bệnh sốt, bệnh già yếu, bệnh đau yếu, bệnh đau bụng, bất tỉnh, kiết lỵ, bệnh đau bụng quặn, bệnh thổ tả, bệnh hủi, bệnh ung nhọt, bệnh ghẻ lở, bệnh ho lao, bệnh trúng gió, bệnh da, bệnh ngứa, bệnh da đóng vảy, bệnh hắc lào lang ben, bệnh ghẻ, bệnh huyết đảm (mật trong máu), bệnh đái đường, bệnh trĩ, bệnh mụn nhọt, bệnh ung nhọt ung loét, các bệnh khởi lên do mật, bệnh khởi lên từ đàm, niêm dịch, các bệnh khởi lên từ gió; bệnh do hòa hợp các thể dịch sinh ra; các bệnh do thời tiết sinh ra, các bệnh do làm việc quá độ sanh, các bệnh do sự trùng hợp các sự kiêng; các bệnh do nghiệp thuần thục, lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện”. Như vậy, vị ấy sống, quán sự nguy hại trong thân này.
5. Tưởng đoạn tận cần được tu tập – pahānasaññā:
-- Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo, không có chấp nhận dục tầm đã sanh, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không sanh trưởng; không có chấp nhận sân tầm đã sanh, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không sanh trưởng; không có chấp nhận hại tầm... đã sanh...; không có chấp nhận các ác bất thiện pháp tiếp tục khởi lên, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không sanh trưởng. Này Ananda, đây được gọi tưởng đoạn tận.
6. Tưởng từ bỏ cần được tu tập – virāgasaññā:
-- Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, suy xét như sau: “Ðây là an tịnh, đây là thù thắng, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, Niết bàn.
7. Tưởng đoạn diệt cần được tu tập – nirodhasaññā:
-- Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, suy xét như sau: “Ðây là an tịnh, đây là thù thắng, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, Niết bàn”.
8. Tưởng không ưa thích trong tất cả thế giới cần được tu tập – sabbaloke anabhiratasaññā:
-- Ở đây, này Ananda, phàm ở đời có những chấp thủ phương tiện, tâm quyết định, thiên kiến, tùy miên nào, Tỷ-kheo từ bỏ chúng, không ưa thích, không chấp thủ. Này Ananda, đây gọi là tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới.
9. Tưởng vô thường trong tất cả các hành cần được tu tập – sabbasaṅkhāresu anicchāsaññā:
-- Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo bực phiền, xấu hổ, nhàm chán đối với tất cả hành. Này Ananda, đây gọi là vô thường trong tất cả hành.
10. Tưởng hơi thở vô hơi thở ra cần được tu tập
- Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo đi đến khu rừng hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, ngồi kiết-già, lưng thẳng, để niệm trước mặt. Chánh niệm, vị ấy thở vô; chánh niệm, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy rõ biết: “Tôi thở vô dài”. Thở ra dài, vị ấy rõ biết: “Tôi thở ra dài”, Hay thở vô ngắn, vị ấy rõ biết “Tôi thở vô ngắn” …
…
Rồi Tôn giả Ananda, sau khi học thuộc từ Thế Tôn mười tưởng này, đi đến Tôn giả Girimānanda, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Girimānanda mười tưởng này. Và Tôn giả Girimānanda, sau khi nghe mười tưởng này, bệnh của vị ấy được thuyên giảm ngay lập tức. Tôn giả Girimānanda, được thoát khỏi bệnh ấy. Ðược đoạn tận như vậy là chứng bệnh ấy của Tôn giả Girimānanda”. (233)
− Thế Tôn dạy quán tưởng ngũ uẩn là vô thường – khổ não – vô ngã để thành tựu phạm hạnh, chứng ngộ Niết Bàn:
-- Ông nghĩ thế nào, này Anurādha, sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy: “Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi”?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Thọ là thường hay vô thường? Tưởng là thường hay vô thường? … Các hành là thường hay vô thường? Thức là thường hay vô thường? … như trên.
-- Do vậy, này Anurādha, phàm có sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi. Cái này không phải là tôi. Cái này không phải tự ngã của tôi”. Phàm có thọ gì, quá khứ, vị lai, hiện tại … Phàm có tưởng gì … Phàm có các hành gì … Phàm có thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả thức cần phải như thật quán với chánh trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi. Cái này không phải là tôi. Cái này không phải tự ngã của tôi”.
Thấy vậy, này Anurādha, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với các hành, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán nên vị ấy ly tham. Do ly tham nên vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, khởi lên trí biết rằng: “Ta đã được giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”. (234)
CHƯƠNG [17] NGHIỆP KAMMA
I) ĐỊNH NGHĨA VỀ NGHIỆP:
− Theo từ điển Pāḷi – Anh của Buddhadatta Kamma [nt]: deed, action, job, work, nghiệp là hành động, tạo tác.
“Cetanāhaṃ, bhikkhave, kammaṃ vadāmi. Cetayitvā kammaṃ karoti—kāyena vācāya manasā.” (235) |
“Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng suy tư là nghiệp; sau khi suy tư, tạo nghiệp về thân, về lời, về ý.” |
− Nghiệp gồm có 3: thân nghiệp – kāyakamma, khẩu nghiệp – vacīkamma và ý nghiệp – manokamma.
II) NHỮNG BÀI KINH THẾ TÔN GIẢNG VỀ NGHIỆP:
Các chúng sanh là thừa tự hạnh nghiệp (của mình). (236) | Kammadāyādā sattā’ti vadāmi. |
“Này Thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu.” (237) |
Kammassakā, māṇava, sattā kammadāyādā kammayonī kammabandhū kammappaṭisaraṇā. Kammaṃ satte vibhajati yadidaṃ— hīnappaṇītatāyā”ti. |
Như vậy, này Ananda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới thấp kém. Như vậy, trong tương lai có sự tái sanh sanh khởi. Như vậy, này Ananda, hữu có mặt.” (238) |
Iti kho, ānanda, kammaṃ khettaṃ, viññāṇaṃ bījaṃ, taṇhā sneho. Avijjānīvaraṇānaṃ sattānaṃ taṇhāsaṃyojanānaṃ hīnāya dhātuyā viññāṇaṃ patiṭṭhitaṃ evaṃ āyatiṃ punabbhavābhinibbatti hoti. |
III) PHÂN LOẠI NGHIỆP: (239)
Nghiệp được chia làm rất nhiều loại tùy theo tính chất mỗi loại. Sau đây, chúng tôi xin được trích dẫn một vài phân loại nghiệp:
☸️ Theo Vi Diệu Pháp:
1) Tùy Theo Thứ Tự Trổ Quả, Nghiệp Được Chia Làm 4 Loại:
a) Trọng nghiệp – Garuka Kamma:
− Có nghĩa là nghiệp nặng, hay nghiêm trọng, có thể thiện hay bất thiện. Nghiệp này chắc chắn trổ sanh quả ngay trong kiếp sống hiện tiền, hoặc trong kiếp kế liền kiếp hiện tại.
− Nếu là thiện, thì đây là loại nghiệp có tánh cách thuần túy tinh thần như trường hợp các tầng Thiền (Jhāna), ngoài ra là khẩu hoặc thân nghiệp.
− Theo thứ tự nặng nhẹ, có năm loại trọng nghiệp là: 1. Chia rẽ Tăng Già, 2. Gây thương tích cho một vị Phật, 3. Sát hại một vị A La Hán, 4. Giết mẹ, và 5. Giết cha.
− Nghiệp nầy cũng được gọi là Ānantariya Kamma bởi vì nhất định phải trổ quả trong kiếp sống tới, kế liền kiếp sống hiện tại. Tà Kiến Thường Xuyên (niyata micchādiṭṭhi) cũng được xem là Trọng Nghiệp.
