Bức Tranh Tu Sĩ Xưa Và Nay – Khemārāma

Khemārāma - Tịnh An Lan Nhã 

   

      “Ðời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Ðời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật rất khó cho một người sống ở gia đình có thể sống theo phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc”.[1] Đó là lời khẳng định luôn được đề cập trong các bản kinh Nikāya mỗi khi có một thiện gia nam tử khởi lên đức tin nơi đức Như Lai và giáo pháp của Ngài. Đức Thế Tôn đã nhập Niết Bàn gần hai mươi sáu thế kỉ, vật đổi sao dời, thời gian làm bào mòn mọi pháp hữu vi trong đó có cả giáo pháp của Ngài. Bức tranh tu sĩ ngày nay cũng khác đi rất nhiều so với tu sĩ xưa, có những điều được xem là “không phù hợp” trong thời đại này nữa. Tuy nhiên đâu đó, vẫn còn những hình bóng sa-môn xưa cũ, phảng phất lẻ loi giữa cuộc tương phùng luân hồi bất tận. Bài viết này chỉ là lời tâm sự của một kẻ phàm phu vẫn còn trôi lăn trong cõi luân hồi này, không mang ý chỉ trích bất kì ai hay tông phái nào, mong được thấu hiểu một cách như thật! Mong lắm vậy thay!

      Bằng nhiều phương tiện, đức Thế Tôn đã tán thán đời sống xuất gia vì lòng tin, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Đó là tinh thần “xuất thế tục gia” từ ngàn xưa của chư Phật ba đời, đi từ cái “có gì” đến cái “không có gì”, đi từ nơi an toàn (là nhà ở) đến nơi không an toàn (là gốc cây), đi từ nơi có tài sản đến nơi vô sản – không còn gì trừ ba y và một bình bát. Với Phật nhãn siêu nhiên, đức Phật đã nhìn thấy bức tranh về đời sống các đệ tử Tỳ-khưu của Ngài trong tương lai, xin mạn phép y kinh trích dẫn một vài Phật ngôn dưới đây:

“Trong tương lai, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo sẽ trở thành nhu nhược, tay chân mềm mỏng. Họ nằm trên những đồ nằm mềm mại. Họ ngủ cho đến mặt trời mọc trên những gối bông. Ác ma sẽ nắm được cơ hội, sẽ nắm được đối tượng (để xâm lăng)”.

Kinh Cỏ Rơm (Kaliṅga­rūpadhāna Sutta), Tương Ưng Bộ.

*

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo sẽ thành trong tương lai.

Những bài kinh nào do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không, họ sẽ không nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ không lóng tai; họ sẽ không an trú chánh tri tâm, và họ sẽ không nghĩ rằng các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải thấu đáo”.

 “Còn những bài kinh nào do các thi sĩ làm, những bài thơ với những danh từ hoa mỹ, với những câu văn hoa mỹ, thuộc ngoại điển, do các đệ tử thuyết giảng, họ sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ lóng tai; họ sẽ an trú chánh tri tâm và họ sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các kinh do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không sẽ đi đến tiêu diệt”.

Kinh Cái Chốt Trống (Āṇi Sutta), Tương Ưng Bộ.

*

      Này các Tỷ-kheo, sẽ có những vị Tỷ-kheo trong tương lai, thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập… họ sẽ thọ đại giới cho các người khác… họ làm y chỉ sư cho các người khác… khi họ thuyết về Thắng pháp hay về Quảng thuyết (Trí giải luận), họ rơi vào hắc pháp, không có thể giác ngộ rõ ràng… đối với các kinh tạng do Như Lai tuyên thuyết, thâm sâu, ý nghĩa sâu kín, siêu thế, liên hệ đến không, khi các kinh ấy được thuyết giảng, họ không có nghe, họ không có lắng tai, họ không an trú tâm liễu giải, họ không nghĩ rằng các kinh ấy cần phải học tập, cần phải học thuộc lòng… các trưởng lão Tỷ-kheo sẽ sống đầy đủ, biếng nhác dẫn đầu trong thối đọa, từ bỏ gánh nặng viễn ly, không có hăng hái tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chứng đạt… Và quần chúng về sau sẽ đi theo tà kiến của họ.

Kinh sợ hãi trong tương lai 3 (Anāgatabhaya Sutta 3), Tăng Chi Bộ.

