62 Tà Kiến Trong Kinh Phạm Võng – Ni viện Khemārāma

Tác giả: Ni viện Khemārāma

 

 

62 TÀ KIẾN TRONG KINH PHẠM VÕNG

 

 18 luận chấp về quá khứ:


− Chủ trương thường trú luận với 4 luận chấp – [chấp rằng bản ngã và thế giới là thường còn]:

  1. Khi tâm nhập định vị ấy nhớ được nhiều đời sống quá khứ … vô số trăm đời, vô số ngàn đời, vô số trăm ngàn đời. Người ấy nói rằng: "Bản ngã và thế giới là thường trú, bất sanh, vững chắc như đảnh núi, như trụ đá; còn những loại hữu tình kia thời lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy chúng vẫn thường trú. – [tà kiến 1: vì vị ấy nhớ được nhiều đời trước].
  2. Khi tâm nhập định vị ấy nhớ được … ba thành kiếp hoại kiếp, mười thành kiếp hoại kiếp. Người ấy nói rằng … như trên. – [ tà kiến 2: vì vị ấy nhớ được nhiều kiếp trước].
  3. Khi tâm nhập định vị ấy nhớ được … ba mươi thành kiếp hoại kiếp, bốn mươi thành kiếp hoại kiếp, năm mươi thành kiếp hoại kiếp. Người ấy nói … như trên. [tà kiến 3: vì vị ấy nhớ được nhiều thành kiếp. hoại kiếp trước].
  4. Có Sa-môn hay Bà-la-môn, là nhà suy luận, là nhà thẩm sát. Do sự chia chẻ của suy luận, và sự tùy thuận theo thẩm sát, vị này tuyên bố như thế này: "Bản ngã và thế giới là thường trú, bất sanh, vững chắc như đảnh núi, như trụ đá, còn những loại hữu tình kia thời lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy chúng vẫn thường còn". – [ tà kiến 4: tự dựa vào óc suy luận của mình].


=>>  Như Lai tuệ tri như thế này: "Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, chấp thủ như vậy, sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy". Như Lai biết như vậy, Ngài lại biết hơn thế nữa, và Ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm chứng được tịch tịnh. Ngài như thật biết sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ biết vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ.
=>> Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.


− Chủ trương một phần về thường trú luận – một phần vô thường luận với 4 luận chấp – [chấp bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác]:

  1. Luận chấp 1 – [tà kiến 5]:
     Một hữu tình, hoặc thọ mạng đã tận, hay phước báo đã tận, mạng chung từ Quang Âm thiên, sanh qua Phạm cung trống rỗng; vị hữu tình đầu tiên sanh qua nghĩ rằng: "Ta là Phạm thiên, Ðại Phạm thiên, Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Ðại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh.
     Những loài hữu tình ấy do chính ta sanh ra; vị hữu tình sanh ra đầu tiên ấy sống được lâu hơn, sắc tướng tốt đẹp hơn và được nhiều uy quyền hơn. Còn các loài hữu tình sanh sau thì sống ngắn hơn, sắc tướng ít tốt đẹp hơn và được ít quyền hơn.
     Một trong các loài hữu tình ấy, sau khi từ bỏ thân kia lại thác sanh đến cõi này. Khi đến cõi này, vị ấy xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình => nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ tới đời sống quá khứ ấy, chớ không nhớ xa hơn đời sống ấy.
     Vị ấy nói rằng: "Vị kia là Phạm thiên, Ðại Phạm thiên, đấng Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Ðại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự Tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh. Chúng ta do vị Phạm thiên ấy hóa sanh. Vị ấy là thường hằng, kiên cố, thường trú, không bị chuyển biến, thường trú như vậy mãi mãi. Còn chúng ta do vị Phạm thiên ấy hóa sanh đến tại chỗ này. Chúng ta là vô thường, không kiên cố, yểu thọ và chịu sự biến dịch".
  2. Luận chấp 2 – [tà kiến 6]:
     Có những hạng chư Thiên gọi là Khiddàpadosikà (bị nhiễm hoặc bởi dục lạc).
     Những vị này sống lâu ngày, mê say trong hý tiếu dục lạc. Vì sống lâu ngày, mê say trong hý tiếu dục lạc, nên bị thất niệm.
     Do thất niệm, các chư Thiên ấy thác sanh, từ bỏ thân thể chúng.
     Một trong các loài hữu tình kia khi thác sanh từ bỏ thân thể ấy, lại sanh đến chỗ này. Khi đến tại chỗ này, vị ấy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình => nhờ tinh tấn … tâm nhập định => Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ đến đời sống quá khứ ấy, chớ không nhớ xa hơn đời sống ấy.
     Những người này chủ trương rằng: Nhờ không thất niệm, nên những chư Thiên ấy không thác sanh từ bỏ thân thể của chúng, sống thường hằng, kiên cố, thường trú, không bị chuyển biến, thường trú như vậy mãi mãi. Còn chúng ta đã bị nhiễm hoặc bởi dục lạc, sống lâu ngày mê say trong hý tiếu dục lạc. Vì chúng ta sống lâu ngày mê say trong hý tiếu dục lạc, nên bị thất niệm. Do thất niệm, chúng ta từ bỏ thân thể này, sống vô thường, không kiên cố, yểu thọ, chịu sự biến dịch và thác sanh đến tại chỗ này".
  3. Luận chấp 3 – [tà kiến 7]:
     Có những hạng chư Thiên gọi là Manopadosikà (bị nhiễm hoặc bởi tâm trí). Chúng sống lâu ngày nung nấu bởi sự đố kỵ lẫn nhau.
     Vì sống lâu ngày nung nấu bởi sự đố kỵ lẫn nhau, tâm trí của chúng oán ghét lẫn nhau.
     Vì tâm trí oán ghét lẫn nhau, nên thân chúng mệt mỏi, tâm chúng mệt mỏi. Các hạng chư Thiên ấy thác sanh từ bỏ thân thể này của chúng.
     Một trong các vị hữu tình kia, khi thác sanh từ bỏ thân thể ấy, lại sanh đến cõi này … => xuất gia, từ bỏ gia đình … => nhập định…
     Họ chủ trương rằng: chư Thiên nào tâm-trí chẳng bị đố kỵ ô-nhiễm, chẳng thác-sanh, nên thường hằng; còn ai bị ô nhiễm tâm trí thì vô thường.
  4. Luận chấp 4 – [tà kiến 8]:
     Có Sa-môn, hay Bà-la-môn là nhà suy luận, là nhà thẩm sát.
     Do sự chia chẻ biện bác của suy luận và sự tùy thuộc theo thẩm sát, vị này tuyên bố như thế này: "Cái gọi là mắt, là tai, là mũi, là lưỡi, là thân, cái bản ngã ấy vô thường, không kiên cố, không thường trú, bị chuyển biến; Cái gọi là tâm, là ý, là thức, cái bản ngã ấy là thường còn, bất biến, thường trú, không bị chuyển biến, thường hằng như vậy mãi mãi".


=>> Như Lai biết rằng: "Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, chấp thủ như vậy, sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy". Như Lai tuệ tri như vậy, Ngài lại tuệ tri hơn thế nữa, và Ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật biết sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ biết vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ.
=>> Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.


− Hữu biên vô biên luận với 4 luận chấp – [chấp thế giới là hữu biên-vô biên]:

  1. Luận chấp 1 – [tà kiến 9]:
     Ở đây có Sa-môn hay Bà-la-môn, nhờ nhiệt tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định.
     Khi tâm nhập định, vị ấy sống ở trong đời với tư tưởng thế giới là hữu biên.
     Vị ấy nói rằng: "Thế giới này là hữu biên, có một đường vòng chung quanh.
  2. Luận chấp 2 – [tà kiến 10]:
     Có Sa-môn, Bà-la-môn nhiệt tâm cần mẫn … => nhập định.
     Khi tâm nhập định, vị ấy sống ở trong đời với tư tưởng thế giới là vô biên.
     Vị ấy nói: "Thế giới này là vô biên, không có giới hạn".
  3. Luận chấp 3 – [tà kiến 11]:
     Có Sa-môn hay Bà-la-môn, nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn … => nhập định.
     Vị ấy sống ở trong đời với tư tưởng thế giới là hữu biên về phía trên, phía dưới và thế giới là Vô biên về phía bề ngang (cho rằng khi nhập-định thì thấy thế-giới nầy vô-biên theo chiều ngang, và có giới hạn ở bên trên và bên dưới, vì vậy cho nên vừa hữu biên, vừa vô biên.)
     Vị ấy nói: "Thế giới này là hữu biên và vô biên".
  4. Luận chấp 4 – [tà kiến 12]:
     Sa-môn hay Bà-la-môn là nhà suy luận, là nhà thẩm sát.
     Do sự chia chẻ biện bác của suy luận và sự tùy thuận theo thẩm sát, vị này tuyên bố như sau: "Thế giới này không phải là hữu biên, cũng không phải là vô biên (chẳng phải vừa hữu biên, vừa vô biên. Thế giới nầy, thật ra, chẳng phải hữu biên, cũng chẳng phải vô biên).