− Thí dụ như người kia đã đắc Thiền và sau đó phạm nhằm một trong các Trọng Tội thì nghiệp thiện đã tạo trước đó sẽ bị nghiệp bất thiện có năng lực hùng mạnh nầy ngăn trở. Kiếp sống kế đó sẽ do nghiệp xấu tạo duyên (như Devadatta).
b) Cận Tử Nghiệp – Āsanna Kamma:
− Là điều gì mà ta làm hay nghĩ đến liền trước khi chết.
− Đối với các nước quốc giáo, cận tử nghiệp là nghiệp tối quan trọng vì chính nó tạo duyên cho sự tái sanh sắp đến.
− Ðôi khi người xấu có thể chết an lành và tái sanh tốt đẹp nhờ may mắn nhớ lại, hoặc được làm, một hành động thiện, ngay vào lúc lâm chung.
− Người tốt có khi cũng chết một cách bất hạnh vì bất ngờ nhớ đến một hành động bất thiện của mình, hoặc trong một hoàn cảnh bất thuận lợi thình lình có những tư tưởng không lành (như hoàn hậu Mallikā).
c) Thường Nghiệp – Āciṇṇa Kamma:
− Là điều gì mà ta thường làm và thường nhớ đến, và những điều mà ta thường ưa thích nhiều.
− Những thói quen, dầu tốt hay xấu, lâu ngày trở thành bản chất thứ nhì, và có khuynh hướng tạo nên tâm tánh của một người.
− Vào lúc lâm chung, ngoại trừ khi bị hoàn cảnh xen vào, thông thường ta hồi nhớ lại những hành động quen thuộc đã làm trong quá khứ (Cunda tên đồ tể, sống ở một nơi gần tịnh thất của Ðức Phật, trước khi chết kêu la như loài thú bị giết bởi vì anh ta sinh sống bằng cách giết heo làm thịt).
d) Nghiệp Tích Tụ – Kaṭattā Kamma:
− Tất cả những hành động không bao gồm trong ba loại kể trên và những hành động nào vừa thực hiện rồi sớm quên, thuộc về loại nghiệp nầy.
− Kaṭattā cũng giống như ngân quỷ dự trữ riêng của một người.
2) Tùy Theo Thời Gian Trổ Quả, Nghiệp Được Chia Làm 4 Loại:
a) Hiện Nghiệp – Diṭṭhadhammavedanīya Kamma:
− Là điều gì thọ cảm trong kiếp sống hiện tiền. Diṭṭhadhamma có nghĩa là kiếp sống hiện tiền.
− Trong tiến trình tâm có 7 sát na Javana (đổng tốc hay tốc hành tâm), quả của chặp tư tưởng đầu tiên yếu nhất, có thể trổ sanh trong kiếp hiện tại, và được gọi là Hiện Nghiệp, hay nghiệp trổ quả tức khắc.
− Nếu chặp tư tưởng nầy không trổ quả được trong kiếp hiện tại thì được gọi là Vô Hiệu Lực (Ahosi).
b) Hậu Nghiệp – Upapajjavedanīya Kamma:
− Là quả của chặp tư tưởng thứ 7 trong tiến trình tâm, sẽ trổ quả vào kiếp liền kề.
− Nghiệp nầy cũng trở thành vô hiệu lực nếu không trổ sanh được trong kiếp kế liền kiếp hiện tại.
c) Nghiệp Vô Hạn Ðịnh – Aparāpariya-vedaniya:
− Quả của năm chặp còn lại trong tiến trình javana có thể trổ sanh bất cứ lúc nào, cho đến khi chứng ngộ Niết Bàn.
− Không có ai, chí đến Ðức Phật cũng vậy, có thể tránh khỏi hậu quả của nghiệp này.
d) Nghiệp Vô Hiệu Lực – Ahosi Kamma:
Những hành động thiện hoặc ác không còn khả năng để cho quả được gọi là Vô Hiệu Nghiệp. Thật ra không có loại nghiệp nào gọi là Vô Hiệu nghiệp, nhưng nếu các quả báo ở đời này hay đời sau mà không thành tựu được (vì không đủ nhân duyên) thì các nghiệp báo ấy được gọi là Vô Hiệu Nghiệp. (240)
3) Tùy Theo Nơi Chốn Trổ Quả, Nghiệp Được Chia Làm 4 Loại:
a) Nghiệp Bất Thiện, gồm có 3:
− Gồm có 3:
+ Thân bất thiện: là những hành động được thực hiện bằng thân như sát sanh, trộm cắp, tà dâm.
+ Khẩu bất thiện: là những hành động được thực hiện bằng khẩu như nói dối, nói lời đâm thọc, nói lời thô ác và nói lời phù phiếm.
+ Ý bất thiện: là những hành động tinh thần thực hiện bằng ý gồm tham dục, sân hận và tà kiến.
− Bất thiện nghiệp đưa đến tái sanh trong khổ cảnh.
b) Nghiệp Thiện Thuộc Dục Giới:
− Nghiệp Thiện cũng có mười gồm: 1. bố thí, 2. trì giới, 3. hành thiền, 4. lễ bái (bậc trưởng thượng), 5. phục vụ, 6. hồi hướng phước báu, 7. thọ hưởng phước báu (của người khác), 8. nghe Giáo Pháp, 9. giảng dạy Giáo Pháp, 10. củng cố Chánh Kiến.
− Thập thiện nghiệp dục giới đưa đến tái sanh trong quả phúc dục giới hay nhơn – thiên.
c) Nghiệp Thiện Thuộc Sắc Giới:
− Nghiệp Thiện của cảnh Sắc Giới thuần túy tinh thần và được tạo nên do công trình hành thiền. Tùy hợp theo các yếu tố của Thiền (Jhāna) có năm chi Thiền.
− 5 chi thiền tương ứng với 5 cảnh giới tái sanh:
+ Sơ Thiền: Những vị đã phát triển Sơ Thiền ở mức độ thấp thì sanh vào cảnh Phạm Chúng Thiên. Những vị cùng phát triển tầng Thiền nầy ở mức độ trung bình, sanh vào cảnh Phạm Phụ Thiên. Phát triển đến mức độ cao, sanh vào cảnh Ðại Phạm Thiên.
+ Nhị Thiền: Mức độ thấp thì sanh vào Thiểu Quang Thiên. Phát triển ở mức độ trung bình các Ngài sanh vào cảnh Vô Lượng Quang Thiên. Phát triển đến mức cao độ thì các Ngài sanh vào cảnh Quang Âm Thiên.
+ Tam Thiền: như Nhị Thiền.
+ Tứ Thiền: Phát triển Tứ Thiền ở mức độ thấp thì các Ngài sanh vào cảnh Thiền Tịnh Thiên. Phát triển đến mức trung bình, các Ngài sanh vào Vô Lượng Tịnh Thiên. Phát triển đến mức độ cao thì các Ngài sanh vào cảnh Biến Tịnh Thiên.
+ Ngũ Thiền: Phát triển Ngũ Thiền, các Ngài sanh vào cảnh giới của những vị Quảng Quả Thiên. Phát triển Thiền mà không đeo níu theo tâm nào thì các Ngài sanh vào cảnh Vô Tưởng Thiên, những chúng sanh không có tâm.
