Khemārāma tổng hợp và tóm tắt
“Manopubbaṅgamā dhammā, Manoseṭṭhā manomayā; Manasā ce paduṭṭhena, Bhāsati vā karoti vā, Tato naṃ dukkham anveti, Cakkaṃ’va vahato padaṃ”. |
Mind precedes all mental states. Mind is their chief; They are all mind-wrought. If with an impure mind a person speaks or acts Suffering follows him like the wheel that follows the foot of the ox. |
Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo; Nếu với ý ô nhiễm, Nói lên hay hành động, Khổ não bước theo sau, Như xe, chân vật kéo. |
Tích truyện pháp cú:
Được thuyết giảng tại Sāvathī nói về trưởng lão Cakkhupāla (Đại đức mù Hộ Nhãn).
<> Câu chuyện về hai anh em trưởng giả Mahāpāla và Cullapāla:
Trong thành Sāvathī bấy giờ có ông đại phú hào tên Mahāsuvaṇṇa, gia tài đồ sộ nhưng lại hiếm muộn con cái. Một hôm, nhân dịp đi tắm ở bến tắm về, dọc đường ông gặp một cây Đại lâm thọ, tàng nhánh sum suê, nghĩ rằng trên cây ấy có thần linh ngự trị nên ông đã dọn dẹp, trang hoàng nơi ấy rồi ước có một đứa con. Không bao lâu sau vợ ông có thai và sinh ra một cậu con trai, ông nghĩ vì trên cây có thần linh đã phù hộ cho mình nên ông đặt cho đứa con là Pāla (protecter). Sau này, người vợ sanh thêm con trai nữa, ông gọi đứa nhỏ là Culla Pāla (Tiểu Hộ) và đứa lớn là Mahā Pāla (Đại Hộ). Ông bà Mahāsuvaṇṇa sau khi xây dựng gia đình cho hai con rồi lần lượt qua đời, để tại tài sản đồ sộ cho hai người con.
<> Anh trai Mahāpāla xuất gia:
Thời bấy giờ, Đức Bổn Sư đã chuyển bánh xe Pháp bảo, sau khi tuần tự trải đi hoằng hóa nhiều nơi, Ngài tạm dừng bước du hành ngự đến an ngự tại Jetavana Mahāvihāra. Savatthī lúc bấy giờ rất phồn thịnh, phần lớn sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp đều nhập dòng thánh đạo. Một hôm trưởng giả Mahāpāla thấy đoàn người mang hoa trên tay, vải, nước v.v… Khi được biết những người ấy đi nghe pháp, trưởng giả cũng xin nhập chung đoàn. Đức Giáo Chủ sau khi quán xét căn cơ trình độ của Trưởng giả Mahāpāla, Ngài đã thuyết bài pháp gọi là “Tuần tự pháp thoại” (Anupubbīkathā), nghĩa là ngài lần lượt giảng giải liên tục về năm pháp kế tiếp nhau từ bố thí, trì giới, các nhàn cảnh đến tội ngũ trần và phước báu của bậc xuất gia. Ngồi yên nghe pháp, Trưởng giả Mahāpāla ngẫm nghĩ: “Khi mình lìa đời đi sang thế giới bên kia, thì con trai con gái đều chẳng theo mình, nhà cửa ruộng vườn cũng đều bỏ lại, thậm chí xác thân cũng không còn làm bạn đồng hành, nào có ích chi mà ta mải miết đeo giai gánh nặng gia đình, ta phải xuất gia mới được”. Đức Phật dạy trưởng giả Mahāpāla về hỏi ý kiến của em trai trước khi xuất gia. Mặc dù trưởng giả Cullapāla khuyên ngăn, kêu gào than khóc, trưởng giả Mahāpāla dứt tình ra đi, đến chỗ Đức Bổn Sư đang ngự và xin xuất gia nhập đạo nơi Ngài.