=>> Này các Tỷ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: "Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, chấp thủ như vậy, sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy"…
=>> Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.


− Ngụy biện luận với 4 luận chấp – [khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn]:

  1. Luận chấp 1 – [tà kiến 13]:
     Có Sa-môn hay Bà-la-môn không như thật biết "Ðây là thiện", không như thật biết "Ðây là bất thiện".
     Vị ấy nghĩ: Tôi không như thật biết: "Ðây là thiện", không như thật biết: "Ðây là bất thiện" và nếu tôi trả lời: "Ðây là thiện" hoặc tôi trả lời: "Ðây là bất thiện", thời dục, tham, sân hoặc hận, khởi lên nơi tôi.
     Nếu dục, tham, sân hoặc hận, khởi lên nơi tôi, như vậy tôi có thể bị sai lầm. Nếu tôi sai lầm thì tôi bị phiền muộn. Nếu tôi bị phiền muộn sẽ thành một chướng ngại cho tôi.
     Như vậy, vì sợ sai lầm, vì chán ghét sai lầm, nên vị ấy không trả lời: "Ðây là thiện", cũng không trả lời: "Ðây là bất thiện".
     Khi hỏi đến vấn đề này hay vấn đề khác, vị ấy dùng lời ngụy biện trườn uốn như con lươn: "Tôi không nói là như vậy. Tôi không nói là như kia. Tôi không nói là khác như thế. Tôi không nói là không phải như thế. Tôi không nói là không không phải như thế".
  2. Luận chấp 2 – [tà kiến 14]:
     Như trên… ở đây là vì sợ bị chấp thủ, vì chán ghét chấp thủ…
  3. Luận chấp 3 – [tà kiến 15]:
     Như trên …
     Có những Sa-môn, Bà-la-môn, bác học, tế nhị, nghị luận biện tài, biện bác như chia chẻ sợi tóc, những vị này đi chỗ này chỗ kia, như muốn đả phá các tà kiến với trí tuệ của chúng, chúng có thể đọ tài, chất vấn và cật nạn tôi.
     Nếu chúng đọ tài, chất vấn, cật nạn tôi, tôi có thể không giải đáp được cho chúng => tôi sẽ bị muộn phiền.
     Như vậy, vì sợ bị thử thách, vì chán ghét thử thách, nên vị ấy không trả lời…
     Khi bị hỏi đến vấn đề này hay vấn đề khác, vị ấy dùng lời ngụy biện trườn uốn như con lươn…
  4. Luận chấp 4 – [tà kiến 16]:
     Vị này, vì đần độn ngu si, khi bị hỏi vấn đề nay hay vấn đề khác, liền dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn: "Anh hỏi tôi có một thế giới khác hay không?" Nếu tôi nghĩ: "Có một thế giới khác", tôi có thể trả lời với anh: "Có một thế giới khác". Nhưng tôi không nói là như vậy. Tôi không nói là như kia. Tôi không nói là khác như thế. Tôi không nói là không phải như thế. Tôi không nói là không không phải như thế…

 

=>> Như Lai tuệ tri như thế này: "Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, chấp thủ như vậy, sẽ đưa đến cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy". Như Lai tuệ tri như vậy…
=>> Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.