☸️ Tóm gọn về cõi tái sanh tương ứng với chi thiền trong bảng sau:
16 CÕI SẮC GIỚI RŪPA LOKA |
Tứ thiền |
Tịnh Cư Thiên (gồm 5 cõi) |
5. Sắc Cứu Cánh Thiên – Akaniṭṭhabhūmi [27] |
Cõi giới của các vị thánh Bất Lai. |
4. Thiện Hiện Thiên – Sudassībhūmi [26] |
||||
3. Thiện Kiến Thiên – Sudassābhūmi [25] |
||||
2. Vô Nhiệt Thiên – Atappābhūmi [24] |
||||
1. Vô Phiền Thiên – Avihābhūmi [23] |
||||
[22] Vô Tưởng Thiên – Asaññasattabhūmi |
||||
[21] Quảng Quả Thiên – Vehappalābhūmi |
||||
|
||||
Tam thiền |
[20] Biến Tịnh Thiên – Subhākiṇṇābhūmi |
|
||
[19] Vô Lượng Tịnh Thiên – Appamāṇasubhābhūmi |
||||
[18] Thiểu Tịnh Thiên – Parittasubhābhūmi |
||||
|
||||
Nhị thiền |
[17] Quang Âm Thiên – Ābhassarābhūmi |
|
||
[16] Vô Lượng Quang Thiên – Appamāṇābhābhūmi |
||||
[15] Thiểu Quang Thiên – Parittābhābhūmi |
||||
|
||||
Sơ thiền |
[14] Đại Phạm Thiên – Mahābrahmābhūmi |
|
||
[13] Phạm Phụ Thiên – Brahmapurohitabhūmi |
||||
[12] Phạm Chúng Thiên – Brahmapārisajjabhūmi |
d) Nghiệp Thiện Thuộc Vô Sắc Giới:
− Cùng thế ấy, Nghiệp Thiện của cảnh Vô Sắc là sinh hoạt tinh thần, và cũng bắt nguồn từ công trình hành thiền. Tùy hợp theo các đề mục của Thiền, thiền Vô Sắc Giới có bốn bậc.
− 4 tâm Vô Sắc Giới tương ứng 4 cõi Vô Sắc Giới.
Ngoài ra, còn nhiều cách phân loại nghiệp khác nữa.
☸️ Theo Kinh:
− Trong kinh Hạnh Con Chó – Trung Bộ số 57, Đức Phật đã giảng về 4 loại nghiệp như sau:
-- Này Puñña có bốn loại nghiệp này, Ta đã tự chứng tri, chứng ngộ và tuyên thuyết. Thế nào là bốn? Này Puñña, có nghiệp đen đưa đến quả báo đen, này Puñña, có nghiệp trắng đưa đến quả báo trắng, này Puñña, có nghiệp đen trắng đưa đến quả báo đen trắng, này Puñña, có nghiệp không đen trắng đưa đến quả báo không đen trắng, nghiệp đưa đến sự đoạn tận các nghiệp.
1. Và này Puñña, thế nào là nghiệp đen đưa đến quả báo đen?
Ở đây, này Puñña có người tạo ra thân hành có tổn hại, tạo ra khẩu hành có tổn hại, tạo ra ý hành có tổn hại. Sau khi tạo ra thân hành có tổn hại, khẩu hành có tổn hại, ý hành có tổn hại, vị này được sanh vào thế giới có tổn hại. Vì phải sanh vào thế giới có tổn hại, vị này cảm xúc những cảm xúc có tổn hại. Do cảm xúc những cảm xúc có tổn hại, vị này cảm thọ những cảm thọ có tổn hại, thuần nhất khổ thọ, như các chúng sanh trong địa ngục. Như vậy, này Puñña, là sự sanh khởi của một chúng sanh tùy thuộc ở chúng sanh, chúng sanh ấy sanh khởi tùy thuộc hành động của mình, và khi chúng sanh ấy đã sanh, thời các cảm xúc kích thích mình. Do vậy, này Puñña, Ta nói: “Các chúng sanh là thừa tự hạnh nghiệp (của mình)”. Như vậy, này Puñña, được gọi là nghiệp đen đưa đến quả báo đen.
2. Và này Puñña, thế nào là nghiệp trắng đưa đến quả báo trắng?
Ở đây, này Puñña, có người làm thân hành không không có tổn hại, làm khẩu hành không có tổn hại, làm ý hành không không có tổn hại. Sau khi làm thân hành không không có tổn hại, khẩu hành không không có tổn hại, ý hành không không có tổn hại, vị này được sanh vào thế giới không không có tổn hại. Vì phải sanh vào thế giới không không có tổn hại, vị này cảm xúc những cảm xúc không không có tổn hại. Do cảm xúc những cảm xúc không không có tổn hại, vị này cảm thọ những cảm thọ không không có tổn hại, thuần nhất lạc thọ, như chư Thiên Subhakinha (Biến Tịnh thiên). Như vậy này Puñña là sự sanh khởi của một chúng sanh tùy thuộc ở chúng sanh, chúng sanh ấy sanh khởi tùy thuộc hành động của mình; và khi chúng sanh ấy đã sanh, thời các cảm xúc kích thích chúng sanh ấy. Do vậy, này Puñña, Ta nói: “Các chúng sanh là thừa tự hạnh nghiệp (của mình)”. Như vậy, này Puñña, được gọi là nghiệp trắng đưa đến quả báo trắng.
3. Và này Puñña, thế nào là nghiệp đen trắng đưa đến quả báo đen trắng?
Ở đây, này Puñña, có người làm các thân hành có tổn hại và không tổn hại, các khẩu hành có tổn hại và không tổn hại, các ý hành có tổn hại và không tổn hại. Sau khi làm các thân hành có tổn hại và không tổn hại, khẩu hành có tổn hại và không tổn hại, ý hành có tổn hại và không tổn hại, vị này được sanh vào thế giới có tổn hại và không tổn hại. Vì phải sanh vào thế giới có tổn hại và không tổn hại, vị này cảm xúc những cảm xúc có tổn hại và không tổn hại. Do cảm xúc những cảm xúc có tổn hại và không tổn hại, vị này cảm thọ những cảm thọ có tổn hại và không tổn hại, có lạc thọ khổ thọ xen lẫn, như một số loài Người, một số chư Thiên và một số chúng sanh trong đọa xứ. Như vậy, này Puñña là sự sanh khởi của một chúng sanh tùy thuộc ở chúng sanh, chúng sanh ấy sanh khởi tùy thuộc hành động của mình; và khi chúng sanh ấy đã sanh, thời các cảm xúc kích thích chúng sanh ấy. Do vậy, này Puñña, Ta nói: “Các chúng sanh là thừa tự hạnh nghiệp (của mình)”. Như vậy này Puñña, được gọi là nghiệp đen trắng đưa đến quả báo đen trắng.
4. Và này Puñña, thế nào là nghiệp không đen trắng, đưa đến quả báo không đen trắng, nghiệp đưa đến sự đoạn tận các nghiệp?
Ở đây, này Puñña chỗ nào có ý chí (Cetana: Tư tâm sở) đoạn trừ nghiệp đen đưa đến quả báo đen, chỗ nào có ý chí đoạn trừ nghiệp trắng đưa đến quả báo trắng, chỗ nào có ý chí đoạn trừ nghiệp đen trắng đưa đến quả báo đen trắng. Ở đây, này Puñña, chỗ nào có ý chí như vậy, này Puñña, được gọi là nghiệp không đen trắng đưa đến quả báo không đen trắng, nghiệp đưa đến sự đoạn tận các nghiệp. Này Puñña, bốn loại nghiệp này, Ta đã tự chứng tri, chứng ngộ và tuyên thuyết.
IV) CHÁNH KIẾN VÀ TÀ KIẾN VỀ NGHIỆP:
1) Phải Hiểu Nghiệp Dị Thục Như Thế Nào? (241)
a) Làm nghiệp như thế nào thọ nhận quả như vậy – là một tà kiến:
Chánh kiến và tà kiến về nghiệp:
“Ai nói như sau, này các Tỷ-kheo: “Người này làm nghiệp như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ như vậy, như vậy”. Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời không có đời sống Phạm hạnh, không có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt. Và này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Người này làm nghiệp được cảm thọ như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ quả dị thục như vậy, như vậy”. Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời có đời sống Phạm hạnh, có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt”.