      Về bản chất, chúng Tỳ-khưu là những người thừa tự pháp của Như Lai nhưng cũng chính là nhân tố duy nhất có đủ sức công phá để làm sụp đổ giáo pháp ấy. Sư tử trùng thực sư tử nhục – chỉ có vi trùng của sư tử mới ăn thịt được sư tử. Cũng vậy, đạo Phật bị tàn hoại, bị tha hoá, có thể đi đến diệt vong cũng bởi những người tu Phật.[2] Ngày nay, khi vật chất quá đủ đầy, con người thường sẽ trở nên bé nhỏ trước những phiền não tí hon. Như đức Phật dùng tính từ “nhu nhược” để chỉ cho các Tỳ-khưu thời nay vậy. Những lời dạy liên hệ đến “không” thì không còn mấy ai quan tâm nữa, thay vào đó chúng sanh sẽ tán dương và tụng đọc những thơ kệ do các tu sĩ, các thi sĩ biên soạn. Hiện trạng đó chúng ta có thể thấy nhiều ở các tu viện, chùa chiền thời nay. Theo giới luật Phật giáo, chư Tăng – Ni sẽ không được phép được giữ tiền. Tuy không giữ tiền nhưng một số tu sĩ vẫn “lên đời” Iphone – Ipad, dùng tiền đàn na tín thí để mua xe ô tô đắt tiền nhằm phục vụ đời sống cá nhân hay có nhiều trường hợp bán đất của chùa để chiếm đoạt làm của riêng. Về pháp học, một bộ phận tu sĩ không cho rằng việc nghiên cứu tam tạng của Phật, trau dồi pháp bảo là quan trọng. Thay vào đó, họ đọc và học theo những lễ nghi rườm rà, không được đức Phật ban hành và cho đó là sự tùy duyên để tế độ chúng sanh. Cho nên trong kinh Tượng Pháp (Saddhammapatirūpaka Sutta)[3], đức Chánh Biến Tri đã nhấn mạnh một điều rằng không phải bất cứ thứ gì trên đời này làm Diệu Pháp (saddhammaṃ) biến mất, mà chính vị sự xuất hiện của những người ngu (moghapurisā) mới làm cho chánh pháp này đi đến diệt vong.

      Thực ra chúng sanh không cần tế độ bằng những hình thức và nội dung như thế. Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn (Mahāparinibbāna Sutta), khi Ngài Ānanda hỏi Thế Tôn về cách xử trí thân xá lợi của Ngài, đức Phật đã dạy như sau:

“Này Ānanda, các Ngươi đừng có lo lắng vấn đề cung kính thân xá-lợi của Như Lai. Này Ānanda, các Người hãy nỗ lực, hãy tinh tấn hướng về tự độ, sống không phóng dật, cần mẫn, chuyên hướng về tự độ. Này Ānanda, có những học giả Sát-đế-lỵ, những học giả Bà-la-môn, những học giả gia chủ thâm tín Như Lai, những vị này sẽ lo cho sự cung kính cúng dường thân xá-lợi của Như Lai”.

      Về pháp hành, điều đó có nghĩa là ngay cả vấn đề về việc thờ cúng xá lợi cũng không phải là việc của một Sa-môn phải làm. Tất cả những gì một thiện gia nam tử hay một thiện nữ nhân đã từ bỏ thế gian phải làm trong cuộc tu hành này chính là tứ niệm xứ. Đừng để một mai sanh tử vô tình gõ cửa, hoang mang thẫn thờ nhìn ông Phật đứng buồn hiu, thấy lạ mà ngỡ như quen:

Cứ ngỡ đã trọn một kiếp tinh chuyên
Chéo y nào còn dầu manh bụi nhỏ
Sanh tử vô tình ghé qua đầu ngõ
Thấy Phật buồn thiu ai bỏ bên thềm
...[4]

 

Chú thích:

[1] Tiểu Kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi (Cūḷahatthipadopama Sutta), Trung Bộ Kinh.

[2] Từ Facebook Huyền Không Sơn Thượng.

[3] Kinh Tượng Pháp (Saddhammapatirūpaka Sutta), Tương Ưng Bộ.

[4] Cà Sa Vấy Bụi, trích từ Tập thơ Tiểu Tiêu Dao 1 (Khiết Minh).

Wednesday March 22, 2023
Tags : new
Các bài viết khác :