− Vô nhân luận với 2 luận chấp – [chấp bản ngã và thế giới do vô nhân sanh]:

  1. Luận chấp 1 – [tà kiến 17]:
     Có những chư Thiên gọi là Vô tưởng hữu tình.
     Khi một tưởng niệm khởi lên, thời chư Thiên ấy thác sanh, từ bỏ thân chư Thiên của mình.
     Một trong loài hữu tình ấy, khi thác sanh từ bỏ thân chư Thiên ấy của mình, lại sanh đến cõi này. Khi đến tại chỗ này, vị ấy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình => do tinh tấn … nhập định …
     Vị ấy nhớ đến khi tưởng niệm phát sanh, chớ không nhớ xa hơn nữa.
     Vị ấy nói: "Bản ngã và thế giới do vô nhân sanh. Tại sao vậy? Vì rằng tôi trước kia không có, nay tôi có. Từ nơi trạng thái không có, tôi trở thành loài hữu tình".
  2. Luận chấp 2 – [tà kiến 18]:
     Có Sa-môn hay Bà-la-môn là nhà biện luận, là nhà thẩm sát.
     Do sự chia chẻ biện bác của suy luận và sự tùy thuận theo thẩm sát, vị ấy tuyên bố: "Bản ngã và thế giới vô nhân sanh".


=>> Này các Tỷ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: "Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, chấp thủ như vậy, sẽ đưa đến cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy"…
...Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri như vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ.
...Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.

 

 44 luận chấp về tương lai:


− 16 luận chấp về hữu tưởng luận – [sau khi chết, bản ngã có tưởng]:

  1. Luận chấp 1 – [tà kiến 19]: Bản ngã có sắc, không có bệnh, sau khi chết có tưởng.
  2. Luận chấp 2 – [tà kiến 20]: Bản ngã không có sắc …
  3. Luận chấp 3 – [tà kiến 21]: Bản ngã có sắc và cũng không có sắc …
  4. Luận chấp 4 – [tà kiến 22]: Bản ngã cũng không có sắc và cũng không không có sắc …
  5. Luận chấp 5 – [tà kiến 23]: Bản ngã cũng không có sắc và cũng không không có sắc …
  6. Luận chấp 6 – [tà kiến 24]: Bản ngã là vô biên…
  7. Luận chấp 7 – [tà kiến 25]: Bản ngã là hữu biên và vô biên…
  8. Luận chấp 8 – [tà kiến 26]: Bản ngã cũng không hữu biên, cũng không vô biên…
  9. Luận chấp 9 – [tà kiến 27]: Bản ngã là nhất tưởng…
  10. Luận chấp 19 – [tà kiến 28]: Bản ngã là dị tưởng…
  11. Luận chấp 11 – [tà kiến 29]: Bản ngã là thiểu tưởng…
  12. Luận chấp 12 – [tà kiến 30]: Bản ngã là vô lượng tưởng…
  13. Luận chấp 13 – [tà kiến 31]: Bản ngã là thuần lạc…
  14. Luận chấp 14 – [tà kiến 32]: Bản ngã là thuần khổ…
  15. Luận chấp 15 – [tà kiến 33]: Bản ngã là khổ lạc…
  16. Luận chấp 16 – [tà kiến 34]: Bản ngã là không khổ không lạc, không có bệnh, sau khi chết có tưởng.


− 8 luận hấp về vô tưởng luận – [chấp bản ngã không có tưởng sau khi chết]:

  1. Luận chấp 1 – [tà kiến 35]: Bản ngã có sắc, không có bệnh, sau khi chết không có tưởng.
  2. Luận chấp 2 – [tà kiến 36]: Bản ngã không có sắc…
  3. Luận chấp 3 – [tà kiến 37]: Bản ngã có sắc và cũng không có sắc…
  4. Luận chấp 4 – [tà kiến 38]: Bản ngã cũng không có sắc và cũng không không có sắc …
  5. Luận chấp 5 – [tà kiến 39]: Bản ngã là hữu biên …
  6. Luận chấp 6 – [tà kiến 40]: Bản ngã là vô biên…
  7. Luận chấp 7 – [tà kiến 41]: Bản ngã là hữu biên và vô biên…
  8. Luận chấp 8 – [tà kiến 42]: Bản ngã là phi hữu biên và phi vô biên, không có bệnh, sau khi chết không có tưởng.