Tà kiến về nghiệp Người này làm nghiệp như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ như vậy, như vậy |
Chánh kiến về nghiệp Người này làm nghiệp được cảm thọ như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ quả dị thục như vậy, như vậy. |
b) Lý do về quả dị thục của nghiệp:
− Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục (ác nghiệp nhỏ nhưng dẫn đến quả địa ngục): Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục.
− Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều (ác nghiệp nhỏ, quả bảo nhỏ đến nỗi không thấy được): Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều.
c) Ví dụ về quả dị thục của nghiệp:
− Nắm muối và nước:
+ Một người bỏ một nắm muối vào trong một chén nước nhỏ => nước ấy trở nên mặn và không thể uống được.
+ Người ấy bỏ nắm muối ấy vào sông Hằng => nước của sông sẽ không vì nắm muối đó mà mặn đi.
− Một đồng tiền và sự tù tội:
+ Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người nghèo khổ, ít sở hữu, ít tài sản. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, bị tù tội vì nửa đồng tiền, bị tù tội vì một đồng tiền, bị tù tội vì một trăm đồng tiền.
+ Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người giàu có, có tiền của lớn, có tài sản lớn. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, không bị tù tội vì nửa đồng tiền, không bị tù tội vì một đồng tiền, không bị tù tội vì một trăm đồng tiền.
− Người đồ tể và kẻ trộm dê:
+ Người đồ tể hay người giết dê, đối với một số người đánh cắp dê, có thể giết, có thể trói, có thể tịch thu tài sản, hay có thể làm như ý người ấy muốn: đối với người trộm dê là kẻ nghèo khổ, ít tài sản sở hữu.
+ Người đồ tể hay người giết dê, đối với kẻ đánh cắp dê như vậy không có thể giết, không có thể trói, không có thể tịch thu tài sản, hay không có thể làm như ý muốn: đối với người giàu có, có tài sản lớn.
2) Giảng Rõ Về Nghiệp Dị Thục: (242)
− Nghiệp là gì:
“Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng suy tư là nghiệp; sau khi suy tư, tạo nghiệp về thân, về lời, về ý”.
− Thế nào là nghiệp sanh khởi:
“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các nghiệp sanh khởi? Này các Tỷ-kheo, xúc là các nghiệp sanh khởi”.
− Thế nào là các nghiệp sai biệt:
“Này các Tỷ-kheo, có nghiệp đưa đến cảm thọ ở địa ngục, có nghiệp đưa đến cảm thọ loài bàng sanh, có nghiệp đưa đến cảm thọ cõi ngạ quỷ, có nghiệp đưa đến cảm thọ thế giới loài Người, có nghiệp đưa đến cảm thọ thế giới chư Thiên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các nghiệp sai biệt”.
− Thế nào là nghiệp dị thục:
“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các nghiệp dị thục? Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng có ba loại nghiệp dị thục: Ở ngay đời hiện tại, hay ở đời sau, hay ở một đời sau nữa. Này các Tỷ-kheo, đây là các nghiệp dị thục”.
− Thế nào là nghiệp đoạn diệt và con đường đưa đến nghiệp đoạn diệt:
“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp đoạn diệt? Xúc đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, là nghiệp đoạn diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành, con đường đưa đến các nghiệp đoạn diệt. Ðó là chánh tri kiến... chánh định. Khi nào, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử rõ biết các nghiệp như vậy, rõ biết các nghiệp sanh khởi như vậy, rõ biết các nghiệp sai biệt như vậy, rõ biết các nghiệp dị thục như vậy, rõ biết các nghiệp đoạn diệt như vậy, rõ biết con đường đưa đến các nghiệp đoạn diệt như vậy, khi ấy, vị ấy rõ biết Phạm hạnh thể nhập này như là các nghiệp đoạn diệt”.
3) Suy Tư Về Nghiệp Như Thế Nào Là Chơn Chánh:
Quả dị thục của nghiệp là một trong 4 pháp không thể nghĩ bàn, nếu không sẽ bị điên loạn.
“Có bốn điều này không thể nghĩ đến được, này các Tỷ-kheo, nếu nghĩ đến, thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ. Thế nào là bốn? Phật giới của các đức Phật, này các Tỷ-kheo, không thể nghĩ đến được, nếu nghĩ đến, thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ. Thiền giới của người ngồi Thiền, này các Tỷ-kheo, không thể nghĩ được, nếu nghĩ... thống khổ. Quả dị thục của nghiệp, này các Tỷ-kheo, không thể nghĩ đến được, nếu nghĩ đến... thống khổ. Tâm tư thế giới, này các Tỷ-kheo, không thể nghĩ đến được, nếu nghĩ đến thời có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ”. (243) | “Cattārimāni, bhikkhave, acinteyyāni, na cintetabbāni; yāni cintento ummādassa vighātassa bhāgī assa. Katamāni cattāri? Buddhānaṃ, bhikkhave, buddhavisayo acinteyyo, na cintetabbo; yaṃ cintento ummādassa vighātassa bhāgī assa. Jhāyissa, bhikkhave, jhānavisayo acinteyyo, na cintetabbo; yaṃ cintento ummādassa vighātassa bhāgī assa. Kammavipāko, bhikkhave, acinteyyo, na cintetabbo; yaṃ cintento ummādassa vighātassa bhāgī assa. Lokacintā, bhikkhave, acinteyyā, na cintetabbā; yaṃ cintento ummādassa vighātassa bhāgī assa.” |
4) Vị Xuất Gia Phải Luôn Suy Tư Về Nghiệp:
“Vị xuất gia cần phải luôn luôn quán sát: "Ta là chủ của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, là thai tạng của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ quy hướng của nghiệp; phàm nghiệp gì ta sẽ làm, thiện hay ác ta sẽ thừa tự nghiệp ấy". (244) | “Kammassakomhi kammadāyādo kamma-yoni kammabandhu kamma-paṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā tassa dāyādo bhavissāmī’ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbaṃ.” |
Handa dāni, bhikkhave, āmantayāmi vo, vayadhammā saṅkhārā appamādena sampādethā”ti. | |
Này các Tỷ-kheo, nay Ta khuyên dạy các ngươi: "Các pháp hữu vi Là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật" Mahāparinibbāna Sutta |
Khemārāma – Tịnh An Lan Nhã
ĐC: Quốc lộ 56, Quảng Thành 2, Nghĩa Thành, Châu Đức, BRVT
Email: Khemarama.com@gmail.com
Website: https://khemarama.net/
* * * * *
(1) AN 1.170, Kinh Như Lai (Ekapuggala Sutta).
(2) SN 44.2, Kinh Anurādha (Anurādha Sutta).
(3) MN 22, Kinh Ví Dụ Con Rắn (Alagaddūpama Sutta).
(4) SN 22.94, Kinh Hoa (Puppha Sutta).
(5) SN 56.31, Kinh Siṃsapā (Siṃsapā Sutta).
(6) MN 8, Kinh Đoạn Giảm (Sallekha Sutta).
(7) DN 24, Kinh Ba-lê (Pāṭika Sutta).
(8) MN 22, Kinh Ví Dụ Con Rắn (Alagaddūpama Sutta).
(9) HT. Giới Nghiêm, Mi Tiên Vấn Đáp, NXB. Phương Đông, ấn bản năm 2003, chương II, phần câu hỏi số 116 – Đức Phật thuyết về bố thí là để nhận được lợi lộc cúng dường?
(10) Nguồn: Internet.
(11) HT. Viên Minh (2014), Thực Tại Hiện Tiền, NXB. Hồng Đức, tr. 5.
(12) SN 11.3, Kinh Đầu Ngọn Cờ (Dhajaggaṃ Sutta).
(13) HT Hộ Pháp (2019), Nền Tảng Phật Giáo Cuốn 2, tái bản lần thứ 3, NXB. Tôn Giáo, tr. 2 – 150.
(14) Cv, chương 9, phẩm 1, Đình chỉ giới bổn Patimokkha.