<> Đại đức Mahāpāla xin đề mục tu tập và ra đi an cư mùa mưa cùng 60 Tỳ-khưu:
Mãn hạ thứ năm, Đại đức Mahāpāla hỏi Thế Tôn có bao nhiêu pháp tất yếu ở đời. Phât dạy:
--“Này Tỳ khưu! Chỉ có hai pháp tất yếu mà thôi, đó là pháp học và pháp hành vậy: Tùy theo trí tuệ của mình, học hỏi ôn nhuần một hay hai bộ kinh (Nikāya) hoặc toàn bộ Tam Tạng (Tipiṭaka) ghi chép Phật Ngôn, sau khi đã thành thuộc đem ra đọc tụng thuyết giảng để giáo hóa chúng sanh, đó gọi là Pháp học (Ganthadhura). Còn như cam chịu sống cảnh thanh bần đạm bạc (Sallahukavutti) vui thích ở nơi vắng vẻ hẻo lánh (Pantasenāsanabhirata), ngày đêm hằng nhớ tưởng đến tánh chất vô thường dị diệt của bản ngã (Attabhavekkayaviya), rồi bền chí kiên gan, hành thiền đắc Tuệ Minh Sát để dứt trừ phiền não, để chứng bậc Vô sanh (Arahattagahana), đó gọi là pháp Hành (Vipassanādhura) vậy.”
-- Bạch hóa Tôn Sư! Đệ tử nay là kẻ cao niên xuất gia (Mahāllakakālepabbajita) không kham theo đuổi Pháp học cho đến ngày thành tựu hoàn toàn, còn Pháp hành thì đệ tử còn có thể làm cho kết quả mỹ mãn được. Cúi xin Tôn Sư truyền dạy đề mục (Kammaṭṭhāna) cho đệ tử.
Sau khi được chỉ dạy và đảnh lễ từ tạ Đức Tôn Sư, thầy đi tìm thêm được sáu mươi vị Tỳ khưu làm bạn đồng tu, rồi cùng nhau cất bước ra đi hành đạo, đi được quãng đường một trăm hai mươi do tuần (Visayojanasatamagga). Chư Sư đến một thị trấn nhỏ sát biên giới, Đại đức Mahāpāla hướng dẫn cả đoàn chư Tăng vào đó trì bình khất thực. Thấy chư Sư oai nghi tế hạnh và biết quý ngài muốn tìm một vị trí để an cư nhập hạ nên đã thỉnh quý Sư ở lại và xây dựng tinh xá cho quý ngài tu tập. Trong mùa hạ ấy, trong khi chư Tỳ-khưu thọ trì cả 4 oai nghi thì ngài trưởng lão Mahāpāla chỉ giữ ba oai nghi trừ oai nghi nằm. Cuối tháng thứ nhất, Đại đức Mahāpāla cảm thấy đôi mắt xốn xang vì sự bỏ ngủ. Qua tháng thứ hai Ngài bị đau mắt thật sự, từ hai khóe mắt nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng như hai vòi nước tuôn ra từ một cái lu nước lủng. Tuy vậy, Đại đức vẫn tiếp tục hành thiền Minh sát cả đêm thâu, mãi đến lúc mặt trời sắp rạng, Đại đức mới vào ngồi tịnh trong cốc.
<> Đại đức bị mù sau khi từ chối phương pháp chữa trị cho đôi mắt (vì đã phát nguyện ngăn oai nghi nằm):
Hôm sau đến giờ đi bát, các Tỳ-khưu thấy mắt ngài giàn giụa nước nên các Tỳ-khưu đã báo cho vị y sĩ. Vị nầy liền chế một thứ thuốc dầu, gởi chư Tăng đem về dâng lên Đại đức Mahāpāla, Ngài vẫn giữ oai nghi ngồi mà nhỏ thuốc lên mũi. -- “Thuốc này vốn dĩ chỉ cần nhỏ một lần vào mũi là khỏi bệnh nhưng nay Đại đức dùng rồi mà chưa hết bệnh là bởi cớ sao?”, rồi ông lên tiếng hỏi nữa rằng: -- “Bạch Đại đức chẳng hay Đại đức nằm hay ngồi mà nhỏ thuốc vậy?” Đại đức Mahāpāla làm thinh, mặc dù vị ấy lặp lại câu hỏi ấy nhiều lần, Ngài vẫn nín lặng không đáp. Ngài bảo vị y sĩ đi về trước để mình bàn tính. Ngay bấy giờ, Đại đức Mahāpāla không có gia đình quyến thuộc chỉ ở tại nơi ấy để cùng thảo luận hoặc thăm dò ý kiến. Vì thế Đại đức tự mình hỏi lấy mình rằng: “Hỡi này Pāla hiền hữu, hãy nói cho ta biết hiền hữu xem đôi nhục nhãn của mình hay giáo pháp của Đức Giác Ngộ là đáng quý trọng hơn?”