− Phi hữu tưởng phi vô tưởng luận với 8 luận chấp – [chấp sau khi chết, chấp bản ngã phi hữu tưởng phi vô tưởng]:

  1. Luận chấp 1 – [tà kiến 43]: Bản ngã có sắc, không có bệnh, sau khi chết phi hữu tưởng phi vô tưởng…
  2. Luận chấp 2 – [tà kiến 44]: Bản ngã là vô sắc…
  3. Luận chấp 3 – [tà kiến 45]: Bản ngã có sắc và cũng không có sắc…
  4. Luận chấp 4 – [tà kiến 46]: Bản ngã là phi hữu sắc và cũng phi vô sắc…
  5. Luận chấp 5 – [tà kiến 47]: Bản ngã là hữu biên…
  6. Luận chấp 6 – [tà kiến 48]: Bản ngã là vô biên…
  7. Luận chấp 7 – [tà kiến 49]: Bản ngã là hữu biên và vô biên…
  8. Luận chấp 8 – [tà kiến 50]: Bản ngã là phi hữu biên và cũng phi vô biên, không có bệnh, sau khi chết phi hữu tưởng phi vô tưởng.


− Đoạn diệt luận với 7 luận chấp – [chấp trước sự đoạn diệt, sự tiêu thất, sự hủy hoại của loài hữu tình]:

  1. Luận chấp 1 – [tà kiến 51]: Có Sa-môn hoặc Bà-la-môn chủ trương lý thuyết và ý kiến: "Vì bản ngã này có sắc, do bốn đại hợp thành, do cha mẹ sanh ra, khi thân hoại bị hủy nát tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã này như thế hoàn toàn đoạn diệt".
  2. Luận chấp 2 – [tà kiến 52]: Một vị khác lại nói: "Này ông, thật có bản ngã như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có, nhưng bản ngã ấy như thế không bị hoàn toàn đoạn diệt. Lại còn một bản ngã khác có thiên tánh, có sắc, thuộc dục giới, ăn các đồ ăn đoàn thực. Bản ngã ấy ông không biết, ông không thấy. Bản ngã ấy tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân hoại, bị hủy nát tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt".
  3. Luận chấp 3 – [tà kiến 53]: Một vị khác lại nói: "Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có. Nhưng bản ngã ấy như thế không bị hoàn toàn đoạn diệt. Lại còn một bản ngã khác có thiên tánh, có sắc, do ý tạo thành, mọi chi tiết tay chân lớn nhỏ đều đầy đủ, không khuyết một căn nào. Bản ngã ấy ông không biết, ông không thấy. Bản ngã ấy tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân hoại bị hủy nát, tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt" – [thuộc sắc giới].
  4. Luận chấp 4 – [tà kiến 54]: Một vị khác lại nói: "Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có. Nhưng bản ngã ấy như thế không bị hoàn toàn đoạn diệt. Lại còn một bản ngã khác vượt ngoài tất cả sắc tưởng, diệt trừ các tưởng chống đối, không ức niệm các dị tưởng, nhận hiểu hư không là vô biên. Ðạt đến không vô biên xứ. Bản ngã ấy ông không biết, ông không thấy. Bản ngã ấy tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân hoại, bị hủy nát tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt" – [thuộc không vô biên xứ].
  5. Luận chấp 5 – [tà kiến 55]: Một vị khác lại nói: "Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có. Nhưng bản ngã ấy như thế không bị hoàn toàn đoạn diệt. Lại còn một bản ngã khác vượt ngoài tất cả không vô biên xứ, nhận hiểu: Thức là vô biên. Ðạt đến Thức vô biên xứ. Bản ngã ấy ông không biết, ông không thấy. Bản ngã ấy tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân hoại, bị hủy nát, tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt" – [thuộc thức vô biên].
  6. Luận chấp 6 – [tà kiến 56]: Một vị khác lại nói: "Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có. Nhưng bản ngã ấy như thế không bị hoàn toàn đoạn diệt. Lại còn một bản ngã khác vượt ngoài tất cả Thức vô biên xứ, nhận hiểu: không có sở hữu. Ðạt đến Vô sở hữu xứ. Bản ngã ấy ông không biết, ông không thấy. Bản ngã ấy tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân hoại bị hủy nát, tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt" – [thuộc vô sở hữu xứ].
  7. Luận chấp 7 – [tà kiến 57]: Một vị khác lại nói: "Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có. Nhưng bản ngã ấy như thế không bị hoàn toàn đoạn diệt. Lại còn một bản ngã khác vượt ngoài tất cả Vô sở hữu xứ, nhận hiểu: Ðây là tịch tịnh, đây là mỹ diệu. Ðạt đến Phi tưởng Phi phi tưởng xứ. Bản ngã ấy ông không biết, ông không thấy. Bản ngã ấy tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân hoại, bị hủy nát tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt" – [thuộc phi tưởng phi phi tưởng xứ].