(15) DN 33, Kinh Tướng (Lakkhaṇa Sutta).
(16) AN 4.32, Kinh Nhiếp Pháp (Saṅgahavatthu Sutta).
(17) AN 9.5, Kinh Những Sức Mạnh (Balasaṅgahavatthu Sutta).
(18) AN 8.24, Kinh Hatthakā, Người Xứ Āḷavi (Hatthakāḷavaka Saṅgahavatthu Sutta).
(19) Ban Giáo Dục Tăng Ni Trung Ương (2015), Phật Học Căn Bản, NXB. Phương Đông, tr. 26 – 27.
(20) MN 99, Kinh Subha (Subha Sutta).
(21) MN 127, Kinh Anurudha (Anuruddha Sutta), đoạn tôn giả Anuruddha giảng cho thợ mộc Pancakanga.
(22) TT. Giác Chánh, Vi Diệu Pháp Giảng Giải, bài 15 – Sở Hữu Tịnh Hảo.
(23) Mingun Sayadaw, Đại Phật Sử (Mahā Buddhavaṃsa), TK. Minh Huệ dịch Việt, NXB Tôn Giáo, tập 1, chương 2: Sự xuất hiện hy hữu của một vị Phật, tr. 41 – 42.
(24) MN 21, Kinh Ví Dụ Cái Cưa (Kakacūpama Sutta).
(25) SN 4.125, Kinh Tâm Từ 1 (Mettā 1 Sutta).
(26) MN 97, Kinh Dhānañjāni (Dhānañjāni Sutta).
(27) MN 62, Đại Kinh Giáo Giới La-hầu-la (Mahārāhulovāda Sutta).
(28) AN 11.16, Kinh Từ (Metta Sutta).
(29) AN 5.86, Kinh Vô Ngại Giải (Paṭisambhidā Sutta).
(30) KN, Iti.11.9.
(31) SN 104, Kinh làng Sāma (Sāmagāma Sutta).
(32) MN 48, Kinh Kosambiya (Kosambiya Sutta).
(33) AN 4.199, Kinh Ái (Taṇhājālinī Sutta).
(34) SN 56.11, Kinh Như Lai Thuyết (Dhammacakkppavattana Sutta).
(35) SN 23.2, Kinh chúng sanh (Satta Sutta).
(36) SN 26.1, Kinh Mắt (Cakkhu Sutta).
(37) MN 72, Kinh Dạy Vacchagotta Về Lửa (Aggivacchagotta Sutta).
(38) SN 38.1, Kinh Niết Bàn (Nibbāna Sutta).
(39) SN 43.1 Kinh Thân (Kāyagatāsati Sutta).
(40) SN 45.7, Kinh Một Tỷ-kheo khác (Bhikkhu 2 Sutta).
(41) KN, Iti 9 (Lobhapariññā Sutta).
(42) SN 48.50, Kinh Tín, Hay Ngôi Chợ (Āpaṇa Sutta).
(43) SN 56.11, Kinh Như Lai Thuyết (Dhammacakkppavattana Sutta).
(44) DN 2, Kinh Sa-môn Quả (Sāmaññaphala Sutta).
(45) MN 44, Tiểu kinh Phương Quảng (Cūḷavedalla Sutta).
(46) AN 10.1, Kinh Ý nghĩa gì (Kimatthiya Sutta).
(47) SN 56.21, Kinh Koṭigāma (Koṭigāma Sutta).
(48) DN 16, Kinh Đại Bát Niết Bàn (Mahāparinibbāna Sutta).
(49) MN 13, Đại Kinh Khổ Uẩn (Mahādukkhakkhandha Sutta).
(50) Phần này tổng hợp từ nhiều nguồn nhưng chủ yếu trích từ HT. Hộ Pháp (2018), Pháp Hành Thiền Tuệ, NXB. Tôn Giáo, tr. 2 – 74.
(51) AN 2.31, Kinh Lực (Bāla 11 Sutta).
(52) DN 22, Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta).
(53) DN 2, Kinh Sa-môn Quả (Sāmaññaphala Sutta).
(54) SN 36.21, Kinh Sīvaka (Moḷiyasīvaka Sutta).
(55) SN 22.43, Kinh Tự Mình Làm Hòn Đảo (Attadīpa Sutta).
(56) SN 22.3 Kinh Cái Ghè (Ghaṭa Sutta).
(57) SN 49.1, Pācīnaninna 1 Sutta.
(58) AN 4.69, Kinh Tinh Cần (Padhāna Sutta).
(59) SN 35.205, Kinh Đàn Tỳ Bà (Vīṇopama Sutta).
(60) SN 42.8, Kinh Vỏ Ốc (Saṅkhadhama Sutta).
(61) SN 49.23, Kinh Lực (Bala Sutta).
(62) AN 5.54, Kinh Thời Gian Để Tinh Cần (Asamayasamaya Sutta).
(63) Mingun Sayadaw, Đại Phật Sử (Mahā Buddhavaṃsa), TK. Minh Huệ dịch Việt, NXB Tôn Giáo, tập 1, tr. 371 – 375.
(64) SN 35.205, Kinh Đàn Tỳ Bà (Vīṇopama Sutta).
(65) SN 35.236, Kinh Con Rùa (Hatthapādupama Sutta).
(66) SN 51.13, Kinh Ý Muốn (Chanda Sutta).
(67) SN 51.19, Kinh Thuyết Pháp Hay Tu Tập (Bhāvanā Sutta).
(68) SN 51.20, Kinh phân tích (Vibhaṅga Sutta).
(69) Kiếp ở đây không phải là kiếp người mà là kappa, chúng tôi xin giải thích từ “Kappa” theo Đại Phật Sử cuốn số 1 như sau: 1 đại kiếp = 4 A-tăng-kỳ kiếp = 4 × 64 trung kiếp = 256 trung kiếp (theo cách tính ở cõi người); Mà 1 đại kiếp = 80 trung kiếp (theo cách tính ở địa ngục A-tỳ) => 1 trung kiếp của địa ngục A-tỳ = 256/80 = 3.2 trung kiếp ở cõi người. Từ đó chúng ta có thể dễ hiểu rằng: 1 A-tăng-kỳ kiếp = 64 trung kiếp ở nhân loại Mà 3.2 trung kiếp nhân loại = 1 trung kiếp cõi địa ngục. Vậy nên, 1 A-tăng-kỳ kiếp = 64 trung kiếp nhân loại = 20 trung kiếp địa ngục A-tỳ. Nói đại khái là một con số rất lớn để đếm được.
(70) DN 16, Kinh Đại bát Niết Bàn (Mahāparinibbāna Sutta).
(71) Những bài kinh trên được trích từ SN 51.
(72) SN 48.2, Kinh Dự Lưu (Sota Sutta).
(73) SN 48.4, Kinh A-la-hán (Arahanta Sutta).
(74) SN 43.9, Kinh Phân Biệt (Vibhaṅga Sutta).
(75) SN 48.48, Kinh Cần Phải Quán (Daṭṭhabba Sutta).
(76) SN 48.10, Kinh Phân Tích (Vibhaṅga 2 Sutta).
(77) SN 48.11, Kinh Chứng Được (Paṭilābha Sutta).
(78) SN 50.1, Kinh Pācīnaninna.
(79) SN 50.103, Kinh Thượng Phần Kiết Sử (Anusaya Sutta?).
(80) Nārada Mahā Thera, Vi Diệu Pháp Toát Yếu, Phạm Kim Khánh dịch, chương II, phần giảng về Vīriya.
(81) SN 50.1, Kinh Viễn Ly (Pācīnaninna Sutta).
(82) AN 4.69, Kinh Tinh Cần (Padhāna Sutta).
(83) Dhp. 14.