. Và Đại đức cũng tự trả lời câu hỏi của mình như vầy: “Từ đời vô thủy dĩ lai, trải qua hằng hà sa số kiếp, chìm nổi trôi dạt trong biển luân hồi, hiền hữu vẫn sống mãi trong cảnh đui mù tăm tối. Trong khoảng thời gian ấy không thể đem kể xiết là bao nhiêu trăm Đức Phật, bao nhiêu ngàn Đức Đại Giác đã thành đạo chứng quả, còn kiếnvăn, tri thức của hiền hữu không đủ bao trùm thời kì của một Đức Phật trong số chư Phật quá khứ, bây giờ đây hiền hữu đã phát nguyệ: “Trong hạ kỳ nầy! Ta sẽ ngăn oai nghi nằm suốt cả ba tháng”. Vậy thì dù cho đôi mắt của hiền hữu có đui mù hư hoại đi chăng nữa cũng mặt kệ cho nó đui mù hư hoại. Hiền hữu chỉ cần kiên trì Giáp pháp của Đức Đại Giác mà thôi”.
<> Ngài đại đức Mahāpāla và 60 Tỳ-khưu chứng quả vô sanh sau mùa hạ:
Vị y sĩ khi biết được chuyện tình đã không hài lòng và từ bỏ đại đức. Đến cuối canh giữa đêm ấy không trước không sau, thì hai mắt của Ngài vĩnh biệt ánh sáng, nhưng đồng thời tâm của Ngài cũng đoạn ly tất cả tiềm miên phiền não. Sáng hôm sau, đến giờ đi bát ngài bảo các Tỳ-khưu hãy đi đi còn ngài không đi được nữa vì mắt ngài đã bị hỏng rồi. Các Tỳ khưu sau khi nhìn thấy đôi mắt mù của Đại đức Mahāpāla, cả thảy đều động lòng, quanh tròng lệ ứa. Cư sĩ biết được chuyện ấy càng sanh lòng thương mến, nguyện hết lòng chu cấp, phụng dưỡng cho đại đức. Đại đức Mahāpāla vẫn thường khuyên bảo nhắc nhở các bạn đồng đạo và chư Tỳ khưu cũng biết phục thiện, tinh tấn thực hành theo lời chỉ dạy của vị trưởng đoàn một cách rốt ráo, cho đến kì Tự Tứ sau đó, tất cả sáu mươi vị Thiền Sư cũng đều đắc quả A La Hán với Tuệ phân tích. Sau khi mãn hạ, chư Tỳ-khưu có tâm nguyện muốn về đảnh lễ đức Thế Tôn, đại đức Mahāpāla nghĩ rằng mình bị mù lòa như vậy sẽ làm cản trở các Tỳ-khưu khác nên bảo các TK hãy đi về trước và dặn đến báo với người em trai Cullapāla về tình trạng của ngài, chắc chắn trưởng giả Cullapāla sẽ cho người đến đón ngài.
<> Sadi Tế Hộ hầu sư cửu và phạm giới với nữ nhân:
Khi ấy, chư Tăng làm lễ Sa di cho Tế Hộ (người cháu gọi trưởng giả bằng cậu), giữ ông lại trong nữa tháng để kềm tập những oai nghi thường thức, nhất là tập cách đắp y cho đàng hoàng, xong rồi chỉ vẽ đường đi nước bước và cầu chúc cho vị tu sĩ thiếu niên thượng lộ bình an. Sau khi đảnh lễ vấn an Đại đức Mahāpāla, Sa di Tế Hộ ở luôn nơi Tịnh xá nữa tháng, chăm lo quán xuyến các việc lớn nhỏ, giúp đỡ tay chân cho vị Sư mù, hết lòng phụng dưỡng người cậu tật nguyền của mình một cách chu đáo, sau đó ông bạch với Đại đức: “Bạch Sư cửu. Cậu Cullapāla ở nhà, hiện đang mong chờ Sư cửu! Xin thỉnh Sư cửu đi về với con”. -- Thế thì con hãy cầm gậy dắt ta đi. Vị Sư trẻ nắm lấy một đầu gậy, cùng vị Đại đức đi vào trung tâm thị trấn nhỏ, nhóm thiện tín đón rước, khi biết ngài ra đi, họ vô cùng buồn khổ, ngậm ngùi lưu luyến, mắt lệ chứa chan.