− Hiện tại Niết Bàn luận với 5 luận chấp – [chấp trước sự tối thượng hiện tại Niết Bàn của loài hữu tình]:

  1. Luận chấp 1 – [tà kiến 58]: Có Sa-môn hay Bà-la-môn chủ trương và quan niệm: "Khi nào bản ngã này tận hưởng, sung mãn năm món dục lạc, như thế bản ngã ấy đạt đến tối thượng Niết Bàn của loài hữu tình".
  2. Luận chấp 2 – [tà kiến 59]: Một vị khác lại nói: "Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có. Nhưng bản ngã ấy như thế, không phải hoàn toàn đạt đến tối thượng Niết Bàn. Vì cớ sao? Vì rằng tính của dục lạc là vô thường, khổ, biến dịch. Vì tánh của chúng là biến dịch, chuyển hóa, nên ưu, bi, khổ, muộn, não phát sanh. Khi nào bản ngã ấy ly các dục lạc, ly các ác pháp, đạt đến và an trú vào đệ nhất thiền; thiền định này có tầm, có tứ, có hỷ và có lạc, do ly dục sanh. Như thế, bản ngã ấy đạt đến tối thượng hiện tại Niết Bàn".
  3. Luận chấp 3 – [tà kiến 60]: Tương tự như trên … Vì ở đây thiền định ấy có tầm, có tứ nên gọi là thô tháo. Khi nào bản ngã ấy có tầm và tứ, đạt đến và an trú đệ nhị thiền…
  4. Luận chấp 4 – [tà kiến 61]: Tương tự như trên … Vì cớ sao? Vì ở đây tâm trí có hỷ và bị kích động nên gọi là thô tháo. Khi nào bản ngã ấy không tham hỷ, trú xả, chánh niệm, chánh trí, thân hưởng lạc mà các bậc thánh gọi là Hỷ niệm lạc trú - đạt đến và an trú đệ tam thiền…
  5. Luận chấp 5 – [tà kiến 62]: Tương tự như trên … Vì cớ sao? Vì ở đây tâm thọ lạc nên gọi là thô tháo. Khi nào bản ngã ấy xả lạc và xả khổ, diệt trừ hỷ và ưu về trước, đạt đến và an trú vào đệ tứ thiền. Thiền này không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Như thế, bản ngã ấy đạt đến tối thượng hiện tại Niết Bàn".
     Này các Tỷ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: "Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy". Như Lai tuệ tri như vậy.
     Ngài tuệ tri hơn thế nữa, và Ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri như vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn không có chấp thủ.
     Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.


 Tóm lại:

− 62 luận chấp nêu trên được nêu ra, tất cả những vị này có những cảm thọ (những chủ trương trên) do sự xúc chạm qua sáu xúc xứ. Do duyên với những cảm thọ mà tham ái phát khởi; do duyên tham ái, thủ phát khởi; do duyên thủ, hữu phát khởi; do duyên hữu, sanh phát khởi, do duyên sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não phát khởi. Này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo như thật biết sự tập khởi, sự diệt trừ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sáu chỗ xuất xứ, vị ấy sẽ có một sự hiểu biết vượt ra ngoài những điều trên.
− Tất cả những vị này đều bị bao trùm bởi lưới của sáu mươi hai luận chấp này, dầu chúng nhảy vọt lên, chúng vẫn bị hạn cuộc bao phủ ở nơi đây.
− Cũng ví như người đánh cá lành nghề hay người học đánh cá vung lưới trên mặt hồ nước nhỏ có mắt sít sao. Người ấy nghĩ: "Những con cá lớn ở trong hồ nước nhỏ này, tất cả chúng đều bị bao phủ trong tấm lưới này, dầu chúng có nhảy vọt lên, chúng vẫn bị hạn cuộc bao phủ ở nơi đây".

Tuesday September 7, 2021
Các bài viết khác :