(84) Tổng hợp từ HT. Giác Chánh (VDP Giảng Giải); TT. Chánh Minh (2005), Tâm Sở Vấn Đáp, NXB. Tôn Giáo, tr. 196 – 197.
(85) SN 48.45, Kinh Vườn Phía Đông (Pubbārāma Sutta).
(86) Nguồn: Internet.
(87) SN 46.14, Kinh Bệnh (Gilāna Sutta).
(88) SN 46.5, Kinh vị Tỷ-kheo (Bhikkhu Sutta).
(89) SN 46.58, Kinh Bảy Trở Thành Mười Bốn (Puḷavaka Sutta).
(90) SN 10.61, Kinh Minh (Avijjā Sutta).
(91) SN 46.6 Kinh Kuṇḍaliya (Kuṇḍaliya Sutta).
(92) SN 46.53, Kinh Món Ăn Cho Các Giác Chi (không hiểu sao tên Kinh trong bản Pāḷi là Aggi Sutta??).
(93) SN 6.13, Kinh Ví Dụ Mặt Trời (Suriya Sutta).
(94) HT. Viên Minh – trích từ phần hỏi đáp Trung tâm Hộ Tông (http://www.trungtamhotong.org).
(95) Nārada Mahā Thera (Vi Diệu Pháp Toát Yếu), phần: Những yếu tố của sự giác ngộ.
(96) SN 46.3, Kinh Giới (Sīla Sutta).
(97) HT. Viên Minh – trích từ phần hỏi đáp Trung tâm Hộ Tông (http://www.trungtamhotong.org).
(98) HT. Viên Minh – trích từ phần hỏi đáp Trung tâm Hộ Tông (www.trungtamhotong.org).
(99) SN 46.3, Kinh giới (Sīla Sutta).
(100) Bhadantacariya Buddhaghosa (2014), Thanh Tịnh Đạo, NS. Trí Hải dịch Việt, NXB Hồng Đức, tr. 246.
(101) SN 46.16, Kinh Đoạn Tận (Khaya Sutta).
(102) HT. Viên Minh – trích từ phần hỏi đáp Trung tâm Hộ Tông (www.trungtamhotong.org).
(103) SN 46.3, Kinh Giới (Sīla Sutta).
(104) Nārada Mahā Thera, Vi Diệu Pháp Toát Yếu, Phạm Kim Khánh dịch, chương II, phần giảng về Vīriya.
(105) Bhadantacariya Buddhaghosa (2014), Thanh Tịnh Đạo, NS. Trí Hải dịch Việt, NXB Hồng Đức, tr. 246 – 247.
(106) SN 46.3, Kinh Giới (Sīla Sutta).
(107) Bhadantacariya Buddhaghosa (2014), Thanh Tịnh Đạo, NS. Trí Hải dịch Việt, NXB Hồng Đức, tr. 247.
(108) SN 46.3, Kinh Giới (Sīla Sutta).
(109) Nārada Mahā Thera, Vi Diệu Pháp Toát Yếu, Phạm Kim Khánh dịch, chương VII, phần giảng về những yếu tố của sự giác ngộ.
(110) SN 46.3, Kinh Giới (Sīla Sutta).
(111) Bhadantacariya Buddhaghosa (2014), Thanh Tịnh Đạo, NS. Trí Hải dịch Việt, NXB Hồng Đức, tr. 249.
(112) SN 46.3, Kinh Giới (Sīla Sutta).
(113) Bhadantacariya Buddhaghosa (2014), Thanh Tịnh Đạo, NS. Trí Hải dịch Việt, NXB Hồng Đức, tr. 250.
(114) SN 46.3, Kinh Giới (Sīla Sutta).
(115) Bhadantacariya Buddhaghosa (2014), Thanh Tịnh Đạo, NS. Trí Hải dịch Việt, NXB Hồng Đức, tr. 250.
(116) Bhadantacariya Buddhaghosa (2014), Thanh Tịnh Đạo, NS. Trí Hải dịch Việt, NXB Hồng Đức, tr. 521.
(117) SN 46.7, Kinh Nóc Nhà (Kūṭāgāra Sutta).
(118) SN 46.184, Kinh Thượng Phần Kiết Sử (Uddhambhāgiyasaṃyojana Sutta).
(119) SN 46.3, Kinh Giới (Sīla Sutta).
(120) SN 46.53, Kinh Lửa (Aggi Sutta).
(121) AN 7.26, Kinh Giác Chi (Bojjhaṅga Sutta).
(122) SN 1.23, Kinh Triền Phược (Jaṭā Sutta).
(123) HT. Bửu Chơn (2010), Tứ Thanh Tịnh Giới, NXB. Tôn Giáo, tr. 9 – 144.
(124) AN 10.31, Kinh Upāli Và Giới Bổn (Upāli Sutta).
(125) DN 16, Kinh Đại Bát Niết Bàn (Mahāparinibbāna Sutta).
(126) Nārada Mahā Thera, Vi Diệu Pháp Toát Yếu, Phạm Kim Khánh dịch, chương IX, Khái lược về những đề mục hành thiền.
(127) AN 5.51, Kinh Triền Cái (Nīvaraṇa Sutta).
(128) DN 13, Kinh Tam Minh (Tevijja Sutta).
(129) Tổng hợp từ 2 cuốn sách: VDP Toát Yếu – HT. Nārada và VDP Giảng Giải – TT. Giác Chánh.
(130) SN 46.55, Kinh Saṅgārava, (Saṅgārava Sutta).
(131) MN 39, Đại Kinh Xóm Ngựa (Mahā-Assapura Sutta).
(132) DN 2, Kinh Sa-môn Quả (Sāmaññaphala Sutta).
(133) MN 66, Kinh Ví Dụ Con Chim Cáy (Mahārāhulovāda Sutta).
(134) MN 66, Kinh Ví Dụ Con Chim Cáy (Mahārāhulovāda Sutta).
(135) Như trên.
(136) SN 5.166, Kinh Diệt Thọ Tưởng Định (Nirodha Sutta).
(137) SN 41.6, Kinh Kāmabhu (Kāmabhu Sutta).
(138) MN 43, Đại Kinh Phương Quảng (Mahāvedalla Sutta).
(139) MN 44, Tiểu Kinh Phương Quảng (Cūḷavedalla Sutta).
(140) SN 36.11, Kinh Sống Một Mình (Rahogata Sutta).
(141) AN 4.123-126, Kinh Các Hạng Nguời Sai Khác (Puggala Sutta).
(142) MN 44, Tiểu Kinh Phương Quảng (Cūḷavedalla Sutta).
(143) AN 10.121, Kinh Điềm Báo Trước (Pubbaṅgama Sutta).
(144) MN 24, Kinh Trạm Xe (Rathavinīta Sutta).
(145) Phần giảng giải này trích dẫn từ bài giảng Kinh Trạm Xe của HT. Viên Minh (nguồn: Youtube) và những nguồn tài liệu sau: 1. Nànàràma Mahathera, "The Seven Stages of Purification", Buddhist Publication Society, Sri Lanka. (Bảy Giai Ðoạn Thanh Lọc, Phạm Kim Khánh dịch Việt); 2. Buddhaghosa, "The Path of Purification - Visuddhi Magga", translated by Bhikkhu Nànamoli, Buddhist Publication Society, Sri Lanka (Thanh Tịnh Ðạo, Ni sư Trí Hải dịch Việt); 3. Sayadaw U Janakàbhivamsa, "Vipassana Meditation", Selangor Buddhist Meditation Society, Malaysia; 4. Asabha Thera, "Thiền học Nguyên thủy", Sa di Giác Nguyên dịch Việt, Sài Gòn, 1998.
(146) Achaan Naeb Mahaniranonda (2005), Minh Sát Tu Tập, TK. Pháp Thông dịch Việt, NXB. Phương Đông, phần giảng về 16 tuệ minh sát, tr. 161- 191.
