Khemārāma tổng hợp và tóm tắt
Anikkasāvo kāsāvaṁ Yo vatthaṁ paridahessati Apeto damasaccena Na so kāsāvam arahati. |
Whoever being depraved, devoid of self-control and truthfulness, shoulddon the monk's yellow robe, he surely is not worthy of the robe. |
Ai mặc áo cà sa, tâm chưa rời uế trược, không tự chế, không thực, không xứng áo cà-sa. |
Yo ca vantakasāv' assa Sīlesu susamāhito Upeto damasaccena Sa ve kāsāvam arahati. |
But whoever is purged of depravity, well-established in virtues and filled with self- control and truthfulness, he indeed is worthy of the yellow robe. |
Ai rời bỏ uế trược, giới luật khéo nghiêm trì, tự chế, sống chơn thực, thật xứng áo cà-sa. |
(*) Tích truyện pháp cú:
Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến Devadatta thọ lãnh y quý giá ở thành Rājagaha (Vương Xá).
(*) Trưởng lão Sāriputta giảng pháp bố thí và kêu gọi người đồng bố thí:
Trưởng lão Sāriputta thuyết pháp về bố thí, khuyến khích nếu hàng cư sĩ tại gia tự mình làm phước cúng dường vừa khuyến rủ nhiều người khác làm chung với mình thì hàng trăm hoặc hàng ngàn hoặc hàng trăm kiếp tái sanh ở nơi nào cũng được đầy đủ cả hai phương diện tài sản dồi dào, tùy thuộc đông đảo.
Một vị nam cư sĩ hiền trí nghe xong, liền thỉnh mời ngài trưởng lão cùng chư Tăng hôm sau đến nhà mình thọ thực. Trên đại lộ vào thành, gặp người nào ông thiện nam ấy cũng rủ: “Nầy quý ông bà, tôi xin thỉnh Trai Tăng được một ngàn vị sư. Quý ông có thể hùn phước cúng dường chừng bao nhiêu vị? Quý bà chừng bao nhiêu vị?”. Mỗi người hứa cúng nhiều ít tùy theo phương tiện của mình. Họ nói: “Chúng tôi xin cúng mười vị, chúng tôi hai mươi vị, chúng tôi ba mươi vị, chúng tôi một trăm vị…”.
(*) Bộ y quý giá xứ Gandhāra bị dư:
Khi vật thực đã chuẩn bị đủ cả rồi thì có một trưởng giả xin hùn phước môt bộ y quý giá xứ Gandhāra với lời dặn: nếu vật thực thiếu thì cứ bán bộ y lấy tiền để sắm vật thực, nếu vật thực đã đủ rồi thì cứ tùy nghi dâng cho vị đại đức nào thì dâng. Một nhóm người đề nghị dâng cho trưởng lão Sāriputta, nhóm còn lại đề nghị dâng cho đại đức Devadatta.
(*) Tỳ-khưu Devadatta huênh hoang vì được bộ ý hiếm có:
Sau khi thảo luận rất lâu, nhiều người vì chỗ cảm tình quen biết, đồng ý chấp thuận dâng xấp vải y quý giá đến Tỳ khưu Devadatta. Được vải, Devadatta cắt đôi ra làm y nội và y vai trái (hạ và thượng y) may, nhuộm xong, liền mặc y mới đi tới đi lui. Nhiều người thấy vậy nên chướng mắt, đã bình luận, phê phán, chê bai.
(*) Đức Thế Tôn kể câu chuyện quá khứ:
Một vị Tỳ-khưu du hành từ Rājagaha về Sāvatthī và kể lại cho đức Thế Tôn toàn bộ sự tình. Đức Phật kể câu chuyện tiền thân: -- Nầy Tỳ khưu! Không phải kiếp nầy Devadatta mới lạm đắp y vàng đâu. Hồi tiền kiếp, ông ta cũng từng lạm đắp y vàng như thế rồi.
Xưa kia, dưới triều của Quốc vương Brahmadatta, đóng đô tại thành Bārāṇasī, có một người thợ săn cư ngụ trong thành. Anh ta chuyên nghề săn bắn voi lấy ngà, móng, ruột và thịt nạc voi đem bán để chi độ hộ khẩu. Trong rừng nọ có một đàn voi lớn cả ngàn con, trên đường đi kiếm ăn thường gặp chư Phật Độc giác, chúng dừng lại quỳ gối đảnh lễ rồi mới đi. Tên thợ săn trông thấy như vậy, bèn hiểu ra do bộ y vàng nên đàn voi sẽ biết đó là chư Phật Độc giác. Vậy là canh lúc một vị Độc giác Phật xuống sông tắm, hắn ta lấy trộm một bộ y, rồi ra chỗ đường mà voi năng đi lại, tay lăm le cầm cây lao nhọn đắp y lên che kín, ngồi chờ. Đàn voi tưởng hắn ta là Phật nên đã dừng lại đảnh lễ. Tên thợ săn chờ cho đàn voi qua hết, rút lao ra phóng giết con đi sau cùng, lấy ngà, móng, ruột, thịt nạc rồi còn dư bao nhiêu đều đào đất chôn cho mất tích, đoạn anh ta rời khỏi rừng đi về thành.
Kiếp đó, đức Bồ Tát là tượng chúa. Thấy số lượng đàn voi càng ngày càng hao hụt, biết đồng loại đã gặp nạn nên Bồ Tát đi cuối cùng. Tên thợ săn là vị Phật giả mạo, chờ đàn voi đảnh lễ qua hết rồi, khi thấy Bồ Tát từ từ đi tới phía sau cùng, bèn lập tức vén y lên, nhắm ngay chỗ nhược của Tượng chúa phóng cây lao tới. Bồ Tát tính dùng vòi quấn và đạp chết hắn ta. Ngay lúc ấy, tên thợ săn đã cởi tốc chiếc y vàng lên cao cho Tượng chúa thấy. Tượng chúa nghĩ thầm: “Nếu ta sát hại tên nầy, thì ta sẽ mất mặt đối với chư Phật Toàn Giác, Độc Giác và A La Hán chẳng sai”. Sau khi cảnh tỉnh tên thợ săn ác độc, Bồ Tát nói rằng việc làm của hắn là không xứng đáng một chút nào. Cuối cùng, Bồ Tát thả hắn đi.
(*) Đức Phật nhận diện tiền thân và thuyết bài kệ pháp cú:
Kết thúc thời pháp, đức Thế Tôn nhận diện tiền thân: tên thợ săn ác độc là Devadatta còn tượng chúa là Như Lai. Nói rồi, ngài thuyết bài kệ:
“Anikkasāvo kāsāvaṃ,
Yo vatthaṃ paridahessati;
Apeto damasaccena,
Na so kāsāvam arahati”.
“Yo ca vantakāsāv’assa,
Sīlesu susamāhito;
Upeto damasaccena,
Sa ve kāsāvam arahatīti”.