Vị Sa di tay vẫn không rời gậy, dắt vị Đại đức tiếp tục cuộc hành trình. Đi đến một thôn trang ở ven rừng tên là Katthanagara (Mộc Thanh), gần nơi đó Ngài có tịnh cư một lúc trước. Vừa ra khỏi làng, bỗng nghe trong rừng vọng ra tiếng hát của một người đàn bà (itthī) đang mót củi, vị Sư trẻ phát động tình xuân, luyến ái tiếng hát của người phụ nữ. Mê mẩn vì giọng hò tiếng hát ấy, vị Sa di buông rơi đầu gậy vừa bạch với vị Đại đức rằng: “Xin Sư cứ đứng đây chờ, con đi có chút việc…”. Nói đoạn ông ta đi ngay đến chỗ người nữ, cô này ngưng ngang tiếng hát khi thấy ông Sa di và ông ta phá giới, làm hư phạm hạnh với người phụ nữ ấy. Vị Đại đức đứng một mình suy nghĩ: “Ta vừa mới nghe tiếng hát véo von rõ ràng là tiếng phụ nữ, sao bây giờ im bặt lặng thinh. Chắc ông Sadi này đã làm hư hỏng phạm hạnh” và Sadi Tế hộ đã hết đặc quyền được nắm gậy cho vị đại đức cao quý.
-- - Bạch Sư cửu! Khi trước con là một Sa di, nhưng bây giờ con đã xả giới hoàn tục (gihījāto), con chỉ miễn cưỡng xuất gia vì đã e ngại đường xá hiểm trở, chớ thật lòng con không có ý muốn đi tu luôn. Thôi bây giờ cậu cháu mình hãy đi ra khỏi chốn này.
-- Ông bạn (āvuso) cứ đi, Đại đức nói: Hễ kẻ nào làm tội thì đã là kẻ phạm tội, dù là cư sĩ hay bậc xuất gia cũng vậy. Khi còn là Sa di ông đã không giữ tròn phạm hạnh, bây giờ hoàn tục ông sẽ làm được việc thiện gì sao? Một kẻ tội phạm như ông, không bao giờ ta cho nắm giữ gậy của ta. Mặc dù người cháu đã năn nỉ được theo hầu đại đức vì khu vực này có rất nhiều phi nhân nhưng ngài vẫn cương quyết: -- “Nầy ông bạn, ông chớ lo chi điều ấy. Ta sẽ nằm đây chờ chết, hoặc đi lang thang một mình đây đó cũng mặc kệ ta, còn đi chung với ông nữa, chuyện đấy chắc chắn không thể đâu đừng hòng…
… Than ôi mắt đã bị mù!
Đường còn xa vắng âm u lạnh lùng.
Đành liều thân, chịu mạng chung,
Quyết không kết bạn, đi cùng đứa ngu”.
Nghe qua bài kệ, Tế Hộ càng thêm kinh hoàng, hối hận kêu lớn mấy tiếng: “Hỡi ơi! Việc quấy rầy của ta làm, quả thật nặng nề ác liệt”. Rồi tự ôm chầm lấy hai vai, chàng khóc than rên rỉ và đi tuốt vô rừng biệt dạng.