(147) Các hiện tượng này bao gồm hào quang sáng chói, hỷ lạc và sự an tịnh cực mạnh. Hành giả nào đã từng hành thiền định trong quá khứ và đã phát triển được định này sẽ thấy rằng, nếu định tâm xảy ra thường xuyên, nó sẽ là một chướng ngại lớn cho tuệ minh sát. Tín (saddhā) và tinh tấn quá nhiều cũng có thể là một chướng ngại. Mười tùy phiền não này có thể rất quyến rũ, vì vậy mà hành giả thường bị kéo vào trong các cảnh ấy và nghĩ rằng đó là Niết bàn, thậm chí còn không tin lời của vị thiền sư khi họ giải thích. Nếu hành giả không thể thoát khỏi các tuỳ phiền não này, hành giả không thể tiếp tục đi lên những tầng Tuệ cao hơn được.
(148) Mười tùy phiền não bao gồm:
1. Hào quang (obhāsa). Khi hành giả thấy ánh sáng phát ra quanh mình, hành giả có thể nghĩ rằng mình đã đạt đến Niết bàn, do đó cảm thấy thoả mãn với cảm giác này, làm cho ái phát sanh. Ðây là tà kiến, chính tự ngã của hành giả đã nghĩ như vậy.
2. Trí tuệ (ñāṇa). Một số hành giả phát sanh trí tuệ nhạy bén thấu rõ pháp học và nghĩ mãi đến nó. Sự kiện này sẽ kéo hành giả ra khỏi sát-na hiện tại.
3. Hỷ (pīti). Do hành giả có quá nhiều định (samàdhi) nên cảm giác hỷ lạc phát sanh, và đây là một loại phiền não. Khi hành thiền minh sát, hành giả không thể có hỷ, bởi vì việc quán tam tướng không dẫn đến thọ hỷ.
4. An tịnh (passaddhi). Có lúc, một trạng thái rất an lạc sẽ phát sanh, trạng thái này cũng phát xuất từ việc có quá nhiu định. Tam tướng không thể được chứng ngộ với an tịnh, và dĩ nhiên trí tuệ cũng không thể phát triển từ trạng thái ấy.
5. Lạc (sukha). Thọ lạc cũng là do có quá nhiều định. Khi lạc sanh, hành giả không thể thấy khổ (dukkha).
6. Quyết tín (adhimokkha - saddhā). Ðức tin kiên quyết này khiến hành giả nghĩ rằng mình đã thấy Niết bàn, và thờng không tin ngay cả vị thiền sư là thầy của mình, khi vị này giải thích (ngược lại với những gì hành giả nghĩ là đúng). Sự kiện này phát sanh do có quá nhiều đức tin và ít trí tuệ (thông thường thì tín và tuệ phải được quân bình).
7. Tinh cần (paggaha). Tinh tấn thái quá có thể làm cho hành giả mệt mỏi, tâm không trong sáng và dễ bị phóng tâ. Thường thường, tinh tấn và định phải được quân bình. Quá nhiều tinh tấn dẫn đến phóng tâm; trong khi định thái quá thì khiến hành giả ngưng hành (quán).
8. Niệm (upaṭṭhāna). Niệm thái quá có thể đưa đến định thái quá và hành giả sẽ thấy các ấn chứng (nimitta, các tướng xuất hiện trước mắt hành giả). Khi đó, đối tượng Danh - Sắc sẽ mất, tức là hành giả không còn trong sát-na hiện tại, do đó không thể tiếp tục quán sát được nữa.
9. Xả (upekkhā). Có khi xả phát sanh và hành giả tưởng lầm mình không còn phiền não nữa - nghĩa là các phiền não đã bị Niết bàn tẩy trừ - mà thực ra, phiền não vẫn còn nguyên; tham, sân, si chỉ tạm thời vắng mặt. Ở giai đoạn này, hành giả không thể tiếp tục việc thực hành của mình được cho đến khi nhận ra các tuỳ phiền não này.
10. Dục cầu (nikanti). Hành giả cảm thấy vui thích với các tuỳ phiền não trên và thoả mãn khi duy trì được nó. Do đó, hành giả không thể tiếp tục việc thực hành của mình.
=> Vipassanūpakkilesa là phiền não của thiền minh sát, chúng nảy sanh vì định thái quá. Những tuỳ phiền não này cho hành giả quan kiến sai lầm rằng mình đã đạt đến trạng thái không còn phiền não hay đạt đến Niết bàn. Chính do cảm giác này mà hành giả nghĩ "Ta" đã đạt đến Niết bàn, và dĩ nhiên cảm giác ấy là bất tịnh, bởi vì nó được nảy sinh từ sự thực hành với một cái "Ta" ở trong tâm. (Ðây không phải là vipassanā, bởi vì vipassanā không thực hành với một cái "Ta").
(149) 3 loại hành giả sẽ không có tùy phiền não:
1. Hành giả nào không hành Vipassanā đúng cách. Trong trường hợp này, các phiền não cũng khởi lên nhưng không gọi là những phiền não của thiền tuệ hay tuỳ phiền não được.
2. Hành giả nào tinh tấn yếu. Do yếu tinh tấn, định sẽ không phát sanh.
3. Hành giả đã là bậc Thánh (Ariya) và biết đạo lộ chân chánh.
(150) Từ tuệ thứ nhất đến tuệ thứ 12, có tâm thuộc hiệp thế bắt cảnh danh sắc, tuệ thứ 13 có tâm hiệp thế và bắt cảnh Niết Bàn, từ tuệ số 14 trở đi thì có tâm siêu thế và cảnh bắt được là cảnh Niết Bàn; đến tuệ thứ 16, trí tuệ nhìn lại những phiền não còn dư sót nên đối tượng tâm trở lại hiệp thế.
(151) DN 2, Kinh Sa-môn Quả (Sāmaññaphala Sutta).
(152) SN 22.56, Kinh Thủ Chuyển (Upādāna Sutta).
(153) SN 22.48, Kinh Các Uẩn (Khandha Sutta).
(154) TT. Giác Chánh, Vi Diệu Pháp Giảng Giải, bài 10a, phần giảng về pháp quán niệm xứ.
(155) MN 109, Đại Kinh Mãn Nguyệt (Mahāpuṇṇama Sutta).
(156) Như trên.
(157) SN 22.56, Kinh Thủ Chuyển (Upādāna Sutta).
(158) SN 22.82, Kinh Trăng Rằm (Puṇṇamā Sutta).
(159) SN 22.5, Kinh Thiền Định (Samādhi Sutta).
(160) SN 22.56, Kinh Thủ Chuyển (Upādāna Sutta).
(161) MN 109, Đại Kinh Mãn Nguyệt (Mahāpuṇṇama Sutta).
(162) HT. Viên Minh (2014), Thực Tại Hiện Tiền, NXB. Hồng Đức, tr.160 – 163.
(163) MN 109, Đại Kinh Mãn Nguyệt (Mahāpuṇṇama Sutta); SN 22.82, Kinh Trăng Rằm (Puṇṇamā Sutta).
(164) SN 22.56, Kinh Thủ Chuyển (Upādāna Sutta).
(165) TT. Giác Chánh, Vi Diệu Pháp Giảng Giải, bài 13: Sở hữu tợ tha.
(166) SN 22.82, Kinh Trăng Rằm (Puṇṇamā Sutta).
(167) SN 22.5, Kinh Thiền Định (Samādhi Sutta).
(168) SN 22.56, Kinh Thủ Chuyển (Upādāna Sutta).
(169) MN 109, Đại Kinh Mãn Nguyệt (Mahāpuṇṇama Sutta).
(170) MN 109, Đại Kinh Mãn Nguyệt (Mahāpuṇṇama Sutta); SN 22.82, Kinh Trăng Rằm (Puṇṇamā Sutta).