<> Thiên chủ Sakka hầu ngài đại đức:
Khi ấy chiếc ngai vàng của thiên chủ Sakka do oai lực của ngài đại đức nên đã nóng lên. Khi ấy, Đức Đế Thích nghĩ thầm: “Nếu ta bỏ qua không tiếp độ một người có tâm trong sạch, biết ghê sợ tội lỗi, tôn trọng giới luật như vị Sư nầy, chắc có lẽ đầu ta nứt bể thành bảy mảnh. Ta phải xuống đó giúp người mới được”. Vua trời Sakka hóa hiện làm một người lữ hành đi về thành Sāvatthī và ngỏ ý được đi cùng được với ngài trưởng lão cho vui. Đức Đế Thích vâng lời vị Đại Đức, rồi dùng phép thu đất, rút ngắn con đường, cho nên sáng hôm sau hai khách lữ hành đã đến Đại Tự Jetavana và cũng chính lúc ấy đại đức biết rằng người bạn này không phải là một người bình thường. Đức vua Trời dẫn vị Đại Đức đến cốc lá của Trưởng giả Cullapāla đã cất riêng cho anh mình về ở tịnh. Dìu Đại đức ngồi xuống một cái đôn, rồi biến hình hóa ra một người bạn thân thiết của Trưởng giả Cullapāla, sau đó vua trời đi luôn.
<> Đại đức Mahāpāla phạm giới?
Trưởng giả Cullapāla đi đến Tịnh xá, gặp mặt Đại đức Mahāpāla thì nữa mừng nữa tủi, nằm lăn xuống đất bên chân Đại đức mà khóc nức nở. Sau những lời hàn thuyên an ủi của người anh bất hạnh của mình, Trưởng giả về nhà chọn lựa hai đứa tiểu đồng, đưa đến cho xuất gia Sa di làm đệ tử của Đại đức, rồi giao phó cho chúng phận sự trông nom, phục dịch thầy Tế Độ. Có nhóm Tỳ-khưu đến đảnh lễ Thế Tôn sẵn tiện muốn ghé thăm đại đức. Đêm đó mưa to cả đêm, Đại đức Mahāpāla bản tánh chuyên cần tinh tấn, năng đi kinh hành nên đến canh cuối đã xuống chỗ kinh hành, không ngờ lúc ấy từ dưới lòng đất ướt lạnh vì trận mưa đầu hôm, mấy con mối cánh chúng lên cả đàn cả lũ, vị Đại đức đi đi lại lại đạp chết rất nhiều. Hai ông Sa di chưa kịp quét dọn chỗ Đại đức kinh hành ấy. Khi các khách Tăng biết đại đức Mahāpāla là người đạp chết các con mối, chư Tăng bất mãn, buông lời phiền trách. Chư Tỳ-khưu bạch Thế Tôn, ngài dạy: -- “Các ông không thấy ông ta như thế nào, thì ông ta cũng không trông thấy những chúng sanh kia như thế ấy. Nầy các Tỳ khưu, các bậc đã dứt trừ lậu hoặc không còn tác ý sát sanh”.
<> Nghiệp quá khứ của đại đức Mahāpāla:
-- Bạch Ngài! Đại đức Mahāpāla có đầy đủ căn lành để đắc quả A La Hán như thế, tại sao còn phải chịu mù?
-- Nầy các Tỳ khưu! Đó là tiền nghiệp bất thiện của ông ta vậy.
Thế Tôn kể câu chuyện quá khứ:
Dưới vương triều của quốc vương Bārāṇasī (Ba La Nại), có một ông y sĩ du phương, gặp một phụ nữ đau mắt, bà ta hứa rằng nếu vị y sĩ có thể chữa khỏi mắc cho bà, bà nguyện đưa con gái đến làm tôi mọi cho vị thầy thuốc suốt đời. Sau khi nhỏ một lần thuốc từ vị y sĩ, mắt của người phụ nữ đã khỏi hẳn. Tuy nhiên, vì muốn quỵt lời, người phụ nữ đã nói dối rằng thuốc của người y sĩ đã làm cho mắt bà ta càng ngày càng tồi tệ hơn. Điều này đã làm vị y sĩ phẫn nộ, bằng chế ra một loại thuốc có sức công phạt cực mạnh và bảo người phụ nữ nhỏ vào. Nhỏ thuốc vừa xong, hai con mắt của phụ nữ tắt lịm ánh sáng, y như ngọn đèn hết dầu. Ông thầy thuốc có dã tâm ấy là Tỳ khưu Cakkhupāla hiện nay vậy.
<> Bài kệ pháp cú:
Nầy các Tỳ-khưu! Nghiệp ác chưa trả quả vẫn đeo đuổi con của Như Lai mãi cho đến hết kiếpvnày. Vì nghiệp ác luôn luôn theo đuổi theo kẻ làm ác, y như bánh xe theo sát gót chân con bò kéo xe vậy.