(171) HT. Viên Minh (2014), Thực Tại Hiện Tiền, NXB. Hồng Đức, tr. 144 – 145.
(172) SN 22.56, Kinh Thủ Chuyển (Upādāna Sutta).
(173) TT. Giác Chánh, Vi Diệu Pháp Giảng Giải, bài 13: sở hữu tợ tha.
(174) SN 22.82, Kinh Trăng Rằm (Puṇṇamā Sutta).
(175) SN 22.5, Kinh Thiền Định (Samādhi Sutta).
(176) SN 22.56, Kinh Thủ Chuyển (Upādāna Sutta).
(177) SN 109, Đại Kinh Mãn Nguyệt (Mahāpuṇṇama Sutta).
(178) Như trên; SN 22.82, Kinh Trăng Rằm (Puṇṇamā Sutta).
(179) HT. Viên Minh (2014), Thực Tại Hiện Tiền, NXB. Hồng Đức, tr. 166 – 167.
(180) SN 22.56, Kinh Thủ Chuyển (Upādāna Sutta).
(181) TT. Giác Chánh, Vi Diệu Pháp Giảng Giải, bài 13: sở hữu tợ tha.
(182) SN 22.82, Kinh Trăng Rằm (Puṇṇamā Sutta).
(183) SN 22.5, Kinh Thiền Định (Samādhi Sutta).
(184) SN 22.56, Kinh Thủ Chuyển (Upādāna Sutta).
(185) SN 109, Đại Kinh Mãn Nguyệt (Mahāpuṇṇama Sutta).
(186) Như trên; SN 22.82, Kinh Trăng Rằm (Puṇṇamā Sutta).
(187) HT. Viên Minh (2014), Thực Tại Hiện Tiền, NXB. Hồng Đức, tr. 168 – 169.
(188) SN 22.56, Kinh Thủ Chuyển (Upādāna Sutta).
(189) TT. Giác Chánh, Vi Diệu Pháp Giảng Giải, bài 4, phần giảng về tâm.
(190) SN 22.82, Kinh Trăng Rằm (Puṇṇamā Sutta).
(191) SN 22.5, Kinh Thiền Định (Samādhi Sutta).
(192) SN 22.56, Kinh Thủ Chuyển (Upādāna Sutta).
(193) SN 109, Đại Kinh Mãn Nguyệt (Mahāpuṇṇama Sutta).
(194) Như trên; SN 22.82, Kinh Trăng Rằm (Puṇṇamā Sutta).
(195) HT. Viên Minh (2014), Thực Tại Hiện Tiền, NXB. Hồng Đức, tr. 170 – 197.
(196) SN 22.82, Kinh Trăng Rằm (Puṇṇamā Sutta).
(197) SN 56.13, Kinh Uẩn (Khandha Sutta).
(198) SN 22.85, Kinh Yamaka, (Yamaka Sutta).
(199) SN 109, Đại Kinh Mãn Nguyệt (Mahāpuṇṇama Sutta).
(200) SN 12.1, Kinh Nhân Duyên (Paṭiccasamuppāda Sutta).
(201) Tổng hợp từ: SN 12.2, Kinh Phân Biệt (Paṭiccasamuppāda, Vibhaṅga); DN 22, Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna); TT. Chánh Minh (2006), Luận Giải Chánh Tri Kiến, NXB. Tôn Giáo, chương II – giảng về 16 tiêu đề, tr. 73 – 584.
(202) SN 12.56, Kinh Những Căn Bản Của Trí (Ñāṇavatthu Sutta).
(203) SN 12.16, Kinh Ca-chiên-diên Thị (Kaccānagotta Sutta).
(204) SN 12.76, Kinh Jāṇussoṇi (Jāṇussoṇi Sutta).
(205) SN 12.43, Kinh Khổ (Dukkha Sutta).
(206) SN 12.95, Kinh Hạng Người Ít Nghe (Assutavantu Sutta).
(207) Như trên.
(208) SN 12.96, Kinh Hạng Người Ít Nghe 2 (Assutavantu 2 Sutta).
(209) Bảng biểu trên chúng tôi tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau.
(210) Dhp 277.
(211) DN 16, Kinh Đại Bát Niết Bàn (Mahāparinibbāna Sutta).
(212) MN 62, Đại Kinh Giáo Giới La-hầu-la, (Mahā-rāhulovāda Sutta).
(213) AN 7.66, Kinh Mặt Trời (Sattasuriyuggamana Sutta).
(214) DN 2, Kinh Sa-môn Quả (Sāmaññaphala Sutta).
(215) MN 22, Kinh Ví Dụ Con Rắn, (Alagaddūpama Sutta).
(216) AN 5.30, Kinh Tôn Giả Nāgita (Nāgita Sutta).
(217) AN 6.98, Kinh Vô Thường (Anicca Sutta).
(218) MN 37, Tiểu Kinh Đoạn Tận Ái (Cūḷataṇhāsaṅkhaya Sutta).
(219) MN 62, Đại Kinh Giáo Giới La-hầu-la, (Mahā-rāhulovāda Sutta).
(220) Dhp. 278.
(221) DN 22, Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta).
(222) TƯB Kinh, chương 38 – TƯ Jambukhādaka, bài kinh số 14 – Dukkha Sutta – Kinh Khổ.
(223) SN 42.11, Kinh Bhadra, (Bhadra Sutta).
(224) MN 22, Kinh Ví Dụ Con Rắn (Alagaddūpama Sutta).
(225) AN 6.99, Kinh Khổ, (Dukkha Sutta).
(226) Dhp. 279.
(227) MN 35, Tiểu Kinh Saccaka – Cūḷasaccaka Sutta.
(228) MN 48, Kinh Sáu Xứ (Chachakka Sutta).
(229) AN 4.49, Kinh Tưởng Điên Đảo (Vipallāsa Sutta).
(230) AN 6.112, Kinh Thỏa Mãn (Assāda Sutta).
(231) MN 64, Đại Kinh Mālunkyā (Mahā Mālunkyā Sutta).
(232) MN 74, Kinh Trường Trảo (Dīghanakha Sutta).
(233) AN 10.60, Kinh Girimānanda, (Girimānanda Sutta).
(234) SN 42.2, Kinh Anurādha, (Anurādha Sutta).
(235) AN 6.63, Kinh Một Pháp Môn Quyết Trạch (Nibbedhika Sutta).
(236) MN 57, Kinh Hạnh Con Chó (Kukkuravatika Sutta).
(237) MN 135, Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt (Cūḷakamma-vibhaṅga Sutta).
(238) AN 3.76, Kinh Hiện Hữu 1 (Bhava 1 Sutta).
(239) Nārada Mahā Thera, Vi Diệu Pháp Toát Yếu, Phạm Kim Khánh dịch, chương V, phần giảng về 4 loại nghiệp.
(240) Riêng đoạn này trích từ TT. Giác Chánh, Vi Diệu Pháp Giảng Giải, bài 4.
(241) AN 3.100, Kinh Hạt Muối (Loṇakapalla Sutta).
(242) AN 6.63, Một Pháp Môn Quyết Trạch (Nibbedhika Sutta).
(243) AN 4.77, Kinh Không Thể Nghĩ Được (Acinteyya Sutta).
(244) AN 10.48, Kinh Các Pháp (Dasadhamma Sutta).
Dowload file pdf: Căn Bản Phật Pháp Therāvāda Cho Người Mới Bắt Đầu
🙅♂️🙅♂️👉👉(Xin hoan hỷ: đây là tài liệu lưu hành nội bộ, được tổng hợp, bổ sung và trình bày bởi Khemārāma. Nếu quý vị có copy hay tham khảo để làm tài liệu viết lách, hoan hỷ ghi nguồn. Trong trường hợp có sai sót, Khemārāma sẽ hoan hỉ đón nhận và chỉnh sửa. Lành thay!)